NGUYỆT SAN 85 & THƠ - KỶ NIỆM 7 NĂM Tháng 5/2006_Tháng 5/2014

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 11/5/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Trong buổi họp sáng nay có một vị khách là nhà thơ nữ Phạm Thị Minh Hưng, đồng tác giả tập thơ Đêm Hoa Lửa với nhà văn nữ Đàm Lan, một cây viết quen thuộc của Bản Tin CLB Sách Xưa & Nay. Sau vài lời tự giới thiệu của nhà thơ Minh Hưng, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mở đầu phiên họp bằng việc giới thiệu 2 cuốn sách mà ông mới có. Lần này cả hai cuốn sách đều là sách mới, và một cuốn bằng tiếng Việt, cuốn còn lại bằng tiếng Pháp. Cuốn tiếng Việt mang tựa đề là “Thương nhớ Nguyễn Khải” là một cuốn gồm những bài viết về nhà văn quá cố Nguyễn Khải được viết bởi các bạn bè của ông. Người viết đã mua vì thấycuốn sách có rất nhiều hình ảnh minh họa và vì thấy sách được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in rất đẹp năm 2008, đồng thời, và nhất là vì người viết thấy có chữ ký của nhà văn ngay trên trang lót, nên khi được anh bạn bán sách phán một giá hơi cứa cổ, người viết cũng vui vẻ rút tiền liền! Nhưng than ôi! Khi về tới nhà lấy sách ra đọc kỹ mới thấy là cuốn sách được in ngay sau khi nhà văn mất. Mà đã mất thì còn làm sao mà ký được? Thế là người viết ngay tức khắc vác cuốn sách tới đòi anh bạn bán sách cho trả lại, đồng thời giải thích cho anh ta biết là chữ ký là chữ ký dzổm, vì sách được in sau khi nhà văn mất, và đây chính là lúc điều kỳ diệu xảy đến! Anh bạn bán sách không chịu trả lại tiền và nói:
“Ông nhà văn này rất thần thông vì ông là người siêu trường thọ, ông ta sống chắc phải 160, 170 tuổi vì đây này, bác xem này, đây là hình ông ta chụp năm 1875, mà trông hình này thì lúc chụp ông ta ít nhất cũng đã phải là 30 tuổi là ít. Vậy rất có thể là mất xong, ông ấy hiện về và thích cuốn sách nên ký thì sao? Rồi anh bạn bán sách mở cuốn sách nơi trang 10 và cho người viết đọc hàng chữ: “Chân dung nhà văn Nguyễn Khải chụp tháng 5năm 1875”. Sau khi nhìn thấy tận mắt con số 1875, người viết đành chịu thua vác cuốn sách về… Cuốn thứ nhì bằng Pháp văn mang tựa đề là Một Ngàn Năm Văn Học Việt Nam (Milleans de littérature Vietnamienne) của nhóm tác giả gồm Bs Nguyễn Khắc Viện, tác giả Hữu Ngọc và một số tác giả khác trong đó có 2 nữ tác giả người Pháp. Cuốn sách khổ 11x17cm và dày 604 trang, được in năm 2000, và được viết bằng Pháp văn. Đây là một tuyển tập các bài thơ văn của các tác giả từ thế kỷ thứ XI tới cuối thế kỷ XX nên là một kho tài liệu cho những ai yêu thích văn chương, văn học. Sau khi đọc lướt qua hồi thế kỷ thứ XI, người viết bắt gặp nhiều tên tuổi mà mình chưa hề biết đến như Diệu Nhân, Nguyễn Sướng, Doãn Hành, Thái Thuận, Phú Thúc Hoành vv… Sau khi được giới thiệu, 2 cuốn sách được các thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.
Sau phần giới thiệu sách, anh Dương đã lên trình bày về việc lựa chọn thơ để in một tuyển tập thơ của chính các thành viên CLB. Các thành viên đã tham gia thảo luận để đi đến một thỏa thuận chung cho việc in tập thơ, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, vì cũng có thành viên muốn in cả thơ lẫn văn. Vả lại, theo như chuyên viên in ấn cho biết thì không thể nào in kịp vào thời điểm kỷ niệm 7 năm ngày thành lập. Do đó, việc thảo luận về in thơ đã được gác lại cho tới kỳ họp tới, hy vọng sẽ đạt tới thỏa thuận chung, làm mọi người ai nấy đều hài lòng.
Sau phần thảo luận, anh Chử đã “hát thơ” tặng các thành viên một bài anh mới làm. Tiếp lời anh Chử, nhà thơ nữ Minh Hưng ngâm tặng các thành viên bài thơ “Thiên đường tìm đâu”. Kế đó Dịch giả Vũ Anh Tuấn kể chuyện ông viết truyện ngắn Hảo Mộng và khoe 4 câu thơ trường phái Thiên Cữu:
Đôi ta sẽ sống
Chẳng cần sang giàu
Chỉ cầu cho được
Suốt ngày bên nhau.
Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, nhà thơ Thiếu Khanh lên kể một giai thoại về tình.
Cuối cùng anh Phạm Vũ có một thuyết trình ngắn về văn hào Mark Twain, và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.
VŨ THƯ HỮU
VÀI DÒNG VỀ CUỐN SÁCH
“CÔNG TRÌNH CỦA NƯỚC PHÁP Ở BẮC KỲ”
(L’OEUVRE DE LA FRANCE AU TONKIN)
của tác giả ALBERT GAISMAN
Cuốn sách khổ 14x20cm này dày 240 trang cộng với 4 bản đồ, và được xuất bản năm 1906 (107 năm trước) ở Paris bởi nhà xuất bản Félix Alcan, một nhà xuất bản khá nổi tiếng. Lời giới thiệu sách là của J. L. De Lanessan, Cựu Toàn Quyền Đông Dương, cựu Bộ Trưởng Hải Quân Pháp.
Cuốn sách kể lại một cách vô tư tất cả các sự việc đã xảy ra trước lúctrong lúc, và sau lúcPháp chiếm Bắc Kỳ và là một nguồn sử liệu cực quý.
Ngoài lời giới thiệu sách của cựu Toàn quyền Đông Dương De Lanessan và lời nói đầu của tác giả, cuốn sách được chia làm VIII chương.
Chương I từ trang 7 - 47 nói về: Các chi tiết địa dư – Cuộc viễn chinh của Francis Garnier - Hiệp ước ký kết năm 1784.
Chương II từ trang 48 - 55 nói về: Chính sách kinh tế mới của nước Pháp.
Chương III từ trang 56 - 78 nói về: Cuộc chinh phục - Mâu thuẫn và va chạm với Trung Hoa - Vụ Bắc Lệ - Vụ Lạng Sơn - Hiệp ước ký với Trung Hoa.
Chương IV từ trang 79 - 111 nói về: Việc bình định.
Chương V từ trang 112 - 153 nói về: Tính tình dân Annam, tổ chức gia đình và xã hội - Người Annam - Người nông dân và người thợ công nghiệp - Việc cần thiết là phải có trường dạy nghề thực hành - Thuế má.
Chương VI từ trang 154 - 200 nói về: Tạo hóa lợi cho lãnh thổ chiếm cứ là xứ Bắc Kỳ - Kỹ nghệ - Mỏ than - Nghề kéo sợi bông - Hãng xi măng - Kỹ nghệ nấu rượu - Kỹ nghệ làm bột - Dệt lụa - Cảng Hải Phòng - Việc xuất cảng - Việc nhập cảng - Tổ chức việc buôn sỉ - Kỹ nghệ làm đồ uống.
Chương VII từ trang 201 - 216 nói về: Quan hệ giữa xứ Bắc Kỳ và Vân Nam - Vân Nam - Sự cần thiết phải có cơ quan tín dụng.
Chương VIII từ trang 217 - 227 nói về: Các đồng minh cần thiết của nước Pháp ở Viễn Đông.
Phụ đính từ trang 229 - 237 nói về: Phong trào thương mại tổng quát của Đông Dương từ 1895 tới 1904 tính bằng hàng triệu quan - Phong trào thương mại đặc biệt của Đông Dương với Pháp quốc tính bằng hàng triệu quan - Nhập cảng - Xuất cảng.
Cuốn sách là một nguồn tài liệu rất quý về tất cả những gì người Pháp đã mưu toan, đã dự tính, và đã làm sau khi chiếm được Bắc Kỳ…


