Hồ Maggiore và thị trấn Stresa

Hồ Maggiore và thị trấn Stresa

Trước chuyến đi lý thú này, trong đời tôi chưa hề nghe nói đến cái tên Lago Maggiore. Đến khi thấy, tôi nghĩ hay là mình gọi nó là hồ Mát Giò theo như cách phát âm. Được lắm chứ. Thò cặp giò xuống nước hồ trên dãy núi Alps này dĩ nhiên là mát khỏi chê.

Lago tiếng Ý là cái hồ, Maggiore nghĩa là lớn, vĩ đại. Người Pháp gọi nó là "Lac Majeur". Nó là một trong 3 cái hồ lớn ở phía nam dãy núi Alps. Tôi nhận thấy hồ có hình dáng dài dài cong cong trông giống như một con rắn hay con rồng biển với phần cái đầu thuộc Thụy Sĩ, còn phần thân và đuôi thuộc vùng Lombardia nước Ý.


H. 1: Bản đồ hồ Maggiore

Đúng như tên gọi, Lago Maggiore lớn thiệt. Nằm trên độ cao cách mặt biển 193 mét, hồ dài 54 km, rộng tới 11 km và chỗ sâu nhất là 372 mét, diện tích 212.5 km², lớn hơn hồ Hoàn Kiếm gấp 1770 lần. Nó còn "maggiore" theo nghĩ bóng là đẹp nữa, đẹp quyến rũ với phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp, nước trong xanh mát, và những hòn đảo thơ mộng. Nó trở thành địa đìểm nghỉ hè được ưa chuộng nhất của nước Ý. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và gia đình ông cũng có biệt thự nghỉ hè đồ sộ với tên gọi Villa Correnti nằm cách Stresa vài km về phía nam trên đường xuống thị trấn Lesa.


H. 2: Vị trí 2 thị trấn Baveno và Stresa

Lago Maggiore nằm về hướng bắc của thành phố lớn Milan, chỉ cách 87 km, là hồ lớn nhì của nước Ý nhưng là hồ lớn nhất ở phía nam Thụy Sĩ. Lago Maggiore có khí hậu ôn hòa vào mùa hè và cả mùa đông cho nên nó là địa điểm nghỉ mát lý tưởng qua bao nhiêu thời đại. Các thị trấn ven hồ như Stresa, Beveno và 11 đảo trên hồ như Isola Madre, Isola Bella có nhiều khu vườn xinh đẹp trồng nhiều các loại cây hiếm và kỳ lạ kể cả các loài chim muông quý hiếm như chim công, chim trĩ, gà sao mà chúng tôi có dịp thấy khi viếng các đảo.

Địa thế bờ hồ rất uốn éo quanh co như con rồng biển. Nếu đứng từ một vị trí duy nhất thì không thể nhìn thấy được cả toàn hồ. Chính vì vậy nó càng làm tăng sự đa dạng của cảnh quan của hồ. Trong khi phần trên đầu hồ hoàn toàn mang tính chất vùng núi non với bờ đá, phần thân hồ giáp với chân các núi đồi thoai thoải nhẹ nhàng, và phần đuôi hồ giáp với đồng bằng Lombardia trù phú.

Một giai thoại
Hồ Maggiore mang nhiều giai thoại thú vị. Giai thoại tiêu biểu là năm 1936, một chiếc xe đua thể thao Bugatti Type 22 Brescia Roadster của Ý đời năm 1925 bị cố ý nhận chìm dưới đáy hồ để phi tang.

Chiếc xe đua này nguyên là của René Dreyfus, một tay đua giải Grand Prix người Pháp. Chơi phé (poker) trong lúc say rượu ở Paris năm 1934, Dreyfus thua; chiếc xe lọt vào một tay dân chơi người Thụy Sĩ là Adalbert Bodé. Bodé bán nó lại cho kiến trúc sư Marco Schmucklerski ở Zurich. Quan thuế Thụy Sĩ vào cuộc điều tra tội nhập lậu. Để tránh tai tiếng, chủ nhân của chiếc xe thuê người cột chiếc xe vào dây xích (với chủ đích sẽ kéo nó lên khi tình thế cho phép) rồi đẩy nó xuống hồ nơi độ sâu 173 ft. Nhưng tình thế không bao giờ êm; chiếc xe đua quý giá nằm dưới thủy mộ suốt hơn nhiều thập niên.

