NỖI ĐAU MÙA TẾT XƯA - TIẾC THƯƠNG NGÀY CŨ

Bài 1/

     NỖI ĐAU MÙA TẾT XƯA

Hương tản bộ trên con đường đất nhỏ đi vào nghĩa trang. Trời chiều cuối đông, không nắng, vẫn  còn lành lạnh,cái lạnh đông còn sót lại,  một làn gió nhẹ nhàng bay bay tà áo dài trắng, trời buồn, lòng Hương cũng tê tái theo...
        Hôm nay đã là tuần lễ cuối của tháng Chạp, còn ít hôm nữa đến Tết rồi, lại sang một năm mới, lòng Hương buồn ảm đạm.
        Con đường đất  nhỏ đi vào khu mộ sao mà vắng vẻ quá, một mình  Hương đi hun hút vào mãi xa, mộ Mẹ Hương ở đó.Trên tay cầm bó nhang thơm  gói trong tờ báo cũ, vừa đi Hương vừa nhớ, nhớ Mẹ khôn cùng, người Mẹ yêu dấu, một đời vì chồng vì con, nhớ những ngày xưa yêu dấu... muốn rơi nước mắt.
            -Mẹ ơi, con đến thăm Mẹ đây!
        Hương thắp nhang, mắt nhìn sâu thẳm vào căn mộ, miên man nhớ...

        Năm ấy, gia đình Hương sống êm ấm bên nhau, Hương là chị cả, em Giao kém chị chín mười tuổi, căn nhà nhỏ ở ngoại ô thị xã, đầy hương hoa hạnh phúc. Ba Hương, một họa sĩ  sống đạm bạc với niềm đam mê nghệ thuật, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm đẹp được mọi người yêu mến, thưởng lãm, ông yêu thương vợ con và yêu quý  tranh vô bờ, như lẽ sống không thể thiếu.
        Hương đi học xa, chỉ về nhà vào các dịp lễ Tết. Ba mẹ chăm sóc hai chị em Hương từng chi tiết nhỏ, về SaiGon thăm con, ba mua từng hộp thuốc bổ, từng chai dầu gội tóc cho con gái. Mẹ lo cho chị em Hương không thiếu thứ gì, căn dặn đủ điều khi Hương xa nhà.
        Mẹ Hương buôn bán nhỏ, một tiệm tạp phẩm ngay tại nhà, mẹ bảo bán ở nhà tiện lắm có thể quán xuyến việc nhà cùng với ba có thêm thu nhập nuôi nấng các con,  chẳng dư giả bao nhiêu nhưng cũng đủ trang trải chi phí trong nhà và lo cho chị em Hương ăn học.

Những ngày tháng êm ấm hạnh phúc ấy, Hương chỉ biết cố gắng học tập, vui chơi với em trong tình yêu thương chan hòa, đùm bọc của ba mẹ.

