VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 09/11/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Mở đầu phiên họp, như thường lệ. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách, một mới và một cũ. Cuốn sách cũ là cuốn “Chuyến du hành vòng quanh nước Pháp của hai đứa trẻ - Le Tour de France par deux enfants” được xuất bản năm 1877. Cuốn sách này là cuốn sách mà ông đã có từ năm 16 tuổi và đã giữ được cho tới ngày nay, tức là trong suốt 62 năm nay.
Sách khổ 12cm x 18cm, dày 524 trang, trong có hàng trăm hình minh họa bằng bút sắt rất đẹp, và được xuất bản năm 1877 (146 năm trước). Nữ tác giả cuốn sách tên là Augustine Fouillée, nhưng bà ký bút hiệu là G. Bruno. Sách kể truyện hai anh em André và Julien Volden, sinh sống ở xứ Lorraine, là nơi bị sát nhập vào Nước Phổ sau cuộc chiến Pháp-Phổ vào các năm 1870-1871, và sau cái chết của cha mẹ, hai anh em đã dắt nhau đi khắp các đô thị ở Pháp để tìm người thân. Và, “đi một đàng, học một sàng khôn”, trong khi đi, hai anh em đã gặp đủ hạng người, đủ mọi hoàn cảnh, tình huống, cuối cùng họ đã trưởng thành và lập được một trang trại thật tuyệt vời. Cuốn sách đã cuốn hút Dịch giả Vũ Anh Tuấn từ thuở thiếu thời và đã giúp ông biết được khá nhiều chuyện hay hay về nước Pháp, nhất là đã giúp ông học được rất nhiều từ vựng Pháp. Cuốn sách này đã được dùng trong chương trình Trung Học của Pháp trong suốt thời Đệ Tam Cộng Hòa và còn được tiếp tục dùng cho tới thập niên 50 mới thôi. Cuốn sách cũng được bán rất chạy, tính cho tới 1900, số lượng cuốn được in và bán là 6 triệu cuốn.
Năm 2000 nó lại được nhà xuất bản Bélin tái bản, và năm 2006, nó lại được xuất bản một lần nữa bởi nhà xuất bản France Loisirs. Một cô em gái của Dịch Giả Vũ Anh Tuấn sống ở Pháp có ý muốn mua tặng cho ông một bản nhưng ông đã từ chối và trả lời là ông thích bản đã ở bên ông suốt 62 năm qua hơn. Cuốn sách thứ nhì được giới thiệu là một cuốn Tự Điển Chính Tả Tiếng Việt của một tác giả tên là Nguyễn Thế Truyền do Nhà Xuất Bản Thanh Niên in năm 2008. Tình cờ gặp cuốn Tự Điển này tại một tiệm sách cũ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã bị hấp dẫn bởi hai chữ “Kiểu mới” in ở ngay dưới tên sách. Mở cuốn Tự Điển dày 1678 trang. ông đọc lướt qua và thấy hay hay nên đã ẵm về. Đây là một cuốn Tự Điển khá tốt với bảng từ phong phú, lại có xen lẫn một số minh họa và có những chú giải rất thuận tiện cho người sử dụng, đồng thời còn có một số phụ lục khá hữu ích như: Chữ viết tắt, tên nhân vật cộm cán trên toàn cầu, các địa danh vv… Giới thiệu xong, hai cuốn sách đã được các thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.
Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs Nguyễn Lân-Đính đã lên nói chuyện về việc ông ra Hà Nội tham dự một cuộc họp mặt của các cựu học sinh trường Albert Sarraut, mà ông được coi là một trong những huynh trưởng. Và sau đó ông cũng kể qua về việc có một số hội thảo và buổi họp mặt liên quan tới việc tái bản một số sách của cụ Nguyễn Văn Vĩnh mà ông là người cháu nội được chung sống với cụ Vĩnh trong 5 năm cuối đời của cụ.
Sau khi Bs Đính nói xong, bà Tâm Nguyện đã có một cuộc nói truyện về ông thầy của bà và việc bà do chịu ảnh hưởng của ông thầy đó, nên đã dành rất nhiều thời giờ trong đời để chuyên tâm nghiên cứu về Phật Giáo. Bà Tâm Nguyện nói xong, anh Vũ Đình Huy đã khen bà Tâm Nguyện viết hay và đề nghị bà cung cấp cho anh một số tư liệu.
