NGUYỆT SAN SỐ 87 & THƠ





VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 13/7/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ để mở đầu phiên họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách mới mà ông mới có và mới được biết tới. Cuốn đầu là một cuốn “lưu hành nội bộ” nói về một nhà giáo kiêm nhà từ thiện ở Hố Nai tên là nhà giáo Phạm Tất Hanh đã qua đời năm 2011. Cuốn sách được giới thiệu, vì nó nói về một nhà giáo đã là đồng nghiệp của Dịch giả Vũ Anh Tuấn nửa thế kỷ trước hồi năm 1963, và vì nó chứa đựng một bài viết của ông nói về người bạn quá cố của mình. Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách to đùng, nặng đúng 5 kí lô, mang tựa đề là “Tâm và Tài, họ là ai?” của một nhiếp ảnh gia tên là Nguyễn Á. Cuốn sách giới thiệu 400 nhân vật thuộc đủ mọi lãnh vực cộng với một số hình ảnh các hoạt động thường nhật của họ. Cuốn sách hình ảnh đẹp và có điểm đặc biệt là nó nặng tới 5 kí lô. Cuốn sách là của Cô Kim Thư, một thành viên CLB, đã cho Dịch giả Vũ Anh Tuấn xem và nhờ giới thiệu với các thành viên khác, vì hôm đó cô bận nên phải vắng mặt không đi họp. Cô đã được một trong số 400 nhân vật trong sách tặng vì là một thân nhân của cô, chứ không phải cô đã bỏ ra tiền triệu (1.500.000) để mua. Còn lý do Dịch giả Vũ Anh Tuấn chấp nhận giới thiệu sách thì là vì nơi trang 622 của cuốn sách có một vị là một tác giả đã cộng tác với Bản Tin của CLB trong nhiều tháng nay, mỗi tháng một bài viết, và đó là Dịch giả Hoàng Thúy Toàn (ký bút danh là Thúy Toàn), cựu Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, hiện chuyên nghiên cứu về Văn Học Nga. Sau khi được giới thiệu sách đã được nhiều thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.
Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Vương Liêm đã có một cuộc nói truyện và có một số nhận xét, so sánh, liên quan tới chuyến du ngoạn thăm đất nước Lào mà anh vừa đi về.
Sau khi anh Vương Liêm nói xong, anh Trần Văn Hữu lên hò tặng các thành viên bài Nam Ai mang tựa đề là “Hương Mắm Đồng Quê” bằng giọng hò rất ấn tượng của anh.
Kế đó các thành viên đã tiếp tục thảo luận và bàn cãi với nhau về việc in ấn tập thơ của chính các thành viên CLB để kỷ niệm 7 năm CLB được thành lập, về số lượng bài sẽ in, về cung cách tuyển chọn vv… Sau gần một giờ thảo luận đã đi đến quyết định là đã có 5 thành viên được mọi người đồng ý chỉ định họp thành ban Tuyển Chọn, và sau khi tuyển chọn thì sẽ thông báo kết quả cho các tác giả để các tác giả có toàn quyền sửa chữa, thay đổi, hoặc rút bỏ.
Buổi họp trong không khí vui vẻ, hào hứng, đã kết thúc vào 11 giờ 15 phút cùng ngày. 
VŨ THƯ HỮU

VÀI DÒNG VỀ CUỐN CỔ THƯ MANG TỰA ĐỀ LÀ
“ BA ĐẠO QUÂN Ở BẮC KỲ 
(Trois colonnes au Tonkin)(1894-1895)
của Tướng GALLIÉNI
– Cựu Tư Lệnh Đệ Nhị Lãnh Thổ Quân Sự ở Bắc Kỳ