(Trích hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI)
Vũ Anh Tuấn
ĐÔI NÉT VỀ CLB
NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH XƯA & NAY
NHÂN KỶ NIỆM 7 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
Thấm thoát mà đã 7 năm kể từ ngày CLB Những Người Yêu Sách Xưa và Nay được thành lập. Từ Bản Tin số 1 mỏng manh, bài vở chưa nhiều, đến nay là số 85 với bài vở ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn.
Đầu tiên do những người yêu sách cổ, cùng tham gia những cuộc triển lãm sách cổ tại Tp HCM và đạt những giải cao, muốn có một nơi để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin với nhau về sách cổ và mong tìm cách để giữ lại những sách quý hiếm đang được săn lùng để đưa ra nước ngoài. Chưa dừng ở đó, những người Yêu Sách còn mong muốn đóng góp những kiến thức của họ về Sách, nên muốn làm một Bản Tin chuyên đề về Sách, để tiện trao đổi thông tin, và mở mục mua bán, rao vặt, đấu giá và nhận thêm một số dịch vụ: Sửa morat. Toát yếu các tác phẩm. Đấu giá để các thành viên trao đổi sách với nhau. Tư vấn thư viện cơ quan và cá nhân. Giải đáp thông tin sách. Cung cấp bản sao cho ai có nhu cầu.
Cuộc họp ra mắt đầu tiên, ngày 17-6-2006, cũng là ngày trưng bày một số sách cổ thế kỷ 16, 17, 18, 19 đã đoạt giải trong những cuộc thi “Cuốn Sách Vàng” trước đó, cùng với một số Báo Cổ như GIA ĐỊNH BÁO, ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. NAM PHONG TẠP CHÍ của học giả Phạm Quỳnh. TRI TÂN của học giả Nguyễn Văn Tố và một số Sắc Phong. Dịp này ban Tổ Chức cũng ra mắt Ban điều hành gồm có: Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn. Phó Chủ nhiệm: Ông Lưu Nhật Quang. Thư Ký: Ông Hoàng Minh và Ông Phạm Thế Cường. Thủ Quỹ: Ô. Nguyễn Hoàng Triệu và Lm Nguyễn Hữu Triết, cố vấn cho CLB.
Ngày ra mắt, CLB đã được cơ quan truyền thông và báo chí ủng hộ mạnh mẽ. Đài Truyền Hình Việt Nam VTV. Đài Truyền Hình TpHCM HTV đã có phóng viên đến ghi hình lễ ra mắt. Sau đó, Đài truyền Hình Đồng Nai 1 phát cuộc phỏng vấn Lm Nguyễn Hữu Triết và Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn. Đài Tiếng Nói Nhân dân TpHCM cũng phỏng vấn và phát trên trên đài. Các báo Tuổi Trẻ, Saigon Giải Phóng, Thanh Niên, Người Lao Động, Thể Thao Văn Hóa, Pháp Luật, Văn Hóa, Báo Điện ảnh Việt Nam, Báo Công Giáo và Dân Tộc cũng có bài giới thiệu. Các báo điện tử trên mạng cũng loan tin về sự ra đời của CLB. Ngoài ra cũng có 6 nhà báo là thành viên của CLB. Cũng nhờ các phương tiện truyền thông nhiệt tình đưa tin, mà có một nhà nghiên cứu Việt Kiều ở Úc và một số sinh viên cũng đăng ký làm thành viên CLB.
Sau đó không lâu, Lm Nguyễn Hữu Triết giới thiệu về Bộ Sưu tập Kiều của ông. Một Bộ Sưu tập đáng nể, gồm có:
- 162 bản Kiều bằng tiếng Việt, Hán, Nôm, Anh, Pháp, Đức, Hàn
- 707 đầu sách chú giải và có bài viết về Truyện Kiều và tác giả Nguyễn Du
- 566 tạp chí có bài thông tin về Kiều
- Một số tranh, tượng, băng đĩa và vật dụng liên quan đến Kiều
