THƠ NGUYỆT SAN_91



Đôi Mắt Người Sơn Tây
Người tình mơ mộng
của QUANG DŨNG
NGƯỜI TÌNH SƠN TÂY MƠ MỘNG của Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988).
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Năm 1947, đại đội trưởng đoàn quân Tây tiến.
Hoạt động văn nghệ ở Liên Khu III thời kháng chiến. Sau 1954, sống như một kẻ vô danh tại miền Bắc. Mất ngày 13.10.1988 tại Hà Nội.
Ông là người rất hiền từ, chan chứa tình người như đã thể hiện qua những bài thơ của ông. Quang Dũng vừa cầm bút, vừa cầm súng, ông từng là đại đội trưởng của Trung Đoàn Thủ Đô trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Những tác phẩm nổi tiếng của ông trong thời kỳ này là Đôi Mắt Người Sơn Tây (Hoa Thanh Bình), Đôi Bờ, Tây Tiến, Những Làng Đi Qua... Trong kháng chiến, ông cũng tham dự một cuộc triển lãm hội họa với một bức tranh tựa đề Gốc Bàng. Ông cũng soạn nhạc, bài hát Ba Vì được dân chúng trong vùng kháng chiến hát trong nhiều năm.
Bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây
Quang Dũng là nhà thơ thời tiền chiến có nhiều bài thơ hay, trữ tình như: Tây Tiến, Đôi Bờ... nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ được nhiều người ái mộ, được người yêu thơ thuộc nằm lòng. Bài thơ như nói lên cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen nhau và chia tay giã biệt - một cuộc tình buồn ngắn ngủi:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Như vậy người con gái nầy chắc hẳn ở Sơn Tây, và đã gặp nhà thơ? Nhưng nàng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu? Nhiều giai thoại cho rằng Quang Dũng quen người con gái Pháp vì có câu“Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Nhưng Tây Phương cũng là địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày ấy với ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng (bài thơ Mười hai vị La Hán ở chùa Tây Phương của Huy Cận).
Trong lịch sử thi ca đã có nhiều thiếu nữ làm ngẩn ngơ bao người thưởng ngoạn, luôn cả các văn nhân thi sĩ như chuyện của nàng T.T.Kh tác giả bài Hai sắc hoa Tigôn, hay hình ảnh người con gái trong Tống biệt hành của Thâm Tâm:
…Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
đã làm các nhà phê bình tốn bao nhiêu giấy mực.
Thời kháng chiến ngoài những bài thơ trữ tình kể trên, Quang Dũng còn có những bài thơ khác cũng hay như bài ‘Những Làng đi qua’:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm khói thuốc bạch đầu quân
Quang Dũng là người đa tài, có thời gian nhà thơ sống bằng nghề vẽ tranh, làm nhạc công cho gánh hát… Trong kháng chiến, có lần Quang Dũng tham dự cuộc triển lãm hội họa với bức tranh tựa đề: Gốc Bàng. Ông còn soạn cả nhạc nữa, bài ‘Ba Vì mờ sương’ được nhiều người hát trong thời kháng chiến:
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu…?
Trở lại chuyện Người con gái Sơn Tây, theo nhạc sĩ Phạm Duy (bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội- Quang Dũng ngồi sau Phạm Duy hai hàng ghế) kể lại, lúc Quang Dũng còn là Đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hòa Bình. Vừa được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật. Người tình nầy, còn có một mỹ danh nữa là Akimi,nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài Đôi mắt người Sơn Tây, ông đã tặng nàng bài thơ có câu:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương
Akimi (Nhật) sống cùng mẹ, trong cái quán nước đơn sơ nầy, nhà thơ thường hay lui tới, có lần Quang Dũng sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán ngay lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…
Đây là bài thơ mới phát hiện sau nầy do chính bà Nhật - định cư ở Hoa Kỳ cung cấp. Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp, lãng mạn của người con gái, tuy rằng không thấy mặt…?
Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai
Đôi bờ
Sau nầy, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lại người xưa… tan vỡ một mối tình… Tới 1954, nàng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ chỉ biết:
Bên nầy đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…
Bài thơ càng nổi tiếng như cồn ở Miền Nam, khi cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc qua cung thứ rất hay. (Bài hát nầy chỉ qua giọng truyền cảm của nam danh ca Duy Trác mới thể hiện nổi). Có người ngạc nhiên khi thấy ông phổ một lượt tới hai bài thơ trong đó:
· Đoạn đầu ad lib lại lấy bài Đôi Bờ,
· Phần sau là phần chính, phổ từ bài Đôi mắt người Sơn Tây, rất độc đáo, rất hiếm trong âm nhạc.
Chính người đẹp Akimi, là nguồn cảm hứng dạt dào cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng và Phạm Đình Chương là người có công đã chấp cánh tiếp cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người…
Bài thơ: Đôi mắt người SơnTây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương.
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan.
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em còn bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta.
Bài hát: Đôi mắt người Sơn Tây
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ 2 bài thơ ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ và ‘Đôi bờ’ của Quang Dũng
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai.
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.
Tôi từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chạm nguồn quanh phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay.
Em vì chinh chiến thiếu quê hương
Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ, Em có bao giờ,
Em thương nhớ thương.
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.
Đôi mắt Người Sơn Tây
Đôi mắt Người Sơn Tây
Buồn viễn xứ khôn khuây.
**
THƠ
SỢI TÓC
Thiếu Khanh
Có gì lạ lùng như sợi tóc
Cứ nhạt dần khi mình vẫn đậm đà thương
Cả những sợi trắng từ khi mới mọc
Mà vẫn dịu dàng chung một mùi hương