Ngày 1 tháng 2 năm 2008, một thợ lặn người Ý tên Damiano Tamagni bị giết trong một vụ cướp. Bạn đồng nghiệp của anh ta trong hội "Ascona Divers' Club" nảy ý định trục vớt chiếc xe Bugatti lên bán gây quỹ giúp tang gia Tamagni.

Cuối cùng, "thi hài" chiếc xe thể thao Bugatti được trục vớt lên bờ ngày 12 tháng 7 năm 2009 và được trưng bày tại cuộc triển lãm xe xưa "Retro Mobile Classic Car Exhibition" ở Paris ngày 23 tháng 1 năm 2010. Nó được  Viện bảo tàng xe hơi "Mullin Automotive Museum" ở Oxnard, California mua với giá 260,500 euros, bằng 370,000 Mỹ kim. Eo ơi, đống sắt vụn đó mà mắc dữ thần, tôi không thể hiểu nổi!


Hình. 3: "Xác" chiếc Bugatti Type 22 Brescia -1925 được trưng bày trong viện bảo tàng ở California

Nỗi háo hức khiến cho chúng tôi mới bốn giờ sáng đã ơi ới gọi nhau thức dậy để đi bộ ra bờ hồ cho kịp chụp hình mặt trời mọc. Căn nhà chúng tôi thuê thuộc tầng 3 của một cao ốc 8 tầng xây trên triền đất cao cách bờ hồ độ năm trăm thước. Chúng tôi men theo mấy con phố nhỏ với lề đường rất hẹp vắng vẻ chỉ có tiếng nói năng cười giỡn của chúng tôi. Tôi đoán có phần chắc là cư dân địa phương thuần Ý ở đây nghĩ chúng tôi là du khách người Tàu. Dân cư địa phương tuyệt nhiên là người Ý da trắng, chẳng thấy người thuộc chủng tộc nào khác.


H. 4: Ảnh chụp từ ban công nhà trọ buổi chiều vàng. (CY tôi nhìn những ngôi biệt thự cất giữa lưng chừng núi mà ngao ngán)

Stresa là nơi du lịch nghỉ mát nổi tiếng nhất trong số những thị trấn nhỏ quanh hồ Maggiore. Tọa lạc tại một vị trí lý tưởng trên bờ vịnh Borromean, Stresa nhìn ra đảo Isola Bella chỉ cách bờ bốn trăm thước.

Stresa khởi đầu chỉ là một xóm chài nhỏ trên một dải đất hẹp chỉ nối với những vùng khác bằng một con đường mờ bụi. Stresa bắt nguồn từ chữ Strixia, cổ ngữ vùng Lombardy có nghĩa là dải đất. Ngay cả ngày nay trong phương ngữ của dân sống vùng này, chữ "strecia" hay "strettoia" có nghĩa là đường tắt nhỏ hẹp.


H. 5: Một nhân viên thị trấn Stresa (chỉ có 5000 cư dân) đang cào cát bờ hồ buổi sáng. Tôi nghĩ họ còn có nhiệm vụ nhặt rác, nhưng đến trước họ, tôi chẳng thấy mảnh rác nào

Đến thế kỷ 14, Stresa mới được gọi là làng (borgo) và có quyền nhóm chợ mỗi tuần một lần. Tôi nghĩ luật lệ của mấy ông La Mã ngày xưa khó thiệt. Vậy mà do nạn tuyết trên dãy núi Alps đổ xuống gây lũ lụt cộng thêm với bệnh dịch, Stresa trở nên tiêu điều hàng nhiều thế kỷ mãi cho đến năm 1854 mới phục hồi nhờ sự phát triển phương tiện giao thông như đường hầm Simplon giữa biên giới Ý với Thụy Sĩ.

Vào cuối những năm 1800, một cư dân danh tiếng là Margherita, con của công tước Ferdinand vùng Genoa, đã có công giới thiệu Stresa với giới thượng lưu. Ferdinand mua biệt thự Bolongaro (Villa Ducale ngày nay) cho gia đình nghỉ mát, trở thành cư dân thường trực vào mùa hè của Stresa. Margherita sau đó đã trở thành hoàng hậu, vợ vua Umberto Đệ Nhất của xứ "Y-Ta-Lồ". Villa Ducale ngày nay là Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu Thiên Chúa Giáo La Mã và là một thư viện rộng lớn. Margherita được đặt tên cho loại pizza đơn giản chỉ gồm sốt cà chua đỏ, phó mát mozzarella trắng và húng quế tây (basil) xanh, tượng trưng cho màu cờ nước Ý.


