NGUYỆT SAN 92 -

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/12/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 3 cuốn sách, một cũ và 2 mới.
Cuốn cổ thư là một cuốn sách mang tựa đề là “Chuyến Du Lịch Thăm Châu Á” (Le Tour d’Asie) được xuất bản năm 1899 (114 năm trước) của tác giả Marcel Monnier (1853-1918), một thông tín viên của tờ Thời Đại (Temps), người đã dành nguyên một cuốn sách để viết về những gì ông quan sát thấy và tìm hiểu được trong chuyến đi tới Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong khoảng thời gian từ 1894 tới 1897. Cuốn sách khổ 13cm x 20cm và dày 333 trang, có 38 tấm ảnh rất đẹp do chính tác giả chụp. Vì cuốn sách khá hay, nên Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã hứa sẽ giới thiệu kỹ hơn về nội dung trong Bản Tin tháng tới. Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách mới được xuất bản năm 2004, do nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, mang tựa đề là SỐNG VỚI SÁCH. Đây là một cuốn sách của một tác giả là một nhà giáo, đồng thời là một nhà nghiên cứu, người Anh sinh năm 1955 (58 tuổi) viết về sách với lời giới thiệu nguyên văn như sau đây: “Quyển SỐNG VỚI SÁCH tìm tòi và khám phá những phương cách khác nhau để sách không những được lưu trữ một cách hợp lý mà còn đóng vai trò hoàn hảo trong việc tạo cá tính cho ngôi nhà hoặc căn hộ của chúng ta”. Với lý do trên sách chứa đựng hàng trăm hình chụp các cách lưu trữ bày biện sách, các loại tủ sách, kệ sách vv… Cuốn sách in khá đẹp, với hình mầu, nhưng nhìn chung các tủ và kệ sách chưa chắc đã đẹp bằng nhiều tủ và kệ sách của các nhà chơi sách người Việt chúng ta. Còn về nội dung thì không có gì đặc biệt,nếu không muốn nói là hơi… bị tếu, vì sách gì mà đem để cả ở nhà bếp và phòng tắm (ở ta, phòng tắm đôi khi… lại là phòng toa lét luôn!) nên người viết thấy không mấy khoái. Cuốn sách thứ ba được giới thiệu là một tập truyện ngắn của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền, một nhà văn nữ, 54 tuổi, sinh sống ở Khánh Hòa, mà tình cờ Dịch giả Vũ Anh Tuấn quen trên Facebook và được nhà văn nữ đó tặng, và ông cũng tặng lại nhà văn đó sách của ông.
Sau phần giới thiệu sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã nói về việc các tác giả có thơ trong tập thơ của các thành viên cần cung cấp mỗi người một ảnh chân dung và vài dòng tiểu sử vắn tắt để in vào tập thơ. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs. Nguyễn Lân-Đính có nói qua về việc người cháu của ông ở Mỹ đã có sự nhầm lẫn về tên của ông trong một đề tài nghiên cứu.
Sau khi Bs. Đính kể xong, nhà thơ nữ Minh Hưng đã lên ngâm tặng các thành viên bài thơ nhan đề là “Còn Mãi Với Thời Gian” mà nhà thơ tặng các thành viên đều đã đạt mức, hoặc tròm trèm cổ lai hy.
Sau nhà thơ nữ Minh Hưng, anh Thanh Châu lên nói về bài ca từ biệt “Au revoir” và ca tặng các thành viên bài ca đó. Tiếp lời anh Thanh Châu, anh Phạm Vũ lên nói về bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng.
Tiếp lời anh Phạm Vũ, bà Thùy Dương lên nói về các kỷ niệm của bà với nhạc sĩ Văn Cao, và cho các thành viên xem thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao đề tặng bà mấy bài thơ.
Kế đó các thành viên đồng ca hai bài Thăng Long Thành và Thiên Thai của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Cuối cùng bà Xuân Vân lên ca bằng giọng ca khá mượt mà của bà bài “Mùa Xuân đầu tiên” là bài ca cuối cùng của Văn Cao.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu

TỔNG KẾT
MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY
Cả ngày loay hoay xếp đặt đống sách vở vừa khui thùng sau chuyến dọn nhà, nên tôi không mang điện thoại theo người. Vừa nghỉ ngơi, lấy điện thoại mở ra thì gặp cuộc gọi nhỡ của Ô. Chủ Nhiệm. Gọi lại, thì hóa ra là ông yêu cầu tôi viết mấy dòng tổng kết một năm hoạt động của CLB, với lý do là “anh em khác không rảnh, chỉ có bà vừa dọn nhà nên rảnh rang”!
Trời đất! Không biết ông có vì “tuổi già, sức yếu” mà nhầm lẫn hay không, để cho người dời nhà là rảnh rang, trong khi tôi chỉ có 2 mẹ con mà phải ổn định cho 2 xe tải 5 tấn với hằm bà lằng bàn, ghế, giường, tủ, tranh ảnh, sách vở, chén, bát, nồi niêu, soong chảo?! Mà thôi, “cung kính bất như tuân lệnh”, tôi tạm ngừng bố trí đồ đạc để ghi lại mấy dòng về hoạt động của CLB năm vừa qua.
