NGUYỆT SAN 95_SÁCH và TRANH


VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/3/2014
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách tương đối cổ mà ông có. Cuốn đầu tiên mang tựa đề là: “Chủ Nghĩa Nhân Văn của Thế Kỷ thứ 20” (L’Humanisme du XXème Siècle) của tác giả André Ulmann được xuất bản năm 1946 (68 năm trước) mà nội dung là những triết luận về những con người trẻ của thế kỷ 20, thí dụ như “Sức mạnh của con người trẻ trong việc truy tìm tự do”, “Con người và lịch sử”, “Con người trẻ, nghệ thuật và văn hóa” vân vân… Cuốn sách này đã được một người chơi sách nước ngoài đề nghị người có nhường cho anh ta với một giá tiền khá cao, nhưng không chịu cho biết lý do, và anh ta tưởng rằng với giá tiền anh ta đề nghị, người chủ sách sẽ hai tay dâng lên ngay… Nào ngờ chủ sách chỉ cần dở vài trang đầu đã biết ngay lý do, và đã từ chối không nhường để giữ chơi. Lý do đó đơn giản là ngay ở tờ đầu cuốn sách, nơi mặt sau, có một minh họa thạch bản (lithographie) của nhà danh họaPicasso khá đẹp, và ngay lúc này mỗi tranh thạch bản được dùng làm phụ bản cho một cuốn sách đều khá mắc trên thị trường quốc tế. Cuốn thứ hai là một cuốn thuộc loại sách đẹp cho người chơi sách nhan đề là “Hoa Cúc Phu Nhân” (MadameChrysanthème) của nhà văn Pháp Pierre Loti, đồng thời là một sĩ quan Hải quân của Pháp. Cuốn truyện loại đặc biệt này có rất nhiều minh họanguyên trang bằng màu của một họa sĩ minh họa nổi tiếng tên là Sylvain Sauvage, đã được in năm 1936 (78 năm trước) trên giấy velin hơi dầy nhưng cực đẹp. Truyện được viết theo dạng hồi ký kể về việc tác giả “tạm cưới” một cô gái Nhật trong khi đóng quân ở Nasagaki hồi cuối thế kỷ 19. Cuốn sách được in năm 1887, và được tái bản đi tái bản lại 25 lần trong 5 năm đầu, cũng như đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Anh. Cuốn sách đã cho người đọc biết một chuyện “làm vợ thuê” ở Nhật mà ít người chúng ta được biết tới. Và kỳ cục nhất là theo sách, sau khi hết hạn làm vợ thuê, cô gái Nhật đó lại có thể tỉnh bơ lập gia đình với một thanh niên Nhật, coi như chẳng có gì quan trọng đã xảy ra. Sau khi được giới thiệu nội dung, các thành viên đã được xem những phụ bản màu cực đẹp.
Sau phần giới thiệu sách anh Phạm Vũ đã nói chuyện về ngày 8-3 là ngày Phụ Nữ.
 và cuộc họp đã kết thúc lúc 11 giờ 15 như thường lệ.