Mỗi buổi sáng vương trên nền gối trắng
Nhánh mơ xưa trong những khúc tình ca
Như dấu hỏi hồn nhiên nằm lẳng lặng
Anh mềm lòng: hạnh phúc ở đâu xa!

Anh se sẽ lùa thêm hơi thở mới
Cho ấm tóc em giữ chúng chậm phai màu
Tiếng khúc khích em cười trên mặt gối:
“Đầu bên đầu sợi tóc dễ lây nhau!”

Hỡi cô Tấm ngày xưa trong trái thị
Có hiền như sợi tóc nép trên vai?
Ôi không giống như trong nhiều truyện kể
Rằng ngàn năm công chúa cứ xinh hoài.

Em khẽ đọc bài thơ xưa anh viết
Anh dột lòng không thấy tóc em xanh
Anh ngây ngất với trăm điều chưa nói hết
Hay tóc tình xưa chưa kịp đọng thơ anh?

Như bài thơ, cuộc sống cũng vần bằng vần trắc
Dù dưới trăng vẫn nhớ lúc bên đèn
Qua ghềnh thác nhớ ngọt bùi trăng mật
Trắng tự bao giờ sợi tóc vẫn thân quen.

Khi nắng gió hong tóc em khô vàng chẻ ngọn
Trong cuộc đổi đời trên rừng núi Phương Lâm
Đêm âu yếm thở làn hương tóc thoảng
Thương đời nhau sợi tóc cũng thăng trầm

Mỗi cánh chim non bay chuyền rời khỏi tổ
Một chút màu xanh mái tóc chuyển sang con
Nhìn đôi mắt con trong bình minh rạng rỡ
Hai đứa mình trẻ lại vợ chồng son.

Sang kiếp sau cùng chia nhau vui buồn nữa nhé
Mình đâu cần kết tóc để làm tin
Trên mặt gối vang nhiều tiếng cười
                        và thấm nhiều ngấn lệ
Cũng từng nghe rộn rã tiếng tim mình.

Nay con mình có con - chúng mình có cháu
Ngót nửa con đường mới đó đã qua mau
Em sợi ngắn anh sợi dài trên ngực áo
Đâu phải tình cờ sợi tóc đổi cho nhau!
Saigon , 11/2013
(Ngân Khánh Tình Ta)

DỪNG BƯỚC PHIÊU LƯU

Những chuỗi ngày trôi như thoáng qua
Tưởng như Ta chẳng đã là Ta
Ai đã vào đời, ai đã sống?
Ai từng nhỏ lệ khóc phôi pha?