Năm qua, có l tin buồn là CLB phải chia tay với 1 Thành Viên, đó là Ô. Phạm Phú Thành, cháu cố của Danh Nhân Phạm Phú Thứ, người vẫn cộng tác với Nội San với nhiều bài ký tên PTT. Ông ra đi ở tuổi ngoài 80, để lại thương tiếc cho tất cả thành viên còn lại.
Ngoài ra thì CLB vẫn đều đặn sinh hoạt. Hàng tháng vẫn họp đều ở Nhà Thờ Tân Sa Châu. Ngoài Nhà Văn, Nhà Thơ ở Miền Bắc vẫn gởi bài tham gia, mấy kỳ gần đây còn có sự góp mặt của Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Đình Huy, người vẫn đều đặn có thơ đăng trong Nội San, mà người đọc vẫn nhận xét là: Tuy là một nhà Khoa Học nhưng cảm xúc trong Thơ của Ông thật là tinh tế và không kém phần lãng mạn.
Mở lại các số Xuân, tôi thấy, CLB bắt đầu sinh hoạt từ năm 2006, nhưng đến 2009 mới bắt đầu có số Xuân. Số đầu tiên chỉ có 112 trang, kế đó là 117, rồi 136, 148. Số Xuân năm 2013 vừa qua là 152 trang. Số Xuân này đến hơn 168 trang, chứng tỏ CLB ngày càng “ăn nên, làm ra”.
Nếu như Giáo Sư Vũ Đình Huy đã khẳng định:
“Tôi không thể nằm yên chờ cái chết
Đến giường tôi âm ỷ giết tôi dần”
Thì những thành viên CLB cũng thế. Người trẻ nhất có lẽ cũng gần 50. Các Thành Viên còn lại đều vào hàng U80, 90... nhưng vẫn hăng hái tham gia sinh hoạt, góp bài vở, xem đó như một sân chơi để thư giãn cho tuổi già không trở thành nhạt nhẽo, vô vị.
Tuy chỉ là tờ Nội San nhỏ bé, lưu hành Nội Bộ, nhưng người tham gia viết bài đều đã nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, và rất nhiệt tình để nói về cái hay, cái đẹp, về những điều nên làm, cần tránh, những câu chuyện vui cười vv... Nội dung khá đa dạng, nhưng đầy tính xây dựng. Dù nói về chuyện ngày xưa hay chuyện thời đại đều nêu lên những mặt đáng trân trọng của cuộc đời. Bài viết hoặc Thơ mà các Thành Viên đóng góp là những gì được chắt lọc từ kinh nghiệm sống của hơn nửa đời người, nên ý tưởng phong phú, không sao chép, không bị ảnh hưởng trào lưu mới, vì thế dễ đọc, dễ đi sâu vào lòng người. Có lẽ vì vậy mà không chỉ riêng nội bộ đọc, Nội San còn được một số trang mạng tiếp tay phổ biến, như trang Web newvietart.com, diendansonghuong.com, vandanviet.com, hoamai-aus.org.au...
Trang chủ của CLB là sachvatranh.com thì mới mở hơn 2 năm mà số lượt truy cập đã lên đến 308.000 lượt, chứng tỏ được nhiều người quan tâm. Đúng vào ngày đầu năm 2014, ông Chủ Nhiệm đã khoe với tôi là: “Chỉ từ 6g15 phút ngày hôm trước, đến hôm sau đã có 1.000 lượt truy cập”! Tuy tôi cười nói với ông là: “Chỉ riêng mình ông cũng đã 800 lượt rồi!”, nhưng cũng phải nhìn nhận đó là một con số không nhỏ chút nào. Các Thành Viên nghe được chắc cũng lên tinh thần vì biết rằng những gì mình trải lòng cũng có được nhiều người từ nhiều nơi hưởng ứng. Bản thân Chủ Nhiệm thì tờ Nội San càng dày thì càng “viêm màng túi” nặng, nhưng ông vẫn vui vẻ, cho rằng đó là cơ hội để ông kể công với Mẹ Âu Cơ.
Những năm trước, mỗi Quý, Ông Chủ Nhiệm và các thành viên CLB đều đến thăm một nhà lưu niệm của một danh nhân. Tiếc rằng thời gian gần đây không tìm được địa chỉ nào, nên đành chịu.
Ngoài ra, chắc chắn trong năm 2014 này tập thơ “Mây Bạc” của các Thành Viên sẽ hoàn tất sau nhiều kỳ bàn bạc kéo dài...
Vậy là thêm một Mùa Xuân mới lại đến. Thay mặt cho CLB, xin kính chúc toàn thể các Thành Viên và quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng. Chúc cho Nội San ngày càng khởi sắc, thêm nhiều bài viết hấp dẫn, nhiều Thành Viên tham gia để bài vở ngày càng phong phú hơn, và ngày càng thêm nhiều độc giả để cùng trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống.
