NGUYỆT SAN 90_HÀN MẶC TỬ - MỘNG CẦM

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 12/10/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên mấy cuốn sách mới mà ông mới có. Cuốn đầu tiên được giới thiệu là một cuốn sách mà ông mới được một bà bạn quý tặng mang tựa đề là Phê bình Văn Học hậu hiện đại Việt Nam. Vừa thấy mấy chữ “hậu hiện đại” người được tặng cảm thấy ngán ngẩm quá và muốn từ chối, nhưng sau thấy cuốn sách in đẹp quá, và của nhà xuất bản Tri Thức, đồng thời cũng không muốn làm buồn lòng người tặng nên đành phải vui nhận. Người viết không lạ gì cái thứ văn học hậu hiện đại” này, tuy nhiên, vì chẳng bao giờ bận tâm vớidạng văn học viết lách không tình tiết, giọng văn mới lạ có tính chất quái dị, kinh hoàng này nên người viết cũng lờ mờ chưa hiểu rõ “hậu hiện đại” Việt Nam bắt nguồn từ anh Tây Jean-Francois Lyotard, hay là từ anh Mỹ Donald Barthelme. Người viết chợt nhớ lại trên 30 năm trước, đã có người, cũng là một bà, đã đưa cho mình cuốn Đô thị Thánh Đường (A city of Churches) của anh Mỹ nói trên. Vừa đưa bà ta vừa nói: “Anh đọc đi, lạ lắm. Em chẳng hiểu quái gì cả!”. Vừa đọc lướt qua, người viết cũng ngạc nhiên vì thấy cái gì mà tại cái Đô thị Thánh Đường này (được gọi như thế vì có rất nhiều Thánh Đường) quy luật chung làmọi người dân sống chen chúc với nhau trên các căn gác chuông, để rồi làm việc và sinh hoạt ở tầng trệt và hầu như không có ai, không có gia đình nào có khoảng không gian riêng biệt của mình. Thấy cái chi tiết vớ vỉn quá, người viết, sau khi thấy bà bạn đã ra về, đã ngay lập tức mời cuốn sách “sọt rác em đi”! Để rồi khoảng mấy năm sau người viết lại gặp một cuốn sách in năm 1966 của một anh “hậu hiện đại” Mỹ khác là John Barth mang tựa đề là Giles Goat-boy (Giles cậu nhỏ dê) trong đó nhân vật này có mẹ là người, còn cha thì là… một cái máy tính! Ôi, thực là kỳ cục, quái đản, vớ vỉn, nên người viết đã tự nhủ sẽ chẳng bao giờ phí thì giờ với cái của khỉ này nữa. Tuy nhiên, vì thấy cuốn sách đẹp, và vì cũng hơi tò mò, người viết đã bỏ ra một chút thời giờ lướt qua thì thấy là, không hiểu tại sao, các tác giả người mình, sau khi viết tiếng Việt lại cứ phải chua thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, và trong cuốn sách in rất đẹp này, nơi trang 142, khi nói về hai chữ “hỗn độn” (dòng 15, từ trên xuống), thì người mình cũng dư hiểu rồi, cần gì phải chua chữ (chao) mà “chao” thì đâu có phải là tiếng Anh hay tiếng Pháp, vì đã bị tịch thu mất chữ “s”, và vì từ (chaos) thì mới đúng trong cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh!
Cuốn thứ hai được Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu là một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp của nhóm tác giả dưới sự chủ biên của tác giả Hữu Ngọc. Cuốn sách mang tựa đề là Tự Điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam (Dictionnaire De la Culture Traditionnelle du Viet Nam). Sách được in theo thứ tự A.B.C. như một cuốn tự điển và giải thích tất cả mọi chi tiết thuộc về Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam bằng Pháp văn. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mua được cuốn quý thư này bằng một giá tương đối rẻ, chỉ 300 đô mít, vì lúc này số người biết tiếng Pháp đủ để sử dụng sách không còn nhiều. Cuốn sách dày 942 trang cộng với 101 trang minh họa rất đẹp. Ông Tuấn cho biết ai cần tra cứu gì về các vấn đề văn hóa cổ truyền có nói tới trong sách chỉ việc gọi điện cho ông, và ông sẽ tra cứu hộ ngay tắp lự.
Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs Nguyễn Lân-Đính cũng lên giới thiệu 3 cuốn sách mới nói về cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông nội của ông.
Sau khi Bs Đính nói xong, Lm Triết có giới thiệu với các thành viên một cuốn sách Đồng: sách làm bằng đồng gồm 16 trang khổ 12cmx16cm, là một sách Kinh Phật bằng chữ Pali, mà ngài vừa có cơ may sở hữu. 
Kế đó anh Dương đã có một cuộc nói truyện mini về “Những từ tiếng Việt gốc Pháp” và cho biết đã có ai đó cho là những từ đó “đã được đồng hóa theo quy tắc ngữ âm”, nhưng sau khi anh Dương nói xong và sau khi thảo luận mọi người đều đồng ý là các từ như gara (garage), a-ma-tơ (amateur), ba-đờ-xuy (pardessus), áp-phích (affiche) vv… chỉ được nghe quen rồi chuyển thành âm Việt chứ cả trăm năm trước thì người Việt mình đã có ai biết và chú trọng gì tới ngữ âm với ngữ học!
Sau phần nói chuyện của anh Dương, các thành viên đã trở lại việc đặt tên cho tập Thơ của các thành viên CLB Sách Xưa và Nay sắp được in, và mọi người đã thấy rằng tên Duyên Thơđã được một nhóm khác in tới 6,7 tập mang tên đó rồi. Cuối cùng tạm quyết định dùng tênMây Bạc làm tên tập Thơ sẽ được ra mắt trước mùa Xuân năm nay.
Và để kết thúc phiên họp, anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên một bài ca bằng giọng ca rất hùng dũng của anh. Cuộc họp kết thúc lúc 11g15 cùng ngày.
VŨ THƯ HỮU