Thân nầy của ai, hay của TA?
Mà sao chẳng giống tháng năm qua?
Từng buổi già suy, từng bước yếu
Như nước đầu ghềnh, như nắng sa!

TA mãi lao theo những khóc cười
Đâu hay đã nhạt nét xuân tươi
Chiều nay soi bóng trên dòng nước
Chợt thấy đời mình đang cuốn trôi!

Ta sống những năm như giấc mê
Giật mình, quá nửa kiếp ê chề!
Ham gì đeo bám đời lận đận!
Dừng bước phong sương, trở gót về.
TÂM NGUYỆN
ĐƠN PHƯƠNG 
Ôi khoảng trống tâm hồn
nhân rộng mãi
lớp lớp mây giăng
thảng thốt…
gió sang mùa…
Chiếc bóng lẻ
chênh vênh
Tình cho đi
không trở lại
Lá vàng đau
thu chết…
chuyến đò xưa…
NGÀN PHƯƠNG
Thời Gian
Phù dung tím lịm
chiều say…
Mới đây đã hết một ngày rồi ư?
Trăng tròn rồi khuyết ưu tư
Mới đây đã một tháng từ tạ nhau
Mai vàng rộn nở xôn xao
Mới đây đã hết năm dào dạt trôi
Tóc pha sương trắng chơi vơi
Mới đây mà đã một đời…
nhanh ghê…!
NGÀN PHƯƠNG
Hoa sa mạc
Bụi hoa sa mạc đượm hương trời
Ngạo nghễ vươn gai giữ thế côi
Lạnh lẽo đêm sương gom nhựa sống
Nồng nàn ngày nắng tạo duyên đời
Từng phen bão cát thân luôn vững
Suốt tiết khô mưa lá chẳng rơi
Sống giữa phong trần xanh tốt cội
Hoang vu hoa nở đẹp trong ngời
THANH CHÂU
Trái bưởi
Ngon lành phải kể bưởi năm roi
Nhiều nước, mềm xơ thật giống nòi
Bát ngát hoa thơm hương tận mũi
Xinh tươi quả chín múi dày thoi
Mê chua phụ nữ luôn tàng trữ
Hảo ngọt thanh niên mãi hỏi đòi
Thật khó ăn chơi dòng trái quý
Mua về lột vỏ móc rồi moi
THANH CHÂU
HÃY MỞ TUNG RA
Hãy mở tung cánh cửa
Để biết rằng bầu trời còn hẳn ánh thái dương!
Và tít trên cao, cao hơn nữa, là cõi thiên đường.
Nơi ta chưa bao giờ được một lần nếm trải. 

Hãy mở tung những cửa ải
Để gió từ khắp khắp dồn về
Lùa vào tận chập chùng sơn khê
Của những cõi lòng bao đêm ngày u mê ám khói!

Hãy mở tung cho vầng hồng chói lọi
Rọi vào tận hang cùng ngõ hẹp của trí não rối bời
Bởi hằng hà sa số ma trơi
những toan tính sao cho ta phải đè lên trên hết thảy!

Hãy mở tung cửa ra cho bao điều trái phải
Đều lộ ra dưới ánh sáng ngời ngời.
Như những sợi tóc đã bạc tươi
không còn chỗ nấp trên mái đầu nhìn xa nom còn đen lay láy!

Hãy mở tung con tim xem máu tươi còn chảy
trong huyết quản đã thâm sì những chước quỷ mưu ma.
Có thể rằng từ con tim ấy chỉ còn túa ra
giòng nhợt nhạt qua bao tháng năm không ánh nắng!

Hãy mở tung con mắt và đừng lảng tránh
Hàng bao nhiêu câu hỏi đầy chữ tại sao
Ví như: Tại sao cuộc đời vẫn đầy dẫy khổ đau
Mà môi ta vẫn loa lên những ngôi từ xanh mườn mượt!