Người viết được biết đến cuốn cổ thư này là nhờ anh bạn ở Pháp mang về nhờ bán, nhưng vì giá tiền anh đòi quá cao, vả lại ngay lúc này số người sử dụng tiếng Pháp cũng khá hiếm, nên đành phải trả lại anh để anh cho sách “quy hồi cố quận”.
Tuy nhiên trong gần hai tuần lễ có cuốn cổ thư trong tay, vì thấy nó cũng là một tư liệu lịch sử đã 114 năm tuổi, nên người viết có đọc qua và thấy nó khá hay nên viết bài này giới thiệu nó với các độc giả của Bản Tin.
Cuốn cổ thư này khổ 14x22 cm, dày 164 trang, được xuất bản năm 1899 ở Paris và là của Tướng Galliéni (1849-1916). Vị tướng tác giả cuốn sách chỉ sang Bắc Kỳ trong thời gian từ 1892-1896. Khi tới Bắc Kỳ ông ta chỉ mới mang quân hàm Đại tá, và ông là người đã cùng với Thiếu Tá Lyautey, đánh nhau với quân Cờ Đen và tổ chức hệ thống Hành Chánh ở Bắc Kỳ.
Cuốn cổ thư được chia làm 3 Phần:
Phần I – Từ trang 1 - 34 mang tiểu tựa là “CÁC CUỘC HÀNH QUÂN Ở CAI – KINH” (Tháng 12-1893-Tháng 1-1894). Gồm Lời nói đầu và 9 chương như sau:
- Chương I.- Nói về địa lý và chính trị.
- Chương II.- Nói về các chỉ thị tổng quát phải tuân hành.
- Chương III.- Nói về tình hình ở Cai Kinh.
- Chương IV.- Các cuộc hành quân sơ khởi – Vấn đề tiếp vận
- Chương V.- Nói về việc tổ chức và lập thành ba Đạo Quân.
- Chương VI.- Nói về xuất phát ba đạo quân – Bao vây Lung Lai.
- Chương VII.- Quân Cờ Đen bỏ chạy – Truy kích – Lục soát sào huyệt.
- Chương VIII.- Lập các nơi đồn trú và việc tách rời các đạo quân.
- Chương XIX.- Kết luận. (Hết phần I)
Phần II – Từ trang 35 - 88 mang tiểu tựa là “CÁC CUỘC HÀNH QUÂN Ở BA KỲ VÀ Ở MIỀN THƯỢNG SÔNG CẦU”(Tháng 4 – 1895). Gồm 10 chương:
- Chương I.- Phần sơ khởi.
- Chương II.- Tổ chức các đạo quân.
- Chương III.- Việc quân tiếp vụ và tổ chức việc truyền tin.
- Chương IV.- Lệnh xuất phát.
- Chương V.- Các rắc rối – Các cố gắng phối hợp của bọn giặc cướp.
- Chương VI.- Tập trung hành quân.
- Chương VII.- Chiếm đóng Ke-Thuong.
- Chương VIII.- Từ Ke-Thuong tới Bắc Cạn.
- Chương XIX.- Cần một trận đánh về phía Tây – Kết thúc các cuộc hành quân.
- Chương X .- Kết luận.
Phần III .- Từ trang 89 - 164 mang tiểu tựa là “CÁC CUỘC HÀNH QUÂN Ở YÊN THẾ” (Tháng 10-Tháng 11-1895). Gồm 14 chương:
- Chương I.- Phần sơ khởi.
- Chương II.- Địa phương – Kẻ địch – Chiến thuật phải áp dụng.
- Chương III.- Chương trình phải thực hiện – Tình hình ngày 20 tháng Mười.
- Chương IV.- Các biện pháp mới bắt đầu áp dụng từ ngày 20 tháng Mười để củng cố các lực lượng chiếm đóng ở Yên Thế và đầu tư vào Tam Giác Bo-Ha – Mo-Trang – Nha-Nam.
- Chương V.- Cơ quan vệ sinh – Quân tiếp vận – Truyền tin.
- Chương VI.- Tình hình từ ngày 5 tới ngày 20 tháng 11 – Thành lập các toán quân khác – Đầu tư.
- Chương VII.- Thám sát ở phía trong Tam Giác Bo-Ha – Mo-Trang – Nha-Nam.
- Chương VIII.- Sửa soạn tiến quân phía trước.
- Chương XIX.- Các biện pháp áp dụng chung quanh Yên Thế: trong vành đai Cho-Phong, trên đường hỏa xa, trên sông Thương vv…
- Chương X.- Hành quân phía trước.
- Chương XI.- Ngày 30 tháng 11 – Di tản các đồn lũy giặc cướp (quân của Đề Thám bị bọn Tây gọi là giặc cướp) – Sự tháo chạy của Đề Thám.
- Chương XII.- Truy kích tàn quân Đề Thám và tách rời các đạo quân.
- Chương XIII.- Chiếm đóng Yên Thế.
- Chương XIV.- Kết luận.
- Phần Kết luận được chia làm ba đoạn:
a.-Trang bị cho quân lính.
b.- Tổ chức và phát xuất các đoàn xe tải quân nhu.
c.- Nguyên tắc và tổ chức trị an.
Đây cũng là một tài liệu đóng góp vào kho tài liệu lịch sử, mà các sách do bọn Tây thuộc địa viết đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu lịch sử của ta…


Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI. 









MONG

Mưa buồn đan sợi tơ mành,
Mưa rơi, rơi mãi, khóc than nhạt nhòa,
Nắng sầu, ủ rũ đâu xa,
Không về sưởi ấm cánh hoa uá màu,
Mây trời tím ngắt, chiều mau,
Nắng xa, sợi nhớ sợi nhàu vẫn đây,
Vấn vương... Xuân cũ mộng đầy,
Nhớ nhung ngày tháng sum vầy, ấm êm,
Đợi chờ, đêm mộng dài thêm
Biển mênh mông quá, cánh mềm hải âu,
Nắng ơi, Nắng hãy về mau,
Xin đừng hờ hững, tình sầu xót xa,
Cho mưa tạnh hạt, ngày qua,
Bình minh Nắng đẹp, hồn hoa thắm tình...
Phạm Thị Minh-Hưng

Em đã đi rồi

Em vắng xa rồi! Ôi, nhớ thương

Lòng tôi ngây dại mối sầu vương
Tình xưa mộng cũ đành chôn dấu
Day dứt hồn tôi nỗi đoạn trường
Em lạc bước, đường xa vạn hướng
Thênh thang lẻ bóng cõi mù sương
Mình tôi lầm lũi tình băng tuyết
Hoa cỏ úa nhàu, nhạt sắc hương...
Phạm Thị Minh-Hưng

Tiếc đời cho Ai

Đôi Mắt ấy đang rất buồn - rơi lệ, 
Khi Người Yêu đã vĩnh biệt - ra đi,
Bước trần ai, chẳng vương vấn điều gì,
Sao vội vã, Người lìa xa cõi tạm. 
Con đường trần - vắng bóng, biết nơi đâu,
Lá vàng thu úa rụng, khóc thương, sầu
Trăng quạnh quẽ, mây u buồn, gió thảm,
Còn gì đâu, Người về... nơi xa lắm! 
Tiếc thương Người, lòng tôi buồn vô hạn,
Đời ai rồi, cũng đến thế mà thôi,
Cũng trắng tay, trong ngày cùng tháng tận,
Mặc kệ đời, rơi nước mắt tả tơi!
Phạm Thị Minh-Hưng

&


Xin em giữ lại
Nhà thơ không có tuổi già
Yêu trăng, yêu gió thiết tha yêu đời
Đã là thi sĩ em ơi!
Tâm hồn bay bổng không nơi bến bờ
Tình anh hoà quện vào thơ
Xin em giữ lại để chờ kiếp sau
LÊ MINH CHỬ

HUYỀN BÍ TÌNH YÊU
Em cũng như muôn vàn cô gái khác
Điều huyền bí nào làm rung động trái tim anh
Hương tình yêu như gió thoảng qua nhanh
Mà tình em đẹp trong anh mãi mãi
Nhớ thương này anh biết tỏ cùng ai?
Ở phương xa em có nhớ anh không?
Trời không mưa mà lòng nổi bão giông
Anh mơ ước ngày mai ửng ánh hồng
Mở mắt ra là được gặp em yêu
LÊ MINH CHỬ
ĐIỀU EM MUỐN NÓI
Anh như làn gió lạ
Ùa vào ôm lấy em
Cho lòng em xao xuyến
Bồn chồn đứng không yên
Anh ơi!
Em ước là cánh chim
Bay đi khắp muôn nơi
Bay theo anh suốt đời
Để được gần anh thôi
Anh ơi!
Rừng xanh tít chân trời
Sau mưa màu tươi mới
Tâm hồn em phơi phới
Em yêu anh thật rồi
Em yêu anh suốt đời
LÊ MINH CHỬ
NGUYỄN CHÍNH