VÀI DÒNG VỀ MỘT CUỐN SÁCH
TÔI THÍCH TỪ THUỞ THIẾU THỜI
Tối thứ 7 vùa qua, trên đường về Tân Định, tôi bỗng nổi hứng ghé thăm Nhà Sách Tân Định, nơi tôi có 2 cô bạn làm việc, với ý định vừa thăm sách vừa thăm người! Lúc này tại các nhà sách, sách nhiều đến mức nói: “Trên là trời, dưới là sách” là không ngoa chút nào. Nhưng phần lớn là sách dịch, thôi thì thượng vàng hạ cám chẳng thiếu thứ gì, và nhiều nhất là loại sách dạy sống theo Mỹ, theo Tây, thay vì theo Chính Mình, cho nên tôi ít thích. Hơn nữa các bản dịch thì rất là dễ sợ, số bản dịch hay kiểu Nguyễn Hiến Lê, Hà Mai Anh thật hiếm gần như lá mùa thu, trong lúc số còn lại kiểu “bố bị ung thư tử cung” thì lại hơi bị nhiều. Do đó, tôi, với tư cách một người yêu sách, xin đề nghị các bạn trước khi quyết định mua, nên lướt qua cuốn sách định mua xem bản dịch có lưu loát, dễ hiểu, các câu văn đi từ cuối trang này sang trang kế tiếp có lành lặn, không bị mất chữ, thừa chữ không, trước khi… chi ngân!
Sau khi gặp hai cô bạn, một cô dẫn tôi lên lầu 2 và giới thiệu với tôi một cuốn sách mới mà cô cho biết là do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Tôi hỏi đấy là cuốn gì và được cô cho biết là cuốn Sử Kí Thanh Hoa của một người Pháp tên là E. Vayrac viết, mới được in lại. Tôi thích quá vì cuốn này không xa lạ gì với tôi, vì ngay từ thuở ấu thơ năm 11, 12 tuổi tôi đã trông thấy nó trong tủ sách của cụ thân sinh ra tôi, và rồi năm 17 tuổi trong khi sửa soạn thi Tú Tài Tây thì tôi được cụ tôi cho đọc. Đây là một cuốn sách của một viên chức người Pháp, phụ trách việc kiểm duyệt báo chí, tên là E. Vayrac, viết để quảng bá và giới thiệu nền Văn Hóa Cổ La-Hy với chúng ta, vào lúc đó bị bọn Tây thuộc địa gọi là “người bản xứ”. Người này còn là bạn thân của cụ Vĩnh, và cụ Vĩnh đã phụ trách việc dịch sang tiếng Việt để người mình đọc được.
Thấy cuốn sách được in lại tôi thích quá, nhất là khi thấy trên bìa sách mấy chữ Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, tôi càng thấy khoái và tin tưởng hơn, nên đã mua ngay không chút ngần ngại.