Hàng tháng, các thành viên CLB đều tổ chức một kỳ họp mặt. Đó cũng là dịp để mỗi người nhận lấy Tờ Nội San, sản phẩm mà mọi người chung tay với nhau để làm ra. Bài vở thì mỗi người tùy theo khả năng, sự quan tâm của mình để viết ra. Không kén chọn đề tài. Không đòi hỏi thể loại và cũng không có thù lao. Họ viết say sưa về những quyển sách cổ mà họ đã đọc được. Về cái vui khi tìm lại được một quyển sách cổ. Về những lần đi săn lùng sách. Về kinh nghiệm sưu tập vv... Người xem Nội San lại có dịp tận mắt nhìn thấy những bìa sách của thời xưa. Những quyển sách có khi họ chưa nghe nói đến bao giờ, được chụp lại. Họ cũng được nghe kể lại về những kỷ niệm đối với sách từ thuở ấu thơ, và những áng văn, những lời khuyên nhủ được các tác giả gởi gắm trong sách đã ảnh hưởng tới cuộc đời của họ mãi đến tận ngày nay như thế nào. Các thành viên được khuyến khích sáng tác đủ mọi đề tài. Kể cả đi tham quan, dã ngoại mà thấy gì hay hay cũng ghi lại cho mọi người du lịch ké. Thậm chí thấy đâu đó có thông tin, bài vở gì lạ, ích lợi thì sưu tầm về để mọi người cùng thưởng thức.
Cách vài tháng một lần, CLB lại đến tham quan nhà của một danh nhân hay các cố nhà văn, nhà thơ, để tỏ lòng ngưỡng mộ những người đã để lại những áng văn, những vần thơ cho đời. CLB đã tổ chức được nhiều buổi thăm viếng các nhà Lưu Niệm: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Phan Bội Châu, Phạm Phú Thứ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh. Các thành viên khi có điều kiện ra Hà Nội thì cũng không quên đến thăm Mộ Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Khu đất xưa của Nhà Thơ Nguyễn Bính từng ở, có “dậu mồng tơi” đã đi vào lòng những người yêu thơ.
Không chỉ yêu sách và nói về sách. Thành viên Việt Kiều ở Mỹ, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Sâm quan tâm đến những sách cổ bằng Chữ Nôm, một thứ chữ mà hiện nay không còn bao nhiêu người biết đến. Ông đã cho in một số tác phẩm có liên quan. Bà Thùy Dương. một cây viết đã đóng góp rất nhiều bài viết.là cháu của Cụ Lương văn Can, và là một Tiến Sĩ Vật Lý, đồng thời là một nhà thơ, và là người dịch Kiều ra tiếng Anh đã đăng nhiều kỳ trên Bản Tin của Nội San. Ô. Phạm Thế Cường, một thành viên CLB cũng là người nhiều năm trước tiên phong trong việc mở Phòng Đọc Sách tư nhân miễn phí tại nhà cho các thiếu niên trong Quận Gò Vấp với hàng ngàn đầu sách. Một thành viên U90, Bác Bùi Đẹp, người nhiều tuổi mà vẫn sinh hoạt đều dặn ở CLB, vừa được đề xuất kỷ lục Người Việt Nam Đầu tiên soạn bộ sách “DI SẢN THẾ GIỚI”. Câu Lạc Bộ còn được một chuyên gia Dinh Dưỡng kèm cặp để nhắc nhở. Đó là Bác Sĩ Nguyễn Lân Đính. Cháu nội của Học Giả NGUYỄN VĂN VĨNH.
Một số thành viên CLB cũng đã có những buổi thuyết trình tại Cung Văn Hóa Lao Động Tp HCM như Bs Nguyễn Lân Đính, Nhà Báo Vương Liêm, Nhà giáo Lê Hùng Dương, Nhà thơ Thùy Dương và Nhà Nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện. Cách đây mấy năm, Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn, nhà Thơ Thiếu Khanh và dịch giả Thùy Dương còn được mời tham dự Hội Nghị Quốc Tế giới thiệu Văn Học Việt Nam ra nước ngoài ở Hà Nội, và Liên Hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương ở Quảng Ninh.
Ngoài sự cộng tác thường xuyên của một số nhà thơ, nhà văn là thành viên CLB tại Tp Hồ Chí Minh. Phía Bắc cũng có Nhà Văn Thúy Toàn, Nhà Thơ Trần Nhuận Minh thỉnh thoảng gởi bài tham gia. Trong số thành viên, có hai người rất đặc biệt, yêu sách... xưa ơi là xưa. Đó là Linh Mục Nguyễn Hữu Triết, yêu Thánh Kinh, và Bà Tâm Nguyện, yêu Kinh Phật, là những quyển sách... không thể xưa hơn. Hai người cũng thường xuyên viết những đề tài về tôn giáo trong Nội San, cho thấy không có lằn ranh hay sự đố kỵ nào giữa những người thực hành đứng đắn theo tôn chỉ các Tôn giáo chân chính.