Tâm Nguyện
Tháng 1/2014
VÀI DÒNG VỀ CUỐN CỔ THƯ
“CHUYẾN DU LỊCH CHÂU Á”
(LE TOUR D’ASIE)
ĐƯỢC XUẤT BẢN 115 NĂM TRƯỚC (1899)
CỦA TÁC GIẢ MARCEL MONNIER
Đây là một cuốn sách dày 333 trang mô tả chuyến đi của tác giả Marcel Monnier, một thông tín viên của một tờ báo Pháp hồi cuối thế kỷ thứ 19, tờ Thời Đại (le Temps). Tác giả này sinh năm 1853 ở Paris, vừa là nhà văn, nhà báo, vừa là một nhà du hành có tiếng của Pháp, vì trong thời trai trẻ, sau khi đã đi khắp châu Âu, anh ta lại đi khắp Trung Mỹ, đi tới tận Hạ Uy Di, và rồi trong những năm 1884 tới 1887, anh ta qua Ấn Độ Dương, tới Mã Lai Á và Úc Châu. Trong hai năm 1891 và 1892, anh ta đi thăm xứ Guinée thuộc Pháp, và rồi trong thời gian từ 1894 tới 1897, với tư cách Thông tín viên của tờ Thời Đại anh ta tới Đông Dương thuộc Pháp, Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Quốc. Sau chuyến đi này tác giả này viết một bộ du ký mang tựa đề là “Chuyến Du Lịch Châu Á” và dành riêng tập 1 dày 333 trang để viết về Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin). Đi đến đâu nhà báo này cũng mô tả khá chi tiết những gì anh ta quan sát và cảm nhận bằng một giọng văn rất ít tính thực dân, không hề tỏ vẻ khinh miệt người bản xứ, tức là chúng ta bây giờ. Vì là một Thông tín viên nên anh ta đã có lần được mời vào Duyệt Thị Đường xem Hát Bội trong dịp sinh nhật lần thứ 17 của Thành Thái, đã được gặp và đã có bài viết về Nhiếp Chính Đại Thần Nguyễn Trọng Hợp…
Vì thấy nhà báo này dành riêng một cuốn sách dày 333 trang chỉ để nói về những gì anh ta quan sát, cảm nhận, và đánh giá, để sau đó mô tả bằng những quan điểm và ý tưởng, cũng như cách viết rất ư là nhà báo của anh ta, nên tôi nghĩ nên giới thiệu cuốn sách một cách chi tiết một chút, vì nó có thể là một nguồn tư liệu cho những ai đang nghiên cứu lịch sử cận đại của chúng ta.
Cuốn sách khổ 13 x 20cm này dày 333 trang và có chứa đựng 38 tấm hình mà anh ta đã chụp trong khi đi qua cả 3 miền đất nước của chúng ta, và cố nhiên là anh ta chụp những hình ảnh mà anh ta cho là độc đáo, đáng quan tâm ghi nhớ.
Sách được chia làm 3 phần:
Phần 1 nói về Nam Kỳ – Cao Miên và Xiêm và được chia làm 6 chương:
Chương 1: Nói về những cảm nghĩ khi mới đặt chân lên đất Nam Kỳ – về những chuyện vụn vặt mang tính chất Nam Kỳ – về một cuộc họp của Hội Đồng thuộc địa – về Saigon ban ngày và ban đêm.
Chương 2: Nói về phong cảnh ngoại ô Saigon – về sông Đồng Nai và về thác Trị An.
Chương 3: Nói về xứ Mọi.
Chương 4: Nói về đường đi từ Saigon tới Pnom-penh – về đường đi Angkor.
Chương 5: Nói về Angkor
Chương 6: Nói về đường bay đi Bangkok
Phần 2 nói về Trung Kỳ và được chia thành 4 chương:
Chương 1: Nói về miền duyên hải – về Đà Nẵng và Ngũ Hành Sơn – về con đường Cái Quan.
Chương 2: Nói về Huế và vùng phụ cận – về Kim Long và về một Hội chợ của người Lào.
Chương 3: Nói về Hoàng cung – về lễ hội Mùa Xuân và một dạ hội ở triều đình Huế.
Chương 4: Nói về hình ảnh các quan trong triều – về một tiệc cưới và về Nhiếp Chánh Đại Thần Nguyễn Trọng Hiệp.
Phần 3 nói về Bắc Kỳ và gồm 6 chương.
Chương 1: Nói về Hải Phòng – Vịnh Hạ Long – và Hòn Gai.
Chương 2: Nói về Hà Nội.
Chương 3: Nói về trên đường về Yên Thế – về gặp gỡ Đề Thám – về một tên cướp biển đã thôi hành nghề.
Chương 4: Nói về đường xe lửa đầu tiên ở Bắc Kỳ – về từ Lạng Sơn tới Ải Nam Quan.
Chương 5: Nói về ở Quảng Tây và Long Châu.
Chương 6: Nói về thung lũng sông Thương – và về một sự bảo hộ về mặt nông nghiệp.
Tóm lại cuốn sách có thể vừa được coi như là một tài liệu tham khảo quý, và đồng thời là một cổ thư vì nó cũng đã được 115 tuổi đời…
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn

Nhận xét