Tiếp lời anh Huy, anh Lê Hùng Dương đã lên nói chuyện về đế tài ngôn ngữ và các thành viên cũng tham gia bàn luận.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 13 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu
VÀI ĐIỀU HAY HAY VỀ MỘT CUỐN SÁCH
MỚI – MÀ – CŨ MÀ TÔI MỚI CÓ
Cách đây mấy tuần, tôi có việc phải ghé thăm Lm. Triết, và tình cờ thấy cuốn sách này được để ở trên một chồng sách, phía ngoài căn phòng của ngài. Tôi hỏi là ngài có cuốn sách này từ bao giờ, thì Lm. Triết cho biết của một người bán sách cũ mới mang lại, và ngài cũng chưa quyết định lấy, tôi liền nhờ ngài lấy hộ; thế là, mấy ngày sau tôi hân hoan sang ẵm nó về, và trên đường về, tôi cảm thấy vui như được gặp lại một người đẹp sau nhiều năm xa cách... Quý bạn có thể cho là tôi hơi bị ấm đầu, khi có trong tay cả bốn, năm ngàn cuốn sách, để chật ních cả thư phòng, mà nay thấy cuốn gì mà lại ham thế? Thật ra tôi ham vì có lý do của riêng tôi, và tôi thực sự đã có tới hai cuốn sách này trước rồi: một cuốn bằng Pháp văn, và một cuốn bằng Anh văn. Đây là một tác phẩm lừng danh của nhà văn Xcốtlen Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930), cha đẻ của thám tử lừng danh Sherlock Holmes và đại văn hào này cũng là một nhà văn mà tôi cho rằng, ông là một trong mấy văn hào viết hay nhất từ xưa tới nay, và sau này và mãi mãi. Vì ngoài các tác phẩm trinh thám lừng danh, ông còn viết cả truyện khoa học giả tưởng và lịch sử tiểu thuyết luôn. Và cuốn sách mà tôi mới có đây là cuốn Toàn Bộ Các Truyện về Thám Tử Sherlock Holmes (Sherlock Holmes – The Complete Stories), là cuốn tôi đã có ở nhà hai cuốn khác rồi, một cuốn bằng Pháp văn và một cuốn bằng Anh văn như tôi đã nói ở trên. Vậy thì vì lý do nào mà tôi lại ham… thêm cuốn này? Thưa chính là vì hàng chữ nằm ở bên cạnh “Với các minh họa lấy từ tờ báo Strand Magazine” (With Illustrations from the Strand Magazine). Vâng hai cuốn tôi đã có không cuốn nào có minh họa như cuốn này, mà có phải ít đâu, sách có cả vài trăm minh họa cực đẹp. Và Strand Magazine là một nguyệt san cực hay của người Anh, trọn bộ được 711 số, ra đời từ 1891 và tồn tại tới 1950 mới đình bản.
Tổng cộng số truyện mà nhân vật chính là Thám tử Sherlock Holmes là 205 truyện, và tôi đã đọc quá nửa và thấy là truyện nào cũng hay, cũng li kì, cũng lôi cuốn người đọc. Viết đến đây, tôi hồi tưởng lại hồi 36, 37 năm trước, hồi mới giải phóng, những người thuộc chế độ cũ như tôi rất khó tìm được việc làm nên phần lớn đều rảnh rỗi. Riêng cá nhân tôi thì tôi đã rảnh rỗi từ trước giải phóng cả 2 năm trước, và tiếp tục làm việc riêng của tôi, là công việc dịch các tác phẩm văn học ra ngoại ngữ, nên tôi hoàn toàn tự do, chẳng hề có anh chủ, chị chủ nào. Vào lúc đó tôi đã bê cả hai cuốn sách truyện Sherlock Holmes to đùng, một bằng Pháp văn và một bằng Anh văn ra và đọc cả hai cuốn một lúc, đọc câu tiếng Anh xong, lại đọc ngay câu tiếng Pháp, vừa đọc vừa so sánh bản dịch, nhất là vừa tự động học cách viết của tác giả cũng như của dịch giả. Ôi thật là tuyệt vời, vì tôi học được rất nhiều cách nói, cách viết rất hay trong cả hai ngôn ngữ. Tôi buồn cười nhất là hai cụ và các em tôi cho là tôi hành động hơi ấm đầu một chút, và mặc dầu đã nghe tôi giải thích, các cụ và các em tôi vẫn cho là cách đọc sách của tôi chẳng giống… con giáp nào cả!
Cuốn sách tôi nhờ Lm. Triết mua hộ khổ 16cm x 24cm và dày 1408 trang, và trong chứa đựng cả vài trăm tấm minh họa rất đẹp, hầu hết truyện nào cũng có minh họa đi kèm. Cuốn sách nặng khoảng 1 ký rưỡi và thuộc loại sách dành cho những người chơi sách. Ngay giờ phút này, tôi cũng được tự do, và còn tự do hơn bao giờ hết vì tôi đã quyết định nghỉ không làm việc nữa mà dành hết thời giờ còn lại cho thú đọc sách và cho quý bà của tôi. Nên, với cuốn Sherlock Holmes mới này, tôi sẽ lại làm một chuyện không giống ai, mà chỉ giống tôi, là tôi sẽ dùng một cái bàn nhỏ và đọc cả ba cuốn một lúc, để làm gì quý vị có biết không? Thưa để xem cuốn mới này có khác gì cuốn tiếng Anh cũ của tôi sẵn có không, vì kinh nghiệm cho tôi biết tây nó cũng tam sao thất bản như thường lệ, chứ đừng tưởng tây là cái gì cũng trúng phóc! Đồng thời tôi cũng tận hưởng nốt những chuyện tôi chưa đọc từ trước tới giờ, và vẫn tiếp tục học, vì nếu một trang (Việt) nam tử có thể vì các quý bà của mình bây giờ và mãi mãi, thì cũng có thể tiếp tục học bây giờ và mãi mãi… trong vĩnh hằng vĩnh cửu.
Hơn nữa, như tôi đã tự hứa với mình, trong ngàn thu tôi sẽ rất bận, vậy thì dại gì mà trong vài chục thu còn lại này, tôi lại không làm điều mình thích là đọc nốt Sherlock Holmes và… tiếp tục học!
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI
|
Nhận xét
Đăng nhận xét