NGUYỆT SAN 89-VĨNH BIỆT GIÁO SƯ HOÀNG NHƯ MAI




VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/9/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, một cũ một mới. Cuốn sách mới bằng tiếng Việt, nói mới thì chưa đúng, phải nói là mới ra lò mới đúng, mang tựa đề là: “BÀI THƠ VỊNH KIỀU ĐỘC ĐÁO và cách làm thơ Thuận Nghịch Độc” của tác giả Phạm Đan Quế, nhà Kiều học hàng đầu, đã viết trên 20 tác phẩm về Kiều. Cuốn sách khổ 15x21 cm, dày 400 trang, bìa cứng được trình bày rất đẹp, do nhà XB Thanh Niên in vào tháng 7 năm nay (2013). Cuốn sách nói về một bài thơ vịnh Kiều mang tên là “Kiều Nương Cửa Phật”, mà qua cách đọc Thuận Nghịch Độc, tác giả đã trình bày thành 1728 (bài) và cách đọc khác nhau. Dịch giả Vũ Anh Tuấn được tác giả tặng sách vì ông cũng có một đóng góp nhỏ là đã dịch bài thơ Vịnh Kiều đó ra tiếng Anh (nơi trang 80 của cuốn sách), và bài thơ cũng có bản dịch ra tiếng Pháp nơi trang 81 của cố Dịch giả Hoàng Hữu Đản. Đây là một cuốn sách lạ và hấp dẫn người đọc, tuy nhiên người đọc phải rất chú tâm vào nguyên bản thì mới có thể nắm bắt và hiểu thấu đáo được tác phẩm. Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách Pháp cổ, được in năm 1881 (132 năm trước) mang tựa đề là: “Các Lá Thư được chọn lọc của Bà de Sévigné”, một nữ đại văn hào Pháp hồi thế kỷ thứ XVII. Dịch giả Vũ Anh Tuấn muốn để các thành viên thấy một cuốn sách đã được ra đời 132 năm trước (khi ông và toàn thể các thành viên lúc đó… không biết đang ở đâu?) nhưng vẫn còn như mới, với ba cạnh mạ vàng vẫn còn óng ánh, vàng chói. Ngoài ra cuốn sách còn có những phụ bản nguyên trang (Pháp gọi là Planches và Anh gọi là Plates) thực đẹp được vẽ bằng bút sắt. Sau phần giới thiệu, các thành viên đã chuyền tay nhau xem một cách thích thú.
Sau phần giới thiệu sách, anh Dương đã có một bài nói chuyện ngắn về “Sự tham gia của tiếng Khmer trong Ca dao Miền Tây Nam bộ” được mọi người quan tâm và có thảo luận qua lại về đề tài.
Tiếp lời anh Dương, bà Thùy Dương lên nói chuyện về “Giải thưởng Tài Năng Lương Văn Can 2013” và về việc cụ Lương Văn Can, một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), được coi như một doanh nhân tiên khởi, và bây giờ được lấy tên để trao giải…
Sau khi bà Thùy Dương nói xong, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã nói thêm về việc in tập thơ của riêng các thành viên CLB Sách Xưa và Nay và đã cùng toàn thể các thành viên hiện diện đặt tên cho cuốn thơ là “DUYÊN THƠ” – Thơ của các thành viên CLB Sách Xưa và Nay”. Cuốn thơ sẽ được thu xếp để được in trước Mùa Xuân năm nay.
Ngay lúc đó trời đổ mưa rất lớn, và anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên một bài hát mang tựa đề là Mưa, bằng giọng ca hùng dũng chẳng kém tiếng mưa rơi của anh.
Cuối cùng anh Vũ Đình Huy đã chia sẻ với các thành viên một số kinh nghiệm của anh trong việc in và tiêu thụ thơ, vốn là một dạng văn hóa phẩm “tình cho không biếu không!”
Cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu

VÀI ĐIỀU ĐÁNG GHI NHỚ VÀ ĐÁNG CHIA SẺ
VỚI CÁC BẠN BÈ
YÊU TIẾNG PHÁP CỦA TÔI
Sau khi nhận thấy là mình đã ở tuổi 26 lần thứ 3, và đã đóng góp cho quê Mẹ mà tôi yêu quý 20 bản dịch Việt-Anh, Việt-Pháp và Pháp-Anh, đủ để ngày về kể công với Mẹ Âu Cơ, tôi đã quyết định không làm thêm nữa, mà dành thời gian để đọc những cuốn cổ thư tôi yêu thích mà chưa có thời giờ đọc (gần 1000 cuốn).
Sáng nay, tôi thực hiện ý muốn nói trên và ra kệ sách tôi dành riêng cho những cuốn tôi thích mà chưa có giờ đọc và chọn cuốn “Tiếng Pháp Cổ Điển” (Le Francais Classique) của tác giả G. Cayrou do nhà XB thời danh Henri DIDIER xuất bản ở Paris 89 năm trước (1924). Cuốn sách khổ 12x18cm, dày 884 trang cộng với 48 trang phụ bản nguyên trang, được sắp theo tự mẫu (theo thứ tự A, B, C…) như một cuốn tự điển. Đây là một cuốn sách cho người đọc những định nghĩa của một số từ tiếng Pháp hồi thế kỷ thứ XVII, những định nghĩa mà ngày nay ta không còn tìm thấy trong những tự điển lớn nhỏ hiện hành.
Vừa mở cuốn sách ra, điều khiến tôi thích thú đầu tiên là ngay ở trang đầu sách tôi thấy có một con dấu đóng lộn ngược của một trường Trung Học cực kỳ nổi tiếng ở Saigon cũ là trường Chasseloup Laubat, nơi đã đào tạo ra rất nhiều người Việt giỏi tiếng Pháp thứ thiệt, chứ không như nhiều vị hiện nay dám cả gan khoe là mình xuất thân là Sorbonnard(*) nhưng tiếng Pháp của các vị đó lại quá “kinh hoàng” khiến bà TNg. một bà bạn thân của tôi phải nói: “Tiếng Pháp thế này thì vị này là Charbonneux chứ không phải là Sorbonnard (Nơ chứ không phải Na) hì! hì! hì!” (xin xem hình minh họa trên có con triện).
Giở đọc lướt qua một số trang đầu, tôi đã bắt gặp ngay mấy từ rất ư là đặc biệt mà tôi thấy cần chia sẻ với các bạn “thích tiếng Pháp và thích Đầm” của tôi.
Nơi trang 5 của cuốn sách có từ “Académie” mà trong tự điển Pháp nào ngay lúc này cũng định nghĩa là Hàn Lâm, thí dụ “Académie Française” ai cũng biết là Hàn Lâm Viện Pháp. Nhưng điều kỳ thú rất ít người biết là hồi thế kỷ thứ XVII, từ “Académie” này lại có nghĩa là “Nơi mà giới quý tộc Pháp tập cưỡi ngựa và tập nhiều động tác khác”. Ngoài ra nó còn có nghĩa là nơi mà mọi người được phép cờ bạc thả dàn với thí dụ bằng Pháp văn sau đây: “Perdre son argent à l’académie” (Thua tiền ở nơi đánh bạc)...
