VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 11/01/2014
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 3 cuốn sách, l cuốn sách cổ bằng Pháp văn và 2 cuốn sách mới bằng Việt văn. Cuốn sách cổ mang tựa đề là Nước Pháp và các Thuộc Địa của Pháp (La France et ses Colonies). Cuốn sách khổ 21x28cm, dày 586 trang được in năm 1889 (125 năm trước) là một cuốn sách mô tả các thuộc địa của Pháp vào thời đó, trong đó có phần nói tới Đông Dương, tức là có nói tới Việt Nam, nhưng chỉ có từ trang 441 tới trang 499 (58 trang), tuy nhiên có một số hình vẽ về Việt Nam bằng bút sắt khá đẹp. Chủ yếu cuốn này nói về Algérie, Soudan, Madagascar vv… Cuốn sách này chứng tỏ là vào năm sách được in, nước ta là một trong ba nước ở Đông Dương và chỉ là một thuộc địa không mấy quan trọng của Pháp. Từ thân phận đó cho tới địa vị hiện tại của chúng ta, khiến ta phải nhớ và biết ơn biết bao tiền nhân đã đấu tranh, đã hiến dâng xương máu cho quê hương để có ngày nay. Cuốn sách còn ở tình trạng rất tốt và có thể được chơi như một cổ thư vì đã 125 tuổi đời. Cuốn sách Việt thứ nhất được giới thiệu là một cuốn sách mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn được tác giả Huệ Thiên tặng 10 năm trước vào năm 2004 và mang tựa đề là Những Tiếng Trống Qua Cửa Các Nhà Sấm. Tác giả Huệ Thiên chính là nhà báo An Chi, người phụ trách mục Chuyện Đông Chuyện Tây của tờ Kiến Thức Ngày Nay. Trong cuốn sách này tác giả giải đáp và đưa ý kiến về nhiều điều mà các độc giả thắc mắc và viết thơ hỏi ông trên tờ Kiến Thức Ngày Nay, ví dụ như Hùng Vương hay Lạc Vương, Từ nguyên của “bù nhìn”, Hợi và Heo vân… vân… Cuốn sách thứ ba là một cuốn sách của nhà nghiên cứu, nhà Kiều học Phạm Đan Quế, hôm nay cũng có mặt tham dự phiên họp, vừa tặng Dịch giả Vũ Anh Tuấn. Cuốn sách mang tựa đề là Thế Giới Nghệ Thuật Truyện Kiều. Sách khổ 17x25cm, dày 628 trang, bìa cứng được in thật trang nhã, với một nội dung rất phong phú, hấp dẫn. Tác giả nói về những đề tài như: Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du, Thiên Nhiên trong truyện Kiều, Điển Cố trong truyện Kiều, Hư từ trong truyện Kiều vân… vân…
Nhìn cuốn sách người viết thấy mừng cho nhà Kiều học Phạm Đan Quế vì ông quả đã có những tác phẩm đáng kể để đánh dấu chuyến du hành 100 năm qua cuộc đời này, hơn hẳn nhiều kẻ tiền rừng bạc biển mà lại chẳng có gì để lại cho đời!
Sau phần giới thiệu sách, nhà Kiều học Phạm Đan Quế đã giới thiệu cuốn sách của ông và kể về cách đọc một bài thơ Kiều bằng trên 1728 cách đọc, thật là độc đáo, tuy nhiên ai để tâm theo dõi cũng phải nói là… hơi mệt!
Tiếp lời nhà Kiều học Phạm Đan Quế, ông Bá Khoát, chủ nhân Vườn Kiều cũng lên kể tiếp nhiều chuyện hấp dẫn liên quan tới Kiều. Thực là một sự tình cờ tuyệt vời khi nhà Kiều học Phạm Đan Quế lại gặp ông Chủ Vườn Kiều trong cùng một phiên họp tất niên của CLB Sách Xưa và Nay. Trong lúc ông Bá Khoát nói, nhà thơ Thiếu Khanh có thắc mắc về việc Cụ Nguyễn Du có thật là người tình của Hồ Xuân Hương không? Ông Bá Khoát trả lời là ông căn cứ vào một tài liệu của nhà nghiên cứu quá cố Hoàng Xuân Hãn.