Hãy mở tung lỗ tai, đừng thở dài đánh sượt
Mỗi lần ai đó ta gặp trước lối đi
Cánh tay đen sạm, đôi mắt ngô nghê
Miệng lắp bắp lời cầu van: tôi đang đói lắm!

Hãy mở tung kho ra, xem trong ấy còn dài hay ngắn
chút lòng thương ngày tháng đã dần phai.
Phải chăng, trong ấy chỉ ngập những ngất ngây
Vì vẻ đồ sộ vô hồn của hằng hà sa số của cải bòn từ bao giờ và từ đâu không nhớ.

Hãy một lần mở ra, dẫu lòng hằng e sợ
rằng phải chăng ta còn được gọi là người.
Hãy mở ra cho ánh nắng thắm tươi
Tràn muôn lối vào, và xua đi trùng trùng loài virus!
LAM TRẦN 25.11.2013
Rong Rêu
Rêu phong mờ phủ dấu chân ai 
Thềm vắng vườn hoang, giấc mộng dài
Lạnh lẽo thinh không, lòng cô quạnh
Gác vắng lầu xưa, nhớ gót hài
Sen trắng thoảng hương, hồn tê tái
Tìm đâu dáng ngọc, nét trang đài
Cỏ dại phất phơ chiều gió cuốn
Lòng buồn ngơ ngẩn, nắng vàng phai...
Phạm Thị Minh-Hưng _ 14/3/2013
Tình yêu vĩnh cữu
Gió thổi về từng cơn se lạnh
Ta chợt thèm làn hơi ấm yêu thương
Sánh bước cùng ai trên một con đường
Lòng hòa quên giấc mơ hồng hạnh phúc. 

Ai cũng muốn có ngày trọng đại nhất
Chìm đắm mình những giây phút thăng hoa
Âm nhạc du dương và thánh thót tiếng ca
Lời chúc tụng xen với lời ước hẹn.

Để cho dù non mòn biển cạn…
Cho mối tình đầu thuần khiết tinh anh
Trong tiếng vỗ tay và niềm vui vô hạn
Trong tình người và chứng giám của trời xanh

Niềm yêu thương ánh lên từng cử chỉ
Làm sao quên những khoảnh khắc tuyệt vời
Kỷ niệm ngày trọng đại nhất trong đời
Của chú rể cô dâu ngời hạnh phúc

Hãy để cho ngày trọng đại nhất
Lưu giữ mãi tình yêu vĩnh cửu của con người
LÊ MINH CHỬ
TÌM CHI
Cánh buồm nâu căng gió
Ra khơi, đi xa vời.
Buồm ơi, tìm chi đó
Nơi kia nước nối trời?
Đồ Sơn, 24.7.1964
VŨ ĐÌNH HUY
LOOKING FOR WHAT
The billowed out brown sail
Sailing to the open sea, sailing real far
Oh sail, what are thee looking for
Was that a certain place where, to the sky water is connected?
Đồ Sơn, 24.7.1964
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN

HƯƠNG HOA
Mai hồng én liệng tầng không,
Nước long bong nắng, mây bồng bềnh trôi.
Gió ai ướp đâm hương trời
Thoảng vườn tôi, đã xa vời rồi ư?
28.01.1965
VŨ ĐÌNH HUY
FLOWERS’ SCENT
Early in the morning, swallows hovered over the sky
With the sound of sunlit rapid running water, clouds were drifting and bobbing
Whose wind was embalmed with heavenly scent
That flashingly blew over my garden, but that had been far away already?
28.01.1965
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN

HƯƠNG HOA BƯỞI
Khẽ khàng bưởi mở cánh hoa,
Gió bay đến lấy hương ra ướp đời
Ngất ngây chân bước không rời
Lòng xao xuyến nhớ hương người phương xa
Vĩnh Phú, 03.3.1965
VŨ ĐÌNH HUY
POMELO FLOWERS’ SCENT
Softly the pomelo tree’s flowers opened their petals
Flowing wind came, taking their scent to embalm the sky
I walked unsteadily while not wanting to leave
As my stirring mind recalled certain far away person’s scent.
Vĩnh Phú, 03.3.1965
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN


Nhận xét