Nơi trang 27 của cuốn sách có từ “Almanach” một từ mà ngày nay chỉ có nghĩa là Niên lịch, nhưng ở thế kỷ XVII thì nó lại có nghĩa là phỏng đoán và với thí dụ “Faire des almanachs” người ta định nghĩa một cách hơi riễu cợt là “Lo làm những chuyện hoang tưởng, mơ màng, viển vông”…
Nơi trang 115 của cuốn sách có từ “Calepin”, một từ mà ngày nay chỉ có nghĩa là “cuốn Sổ tay” thì hồi thế kỷ thứ XVII nó lại có nghĩa là “cuốn Tự Điển lớn” và định nghĩa này bắt nguồn từ tên của tu sĩ người Ý A. Calepino, người đã cho ra đời vào năm 1502 một cuốn tự điển đa ngôn ngữ lớn (tiếng Ý, tiếng La Tinh vv…)
Nơi trang 146 của cuốn sách có từ “Chef” một từ ngày nay chỉ chỉ một ông xếp, một thủ trưởng, nhưng hồi thế kỷ thứ XVII thì từ này lại có nghĩa là “cái đầu” và chỉ áp dụng cho người, ví dụ “Le chef couronné de lauriers” (Cái đầu đội vòng nguyệt quế), đồng thời từ này cũng được dùng để chỉ “đầu các thánh” thí dụ “On garde le chef de saint Jean en cette église” (Người ta thờ cái đầu của thánh Jean tại thánh đường này)
Nơi trang 220 của cuốn sách có từ “Crotte” ngày nay chỉ có nghĩa là “cục phân”, nhưng hồi thế kỷ thứ XVII thì nó lại có nghĩa là “bùn” thí dụ “Les rues sont pleines de crottes” (Đường phố đầy bùn)…
Chỉ mới ngồi mất hơn một giờ đồng hồ và mới lướt qua mấy vấn A, B, và C tôi đã bắt gặp một số từ mà mình không biết là lúc trước (thế kỷ XVII) lại có những nghĩa khác hẳn như thế, và tôi tự nhủ lúc nào rảnh rỗi ta sẽ đi thăm cuốn quý thư này một cách cặn kẽ hơn… Hôm nay tạm chia sẻ với quý bạn yêu thích tiếng Pháp vài từ ở trên thôi…
(Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI)
Vũ Anh Tuấn
(*) Xuất thân từ trường Đại Học nổi tiếng nhất của Pháp là trường Sorbonne (Paris IV)

MỪNG ĐẠI THỌ VÀ VĨNH BIỆT (!)
GIÁO SƯ HOÀNG NHƯ MAI
(1919 – 2013)
Thùy Dương

Đầu tháng 8 vừa qua, tình cờ tôi được xem trên TV bộ phim tài liệu dài 3 tập về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo Sư Nhà giáo Nhân Dân Hoàng Như Mai. Tuy đã ngưỡng mộ Giáo Sư từ lâu nhưng những cuốn phim tài liệu này đã ghi cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc hơn với niềm từ hào về một vị Thầy lớn của nhiều thế hệ.
Việc đầu tiên của tôi là gọi ngay điện thoại để chúc mừng Thầy Cô và hỏi thăm sức khỏe. Tuy đã nhiều năm không gặp mà Thầy còn nhớ ra tôi nhưng lại không hay biết gì về mấy cuốn phim tài liệu nói đến mình, cứ hỏi mãi phim nào. Nghe giọng nói sang sảng của Thầy tuy hơi mệt mỏi, tôi vui mừng vì biết Thầy còn rất minh mẫn, tuy Thầy cho biết Thầy đang bị bệnh đau khớp, đi lại rất khó khăn đau đớn. Tôi muốn xin được nói chuyện với Cô thì Thầy bảo: “Bà ấy bây giờ quên lẫn hết cả rồi, có nhớ gì nữa đâu”. Tôi rất buồn và ngạc nhiên vì mới cách đây vài ba năm, Bà còn được lên TV lãnh một giải thơ lớn 20 triệu đồng. Hôm ấy trông Bà còn rất khỏe mạnh. Sao cái bệnh quên lẫn này lại nhanh chóng đến thế!