        Nhà Hương ở mãi vùng núi cao, cao nguyên Pleiku, một vùng núi xa xôi như tên gọi " Phố Núi " trong bài hát của Phạm Duy, câu hát cứ vấn vương mãi trong Hương "...Phố Núi cao, Phố Núi đầy sương....Trời thấp thật buồn, đi dăm bước đã về chốn cũ,...còn một chút gì ...để nhớ ...để thương...."
        Mùa Xuân năm ấy, Hương về nhà, những ngày Xuân này theo Hương phải là những ngày vui vô tận, đi học xa nhà, được về nghỉ Tết, đón năm mới hạnh phúc, sung sướng biết bao!
        Ở Saigon, bù đầu với bài vở, thi cử Hương có bao giờ nghĩ rằng đất nước thân yêu đang trong cơn binh lửa, ba mẹ cũng chẳng nói gì với con gái, để con yên tâm học hành.
        Chiến tranh đã bắt đầu từ lâu rồi, ai cũng biết,  chiến sự đang leo thang từng ngày...
        Hương nghe mọi người xôn xao, bàn tán, thế mà Hương vẫn vô tư, yêu đời, chẳng mảy may suy nghĩ điều gì.
        Trên chiếc máy bay Air VN đưa Hương từ SaiGon về Pleiku, lòng Hương lo lắng bâng quơ, mình phải làm gì khi chiến tranh xẩy ra...tự nhiên Hương nói nhỏ như một lời cầu xin ở đâu vọng về ..." Chiến tranh ơi, đừng đến..."
        Khung cảnh thành phố Pleiku đổi khác nhiều, suốt chặng đường từ sân bay về nhà, khoảng mười cây số,  Hương thấy nhà nào cũng có một hầm trú ẩn ở ngoài khuôn vi nhà, xếp hàng trăm bao cát chồng chất lên nhau, bốn bề, chỉ chừa lỗ hổng ra vào, vừa lọt người- Một nỗi lo lắng vô tình len lỏi vào tâm hồn cô sinh viên ngoan hiền, vô tư lự : Nỗi lo chiến sự bùng nổ và bao nhiêu hệ lụy của nó, lòng Hương bỗng chùng xuống...
        Về đến nhà, hôm nay, đã là hăm hai Tết, mẹ bảo với Hương:
        -Con đi chợ với mẹ,  mua các thứ cần dùng trong ngày Tết, mua trước ít hôm, chứ cận ngày đắt lắm, mai đã đưa Ông Táo về trời rồi, tiết kiệm chút nào hay chút ấy con ạ.
        Mẹ mua đủ thứ nào là bánh, mứt, hạt dưa, rượu ngọt, nếp, đậu, kẹo đủ loại,... cả lạt buộc và lá dong mai gói bánh chưng nữa. 
        Không khí Tết rộn ràng, vui quá!
        Chiều hôm ấy, Mẹ làm bữa cơm thật ngon lành chiêu đãi cả nhà, mừng con gái đi học xa mới về, thôi thì đủ món ngon mà ai cũng thích: Canh chua cá lóc, chả giò chiên ăn với bún và rau xà-lách cuộn( nhìn rau mơn mởn  mới ngon làm sao!), có cả tôm sú lớn rim ngọt nữa...Lâu lắm rồi Hương mới có bữa cơm tuyệt vời đến  thế, bên gia đình.
        Hôm nay, cũng hăm hai tháng Chạp, đứng trước mộ của Mẹ, hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má ngây thơ...
        -Mẹ ơi, con thương nhớ Mẹ vô cùng, Mẹ ơi...
        Hương không thể nào quên được mùa Tết đau thương năm xưa, mùa Xuân ấy đã cướp mất của Hương và gia đình người Mẹ yêu quý, người Mẹ không bao giờ tìm lại được,  không có gì thay thế được.
         Tết năm ấy, Hương và gia đình đã trải qua một cơn bão lớn...
           Chiều hôm ấy, ăn cơm  xong ba Hương bảo :
        -Các con, chơi một lúc rồi chín giờ tối đi ngủ sớm nhé, kẻo ban đêm khu vực này hay bị pháo kích lắm, hầm nhà mình hơi xa, không kịp chạy ra thì nguy hiểm lắm.
        Đêm đến, tiết trời giá lạnh, mặc một áo len mỏng không đủ ấm, Pleiku chỉ lạnh thua ĐàLat một ít,  Hương nghĩ thế và vội mặc thêm áo, mới thấy ấm đôi chút,  hai chị em vui đùa thật vô tư, em Giao ngủ lúc nào không hay.        Trong giấc ngủ, Hương mơ màng nghe tiếng gió rít từng cơn, gió thổi vù vù rờn rợn, cùng tiếng đạn réo lên, tiếng nổ ầm ì lớn nhỏ từ xa lắm vọng về.
 
       Mười một giờ đêm, cả nhà đang ngủ, yên lăng...Bỗng một tiếng nổ lớn, long trời, căn nhà rung chuyển, nền đất rung chuyển, kinh hoàng...Chị em Hương, ba Hương cùng như một lúc hét to, mặt cắt không còn chút máu, trắng bệch, sợ hãi quá, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập không tài nào giữ lại được, bỗng Ba hét to :        - Mẹ nó đâu ? Cả ba người cùng chạy vội xuống nhà dưới, Mẹ Hương đang nằm sóng soài trên nền xi măng dưới bếp        