Vũ Thư Hữu
ĐỘNG LỰC NÀO
KHIẾN TÔI HAM TÌM VÀ GIỚI THIỆU
NHỮNG CỔ THƯ CẢ TRĂM NĂM TUỔI
CỦA CÁC TÁC GIẢ ĐÔNG DƯƠNG
VIẾT VỀ VIỆT NAM ?
Tôi được một vài ông, và vài bà bạn già, chất vấn hỏi tại sao và vì động lực nào mà tôi lại ham tìm, và giới thiệu các cổ thư cả 100 năm tuổi của các tác giả Đông Dương như thế? Tôi liền trả lời họ rằng tại tôi thích đọc các tác giả cổ, và thích xem tranh tây vẽ đất nước chúng ta cả trăm năm trước; còn về động lực thì tôi quả là có một động lực khiến tôi hăng say làm việc đó, và động lực này chính là một bà bạn hiện đang sống ở Pháp và thích nghiên cứu lịch sử nước ta thời Pháp thuộc. Bà trước dạy ở trường Đầm Marie Curie và quê ở Đà Nẵng, và là vợ một giáo sư người Pháp đồng thời là một người ngoại quốc chơi sách có tiếng ở Sài Thành trong những năm 60 của thế kỷ trước. Sau ngày Giải Phóng bà theo chồng về Pháp và tới năm 1992 thì ông chồng bà lên đường đi xa… Năm 2002 bà về thăm quê nhà, và tìm lại thăm tôi, để nhờ kiếm những sách của các tác giả Đông Dương, đồng thời cho tôi biết bà đang nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời thuộc địa. Sau đó bà giao cho tôi nhiệm vụ nhỏ là mỗi khi gặp một cuốn sách loại đó thì cần làm cho bà một toát yếu vắn tắt và giới thiệu các nét đại cương của sách. Bà kém tôi 5 tuổi, tức là đã 25 lần thứ ba, nhưng phải nói không gian dối là bà đẹp còn hơn mấy kẻ hoa hậu cẳng dài nhiều, nhất là vẻ mặt cao sang, nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt trái soan, được trang điểm bởi một cái mũi dịu hiền thuần Việt, không một chút tì vết thảm mỹ, vì ba chữ thảm mỹ viện không hề hiện diện trong cuốn tự điển cuộc sống của bà. Nhưng ngoài các ưu điểm thiên phú trên, bà còn một siêu ưu điểm nữa là làn da trắng mịn như tuyết bao phủ một thân hình mảnh mai kiểu gầy giả (fausse maigre) của tây, nghĩa là bên ngoài thì rất mảnh mai, nhưng bên trong thì thân hình cực kỳ cân đối và… đã đẹp lại đẹp hơn. Một hôm tôi bảo bà: “Phụ nữ Việt Nam có làn da đẹp nhất thế giới, và em là một thí dụ tiêu biểu”. Bà cười và bảo tôi: “Anh dẻo miệng và hơi quá nịnh đầm đấy! Căn cứ vào đâu mà dám to tiếng khoe là làn da phụ nữ Việt Nam đẹp nhất thế giới?”. Tôi đáp: “Anh không dẻo miệng và không nịnh đầm tí nào, vì sự thật muôn đời vẫn là sự thật, và anh có lý do thật vững chắc để minh chứng là làn da của em đẹp nhất thế giới!”. Bà phán: “Anh chứng minh đi để em xem nghe có lọt tai không?”. Và tôi đã kiên nhẫn biện giải như sau đây, và đã được bà chấp nhận cho là có lý và hứa sẽ ban thưởng: “Anh chắc em dư biết là anh là kẻ ‘bài nam ngoại’, nhưng không những anh không bài, mà còn bái nữ ngoại nữa! Và trong đời anh, anh đã có vài lần bái mấy em nữ ngoại rồi, và điều mà anh đã nhận thấy rất rõ ràng, chính xác như hai với hai là bốn là “cho dù họ trắng bạch hay trắng hồng đến đâu đi nữa, nếu dùng một kính lúp săm soi làn da của họ em sẽ thấy những tàn nhang nhỏ li ti, chứ không mịn như làn da siêu đẹp của em và của phụ nữ Đại Việt chúng ta”… Tôi đã được bà thừa nhận là có lý và trước khi trở về Pháp, bà đã nhờ tôi tìm và giới thiệu tóm tắt các sách các tác giả Đông Dương viết về Việt Nam thời thuộc địa. Tôi nhận lời một cách rất ư là ga lăng là: “Ý muốn của em là thánh ý”, và rồi thấm thoát đã 12 năm trôi qua; trong thời gian đó tôi đã tìm và giới thiệu trong Hồi Ký 60 Năm Chơi Sách của tôi được gần 40 cuốn, và tôi vẫn còn tiếp tục tìm và giới thiệu tiếp để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của bà vì bà và tôi thường xuyên liên lạc với nhau trên internet, và cũng vì bà đã hứa cuối năm 2015 sẽ cho ra đời công trình nghiên cứu lịch sử của bà, trong đó tôi cũng có chút công trước nhất là với chính bà, và sau là để ngày đi hành hiệp… kể công với Mẹ Âu Cơ.
Trích Hồi ký 60 năm Chơi sách, chương VI

Nhận xét