Kế đó anh Lê Nguyên ngâm tặng các thành viên bài thơ Tuổi Trốn Đâu Rồi?
Nhà thơ Ngàn Phương cho biết là trong Truyện Kiều hai chữ Xuân và Hương được nhắc tới tới 60 lần.
Kế đó anh Thanh Châu hát tặng các thành viên bài Đón Xuân của Phạm Đình Chương. Tiếp lời anh Thanh Châu, anh Phạm Vũ lên nói về bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng
Nữ sĩ Lan Hinh, ái nữ cụ Á Nam Trần Tuấn Khải lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Trước Mùa Xuân của anh Lê Nguyên.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 phút và toàn thể các thành viên ra ba bàn tiệc để cùng nhau ăn Tất Niên, qua một bữa tiệc kéo dài gần hai giờ đồng hồ, và sau đó mọi người vui vẻ ra về sau khi đã thân ái chúc Tết lẫn cho nhau…
Vũ Thư Hữu
ĐẦU NĂM
LƯỢM ĐƯỢC VÀNG
Sáng mùng 6 Tết, sau khi ăn điểm tâm, tôi muốn về thẳng nhà và không ghé tiệm sách của anh bạn tôi như mọi khi, nhưng trước khi tới cửa, tôi bỗng có linh cảm là rất có thể có cái gì hay hay đợi tôi ở quán sách, và rồi tôi lại thẳng tiến thêm 600 mét, để ghé tiệm sách mà tôi tự đặt tên cho là Mãn Nhãn Lâu, nằm trên đường Trần Huy Liệu.
Tới nơi tôi thấy chị chủ tiệm đang ngồi giữa nhiều chồng sách để la liệt chung quanh. Thì ra chị đang dọn dẹp lại những thứ sách tầm thường, mà chị thường bày ở kệ dưới thấp. Cặp mắt chuyên “tầm thư” của tôi đụng ngay một cuốn sách nhỏ nằm ở trên cùng một chồng sách. Cuốn sách có cái bìa rất lạ: đó là một tượng đá có hai bàn tay chắp vào nhau một cách hời hợt, và ngay ở trên là tên một người Pháp mà tôi biết: Henri Guillot, một Giáo Sư dạy tại một Trường Thực Nghiệp ở Courbevoie bên Pháp. Nhìn cuốn sách tôi biết ngay là cái bìa là do chủ sách làm lấy, chứ làm gì có nhà xuất bản nào trình bày bìa kiểu kỳ cục như vậy. Cầm cuốn sách lên tôi thấy rõ là mình đã nghĩ đúng vì cái ảnh tượng đá được dán đè lên bìa cuốn sách, và trên gáy sách tôi thấy người chủ sách, có chữ viết rất đẹp, đã viết tên ba cuốn sách mà ông ta đóng dính vào nhau. Đó là ba cuốn: Tiểu Tự Điển Những Từ Khó (Petit Dictionnaire des Mots Difficiles), Những Câu Nên Nói – Những Câu Không Nên Nói (Ce qu’il faut dire – Ce qu’il ne faut pas dire), và Những Điều Cần Biết (Ce qu’il faut savoir). Cả ba cuốn đều được in năm 1937 (năm sinh trên giấy tờ của tôi), một sự trùng hợp tình cờ mà thích thú, và điều mà tôi thích nhất là đây chính là những cuốn sách tôi đã gặp tại nhà Bác Lê, trong một lần ghé thăm khi Bác ở đường Kỳ Đồng hồi trước 75. Và điều đáng thích hơn nữa là khi hỏi giá chị bạn tôi trả lời tỉnh bơ: “10 ngàn”; ôi, thực là trên cả tuyệt vời, và tôi bỗng cảm thấy như là mình vừa trúng số khi có cả một kho tàng trí thức liên quan tới thứ ngoại ngữ mà tôi được học từ bé và yêu thích, mà chỉ phải chi có 10 đô mít (bằng giá hai tờ báo ngày).
