Mời quý bạn xem tiếp ký sự của CY.
3. Mặt trời trên hồ Maggiore
Phan Hạnh
Hình ảnh cảnh sông nước núi non lúc bình minh và hoàng hôn dường như lúc nào cũng tạo cảm hứng mạnh và mang lại cho người xem một cảm giác êm đềm. Nhóm chúng tôi thực hiện chuyến đi hồ Maggiore lần này cũng chỉ nhằm mục đích chính là ngắm và thu vào ống kính cảnh mặt trời mọc và lặn.
Trong số các thể loại nhiếp ảnh, tôi thích chụp hình cảnh thiên nhiên vì tương đối dễ. Lúc nào nó cũng đứng yên một chỗ sẵn đó, chẳng mất đi đâu, tôi tha hồ chụp. Chụp cảnh sông nước núi non lúc bình minh và hoàng hôn hơi tốn công một chút, phải canh lúc mặt trời vừa mọc và lúc nó sắp lặn ở đường chân trời.
Không như tất cả các bạn ảnh cùng nhóm đều có máy ảnh tốt, tôi chỉ dùng một máy nhỏ đã già. Một máy ảnh mua từ 5 năm trước được coi là già, quá già. Thời hiện đại "hại điện" pin bây giờ, máy ảnh nhỏ loại bỏ túi và ngay cả điện thoại cầm tay đổi mới liên tục mỗi năm, ngày càng tân tiến mà giá cả lại càng rẻ, ai cũng có mấy cái, việc chụp hình trở nên rất dễ dàng đối với tất cả mọi người. Nhắc tới "pin", máy ảnh của tôi bị hết "pin" hai lần trong chuyến đi Pháp Ý 2 tuần vì quên nạp điện qua đêm; may mà tôi có mang theo cái điện thoại Galaxy S5 chụp ảnh cũng đẹp ra phết.
Tôi lấy làm an ủi khi hiểu rằng máy ảnh chiến không phải là yếu tố quyết định duy nhất tạo nên ảnh đẹp mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là phải canh đúng lúc. Vì vậy tôi cứ theo các bạn trong nhóm nhà nghề thi thố.
Áp dụng lời khuyên trong cẩm nang nhiếp ảnh, "Hãy tìm các vị trí mà bạn có thể nhìn thấy cả ánh nắng yếu ớt từ mặt trời, đồng thời cũng có thể thu được các yếu tố tiền cảnh đáng chú ý và cả bóng trong cảnh vật", bốn giờ sáng, chúng tôi đã ơi ới gọi nhau thức dậy làm vệ sinh cá nhân xong là xách máy ảnh rời khách sạn đi ra bờ hồ chờ mặt trời lên cho kịp lúc để chụp hình. Không biết mặt trời mọc lúc nào, thôi thì chịu khó sẵn sàng sớm cho chắc ăn.
Đi qua vài con đường xuống dốc nhỏ hẹp vắng tanh, 15 phút sau chúng tôi đã tới bờ hồ, mỗi người rảo mắt tìm địa điểm tốt ưng ý. Theo tâm lý dân chụp ảnh, ai cũng nghĩ "đứng ở vị trí này chụp mới đẹp nè" và khoe khám phá của mình. Cuối cùng thật buồn cười, ảnh của NAG nào cũng đều có góc cạnh "độc đáo" giống nhau cả.
Lối đi dạo (promenade) dọc bờ hồ ở thị trấn Stresa ngang qua một công viên nhỏ có trồng những bụi hoa tú cầu rất đẹp. Loài hoa này rất hợp với điều kiện thổ ngơi vùng quanh hồ Maggiore vốn rất giàu chất khoáng cho nên có được nhiều màu sắc khác biệt. Nó được ưu tiên trồng nhiều ở đây, đẹp độc đáo hơn các nơi khác là vì vậy.
Ngoài ra công viên cạnh bờ hồ còn có các bức tượng trang trí hoặc tượng đài kỷ niệm cũng đẹp. Tượng điêu khắc của Ý bảo đảm đẹp vì nói đến Ý là nói đến tài nghệ mỹ thuật. Chúng tôi chấm địa điểm này, mỗi đứa một góc chuẩn bị rình chờ mặt trời nhú lên sau rặng núi trên mặt hồ là đúng rồi.
Khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn để có thể chụp được ảnh đẹp nhất trong buổi bình minh hoặc hoàng hôn thường chỉ diễn ra trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi không muốn bị lỡ mất cơ hội "ngàn năm một thuở" này nên ai ai cũng đã chuẩn bị sẵn sàng camera để "bắn". Camera (máy ảnh) bắt nguồn từ chữ La Tinh "camera obscura" có nghĩa là phòng tối. Không ngờ người ta có thể dùng một phòng tối để bắn hình (shoot picture). Nhưng chẳng ai "ăn hình" mà chỉ "ăn ảnh", tiếng Việt mình hay thiệt!