Qua 7 năm dài với 85 số liên tục là một thành tích đáng tự hào với những bài vở lành mạnh, độc đáo, xây dựng, đủ mọi đề tài và “không đụng hàng”. Hàng tháng,vào ngày thứ bảy thứ nhì, họ đều đặn gặp nhau để kể chuyện, ngâm thơ, hát cho nhau nghe, như một sân chơi lành mạnh rất cần thiết cho lứa tuổi về chiều, và ngày càng thêm nhiều người giới thiệu bạn bè đến tham gia với CLB.
Trong số thành viên, người khó thay thế nhất phải nói là Chủ Nhiệm. Ngoài việc đốc thúc các thành viên góp bài, bản thân ông cũng viết và dịch khá nhiều đề tài. Ông là người đa tài... liệu. Anh, Pháp Văn thông thạo. Nhưng quan trọng nhất, phải kể, ông còn là “người vác ngà” của Nội san, để hàng tháng Bản Tin được duy trì đều đặn đến với mọi người. Có lẽ cũng nhờ đó mà 7 năm qua không ai dám lật đổ ông, vì... ngu sao?! Lm Triết. Ngoài chức Cố Vấn, còn là người cho mượn Phòng họp, bao trà nước để các thành viên có nơi sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Cuối năm còn cho các thành viên mượn chỗ để tổ chức Tất Niên, mừng một năm mới sắp tới.
Tiếng lành đồn xa. Việc làm vừa vui chơi, thư giãn, vừa có những bài vở phong phú, giá trị, nhằm giữ gìn văn hóa Việt mà nhiều người có thể tham khảo, nên đã được sự ủng hộ nhiệt tình của những người cùng chí hướng. Ngoài một số những trang Web quốc nội, Nội San đã được một số trang Web lớn nước ngoài cộng tác. Đó là trang Web: www.Newvietart.com ở Pháp. www.hoamai-aus.org.au ở Úc. Trang web chính thức của Nội San làwww.sachvatranh.com thì mới mở chưa đầy 2 năm, mà số lượng lần truy cập đã lên đến gần 220.000 lượt, nói lên sự đồng cảm của một số cảm tình viên trong và ngoài nước.
Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập CLB, Lm Triết cũng đề nghị các thành viên có Thơ đăng trong Nội San nên gom lại để in thành một Tập Thơ Kỷ Niệm. Tiếc là không kịp ra mắt dịp này. Chắc chắn sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất gần đây.
Những quyển sách tồn tại với thời gian ít nhiều cũng mang tính nhân văn và giáo dục rất cao. Vì thế, những người yêu và thường xuyên đọc ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Do đó, Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay không chỉ là sân chơi văn hóa của các ông bà cụ nhiều tuổi với nhau, mà những gì họ chia sẻ qua bài viết, từ những trải nghiệm của bản thân cũng phần nào góp sức trong phong trào cổ súy Văn Hóa Đọc đã và đang bị giới trẻ lơ là. Hàng tháng, cứ đến khoảng ngày 20 là Chủ Nhiệm bắt đầu hối thúc nộp bài. Mọi người cứ cậm cụi viết, rồi nộp. Chủ Nhiệm duyệt qua rồi giao lại cho biên tập viên Hà Mạnh Đoàn lo sắp xếp, dàn trang rồi in ra. Các thành viên chỉ còn chờ đến sáng Thứ Bảy tuần thứ hai sau mỗi đầu tháng là đi họp và nhận Bản Tin về đọc. Mọi việc cứ êm đềm diễn ra đúng theo lịch trình như thế làm cho thời gian trôi qua lúc nào không hay. Nhìn lại, mới giật mình thấy 7 năm trôi qua nhanh đến không ngờ. Nhưng họ cũng thấy ra một điều là ít ra là họ không để thời gian trôi qua một cách vô ích, vì những gì mà anh em đóng góp trong tờ Nội San bé nhỏ không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân, mà còn có chút lợi ích cho người đọc. Mỗi kỳ, ngoài con số không dưới 100 Bản Tin được tặng cho các thành viên và bạn hữu, lượng người truy cập trên mạng cũng tăng dần, nói lên những gì anh em thành viên đang làm được nhiều người hưởng ứng, giúp người đọc có một khoảng thời gian thư giãn sau những giờ bon chen vì cuộc sống. Vì thế, Chủ Nhiệm nhất định sẽ phải tiếp tục điều hành, 35 năm năm nửa mới chịu về hưu…
Tâm Nguyện
*
THƠ