Việc thứ hai của tôi là làm một bài thơ để mừng Đại Thọ Thầy và đi tìm mua một tấm thiệp chúc Thọ thật đẹp để chép bài thơ vào. Nhưng mấy hôm tôi bị cảm mà trời thì mưa liên miên suốt ngày nên cứ nấn ná mãi chưa đi gửi được. Ngày nào cũng lên mạng xem đã nơi nào tổ chức Lễ mừng Đại Thọ 95 tuổi của Thầy chưa, ta phải gửi trước mới được, nhưng chưa thấy; lại đem bài thơ ra chỉnh sửa vì thấy chưa được hoàn chỉnh, rồi nắn nót chép đi chép lại:
Kính Mừng Đại Thọ Giáo Sư
HOÀNG NHƯ MAI
(1919-2013)
Chín lăm tuổi hạc vẫn chưa già
Thế sự thăng trầm đã trải qua
Nam Bắc bôn ba phò nghĩa cả
Tài Tâm ước nguyện hiến quê nhà
Văn chương giáo dục rèn đàn trẻ
Đào tạo hiền tài giúp quốc gia
Thế hệ mai sau còn tưởng mãi
Vị Thầy đức độ tiếng vang xa…
Thùy Dương
(Nhóm thơ Đường Hương Xưa)
Rồi tôi tự nghĩ: thôi chưa chỉnh cũng không sửa nữa, sáng mai đi gửi sớm thôi, trễ lắm rồi. Tối hôm ấy đang chuẩn bị để bao thơ chuyển phát nhanh thì trên TV bỗng phát ra một TIN BUỒN nghe trang nghiêm nhưng lành lạnh khác thường:
Viện Phật Học Cao Cấp
Hội nghiên cứu và Giảng Dạy Văn Học TPHCM…
Vô cùng thương tiếc Báo tin…
Kèm theo là bức ảnh của GS Hoàng Như Mai với đôi mắt sáng quắc và chiếc cằm cương nghị nhưng hiền hậu như mọi ngày.
Nghe xong tôi lạnh người choáng váng! Sao lại có chuyện lạ này?
Và hôm sau là bài thơ thứ hai với nét bút run rẩy đau xót, không phải đau xót cho mình tôi mà có lẽ cho hàng vạn trái tim khác trong cả nước.
VĨNH BIỆT THẦY!
Thơ mừng Đại Thọ vẫn còn đây
Chưa kịp gửi đi để chúc Thầy
Vĩnh biệt nào ngờ tin sét đánh!
Tử ly ai thấu nỗi đau này?!
Người đi để lại ngàn thương tiếc
Kẻ ở ra về dạ khó khuây
Công hiến trọn đời cho đất nước
VỊ THẦY BẤT TỬ MÃI CÒN ĐÂY!
Thùy Dương
Hôm sau tôi sắp xếp mấy bài thơ Mừng Đại Thọ và Vĩnh Biệt, cùng với lá thư dài viết thăm hỏi Thầy Cô và những kỷ niệm đẹp năm xưa bỏ hết vào bao thơ chuyển phát nhanh để sẵn để mang vào nghĩa trang để lên bàn thờ Thầy. Nhưng tiếc thay hôm ấy đi đường xa và xe xóc nên tôi bị say xe phải nằm lại ngoài xe. Không vào được mộ để lạy Thầy. Lúc về đành giao lại cho người thân và gia đình Thầy chút lòng thành kính của tôi đối với Thầy Cô.
(còn tiếp)
Kỳ sau: - Những gì tôi đã học hỏi được ở Thầy Hoàng Như Mai

**
)
Phụ Bản I
PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC
RẤT KHOA HỌC CỦA PIERRE BENOIT (1886-1962)
NHÀ VĂN KIÊM VIỆN SĨ
HÀN LÂM VIỆN PHÁP
Pierre Benoit là nhà văn Pháp viết nhiều nhất trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, đồng thời ông cũng là nhà văn có sách bán chạy nhất vào thời đó. Khi được một đồng nghiệp hỏi là ông có bí quyết gì để viết được những thứ mà ngày nay chúng ta gọi là “best seller” (bán chạy nhất), nhà văn trả lời:
“Đơn giản lắm ông bạn ạ! Chỉ cần lấy một bi kịch của Racine (Đại văn hào Pháp thế kỷ thứ XVII) đem pha trộn với bài vở trong Sách Xanh (Guide Bleu - sách hướng dẫn du khách) là bạn thành công cái một ngay!
Pierre Benoit quả đã chịu khai thác Racine qua các nhân vật nữ đẹp, đầy quyền uy và cực kỳ tàn ác, với những định mệnh éo le, mà ông đã đem cộng thêm và trộn lẫn với các tính cách ưa thích các sự mới lạ, các yếu tố ngoại lai của sách Xanh chỉ dẫn du lịch (Guide Bleu) để đạt được những thành công vĩ đại với đại đa số các độc giả phái nữ.