Tiếng Việt Bắc Nam 
Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi 
Ôi! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc làm lấy lệ
Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,
Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bải, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê
Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi đi! Bắc hô: cút xéo!
Bắc bảo: cứ véo! Nam: ngắt nó đi!
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi!
Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Phê, Năm rên Đã Quá!
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc
Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa
Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam: Thơm Thơm đậu phọng
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
Bắc giấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa “Cái Lan xinh cực!” ,
Nam trầm trồ “Con Lan đẹp hết chê!”
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
Bs. Nguyễn Lân-Đính st
Gió khuya
Ngọc lưu ly đong trên cành
Gió âm thầm khóc bên mành tương tư
Nửa linh hồn gửi biên khu
Nửa con tim khép phòng thu gió lùa
Bâng khuâng mưa khóc giao mùa
Đèn soi bóng lẻ, người chưa trở về
Mùa đau hoa lửa lập lòe
Gió cô đơn siết mặt hề bi ai
NGÀN PHƯƠNG
TẠ ƠN NGƯỜI
Xin tạ ơn bàn tay mang ánh sáng
Đã vớt ta thoát khỏi bể trầm luân
Dìu dắt ta đi trọn bước đường trần
Đủ can đảm vượt qua nghìn chướng ngại

Xin tạ ơn tia mắt nhìn êm ái
Giúp ta thêm nghị lực trước phong ba
Khi hồn ta gục ngã dưới trăng tà
Lúc tuyệt vọng quyết đi tìm cái chết

Xin tạ ơn trái tim hồng tha thiết
Tình mông mênh vời vợi khoảng trời xanh
Tình thiêng liêng ngào ngạt gió thơm lành
Cho ta thấy niềm tin và lẽ sống

Xin tạ ơn nụ cười ru diễm mộng
Có ngàn sao nạm ngọc đóa sen vàng
Tiếng chuông chùa trầm mặc xé không gian
Lời kinh nguyện đưa ta về bến giác
NGÀN PHƯƠNG
ĐÓN NHẬN TUỔI 70
Sinh nhật mừng vui Thất Thập rồi
Bảy mươi nét đẹp vẫn xinh thôi
Tuổi xuân sức khỏe còn mang đến
Dáng hạ an bình cứ tiến trôi
Bạn hữu giao lưu luôn gắn bó
Văn thơ sáng tác chẳng hề vơi
Phong lưu rất mực tăng nhân cách
Phúc hậu làm duyên thọ với đời
THANH CHÂU
Nghĩ suy
Biết điều sống phải lẽ cho đời
Lánh dữ làm lành tốt bạn ơi!
Giúp đỡ người nghèo qua khốn khổ
Cưu mang kẻ khó khỏi ly rời
Bao che lúc bệnh tình thang thuốc
Cứu hộ khi cùng nghĩa nếp xôi
Phước đức thanh cao trời đất biết
Lòng luôn thoải mái với đương thời
THANH CHÂU
Mưa Sài Gòn
Xe bon trên đường
Trời chang chang nắng
Bỗng gió bất thường
Xô cây, lá rụng. 

Cơn mưa ập đến
Ào ào, ào ào
Sài Gòn mưa mau
Đến, đi chớp mắt.

Không một hối tiếc
Cũng chẳng luyến lưu
Tình như bày hươu
Vô tư uống suối

Gắp trăng tắm gội
Cũng đùa giỡn chơi
Khi thỏa thích rồi
Quên không tiếc nuối.

Xa không bịn rịn
Vắng không nhớ nhung
Chẳng là tri âm
Không là tri kỷ.