Phụ Bản II
XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG
MỘT TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ THANH CAO
(KỲ 6)


Thơ mời họa:
Nhóm Lò Hương
Kính tặng tất cả các Thi Hữu đã nhóm lò hương trầm quý báu
nhen nhúm cho HƯƠNG XƯA tỏa ngát trên thi đài…

Cám ơn người đã nhóm Lò Hương
Nhen nhúm hồn thơ tỏa bốn phương
Vun đắp vườn văn tươi đóa Hạnh
Điểm tô đài bút rạng bông Đường
HƯƠNG XƯA thắm đượm tình thi hữu
Nếp cũ chưa nhòa chữ kỷ cương
Ước vọng tao đàn hoa nở rộ
Cho người dệt gấm trải tơ vương…
THÙY DƯƠNG
Bài họa 1: 
Nhóm Lò Hương
Nam Bắc chung lòng nhen nhúm hương
HƯƠNG XƯA” càng rạng nét phân phương
Phương thì vừa lúc tươi Hoàng Cúc
Cúc đóa từng phen sánh Hải Đường
Đường luật Hàn Thuyên trường bác cổ
Cổ phong chinh phụ thọ vô cương
Cương cường giữ vững tinh hoa 
Cũ mới dung hòa dễ vấn vương.
LẠC NAM
Chủ Nhiệm CLB Thơ Ca Cổ Truyền Hà Nội
Bài họa 2:
Tự nhiên hương

Thế gian “Hữu xạ tự nhiên hương”
Gió quyện gần xa tỏa khắp phương
Tam quốc phân tranh từ Hậu Hán
Thất ngôn nghiêm luật thuở Sơ Đường
Võ, Công ngày nọ Tài thua Đức
Ngô, Việt năm xưa nhu thắng cương
Mộng ước trong vườn hoa đủ sắc
Cho tình thêm đượm ý thêm vương…
Nhà Thơ Ý YÊN NGHĨA
Thủ Đức
Bài họa 3:

DẬY HƯƠNG

Thương tạ con tim chớm dậy hương
Sóng lòng se sẽ thả mười phương…
PHƯỢNG tung cánh vút tầng non PHƯỢNG
ĐƯỜNG trải trùng khơi ngát biển ĐƯỜNG
Thắp sáng trang hoa từng nét bút
Thổi bừng bút tuệ rõ dòng cương
Cho thi ca lộng vầng sương khói
Nghe dấu thời gian động tiếng vương…
Mai Khê
263, Đề Thám, Quận 1