Tôi đã đọc cuốn sách này trên một nửa thế kỷ trước, lúc đó tôi đọc cả bản tiếng Pháp lẫn tiếng Việt do cụ Vĩnh dịch một cách thật thích thú vì tôi được học chương trình Pháp từ lớp mẫu giáo tại cái trường mang tên Henri Rivière, ở cạnh Bưu Điện Hải Phòng. Tôi rất thích bản dịch rất lưu loát, chính xác của cụ Vĩnh. Trên một nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn không quên truyện một anh hàng giầy phê bình tranh của một họa sĩ Hi Lạp tên là Apelle, một người rất cầu toàn và phục thiện, thường bày tranh của mình vẽ và núp sau tranh để nghe những lời phê bình để sửa những điểm kém trong tranh. Một ngày kia nhà họa sĩ núp sau tấm tranh vẽ một người cưỡi ngựa, nghe được một anh hàng giầy phê bình là chiếc dép vẽ không chính xác. Nhà họa sĩ thấy lời phê bình là đúng nên ông ta sửa ngay.
Ngày hôm sau anh hàng giầy lại ghé qua xem và thấy chiếc dép đã được sửa, anh ta tưởng bở bèn lên tiếng phê bình lung tung, chê huyên thuyên, và thậm chí chê cả hình dáng con ngựa và người kỵ sĩ.
Thấy anh hàng giầy cao hứng chê bậy quá, ông họa sĩ xuất hiện từ sau bức tranh và bảo anh ta:”Này anh hàng giầy, xin anh chớ lên trên nơi giầy dép!” tức là “xin anh chớ vượt qua cái lãnh vực giầy dép của anh!”. Người Tây phương thường dùng câu nói ấy để khuyên những kẻ hay khen hay chê ẩu tả những việc chúng không am tường. Đây chỉ là 1 trong tổng số 101 truyện mà tôi nhớ được một số, còn rất nhiều truyện khác rất hay, rất bổ ích cho người đọc, nhất là cho những độc giả trẻ…
Cầm cuốn sách về nhà, vừa ăn cơm xong là tôi lôi cuốn sách, mà tôi coi như một người bạn cũ, nay mới có cơ duyên được gặp lại, ra đọc ngay. Nhưng than ôi! niềm vui của tôi bị giảm sút đi rất nhiều khi thấy cuốn sách, thay vì được chụp lại, hoặc bây giờ được quét (scan) trên máy vi tính để in lại, thì nhà xuất bản chắc đã cho đánh lại nên chỉ nguyên trên trang 7 tức là trang Lời Nói Đầu (Préface) bằng Pháp văn, người đánh (và sau đó các người biên tập) đã chơi luôn một lúc 7 lỗi như sau đây:
Jene thay vì (Je ne) – jai (j’ai) – sansse (sans se) – disaient-its (disaient-ils) – ma lémérité(ma témérité) – des homes (des hommes) – bonne companie (bonne compagnie).
Sau đó tôi lướt qua một số trang khác thì thấy hầu như chẳng có trang nào là không có lỗi, thật nản quá!
Viết mấy dòng chữ này tôi vẫn tiếp tục lạc quan và ôm hy vọng to đùng là sau này, dần dần những nhà xuất bản của chúng ta sẽ có những người đánh, người dàn trang, và những biên tập viên có khả năng, và nhất là… có tâm hơn!