  - Trời ơi ! Trời ơi ! Mẹ sao vậy Ba ơi ! Hương gào to...        Một phút im lặng hãi hùng ! Hai chị em Hương, rồi ba Hương  thét lên , la khóc, vật vã , Người Mẹ yêu quý đã ra đi mãi mãi,. mặc mọi người trong cơn  tuyệt vọng vô bờ ! Mẹ ngất đi vì tiếng nổ lớn, một quả pháo đã nổ cách nhà Hương không xa...Và, không còn hơi thở nào cứu được Mẹ !        Mẹ đã vĩnh viễn ra đi, từ mùa xuân năm đó.        Bao nhiêu năm qua, Hương vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hãi hùng, tuyệt vọng ngày xưa !        Cơn bão lớn đã cuốn Hương về một cuộc sống khác, mùa thu năm ấy, Hương phải nghỉ học, xa trường, xa các bạn thân yêu, ở nhà, bán hàng, cùng ba chăm sóc, nuôi nấng em Giao, đứa em bé bỏng, côi cút, đã nhiều đêm hết nước mắt vì nhớ thương Mẹ ! 
        Cô sinh viên ngây thơ, nhí nhảnh ngày nào nay đã già dặn hơn nhiều vì bổn phận mới chồng chất trên đôi vai bé bỏng...
.
        -Hương nói khẽ trong dòng nước mắt vừa lăn dài trên má : " Con thương nhớ Mẹ và biết ơn Mẹ vô cùng, Mẹ ơi !        Trên đường từ nghĩa trang về nhà, Hương tự nhủ với lòng mình, phải cố gắng lên, bản lĩnh hơn, vượt qua nỗi đau, đứng vững với đời, xây dựng tương lai,-Còn Ba và em Giao yêu quý đấy thôi !
        Câu hát :" Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, Tình Mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào..."  cứ quấn quýt mãi trong tâm  tưởng Hương...

*

Bài 2/

Một Chuyến Đi Xa

Cầm chiếc vé xe trên tay, lòng Hương bỗng nhẹ nhàng, rộn lên niềm vui khó tả, thế là mình sắp được gặp mẹ và các em rồi!


     Hương còn nhớ, cách nay không lâu, ngày mà Mẹ và các em Hương thu xếp đồ đạc, chất lên xe tải, chuyển về một nơi xa lắm, xa xứ Bụi Mù Trời này để đến một vùng trời xa lạ, không người quen biết, không người thân thương, Hương cứ ngậm ngùi mãi, tự hỏi tại sao Mẹ lại quyết định đưa các em đi xa thế, trong tay tiền bạc chẳng có là bao, mấy hôm ấy Mẹ Hương và các em cứ buồn bã thế nào ấy, nên Hương chẳng dám hỏi thêm. Ai không lo khi đi xa quá vậy, Hương nghe Mẹ nói lờ mờ :
        --Đi xuống Cà mau, chở gỗ cho một người quen, gỗ dưới ấy có giá lắm, khi bán họ sẽ chia một nửa, ở đây đắt đỏ quá con ạ, người ta nói Cà Mau sướng lắm, cá tôm, thóc gạo rẻ lắm, dễ sống hơn ở đây nhiều.

         Những tấm ván dài ba, bốn mét, rộng bốn, năm mươi phân đã xếp vào sàn xe từ lúc nào Hương cũng chẳng hay! Hương lo lắng- Mẹ có tin người quá không, họ có gạt mình không,- Mẹ bỏ thành phố đã sống hàng chục năm đi xa vậy sao? -Câu hỏi này Hương chưa có câu trả lời!
    Đêm về, Hương trằn trọc không ngủ được, hay là Mẹ buồn vì Ba không còn ở đây nữa, không được ở nhà, Ba đã đi xa, mãi phương Bắc...nơi nào, cả nhà chưa ai biết, cũng chưa thấy Ba tin tức gì về nhà...hình như đi học tập cho tiến bộ gì đó, ai cũng thương nhớ, lo lắng cho Ba vô cùng, ngày nào cũng trông ngóng, nhưng mịt mù có thấy gì đâu!