TRUNG THU, TRĂNG

Lộng lẫy gương trăng tắm giếng vàng
Dặt dìu đêm mượt ánh ngân quang
Xôn xao trẻ nhỏ vui đầu xóm
Nhộn nhịp đèn hoa rộ khắp làng
Đĩa bánh tròn tươm hương hạnh phúc
Chung trà đậm sánh nghĩa liên hoan
Gió im chẳng dám làm cây động
Sợ chạm dòng sương ướt má nàng
XUÂN VÂN


TRĂNG

Mười sáu       trăng tròn ánh chiếu gương
Dặm trường  trăng tỏa khắp thôn hương
Rộn ràng      trăng sáng vui đầu ngõ
Dìu dặt         trăng thanh giỡn cuối đường
Xuân đến     trăng gieo niềm phấn chấn
Hè sang       trăng gợi nét sầu vương
Tuyệt thay   trăng dệt thêm nguồn hứng
Chỉ tiếc        trăng về đượm nhớ thương

XUÂN VÂN

KHÁT KHAO XANH

Người ta tìm kiếm bạc vàng
Tôi nay tìm lại thời gian mất rồi
Như tìm ngọc quý đánh rơi
Tìm sao thấy được mà tôi vẫn tìm
Những ngày tuổi mộng thần tiên
Những năm tháng thuở trao duyên ban đầu

Một thời chinh chiến có nhau
Tình đồng đội chẳng nơi đâu đẹp bằng
Những ngày đào củ hái măng
Cầm hơi đánh giặc xả thân quên mình
Ai còn ai nhớ đình ninh
Miếng cơm lam mẹ vẫn dành cho con

Dấu xưa chìm khuất có còn?
Giữa dòng lốc xoáy giữa cơn bão bùng
Làm sao rõ được đục trong
Làm sao dò được nông sâu lòng người
Bước qua cạm bẫy thói đời
Giữa vòng cát bụi vẫn soi thấy mình

Người ta tìm kiếm lợi danh
Tôi nay khao khát màu xanh tình người

LÊ NGUYÊN – 6/2010



Quý nhất trên đời
Em ơi! Anh đâu biết hát 
Em ơi! Anh đâu biết nhạc là gì?
Nhưng lòng anh nhiều khi khao khát
Được hát lên và hát cho em nghe
Anh hát cho em nhẹ vơi đi tất cả
Hát cho em khuây khỏa tâm hồn
Cho quên đi nỗi cô đơn
Để hồn ta sát lại nhau hơn
Anh hát cho em thêm yêu cuộc sống
Kỷ niệm nhau, một thời thơ mộng
Hương tình yêu bay bổng diệu kỳ
Không có em đời chẳng ý nghĩa chi
Giàu sang đâu do ta quyết định
Tiền của nào rồi cũng sẽ ra đi
Cái tưởng được thì đời lại cướp mất
Chỉ còn em
Tình yêu của anh
Là quý nhất trên đời

LÊ MINH CHỬ

TIẾNG ĐÀN TÂM

Ngón đàn nắn nót nhạc tri âm
Cung oán, cung thương giọng bổng trầm
Dây vũ nồng nàn, duyên gặp gỡ
Dây văn ướt át lệ trầm ngâm
Đàn đưa lưu thủy xuôi dòng chảy
Đàn luyến xuân tình thoắt lặng câm
Khắc khoải tơ lòng thêm réo rắt
Nhớ ai tha thiết tiếng đàn tâm
THANH CHÂU
DIỄM XƯA
Tóc liễu buông mành dòng suối biếc
Mắt nai ngơ ngác tuổi xuân xanh
Nụ cười lưu luyến như hoa bướm
Lời nói ngọt ngào tợ yến oanh
Lối cỏ, gót sen đùa nắng sớm
Thềm bông, vóc ngọc giỡn trăng thanh
Rồng mây nương tựa vui ngày tháng
Keo rã, hồ tan,… sao nỡ đành
THANH CHÂU

*

THÁNG NĂM CỎ ÚA

Ngày tháng đó Mùa Xuân qua rất vội,
Nắng ngập ngừng, tàn úa lá khô bay,
Chiều lạnh lùng, bơ vơ, hồn sa mạc,
Bóng tối mịt mờ, hoang vắng, chơi vơi...

Tháng năm ấy, ai nhuộm màu cỏ úa,
Đóa quỳ vàng hờ hững nắng ban mai,
Phai nhạt, dập vùi một loài hoa dại,
Tình hư không, xa vắng... bước đường dài,

Bên khung cửa, mùa Xuân đi xa mãi,
Mảnh trăng buồn nhung nhớ dáng hương xưa,
Mây lững lờ trôi, gió về ái ngại,
Dấu giọt buồn, đôi mắt bỗng xa xôi...