Bất chợt Sài Gòn
Giữa đường hoa mỹ
Cơn mưa tế nhị
Chảy vào trang thơ

Chỉ những hạt mưa
Đọng làn mi biếc
Hạt mưa diễm tuyệt
Rịn từ con tim.
XUÂN VÂN
TIẾNG THƠ
Tiếng thơ êm ả mênh mông
Lời thơ trang trải nỗi lòng đầy vơi
Thơ bay cao vút lưng trời
Thơ nghe ngào ngạt hương đời ngất ngây
Thơ về quyện gió cùng mây
Thơ thêm hương vị tháng ngày trong ta
Thơ mang tình nghĩa đậm đà
Thơ gieo bao nỗi thiết tha với đời
Thơ làm vui cả đất trời
Thơ xoa dịu mọi đầy vơi nỗi long
Thơ hòa gió mát trăng trong
Thơ nguồn an ủi hoài mong cuộc đời
Thơ như tiếng sáo ngàn khơi
Thơ là câu hát đẹp trời yêu thương
Thơ liền tình bạn bốn phương
Thơ ơi ta mãi vấn vương bên long
Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
Hãy xin gởi chút hương nồng cùng thơ
XUÂN VÂN
Thơ và rượu
Rượu nồng thơ cũng nồng say
Ngỡ ngàng nhận rượu từ tay em rồi 

Rượu còn nguyên chửa nhấp môi
Mà lâng lâng tưởng đang mời cạn ly

Mấy vần theo bước người đi
Để thơ và rượu luôn kề bên nhau
Tam Đảo 20.4.2012
LÊ NGUYÊN
CHỈ ƯỚC MONG ANH

Đêm thu thăm thẳm ánh sao mờ
Tiếng dế xa vời gió thoảng đưa
Thao thức, băn khoăn, lòng bứt rứt
Anh giờ không biết ngủ hay chưa? 

Em biết anh nhiều nỗi xót đau
Đắng cay hằn vết trán in sâu
Trắng đêm em thức không hề ngại
Chỉ ước mong anh vợi nỗi sầu.

Bão đã tan, mưa đã tạnh rồi
Trời xanh rộng đẹp lắm anh ơi!
Đường dài gai góc không ngăn được
Bước của ta đi dựng cuộc đời
27.9.1962
VŨ ĐÌNH HUY
CRAVING ONLY FOR YOU
The unfathomably autumnal night with blurred starlight
The far away cricket chirping, flashingly carried by the wind
Restless, anxious, with an uneasy mind
I’m asking myself whether you already sleep or not yet? 

I do know that you’re having a great deal of sufferings
Bitterness has left deep traces on your forehead
Without any worry I can stay up all night long
Only hoping that your melancholy might be relieved

The storm is over, the rain has stopped
So wide and beautiful is the blue sky, oh my dear!
The long and thorny way simply cannot hamper
Our footsteps on our way to build a brighter life
27.9.1962
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
GIÂY PHÚT NGỪNG BƠI

Sự thật dễ đâu chiều ý muốn
Ước mơ như thể ngược dòng trôi
Sông chảy ào ào dòng nước cuộn
Cuốn đời ta tuồn tuột về xuôi

Nếu ta giây phút bơi ngừng lại
Đích sẽ càng xa sóng xóa mờ
Dòng nước cuốn ta lùi mãi mãi
Ngàn năm mơ ước chỉ là mơ
Hà Nội 03.5.1963
VŨ ĐÌNH HUY
THE MOMENT ONE STOPS SWIMMING

Truths cannot easily pamper our desire
Dreams seem like drifting upstream
The river flows impetuously with whirling waves
Whirling our life towards the downstream. 