Về đến nhà, tôi bỏ hết các việc khác và dành ngay những giờ phút đầu tiên cho ba cuốn sách. Chủ nhân có dán nhiều hình (mà chắc ông thích) và có ký tên là Lê Văn Lý. Tôi không được hân hạnh được biết ông là ai, ở đâu, làm gì, nhưng điều tôi biết chắc, và có thể đoan chắc với ông, là tôi sẽ săn sóc cuốn sách kỹ không kém ông, và cuốn sách của ông lưu lạc và đến với tôi là đến đúng chỗ nhất, là gặp người đáng thay ông giữ nó nhất.
Tôi xin giới thiệu qua loa rơ măng về nội dung 3 cuốn sách:
A.- Cuốn trên cùng là cuốn Tiểu Tự Điển Những Chữ Khó.
Với cuốn này tôi tìm thấy những chữ không có trong một vài tự điển Pháp Việt mà tôi có như động từ Embobeliner có nghĩa là dụ dỗ bằng lời lẽ ngọt ngào (Tự Điển Pháp Việt của Thanh Nghị không có động từ này) –
Từ Nautonier có nghĩa là người lái tàu nhưng phần lớn chỉ dùng trong thi ca (Tự điển Pháp-Việt của Viện Khoa Học Xã Hội là một cuốn thật hay, thật đủ, nhưng cũng không ghi chi tiết là từ này phần lớn chỉ dùng trong thi ca), tóm lại với một cuốn tự điển tốt thì những từ khó này hầu như đều được giải nghĩa cả tuy nhiên cuốn sách nhỏ bé này có cái hay là gom tất cả những từ khó đó lại một chỗ để người đọc, hay là người học, gặp được chúng.
B.- Cuốn thứ nhì tôi thấy khoái hơn vì nó như một thứ sách dạy thêm cho người đọc những gì mà nhà trường không dạy để bổ túc cho những gì ta đã học được ở học đường. Xin nêu dưới đây một vài thí dụ:
1.- Nếu khi sang Pháp bạn hỏi một ai đó là anh ta học ở đâu, bạn có thể nghe thấy anh ta trả lời: “J’ai visité le Lycée Kléber”, hoặc bạn có thể nghe một người cha khoe con mình học ở Trường Thương Mại nói: “Mon fils visite l’École Pratique de Commerce”, động từ visiter là không đúng và không nên nói, vì động từ đúng và nên dùng là fréquenter, do đó những câu trả lời đúng phải là “J’ai fréquenté le Lycée Kléber” và “Mon fils fréquente l’École Pratique de Commerce”.
2.- Đừng nói là: “Mon frère est en Japon – en Maroc” mà phải nói là: “Mon frère est auJapon – au Maroc”.
3.- Đừng viết là: “Je m’éfforcerai...”(Tôi sẽ cố gắng…) mà phải viết đúng là: “Je m’efforcerai…” vì chữ e được theo sau bởi hai chữ f không bao giờ có dấu sắc. Đại khái là cuốn sách nhỏ này chỉ cho người học cách viết đúng tiếng Pháp qua 116 trường hợp, và nó thật là thích thú với người yêu thích Pháp văn như tôi.
C.- Cuốn thứ ba “Những Điều Cần Biết” gồm 200 đặc ngữ và ngạn ngữ Pháp, ví dụ Kẻ không làm gì cả hoặc làm một việc vô bổ (Celui qui ne fait rien ou qui se livre à une vaine occupation) thì là Celui qui se tourne les pouces hoặc Kẻ giàu sụ và là nhân vật quan trọng thì được gọi là: “C’est un Pérou”, còn ngược lại kẻ không quan trọng thì được coi là: “Ce n’est pas le Pérou”…
Tóm lại ba cuốn sách nhỏ này rất quý với những người yêu thích tiếng Pháp như tôi, và tôi đã tự cho là mình may mắn, vì đầu năm ra phố đã… lượm được vàng!
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn
|
Nhận xét
Đăng nhận xét