Tháng Năm xưa, ngày gập ghềnh mưa bão,
Ơ thờ, quên mình - Thân cỏ mong manh,
Kỷ niệm vùi chôn bên làn tóc rối,
Tháng Năm buồn... Mưa ướt lạnh bờ vai.

Có vạt nắng hoàng hôn nào sót lại,
Sưởi ấm dùm... Chiều tím trót lênh đênh...

Phạm Thị Minh-Hưng

*

Nhớ Tây Ninh

Cơn mưa chiều gợi nhớ Tây Ninh
Tỉnh lỵ nhỏ với hai mùa mưa nắng
Nắng đổ lửa và trời thông thốc gió
Vẫn dịu êm một màu lá cỏ
Khi bâng khuâng tôi chợt mơ về.
Trong cơn mơ
Nỗi nhớ Tây Ninh tan trong hơi thở
Đâu Lòng Hồ lộng gió
Đâu Núi Bà lờ lững cáp treo
Toà Thánh trang nghiêm trầm mặc ánh nắng chiều
Hai vệ đường hàng dương lá reo dìu dặt.
Những con đường xa tít tắp
Dẫn tôi về tới ngõ mộng mơ.
Vàm Cỏ Đông, dòng sông nhỏ lững lờ
Nằm êm ả bên vệ đường tấp nập
Tháp truyền hình đêm đêm chớp tắt
Anh đỏ đèn gợi tưởng tháp Eiffel
Những con đường xưa,
mái trường Cao đẳng thân quen
In dấu ấn không phai mờ năm tháng.
Tây Ninh đó,em vẫn còn nghèo lắm
Nhưng trong lòng tôi
Tây Ninh vẫn đẹp
Vẫn là chiếc nôi đưa, vẫn là câu hát
Về một thời tuổi trẻ
Vẫn êm đềm trong giấc mộng của tôi.

XUÂN HẢO (2000)



VỢ...

Vợ khi còn là người yêu: - Thiên Thần.
Những lá thư tình của vợ: - Thiên Thư.
Con đường xưa vợ đi: - Thiên Đường.
Vợ dáng nhịp nhàng lướt đi trên sàn nhảy
như rồng múa phượng bay: - Thiên Long Bát Bộ
Sắc đẹp của vợ: - Thiên Hạ Đệ Nhất Phu Nhân.
Mùi thơm của vợ: - Thiên Hương.
Vợ có bầu: - Thiên Thai.
Vợ đang lâm bồn: - Thiên Sản.
Từ người yêu trở thành vợ, rồi từ từ được tấn phong lên chức
bà già, bà nội, bà ngoại: - Thiên Chức.
Phòng ngủ của vợ : - Thiên Cung.
Nhà của vợ: - Thiên Đình.
Thành phố vợ ở: - Thiên Đô.
Suy nghĩ của vợ: - Thiên Kiến.
Lý lẽ của vợ: - Thiên Lý.
Quyết định của vợ: - Thiên Thạch.
Chữ nghĩa của vợ: - Thiên Văn.
Vợ đang lên giọng ca karaoke:- Thiên Ca.
Lời vợ dặn: - Thiên Lệnh.
Vợ gọi thì phải bẩm vâng thưa bà:- Thiên Bẩm.
Mọi việc đều do vợ định đoạt: - Thiên Định.
Chồng được vợ cưng: - Thiên Tử.
Vợ quen chân đi cà kê dê ngỗng: - Thiên Di.
Tài mua sắm của vợ: - Thiên Phú.
Vợ chỉ biết về mình: - Thiên Vị.
Ba mẹ, anh chị em, bà con họ hàng bên vợ: - Thiên Triều.
Vợ hay ngồi lê đôi mách, nói chuyện tào lao: - Thiên Tào.
Số lấy vợ chằng lửa: - Thiên Mệnh.
Vợ hay nổi máu ghen bậy ghen bạ: - Thiên Tính.
Vợ nổi cơn thịnh nộ gào thét như một vị tướng khi ra quân:
- Thiên Lôi Địa Tướng.
Bị vợ hạ đo ván: - Thiên Hạ.
Tiền lương, tiền túi, tiền cà-phê cà pháo đều bị vợ tóm thu gọn:
- Thiên Thu.
Vợ có tài tề gia nội trợ, coi ngó mọi việc trong nhà ngoài ngõ
và muốn mọi người phải kính nể, tôn sùng mình như một vị thánh lớn:
- Tề Thiên Đại Thánh.
Muốn dê vợ mà vợ không cho phép hay lạnh lùng không hợp tác:
- Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên.
Vợ nắm lấy thời cơ đầu tư vào nhà cửa đất đai để sinh lời
và bắt chồng phải vui vẻ làm theo quyết định của mình:
- Thiên Thời Địa Lợi Nhân Hòa.
Tướng đi của vợ: - Thiên Tướng.
Vợ thay đổi xiêm y kiểu tóc, lối trang điểm lia lịa:
- Thiên Hình Vạn Trạng.
Vợ trang điểm, vẽ mặt xanh lè, đánh phấn trắng toát:
- Thiên Thanh Bạch Nhật.
Vòng vàng, ngọc ngà, kim cương, hột xoàn của vợ lóng lánh
như các vì sao: - Thiên Hà.
Em gái vợ: - Thiên Nga.
Vợ vắng nhà: - Thiên Đàng.
Có bồ nhí mà vợ biết được: - Thiên Tai.
Blog Canhlantrang
http://canhlantrang.blogspot.com/