        Hương sửa soạn đi Cà Mau thật đơn giản, vài bộ áo quần, vài chục đồng trong túi là xong, lương tháng đủ đi một chuyến, nếu dè xẻn tiêu dùng. Thời gian này đang nghỉ hè, mình đi chơi cả tháng cũng được.Hương vui lắm, không nghĩ đến đoạn đường xa lắc mà cô sắp đi qua.

       Từ Ban Mê Thuột đi Cà mau phải đi hai chặng đường chính, Hương ra bến xe để đi SaiGon rồi sau đó mua vé xe đi tiếp Cà Mau, quãng đường Hương sẽ đi bằng nửa chiều dài đất nước, hình chữ S thân yêu, sao cô không thấy quản ngại chút nào.
        Chiếc xe đò từ Ban Mê Thuột đi SaiGon hôm ấy của công ty xe khách thành phố, những chiếc ghế cũ kỹ, chỉ còn khung sắt lót miếng ván lên, đinh ốc long mất cả, ngồi ê ẩm một chặng đường dài, nhưng mọi hành khách, cũng như Hương ai cũng nghĩ có vé đi, được đi là tốt rồi, mua vé khó lắm, phải xếp hàng từ sáng sớm hôm trước!

        Xe đi qua Ninh Hòa, Nhatrang, chạy bon bon trên quốc lộ Hương vui quá, như người thoát được cảnh tù túng bấy lâu nay, được tự do ngắm cảnh núi, biển, thấy những cánh cò trắng, bay nhẹ nhàng, thư thái  trên cánh đồng, những lo lắng về cuộc sống không còn trong tâm trí Hương lúc này. Hương như con chim bị nhốt lâu ngày, nay tìm thấy cảnh trời thiên nhiên!

        Gần hai giờ đêm, mới tới Phan Thiết, một thành phố biển, nặng mùi nước mắm, nổi tiếng với nước mắm nhĩ ngon tuyệt, hành khách khoảng bốn chục người, xe ngừng, nghỉ ngơi ghé vào quán bên đường ăn bữa đêm, họ bán đủ thứ: cháo vịt, bún bò, mì, phở, hoặc uống ly nước giải khát, lấy sức đi tiếp, còn cả mấy trăm cây số nữa mới tới SaiGon.

        Đến bến xe SaiGon đã tám giờ sáng, Hương chạy vội vào quầy vé, mua ngay một vé đi Cà Mau, ăn sáng xong Hương mướn một giường trọ ngay trong bến xe, nói là giường cho lịch sự, chứ thật ra là một chiếc ghế bố cũ mèm, đầy mùi mồ hôi của khách thập phương lỡ đường...Cả ngày hôm ấy Hương đi dạo quanh quẩn khu vực bến xe cho khuây khỏa.Cảnh vật ở đây đã khác xưa nhiều, Hương để ý đến các em nhỏ bán hàng rong, gầy tóp, áo quần nhếch nhác, cố rao to món hàng mình bán, chào mời khách, "cô mua đậu phộng ngon nè cô", em nói  "cháu nghỉ học từ năm ngoái, năm nay cháu lên lớp năm, phải bán phụ mẹ kiếm tiền, nghỉ học buồn lắm cô à ", Hương thấy lòng mình có chút gì đó chua chát, gợn buồn thương, ngậm ngùi nhìn những cảnh đời éo le, thương tâm.

        Trên xe đò đi về Cà mau, xe rộng rãi hơn, êm ái hơn ghế ngồi của chiếc xe ở xứ Buồn Muôn Thuở (hay Buồn Một Thời...) nơi Hương đã sống bấy lâu nay...Xe chay nhanh, đường đi còn tốt lắm, trên quốc lộ tới Bến Tre, Mỹ Tho, qua phà Bắc Mỹ Thuận...Cần Thơ, một thành phố lớn mà người ta còn gọi là Tây Đô, với những thước phim nổi tiếng một thời.