Trích Hồi ký 60 năm chơi sách. Chương VI
VŨ ANH TUẤN

Kỷ niệm ngày mất Hàn Mặc Tử 11/11/1940
MỐI TÌNH
THI SĨ HÀN - MỘNG CẦM 

Bài thơ TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC - Hàn Mặc Tử

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ca khúc HÀN MẶC TỬ 
Trần Thiện Thanh phổ nhạc
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu Ông Hoàng đó thuở nào trăng Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người
tìm về những đêm buồn
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương,
mà khổ đau niềm riêng.
Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi
Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biếtt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ
Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia
Trờì đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao
Hàn Mặc Tử nay còn đâu?
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm tại Lầu Ông Hoàng
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) còn có tên Anh Chương, là người sinh ra lớn lên tại Phan Thiết và thành danh tại Sài Gòn; ông là một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Trong hàng trăm ca khúc trữ tình của ông, ca khúc Hàn Mặc Tử là dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác. Ca khúc Hàn Mặc Tử là một câu chuyện tình rất đẹp, rất bi thương của một nữ sĩ đồng hương Mộng Cầm với thi nhân Hàn Mặc Tử. Lẩn khuất trong từng giai điệu, từng ca từ dường như ông đã ký thác tâm sự lòng mình vào trong nỗi nhớ da diết, nỗi đau vô bờ bến của thi nhân Hàn Mặc Tử…
Mộng hay thực về cuộc tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm
Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày thi nhân bất hạnh Hàn Mặc Tử qua đời ở tuổi 28 bởi căn bệnh phong quái ác tại Quy Nhơn, câu chuyện tình thực hay mơ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm luôn được các nhà báo, nhà văn khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng có thể vì lời đồn đại lưu truyền: năm xưa lên Lầu Ông Hoàng ngắm trăng, xung quanh là nghĩa địa, bãi tha ma nên khi trú mưa, do mả đất người mới chôn xuất hiện ma trơi (lân tinh) như sao rơi khiến Hàn Mặc Tử bị nhiễm mà phát bệnh cùi... Người xưa từng có câu nói nổi tiếng: Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, chuyện ma ở đất Bình Thuận đến nay vẫn nhiều vô số kể. Hơn nữa, ngày nay khách du lịch lên đồi Bà Nài sẽ nhìn thấy khu nghĩa địa bên trái Tháp Chăm, chủ yếu bằng mả đất, sau này thời Mỹ và sau giải phóng mới có mả xây gạch đá, vôi vữa. Nhưng ngày xưa, tìm đâu ra một ngôi mộ xây cất hoành tráng có thể trú mưa?
Vô hình chung "người tình" nữ sĩ Mộng Cầm trở thành một nguyên nhân gây nên điều bất hạnh cho Hàn thi sĩ dù không hữu ý. Sau đó, vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư và hạnh phúc riêng của mình, nên bà đã trả lời trên một tờ báo sau ngày Hàn Mặc Tử mất 20 năm (1961) về câu chuyện ngày xưa, đã gây nên một làn sóng phản đối trên thi đàn, văn đàn kể cả những bạn thơ và những người thân hữu nhất. Suốt một thời gian khá dài sau ngày giải phóng đất nước, căn cứ theo sách báo để lại mà người đời thêu dệt lên vô vàn chuyện thực hư về "nàng thơ" của Hàn Mặc Tử, mặc dù trong số những người viết, họ chưa bao giờ gặp bà Mộng Cầm. Nghi án trên văn đàn ngày trước không chỉ có một thi nhân ẩn danh tên T.T.Kh mà còn thêm một nghi án: Mộng Cầm có phải là người yêu của Hàn Mặc Tử hay không?
Hết ở Phan Thiết, bà vào sống với con ở Sài Gòn, bà rất ít tiếp xúc người bên ngoài nhất là những nhà báo, hay ai đó hỏi chuyện cũ, bà trả lời đại khái, chung chung... Dễ có mấy thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử, yêu luôn cả nàng thơ Mộng Cầm với giai thoại rất đẹp vì sự hiện diện về Mộng Cầm, về Nghệ, về Lầu trăng, Lầu Ông Hoàng trong thơ ông để lại đời sau. Cuối cùng thì bà cũng đã mang theo bí mật qua thế giới bên kia vào ngày 23/7/2007, thọ 91 tuổi…
Nữ sĩ Mộng Cầm
Tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh vào tháng 5/1917, gốc người Nghệ An, quê quán ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Theo các tài liệu để lại, thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho các tờ “Trong khuê phòng”, “Công Luận”, “Sài Gòn”.
Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi hẹn hò, lãng mạn để rồi một ngày cuối tuần năm 1936, chàng đi tàu lửa ra Phan Thiết tìm nàng. Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phổ thông số 63, ra ngày 15/8/1961, bà Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ”. Bà xác nhận, có đi chơi trên Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử gặp một trận mưa lớn, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa. Ngày nay, nguyên nhân bệnh phong, y học hiện đại đã chứng minh Mộng Cầm là vô can.
Bà kể tiếp: “Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường xuyên. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn trong hai năm 1934 - 1935 và vài tháng đầu năm 1936 trước khi Hàn Mặc Tử ra Huế thăm người trong mộng Hoàng Cúc – “Đây Thôn Vỹ Dạ” rồi lâm bệnh quay vào Quy Nhơn chữa trị đến khi trút hơi thở sau cùng.
Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: “Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”. Anh hỏi lý do, tôi viện lẽ gia đình anh theo đạo Công giáo, nhà tôi theo đạo Phật... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà, và trong nhiều bức thư anh có đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời thư, nhưng luôn tìm cách từ chối”.
Nhà văn Trần Thanh Mại, bạn thân của Hàn Mặc Tử trong cuốn sách “Hàn Mặc Tử” xuất bản năm 1942: “Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyện cùng nhau những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường thì họ hay gặp nhau ở hai tỉnh: Quy Nhơn và Phan Thiết. Họ đưa nhau đi chơi bờ biển, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau, và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới”.
Những ngày dài nằm chữa bệnh, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đau đớn đầy nước mắt và mối tình này như: “ Muôn năm sầu thảm” đã kêu tên nàng một cách thảm thiết:
Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi.
Bài “Phan Thiết Phan Thiết”, nhắc kỷ niệm xưa về Lầu Ông Hoàng:
Ta lang thang tìm tới chồn lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi.
Cha của Mộng Cầm là Thị độc Học sĩ Huỳnh Quang Long không gặp thời trên con đường hoạn lộ, nên suốt mười mấy năm nhận một chức quan rất nhỏ, hết Quảng Ngãi đày ra Nghệ An rồi Thanh Hóa, Quảng Bình và mất năm 1926. Gia đình bà Nghệ phải theo mẹ về Quảng Ngãi một thời gian rồi lên tàu vào Phan Thiết sống nhờ gia đình người cậu ruột là thi sĩ Bích Khê. Huỳnh Thị Nghệ biết làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Ecole Plein Exerna Phan Thiết. Năm cô lên 16 tuổi, đã có thơ đăng ở báo Công Luận và báo Sài Gòn với bút hiệu Mộng Cầm như bài "Vịnh Lầu Ông Hoàng":
Nước nước non non một cõi này
Lâu đài ai dựng tháp ai xây.
Sương dầm nắng dãi lờ gan đá
Gió dập mưa dồn tủi phận cây.
Tuồng thế tang thương bao lớp sóng
Cuộc đời thành bại mấy chòm mây
Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy
Thấy cảnh đau lòng khách tình say.
Bà kể lại, khoảng một tháng sau khi bài thơ được đăng, bà nhận được một bức thư gửi từ Sài Gòn của một người không quen biết, nhưng lại chứa đựng những tình cảm dạt dào khiến bà vừa mừng, vừa lâng lâng cảm giác. Bà đâu biết rằng, đó chính là những dòng chữ vướng nợ thi nhân như một thứ định mệnh của cuộc đời bà với một mối tình đầu. Thư đi, thư lại càng khiến bà tò mò thêm về anh chàng mang tên Lệ Thanh, Phong Trần, Hàn Mặc Tử. Thời gian trôi qua, Mộng Cầm chờ kết quả thi Primaire nên theo người cậu làm công việc phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân ở một trạm xá ngoài Mũi Né. Tình cờ một lần, Mộng Cầm đọc tờ báo Sài Gòn của một bệnh nhân đem đến có dòng nhắn tin: “Mộng Cầm em ở đâu, cho tôi biết địa chỉ - Hàn Mặc Tử”. Suốt đêm, Mộng Cầm trằn trọc suy nghĩ không ngủ được. Cuối cùng con tim đã mách bảo bà viết thư cho Hàn Mặc Tử. Đúng một tuần lễ sau, Hàn Mặc Tử đi xe lửa ra Phan Thiết. Từ Phan Thiết, đón ghe chèo ra Mũi Né tìm bà.
Bà đã kể lại: “Nghe báo có khách ở Sài Gòn đến tìm, dù đoán chắc chắn là anh ấy nhưng khi cầm tấm thiếp tôi không khỏi lặng người xúc động. Trên người vẫn khoác chiếc áo choàng trắng của bệnh viện, tôi băng vội qua mấy gian nhà. Người thanh niên đang đứng đợi dưới mái hiên, dáng người dong dỏng cao, bận bộ đồ tuýt-xo com-lê trắng, hoàn toàn khác với hình dung của tôi. Anh không táo tợn như tôi nghĩ. Anh chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cầm đấy ư? Tôi đi ghe suốt từ tối đến giờ mới tới”. Cả hai chúng tôi đều lúng túng, không ai nới với ai câu nào, mãi cho đến khi cậu tôi mời vào phòng khách tiếp chuyện”. Mộng Cầm làm thơ rất hay, trong bài thơ “Chan chứa” có nhắc nhiều đến những kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, mà bà ví là “xuân mỗi tuần” khi xin phép cậu lên ga Phan Thiết cuối tuần đón Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn ra thăm. Bà viết tâm sự trong bài thơ “Chan chứa” thay lời kết cuộc tình:
Nếu anh đếm được những vì sao
Thì hiểu em yêu đến bậc nào
Tinh tú trên trời không đếm được
Tình yêu càng với lại càng cao.
Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần
Thơ thẩn tâm hồn hoa nở nhụy
Cạn dòng tám sự được bao lần.
Em cứ tưởng rằng anh với em
Như hình với bóng dưới màn đêm
Hoàng hôn đã khóc niềm chung thủy
Đau đớn tình anh khăng khít thêm.
Cho nên không thể nói không yêu
Mà nói rằng yêu, yêu rất nhiều
Trời đất ngập tràn thơ vĩnh biệt
Lòng em chan chứa biết bao nhiêu.
TÓM TẮT.
Báo chí một thời từng ví nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1940) là Mozart của nền âm nhạc Việt Nam, mặc dù tác phẩm âm nhạc của ông để lại cho cuộc đời này chỉ đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay của… một bàn tay. Nhiều người lại so sánh Đặng Thế Phong giống thi sĩ Hàn Mặc Tử đến lạ lùng cũng bởi sự tài hoa, đoản mệnh. Ông còn giống Hàn Mặc Tử bởi những mối tình thủy chung đến lạ kỳ.
- Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940) bị bệnh cùi nặng nhưng vẫn được Mộng Cầm bầu bạn, chăm sóc tận tình , sống thọ hơn nhạc sĩ Đặng 4 năm.
- Còn nhạc sĩ Đặng , cũng được một người yêu tên Tuyết , một mối tình lớn và duy nhất trong đời , chăm sóc ông trong những ngày ông bị bệnh lao nặng và đến lúc qua đời .
Chính người con gái đó đã làm tâm hồn nhạc sĩ Đặng Thế Phong dậy sóng và đi vào những bài tình ca bất hủ mà ông để lại trong 24 năm của kiếp người.
Cùng với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan trong nhóm “Bàn thành Tứ hữu ở Bình Định”, nhà thơ Chế Lan Viên viết:
  •  Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình "
Thật vậy, nhà thơ Hàn Mặc Tử cùng với nhạc sĩ Đặng Thế Phong là hai hiện tượng đặc biệt trên bầu trời thơ – nhạc, hai thiên tài của Thi ca và Âm nhạc Việt Nam của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
PHẠM VŨ
(Tham khảo: Tài liệu trên Sách báo và Internet)
**

SẦU THU
Có gì hiu hắt lắng tâm tư
Sầu thương như ướt đẫm sương mù
Nhìn mưa tơi tả trên cành lá
Tháng mười mưa mãi, gió hoang vu

Thu ở đâu rồi thu dấu yêu
Bỗng dưng nhung nhớ úa trong chiều
Có vạt nắng tàn che ngõ vắng
Cho lòng mang nặng nỗi cô liêu

Thu đến rồi đi, thu hững hờ
Hồn thu vương vấn lá tương tư
Tàn phai sắc thắm heo may lạnh
Lá vàng úa rụng, chiều bơ vơ

Thu hỡi, thu ơi - Thu có nghe
Tình thu lờ lững đến bao giờ
Ước ao tình mãi xanh muôn thuở
Đừng như Thu vàng võ, ảo mờ...

Phạm Thị Minh-Hưng

Nhận xét