H. 6: Khách sạn Milan Au Lac gần bờ hồ ở Stresa. Tên tiếng Pháp của khách sạn này tôi đoán có nghĩa là Milan bên bờ hồ, nhưng tôi không khỏi cắc cớ nghĩ đó là Milan Âu Lạc cho oai.

Dân thượng lưu từ Milan bắt đầu đến Stresa và xây dựng nhiều biệt thự tráng lệ và lôi cuốn theo nhiều du khách, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như George Bernard Shaw, John D. Rockefeller, Ernest Hemingway, Clark Gable, Charlie Chaplin và công chúa Ăng-lê Margaret. Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway viếng thăm Stresa hai lần và đều ngụ tại khách sạn Grand Hotel des Îles Borromées, nơi một phòng khách sạn đặc biệt đã được đặt tên ông là "Hemingway Suite" rộng 2.153 ft2 (200 m2), là phòng lớn nhất, sang trọng nhất, đắt giá nhất, và cũng đắt khách nhất Stresa! (Thiên hạ giành nhau "book" trước phòng này hết rồi.)

Năm 2002, Stresa được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị quốc tế Hemingway kỳ 10 để những người yêu văn chương ông có dịp nhìn căn phòng khách sạn là nơi ông từng ngồi viết một phần quyển tiểu thuyết "A Farewell to Arms" có dịch ra Việt ngữ là Giã Từ Vũ Khí.


H. 7: Hai người bạn ảnh đứng nơi lối đi dạo dọc bờ hồ, phía sau là quán ăn Cafe Verbanella

Một con đường dành cho người đi bộ dạo chơi dọc bờ hồ được khởi công năm 1922. Qua nhiều giai đoạn thực hiện trong 8 năm, con đường này với luống hoa, ghế công viên, tượng điêu khắc, vườn chơi cho trẻ em được hoàn tất vào năm 1930 và không ngừng được cải thiện đẹp hơn.


H. 8: Tượng điêu khắc Cánh Buồm (La Vela)


H. 9: Tượng điêu khắc tên "La Vela" (Cánh Buồm) do ĐKG Gino Corsanini người Ý ở Milan đẽo tạc từ một tảng đá cẩm thạch trắng (carrara marble) nguyên khối năm 2007. Đây là một trong 3 tác phẩm được 3 điêu khắc gia quốc tế thực hiện cùng một lúc ở thị trấn Stresa.


H. 10: Hoa cẩm tú cầu dọc bờ hồ

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Stresa tổ chức cuộc thi hoa hậu Ý  tại khách sạn Regina Palace liên tiếp từ năm 1946 đến năm 1949. Á hậu năm 1947 là Gina Lollobrigida, nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng xuất hiện trong hơn 70 phim điện ảnh và truyền hình của Ý và Pháp. Những ai thuộc lớp tuổi tôi chắc đều biết người đẹp này. Stresa tổ chức Miss Universe Italian lần cuối vào năm 2002. Quả là một vinh dự cho một thị trấn nhỏ chỉ có năm ngàn cư dân.


H. 11: Con đường Via Principessa Marghertia ở Stresa dù mang tên một bà hoàng hậu nhưng cũng nhỏ hẹp như đường hẽm.

 
H. 12: Ảnh Net: Gina Lollobrigida trong phim 
Solomon And Sheba (1959)

Tuy vậy, với nhiều khách sạn 4 sao, Stresa mỗi năm đón nhận khoảng 150,000 lượt du khách ở qua đêm, không kể số lượng du khách lớn hơn đến và rời trong ngày. Với một trung tâm hội nghị và một trường đào tạo nhân viên ngành kinh doanh khách sạn, Stresa là nơi diễn ra nhiều lễ hội hàng năm.


H. 13: Lối đi dạo dọc bờ hồ ngang qua công viên ở Stresa

Stresa ngày xưa từng bị một dòng sông nhỏ ngăn đôi, hai bên có hai họ tộc Borromean và Visconti sinh sống. Con sông cạn dần, bị lấp và trở thành con phố Via Roma lát đá rất nhộn nhịp như ngày nay. Mấy hôm ở Stresa, mỗi ngày chúng tôi đều đi qua con phố nhỏ này từ nhà trọ xuống bờ hồ và ngược lại. Chính tôi cũng không ngờ với đôi chân yếu làm chuẩn, tôi lại có thể lội bộ mấy hôm qua những con đường dốc nhỏ hẹp và xa lạ đó.

Phan Hạnh. 

Nhận xét