Were we to stop swimming for a moment
Our destination will turn farther and be blurred by the waves
The water current will sweep us backwards forever
For thousands of years, all dreams are simple dreaming
Hà Nội 03.5.1963
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
TÂM HỒN
Tâm hồn người như biển bao la
Tình thương yêu như nước chan hòa
Hơi nước thành mây, mưa khắp chốn
Lại tụ về sông chảy đến ta.
Hà Nội 04.5.1963
VŨ ĐÌNH HUY
OUR SOUL
Our soul is like the immense sea
While love is like overflowing water
Water steam turns into cloud and rain everywhere
Then gather into rivers that again flow towards us.
Hà Nội 04.5.1963
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
ĐÍNH CHÍNH
Bài thơ: Gió thu gây hương nhớ (Số 86 tháng 7)
Trang 55, Đoạn 4, Câu 19: Mùa thu đến
thêm vào: Lá thu rơi
Hương thu gợi nhớ
Dáng người mình thương

Chuyện Dê ! 

Dê gọi là Dương
Dê to lớn có quốc tịch Pháp gọi là Đại tây dương
Dê không thích đánh nhau gọi là Thái bình dương
Dê số nghèo không may mắn gọi là Dương cực
Lịch khoả thân gọi là Dương lịch
Hai con dê cao hứng gọi là Dương Dương tự đắc
Oai phong của dê gọi là Dương oai
Dê đi nước ngoài gọi là Xuất Dương
Cuộc đời của dê gọi là Dương thế
Dê không mặc áo gọi là Dương trần
Bạn của dê đực gọi là Dê cái
Dê cao niên gọi là Dê già
Dê già thích gái trẻ gọi là Già Dê
Đàn dê gọi là Dương cầm
Tiếng của dê gọi là Âm dương
Dê không ngay thẳng gọi là Dương gian
Dê hay nghĩ ngơi gọi là Dương suy
Dê không đàng hoàng gọi là Dê bậy
Dê nói năng tùm lum gọi là Dương sảng
Dê mạnh khoẻ gọi là Cường dương
Dê ngồi xe lăn gọi là Liệt dương
Dê biển gọi là Hải dương
Dê núi gọi là Sơn dương
Dê ở đồng bằng gọi là Bình dương
Dê rừng gọi là Dương lâm
Dê kéo xe gọi là Dương vận hạm
Dê chạy dzòng quanh mấy nàng dê cái gọi là Tuần dương hạm
Ăn thịt dê gọi là Hưởng dương
Dê đực là Nam dương
Dê mắc bịnh giang mai gọi là Dương liểu
Dê… vất vả là Dương cực
Cơm của dê gọi là Dương châu
Dê có cha làm lớn gọi là Dương gia tướng
Dê có mắt nhỏ híu gọi là Dương hí
Dê hay đi chơi xa gọi là Du Dương
Dê chỉ có một móng ở chân gọi là Nhất Dương chỉ
Dê thái giám gọi là Thái Dương
Phở mà nấu thịt dê gọi là phở tái dê (xin đừng nói lái...)
Dê ở Thái Lan gọi là Thái Dương
Dê Thái Lan liên hệ với dê ở nơi khác gọi là Thái Dương Hệ
Ngun: Trang web Tài Ngc
Trao cái lẳng lơ
Đem cái lẳng lơ dấu chốn nào
Tìm người tâm đắc để riêng trao
Bao năm ôm ấp niềm cay đắng
Một thuở đong đưa khúc ngọt ngào
Những tưởng đau thương còn chất ngất
Nào ngờ hạnh phúc bỗng xôn xao
Từ nay trên nẻo đường rong ruổi
Cùng khách tình chung thỏa khát khao!
Thanh Phong
MỪNG EM SINH NHẬT 70
Mừng em tuổi đã bảy mươi
Mà con tim vẫn xanh tươi xuân thì
(10/11/2012)
Thanh Phong 
Trở về cát bụiTa Cứ Tưởng Trần Gian Là Cõi Thật
Thế Cho Nên Tất Bật Ðến Bây Giờ!
Ta Cứ Ngỡ Xuống Trần Chỉ Một Chốc
Nào Ngờ Ðâu Ở Mãi Ðến Hôm Nay!

Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc ðời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay

Cuộc ðời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và ðâu biết ngày mai?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi

Thì người ơi! Xin ðừng ganh, ðừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì ðời ta ðã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen

Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay ðắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!

Tú Vũ st.


XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG
MỘT TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ THANH CAO
(KỲ 7)
Thêm một số bài họa cho HƯƠNG XƯA
Bài xướng:
Hương xưa
Thơm ngát tinh hoa tỏa bút đài
Đường thi muôn thuở sắc không phai
Hương xưa man mác tình tri ngộ
Bình cũ xôn xao khúc cảm hoài
Ngắm nguyệt tao nhân trầm nỗi nhớ
Trông hoa mặc khách rộn niềm say
Tri âm ai đó đồng thanh khí
Kết nghĩa thi đàn hẹn trúc mai!
THÙY DƯƠNG
Bài họa thứ 14 (*)
HƯƠNG XƯA
Hương xưa nghìn thuở ngát thi đài
Như khúc Tầm Dương mãi chẳng phai
Vần cũ nối dài tâm sự mới
Hoa xưa tỏa thắm sắc hương hoài
Gương soi thế cuộc trăng mờ tỏ
Vần họa tri âm rượu tỉnh say
Thanh khí hòa âm nâng dũng khí
Xuân đời vĩnh cửu ngát hương mai !
Nhà thơ XÍCH ĐIỂU (82t)
410 Trần Hưng Đạo, Quận 5
Bài họa thứ 15:
HƯƠNG XƯA
Vừng dương rực rỡ ánh xuân đài
Cốt cách Đường thi mãi chẳng phai
Muôn thuở tao nhân còn ngưỡng mộ
Ngàn năm mặc khách vẫn quan hoài
Đông tàn tuyết tỏa lòng thêm ấm
Xuân tới hoa khai mắt ngắm say
Thanh khí tương cầu tình đượm thắm
Tao phùng xin hẹn một ngày mai.
HỒNG VÂN NGUYỄN ĐÌNH TÙNG
32 Lý Nam Đế, Hà Nội
Thêm một số bài họa cho KẾT NGHĨA VƯỜN MAI
Bài xướng:
KẾT NGHĨA VƯỜN MAI
Duyên thơ kết nghĩa dựng Vườn Mai
Bình cũ HƯƠNG XƯA chén cảm hoài
Rượu mới xôn xao niềm khát vọng
Men nồng ấm ủ mộng tương lai
Tinh hoa nương bóng đài Văn Học
Nghệ thuật noi gương bậc thiện tài
Son sắt tơ lòng chung thắm dệt
ĐƯỜNG THI ngọc gấm mãi không phai.
THÙY DƯƠNG
Bài họa thứ 3:
KẾT NGHĨA VƯỜN MAI
Thiện duyên ai đó lập Vườn Mai
Óng ánh vàng hoe được ngắm hoài
Lều túp tương thân hồi dĩ vãng
Lâu đài hờ hững buổi tương lai
Cái thùng trống rỗng càng kêu lớn
Các bậc hiền nhân lại ẩn tài
Vun tưới Vườn Mai tươi thắm đẹp
Sắc hương muôn thuở chẳng hề phai.
Nhà thơ LÊ VĂN QUẾ (92t)
Giáo học hưu trí, Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3
Bài họa thứ 4:
KẾT NGHĨA VƯỜN MAI
Mỗi độ xuân về muôn cánh mai
Tình xưa nghĩa cũ nhớ nhau hoài
Xuân về đổi mới đời hoa mộng
Tết đến mang theo cảnh thái lai
Thành thị vươn lên nhìn thế giới
Khắp nơi tiếp đón bậc nhân tài
Bao nhiêu xuân tết, bao thi tứ
Xuân tết cổ truyền chẳng nhạt phai.
HẢI SƠN
89, Nguyễn Thông, Q.3
(*) Theo thứ tự kể từ những bài họa trước đã đăng.
Xin xem loạt bài XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG – MỘT TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ THANH CAO kể từ kỳ 1: Bản tin nguyệt san 75; kỳ 2: Bản tin 76; kỳ 3: Bản tin 78; kỳ 4: Bản tin 81; kỳ 5: Bản tin 82; kỳ 6 : Bản tin 85.
Website: www.sachvatranh.com

Nhận xét