Nhờ trời thương mấy đứa dân gốc Mít bỏ công lặn lội từ Bắc Mỹ xa xôi tới đây, thời tiết mấy hôm nay rất tốt, trời trong không mây mù, không hanh nóng, không gió, điều kiện ánh sáng và màu trời thích hợp. Chân Yếu tôi chẳng cần phải lấy hết can đảm đi ra cầu tàu (pier) làm gì, rủi lạng quạng mất thăng bằng té xuống hồ thì khốn. Tôi cứ đứng xa mé nước cho chắc ăn, đồng thời chụp lén hai người bạn ảnh nhà nghề và cô cháu hướng dẫn viên đang chăm chú nhìn qua ống kính về hướng mặt trời.
Do ảnh chụp ngược sáng (nói tắt của ngược ánh sáng mặt trời, "contre- soleil"), tiền cảnh trở thành bóng đen (silhouette) tạo điểm nhấn tương phản trông cũng hay. "Silhouette" tạo cảm xúc bí ẩn cho bức ảnh. Liệu sức mình không thể mang vác máy DSLR và chân máy cồng kềnh, đi đâu tôi cũng chỉ dùng cái máy Nikon Coolpix P90 từ 5 năm nay lấy nét tự động cho đơn giản cuộc đời.
Với tâm hồn trẻ trung, cô cháu nảy ý định dùng mười ngón tay tạo khung trái tim nhốt mặt trời. Chúng tôi mất khá nhiều công sức sắp xếp vị trí dàn cảnh, chụp đi chụp lại nhưng chỉ được vài bức ảnh tạm được như thế này thôi thì mặt trời đã lên khỏi nói. Nhốt mặt trời trong trái tim coi bộ khó.
Khi mặt trời lên qua khỏi rặng núi, ánh nắng trở nên sáng lóa chói chang, màn chụp ảnh mặt trời mọc kể như xong. Chúng tôi dành thì giờ còn lại trong ngày để đáp phà đi thăm các đảo. Đến chiều trở vào bờ, chúng tôi nán lại nơi bến phà chụp vài bức ảnh lúc hoàng hôn. Lúc ấy đông người, mất đi cái vẻ yên tĩnh riêng tư và nhất là chúng tôi không có được điểm thuận lợi để chụp mặt trời lặn sau đỉnh núi.
Tôi có cảm tưởng cảnh mặt trời lặn trên hồ Maggiore diễn ra chậm và kéo dài hơn. Mặt trời chìm dần sau một đỉnh núi cao nhưng ánh sáng của nó vẫn còn chiếu lên những dãy núi thấp hơn.
Về đến cao ốc nơi thuê nhà trọ, trong lúc đứng ở tiền sảnh chờ thang máy (chờ vì ở đấy chỉ có một cái thang máy duy nhất nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho bốn người), tôi lơ đãng đọc chơi mấy tờ giấy ghim trên bảng thông cáo. Thì ra ở thị trấn nhỏ này cũng có dịch vụ "delivery" pizza! Phải chi chúng tôi biết sớm hơn!
Tất cả ảnh trên đây tôi đều nhờ các nhu liệu Lightroom và Photoshop cải thiện phẩm chất (enhance) trong giai đoạn hậu kỳ (post production): chỉnh đổi màu, thêm độ sắc nét, chỉnh cho ngay bức ảnh bị xéo, cắt xén khung, thay đổi kích thước v.v. Chụp ảnh chỉ tốn nửa giờ, "enhance" ảnh mất cả ngày như chơi mới tạm gọi là vừa ý.
Bốn ngày du ngoạn hồ "Mát Giò" (Maggiore) đầy thú vị của chúng tôi rồi cũng qua, và "mặt trời vẫn mọc" (The Sun Also Rises, tựa quyển tiểu thuyết đầu tay của Ernest Hemingway) như tự bao giờ.
Cũng xin nhắc lại ở đây, Stresa từng được Ernest Hemingway đưa vào quyển tiểu thuyết đầu tay "A Farewell to Arms" (Giã Từ Vũ Khí) khi ông nhắc đến khách sạn Grand Hotel Des Iles Borromées, đảo Isola Pescatori và vài địa điểm khác của hồ Maggiore. Trên thực tế, ông đã sống tại đây năm 1918 lúc ông 19 tuổi. Khi Thế Chiến Thứ Hai đang đi vào giai đoạn quyết liệt, để thỏa chí phiêu lưu, ông tình nguyện đầu quân và đến chiến trường Ý làm tài xế xe cứu thương. Không ngờ chính ông bị thương và được đưa đến Stresa để phục hồi. Âu cũng là định mệnh khiến cho ông được bao lần ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn thơ mộng trên hồ Maggiore mà chính Leonardo da Vinci cũng đã từng đến đây chứng kiến và ca ngợi.
Phan Hạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét