VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 13/4/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Trong buổi họp ngày hôm nay có một khách mời của Lm Triết là một chuyên gia về in sách, và nhà thơ nữ Phạm Thị Minh Hưng, đồng tác giả tập thơ Đêm Hoa Lửa với nhà thơ nữ Đàm Lan, một người có rất nhiều bài thơ và bài viết trên Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay.
Sau khi hai vị khách có mấy lời tự giới thiệu, như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 1 cuốn sách và một bộ sách bằng Pháp văn tương đối cổ. Cuốn sách được giới thiệu nhan đề là “Aphrodite” của nhà văn Pháp nổi tiếng Pierre Louys, được nhà xuất bản Eugène Fasquelle ở Paris in năm 1923 (90 năm trước). Cuốn sách khổ 11cm x 18cm và dày 338 trang, bên trong có hàng trăm hình minh họa (phần lớn vẽ phụ nữ khỏa thân) bằng bút sắt cực đẹp bởi một họa sĩ chuyên vẽ minh họa nổi tiếng tên là A. Calbet. Tựa đề của cuốn sách là Aphrodite, và đây là tên Nữ Thần Tình Yêu và Sắc Đẹp của cổ Hy Lạp cũng tương tự như Nữ Thần Vệ Nữ của La Mã. Ngay dưới tựa đề tác giả có ghi là “Các phong tục cổ” (Moeurs antiques), và là một truyện tình đầy chi tiết ly kỳ rối rắm giữa hai nhân vật Chrysis tóc vàng, một người đẹp được không biết bao nhiêu là chàng trai theo đuổi, ham muốn, và Démétrios, một Kiến trúc sư đẹp trai và rất nổi danh, cũng được rất nhiều phụ nữ, không biết cơ man nào mà kể, theo đuổi. Tuy nhiên cuốn sách hấp dẫn người viết nhất là vì nó được coi là một tác phẩm phong tình hàng đầu của Pháp, đồng thời nó cũng chứa đựng hàng trăm hình vẽ quý bà khỏa thân bằng bút sắt cực kỳ đẹp, và cũng đã 90 tuổi đời. Bộ sách Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sau cuốn Aphrodite gồm 2 tập nhan đề là “Các cuộc viễn chinh ở Trung Hoa và Nam kỳ” (Les expéditions de Chine et de Cochinchine) của Nam tước (Baron) de Bazancourt (*) được nhà xuất bản Amyot in tại Paris vào năm 1861 (tập 1) và 1862 (tập 2), khổ 14x22cm, tập 1 dày 426 trang và tập 2 dày 413 trang, cả hai cuốn đều chỉ toàn chữ không hề có một minh họa hay bản đồ nào. Thoạt đầu khi thấy cả bộ sách chẳng có hình vẽ nào, người viết không thấy hứng thú lắm, ngoại trừ việc hai cuốn sách đã được 152 năm tuổi, nhưng sau khi dở phần mục lục ở cả hai cuốn, người viết tự nhủ phải mua cho được bộ sách này. Lý do là trong đời chơi sách của mình, người viết chưa bao giờ gặp bộ sách nào có phần mục lục dài (tập 1 dài 12 trang, và tập 2 dài 13 trang) và chi tiết như trong bộ sách này; ngoài ra còn có 16 văn bản để biện minh đi kèm. Lướt qua mấy chục trang mục lục, người viết thích quá vì thấy, với bộ sách này, mình có được trong tầm tay toàn bộ những sự việc, sự kiện đã diễn ra khi bọn Thực dân Pháp mới toan tính và mới đặt chân lên đất Nam kỳ của chúng ta. Điều thích thú này đã khiến người viết phải chịu một giá hơi “cứa cổ” của anh bạn “Trung thương gia” đã cất công mang bộ sách từ Pháp về. Sau phần giới thiệu một vài thành viên đã thích thú cầm xem mấy cuốn cổ thư.
Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Dương đã lên nói vài lời về một truyện ngắn đã được in trong một tập truyện ngắn, nghĩa là đã được in thành sách, nhưng lại bị phê phán, phản đối sao đó, nhưng rồi kết quả là vẫn được bán và rao bán cả ở trên mạng nữa. Sau anh Dương, anh Hữu đã lên ngâm một bài thơ tặng các thành viên. Anh Hữu ngâm thơ xong thì BsNguyễn Lân-Đính lên giới thiệu một cuốn sách bằng Anh Ngữ nhan đề là “Chống Ung thư, một cách sống mới” (Anti-cancer, a new way of life) của David Servan-Schreiber (1961- 2011) một bác sĩ Pháp bị khối u ở não năm 31 tuổi, và ông đã, trong suốt 20 năm, tự nghĩ ra một phương thức ẩm thực chống trả lại căn bệnh hiểm nghèo của mình. Cuốn sách của ông được dịch ra 35 thứ tiếng. Cuối cùng ông đã qua đời ở Fécamp (Normandie) ngày 24-7-2011. Là chuyên gia dinh dưỡng, BS. Đính thấy cuốn sách quá hay nên giới thiệu với anh em thành viên.
Sau khi Bs Đính nói xong, Lm Triết nhắc lại việc lựa chọn và xúc tiến chuyện in Tuyển Tập Thơ của chính các thành viên CLB Sách Xưa và Nay, và mọi người đã hào hứng tham gia bàn cãi và chỉ định 5 thành viên lo việc tuyển chọn các bài thơ sẽ được in vào Tuyển Tập.
Kế đó, anh Chử đã lên “hát thơ” bài thơ Nhà Tôi để tặng các thành viên.
Buổi họp kết thúc thật vui vẻ lúc 11 giờ 15 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu
(*) Tác giả này cũng không hề được nhắc tới trong các Tự Điển Văn Học của Pháp ngày nay.
VÀI CẢM NGHĨ VỀ
LỢI ÍCH THIẾT THỰC CỦA SÁCH CỔ
VÀ VỀ MỘT CHUYỆN NHỎ CẦN ĐƯỢC LÀM SÁNG TỎ
Là người yêu sách, mê sách và chơi sách từ thuở thiếu thời, người viết luôn quan niệm rằng “chơi sách không chỉ là thỉnh thoảng mang sách ra ngắm nghía, mơn trớn, vuốt ve, như có người đã nói, mà còn phải đọc cuốn sách mình chơi để biết nội dung và các kiến thức sách chứa đựng, sau đó lại còn phải biết sử dụng, phổ biến, và chia sẻ các kiến thức đó với những người yêu sách khác.
Câu truyện người viết xin kể sau đây là một minh chứng rõ rệt về lợi ích thiết thực của sách cổ. Mới đây, người viết tình cờ được có trong tay một cuốn sách cổ bằng Pháp văn được xuất bản năm 1884 (129 năm trước) mang tựa đề là “Tư lệnh Rivière và cuộc viễn chinh ở Bắc kỳ” (Le commandant Rivière et l’expédition du Tonkin) của tác giả Charles Baude de Maurceley. Cuốn sách được in ở Ba Lê, thủ đô của nước Pháp. Có cuốn sách cổ trong tay, người viết tò mò đọc ngay và thấy một điều mới lạ mà trước khi gặp cuốn cổ thư người viết không hề biết. Đó là việc Đại Tá Hải quân Henri Rivière, người đã đánh chiếm và thủ thành Hà Nội (1882), ngoài chuyện là một quân nhân, ông ta còn là một văn nhân với khá nhiều tác phẩm. Thấy chi tiết này hay hay, người viết liền giới thiệu trên một trang mạng ở Pháp. Xin nói thêm là tình cờ người viết thời học tiểu học, lại học ngay tại ngôi trường mang tên Henri Rivière, ở bên cạnh Bưu Điện Hải Phòng.
Điều này cho thấy rõ ràng là cuốn cổ thư có lợi ích rất thiết thực, vì không có nó thì người viết khó mà có cơ hội để biết là Rivière, ngoài việc là quân nhân, còn là một văn nhân. Thực vậy, ngay với các tự điển hàng đầu như Larousse, Henri Rivière chỉ được cho biết là một sĩ quan Hải quân đã đánh chiếm và phòng thủ thành Hà Nội năm 1882, và chấm hết. Tiện đây người viết cũng xin nói lên một điều mà, do thích đọc, và đã đọc rất nhiều các tác giả Pháp viết về Đông Dương như Jules Boissière, Jean Ajalbert, Henri Daguerches, Marcel Gaultier, Jean Marquet, Jean Ricquebourg, Jean d’Esme, Albert de Pouvourville, Paul Bonnetain… người viết thấy rất rõ là hầu như tất cả các tác giả Đông Dương, thời thuộc địa này đều không được đưa vào các tự điển Văn Học lớn, bé của Pháp, chả hiểu vì lý do gì? Do đó, qua sự việc này ta có thể thấy rõ lợi ích thiết thực của cổ thư, nếu được sử dụng đúng mức, là không thể không chấp nhận.
Cùng với việc bài viết về Henri Rivière được đăng tải trên mạng Newvietart ở Pháp, người viết đã được một độc giả chất vấn qua mạng là sao lại dịch từ “Commandant” là “Tư lệnh” vì theo vị độc giả này thì từ “Commandant” còn có nghĩa trong tiếng Việt là Đại Tá, và vị độc giả này muốn người viết cho hay, nếu Rivière là Tư lệnh thì là Tư lệnh đơn vị nào, binh chủng nào? Người viết đã vui vẻ hồi âm và trích dẫn mấy đoạn trong cuốn sách để giải thích là Rivière là Tư lệnh các Lực Lượng Viễn Chinh của Pháp ở Bắc Kỳ, một chức vụ mà ông ta được truy phong 2 ngày sau khi ông ta tử trận ở Ô Cầu Giấy vào năm 1883. Lời giải thích và trích dẫn của người viết đã được vị độc giả đồng thuận và đã gửi lời cảm ơn người viết qua mạng nói trên.
Tuy nhiên, chính vì khi xem lại cuốn sách và đưa ra mấy trích dẫn để giải thích, người viết mới thấy có cơ hội để làm sáng tỏ một vấn đề rất nhỏ, nhưng nếu không làm sáng tỏ và tiếp tục hiểu không rõ ràng thì dễ bị nam ngoại nó cười, mà người viết thì là kẻ “bài nam ngoại” từ bé, vì từ khi đi học ở chính cái trường mang tên Henri Rivière ở Hải Phòng, người viết đã nhiều lần đấu võ với lũ tây con, nhất là với mấy nam ngoại “nai” (lai), vì với lũ này,thì phải nói là, thực là khó mà “ngửi” nổi bọn chúng!
Vấn đề rất nhỏ đó là định nghĩa chính xác của từ “Commandant” trong tiếng Việt. Khi được chuyển dịch qua tiếng Việt từ “Commandant” chỉ có những nghĩa sau đây: Thiếu tá(trong Lục quân) – Chỉ huy hay Tư lệnh (trong phạm trù chức vụ, chứ không phải cấp bậc) – Thuyền hay Hạm trưởng (cũng trong phạm trù chức vụ) và dấu hiệu rõ ràng nhất của cấp bậc Thiếu tá (Commandant) là cái lon gồm có 4 vạch. Do đó từ “Commandant” trong tiếng Pháp không thể chuyển dịch thành Đại tá nhất là Đại tá Hải quân vì trong tiếng Pháp Thiếu tá Hải quân được gọi là Capitaine de Corvette – biệt danh là Corvetard và cái lon gồm 4 vạch (xin mời xem minh họa 1 in kèm trong bài này). Và trong cuốn cổ thư nói trên cấp bậc Đại tá Hải quân của Henri Rivière được để rõ là Capitaine de Vaisseau - tuy không có để cái biệt danh là Cap de veau – (Xin mời xem minh họa 2).
Người Việt mình có thể đã nhầm vì thấy trên cả ba cấp bậc: Thiếu tá Hải quân (Capitaine de Corvette – biệt danh Corvetard), Trung tá Hải quân (Capitaine de Frégate – biệt danh Frégaton), và Đại tá Hải quân (Capitaine de Vaisseau – biệt danh Cap de veau)đều có chữ Commandant đi kèm (xin mời xem lại minh họa 1). Tuy nhiên nếu từ “Commandant” này có nghĩa là Đại tá thì nó chỉ có thể áp dụng cho một cấp bậc (Đại tá), chứ không thể áp dụng luôn cho cả hai cấp bậc còn lại. Vậy thì các từ “Commandant” được ghi cùng cả ba cấp bậc chỉ có nghĩa (về phạm trù chức vụ) là Hạm trưởng vì có lời giải thích đi kèm là chức Hạm trưởng có thể được giao cho người ở bất cứ cấp bậc nào (quel que soit son grade).
Tóm lại từ “Commandant” trong tiếng Pháp không thể được dịch sang tiếng Việt là Đại tá Hải quân (xin mời xem lại thêm một lần nữa trong minh họa 2) để biết Rivière được thăng chức Đại tá Hải Quân vào năm 1880.
Còn từ “Commandant” trong tựa đề cuốn sách chỉ có nghĩa là Tư Lệnh (đúng ra là Tổng Tư lệnh – Commandant en chef, nhưng tác giả chỉ để là “Commandant”) là chức vụ mà Rivière đã được truy phong 2 ngày sau khi ông ta tử trận ở Ô Cầu Giấy vào năm 1883, mười năm sau cái chết của Francis Garnier vào năm 1873, cũng ở Ô Cầu Giấy…
Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn
|
Nhận xét
Đăng nhận xét