        Thế là, vài giờ nữa thôi, Hương sẽ được gặp Mẹ và các em, lòng Hương hăm hở, vui lắm, nhưng Hương lại lo lo, lỡ không gặp được em ở bệnh viện Cà Mau thì sao, sắp đến giờ tan ca chiều, sáu giờ rồi!- May quá, khi xe đò vừa ngừng trước cổng bệnh viện thì em trai Hương đang lững thững ra  về...Chị em gặp nhau bất ngờ, mừng quýnh lên :
 --Sao chị hay thế, đến mãi Cà Mau, mừng quá chị ơi!! Em cũng nhớ chị, em nghĩ chẳng bao giờ chị đến đây được!

        Mẹ và các em Hương ở mãi trong huyện xa, cách phố năm sáu cây số, Huyện Trần Văn Thời, Mẹ bảo về Cà Mau, trong túi chỉ còn vài trăm bạc, ở hiền gặp lành, gặp bác Sáu tận tình giúp đỡ, đưa về huyện này cất nhà trong khu vườn của bác và được bác chỉ dẫn mọi điều...

       Buổi chiều hôm đó, hai chị em Hương lội bì bõm mãi mới đến nhà, vì nước triều thấp, nếu không, phải đi xuồng tốn mấy đồng, mới về đến căn nhà tranh-một gian xiêu vẹo mà người đồng hương tốt bụng đã dựng cho từ mấy năm trước..

        Cả nhà, Mẹ và các em gặp được Hương ai nấy cũng rưng rưng, mừng tủi...riêng Hương, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài xuống đôi má mịn màng. Bữa cơm đạm bạc tối hôm ấy, cá kho tiêu, rau muống luộc, dưa chua nấu canh tôm, cá và tôm chỉ cần ra xúc ở đìa gần bên nhà
    Mọi người vui vẻ ăn bữa cơm đạm bạc, thật ngon lành, như chưa bao giờ được ăn một bữa ngon như thế!

Phạm Thị Minh-Hưng

3/
NHỚ MỘT MÙA XUÂN

Nhớ mùa xuân cũ vời xa
Tâm tư chết lặng, tháng Ba dại khờ
Con đường đi học mịt mờ
Đâu em vạt áo xanh mơ hữu tình

Ơ kìa, ngọn gió bình minh
Bỗng dưng lạnh ngắt - giật mình, trối trăn
Trời mây ẩn khuất cung hằng 
Tìm đâu thấy nửa vầng trăng nhiệm màu

Ấm êm một thuở bên nhau
Nghe như tiếng gẫy nát nhàu đêm hoang
Bàng hoàng... lạc dấu thiên đàng
Trần gian lạnh lẽo hoang tàn, bơ vơ

Cõi tình tan tác tỉnh mơ,
Xuân tìm đâu thấy tình hờ hững xa,
Ven rừng lá đổ người qua
Suối nguồn khô cạn nhạt nhoà bóng đêm

Những chiều mắt ướt chênh vênh
Hoàng hôn tím ngắt gập ghềnh tiếc thương...!
... Xuân xưa phai nhạt sắc hương
Ngày xuân nhung nhớ con đường gấm hoa

Tình đời đôi ngã phôi pha
Biển xanh dạo bản " Tình ca lỡ làng..."
...
Phạm Thị Minh-Hưng

4/

TIẾC THƯƠNG

[Bài Thơ Thương Nhớ Về Cha]

Con giờ tiếc nhớ khôn nguôi
Cha còn đâu nữa đã người thiên thu
Bước Cha ướt đẫm sương mù
Từ ngày dâu bể phù du đất trời

Lòng con xót đắng tả tơi
Thương Cha lận đận rã rời thân đau
Một ngày biết nỗi hận - sầu
Là ngày khốn khó - hư hao - đoạn trường...

Cha yêu lạc chốn vô thường
Một mình nắng gió, núi rừng hoang vu
Tình đời mấy nẻo ưu tư
Bóng Cha khuất vắng biết từ phương nao?

Mịt mờ trời thấp đất cao
Bước va bước vấp bước nào yên vui...
Thương Cha giấc mộng dập vùi
Tìm đâu thấy nữa ngọt bùi dáng hoa

Cà phê nở trắng nhạt nhòa
Cành sương sướt mướt xót xa võ vàng!
Cỏ cây ngóng đợi hoang mang...
Chập chờn giấc ngủ bẽ bàng...tiếc thương.

Phạm Thị Minh-Hưng


Nhận xét