CHO MỘNG NGÁT HƯƠNG

Tôi viết hai chữ Yêu Thương
Lên vòm trời xanh bát ngát
Tôi nhắn gọi đàn chim vang tiếng hát
Đem nắng hồng nhuộm thắm buổi hoàng hôn
Đem về đây muôn cánh bướm chập chờn
Cùng dệt trọn vần thơ tình ái

Tôi viết hai chữ Yêu Thương vĩ đại
Vào không gian vời vợi trăng sao
Cho loài người tha thiết mến yêu nhau
Cho nhân thế hết u sầu đau khổ
Cho ánh trăng vàng không nức nở
Cho chiến tranh thôi tàn phá cuộc đời
Cười lên đi, muôn hoa xuân rực rỡ
Hát lên đi, cho xuân dài vạn thuở

Cầm tay nhau ca ngợi tình yêu
Xuân về dâng muôn sắc thắm mỹ miều
Tình tuyệt diệu không còn biên giới
Êm ái bao la ngọt ngào như tiếng suối
Thanh cao như giọng hát thiên thần
Giấc mơ hồng sáng chói
Ta nhặt hoa xuân dệt khúc tình ca
Nhạc xuân ngân nga tha thiết đậm đà
Ôi mùa xuân, mùa xuân đầy hứa hẹn

Tôi sẽ viết hai chữ Yêu Thương trọn vẹn
Lên áng mây lam giăng mắc khung trời
Đừng buồn khổ người ơi
Đời không sầu như cành hoa tím
Không đen tối phũ phàng như định mệnh
Không ưu tư như mưa lạnh chiều đông

Tôi sẽ viết hai chữ Yêu Thương
Vào giữa lòng vũ trụ
Cho hoa yêu rắc khắp nẻo đường
Cho tình thương về ngự trị
Cho tám hướng trời mộng ngát hương
NGÀN PHƯƠNG

*

Đừng tưởng!

Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là sáng, cứ tu là hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được, cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc, không trông là mù

Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước, cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân
Cứ hứa là chắc, cứ ân là tình

Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng, cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than

                ***

Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương

                 ***

Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường 

Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ xấu là ghét, cứ vương là tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ bên là gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo

                    ***

Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ, cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư

                  ***

Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa…
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.

Đừng tưởng cứ thích là yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may… có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.

Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn

Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ quan là có, cứ dân là nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạt, cứ sang là giầu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời

                      ***

Đừng tưởng cứ nghèo là hèn
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên!...

Hoàng Chúc st


Đêm Thu

Hoa sữa nồng thơm suốt phố dài
Anh đi, sương lạnh ướt đầm vai
Trăng xa vời vợi như em đó
Đơn lẻ bên trời ngóng đợi ai?
Hà Ni, 10-1976
Vũ Đình Huy
AUTUMNAL NIGHT
Milk flowers hotly scented throughout the long street
I walked with cool dew dripping wet my shoulders
The moon is so far away like you
Alone at the horizon, for whom are you waiting for?
Hanoi, 10-1976
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
Em đi
Trở lại căn phòng mới vắng em,
Còn đây hương ấm thoảng êm đềm,
Từ nay khoảng trống mênh mông mãi,
Thương nhớ dâng đầy như bóng đêm!
Hà Ni, 5-1977
Vũ Đình Huy
YOU LEFT
Going back to the room from which you’re absent
I still flashingly felt your soft and warm scent
From now on, the emptiness will be eternally immense
Regrets arose high like the night shadow!
Hanoi, 5-1977
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN

Thư Em

Thư em lấp lánh bên đèn
Như trong nắng sớm triều lên sóng ngời.
Tình em như biển bồi bồi
Nâng thuyền anh đến chân trời ước mơ !
Hà Ni, 20- 7-1977
Vũ Đình Huy
YOUR LETTER
Your letter sparkled beside the lamp
Like the glaring tide that rose in the morning sunlight
Your love is like the fretty sea
Lifting my boat to the dreamy horizon!
Hanoi, 20- 7-1977
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN




Nhận xét