Ông sinh ở Albi năm 1886, và ông không giống các tác giả khác lúc đầu chỉ có ít độc giả rồi dần dần mới có nhiều độc giả, vì ngay với tác phẩm đầu tay (Koenigsmark), ông đã thành công rực rỡ, với một số độc giả đông đảo, người nọ truyền tai người kia khiến sách bàn chạy như tôm tươi, số sách được bán ra trên một triệu cuốn, một con số khó tưởng tượng vào thời điểm đó cũng ngay như bây giờ! Cuốn tiểu thuyết Koenigsmark ra đời năm 1918. Một năm sau (1919) ông cho ra đời tác phẩm L’Atlantide còn thành công rực rỡ hơn và cho tới ngày nay vẫn còn được cho là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Pháp.
Nếu đem tính gộp tất cả những lần tái bản và những bản dịch (ra cả tiếng Nhật và chữ Braille cho người khiếm thị) thì hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông đã đạt tới con số trên 3 triệu bản.
Pierre Benoit có những phương thức làm việc được tính toán rất khoa học, rất độc đáo và tinh vi không giống một nhà văn nào khác như sau đây:
· Tên nhân vật nữ chính của Pierre Benoit trong tiểu thuyết Koenigsmark là AURORE, còn tên cũng của nhân vật nữ chính trong tác phẩm L’Atlantide thì là ANTINÉA, hai cái tên bắt đầu bằng chữ A. Kể từ đó trong toàn thể 42 tác phẩm của ông, tên tất cả các nữ nhân vật chính đều cũng bắt đầu bằng chữ A như: Allegria, Annabel, Antiope, Athelstane, Agar vv…
Từ 1918 tới 1963, hầu như mỗi năm Pierre Benoit lại cho ra đời một đầu sách, và sau khi tính toán kỹ lưỡng, hoạch định kế hoạch thật khoa học, ông đã quyết định là:
· Tất cả các cuốn tiểu thuyết của ông, bất kể cuốn nào, đều phải dài đúng 318 trang, không hơn không kém.
· Cảnh yêu đương (trong tất cả mọi tiểu thuyết của ông) và nụ hôn đầu tiên trong truyện bao giờ cũng xảy đến ở nơi trang thứ 100.
· Trong mỗi tác phẩm của ông đều có một câu nhắc tới cựu Thủ Tướng Gambetta (điều này, trừ ông ra, chẳng ai biết được là tại sao?)
· Tác phẩm nào của ông cũng chứa đựng một câu rút ra từ một tác phẩm của đại văn hào Chateaubriand, mà ông không để trong ngoặc kép hoặc ghi xuất xứ, nên chẳng có nhà nghiên cứu văn học nào khám phá ra điều này.
Từ tác phẩm này qua tác phẩm khác, Pierre Benoit đã đưa các độc giả của ông du hành trong mộng tưởng qua xứ Liban, quần đảo Antilles, xứ Zanzibar, sa mạc Gobi, xứ Hoggar, quần đảo Nouvelles-Hébrides vv…
Ngày 24 tháng 11 năm 1931, ở tuổi 45, ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Francaise), thay thế ghế của cố Viện sĩ Porto-Riche, tại đây ông được coi là Viện sĩ trẻ nhất và tếu nhất, nhưng vào năm 1959, ông từ bỏ ghế Viện sĩ, vì ông đứng về phe và bảo vệ người bạn đồng viện là Paul Morand, người bị Tổng Thống De Gaulle dùng quyền lực gạt ra khỏi Hàn Lâm Viện Pháp vì lý do bất đồng chính kiến.
Năm 60 tuổi, Pierre Benoit kết hôn với một tuyệt thế giai nhân tên là Marcelle, kém ông 20 tuổi, và họ chung sống bên nhau 14 năm tràn đầy hạnh phúc. Nhưng, hỡi ơi! Marcelle qua đời năm 1960!
Vốn nòi đa tình, không kham chịu nổi mất mát quá lớn, ông chết theo bà luôn sau hai năm sống trong niềm thương nỗi nhớ, và sống đau khổ đến mức trong suốt 2 năm ông không buồn bước ra khỏi nhà…
Vũ Anh Tuấn
(viết theo tài liệu rút trong cuốn Tout sur Tout)

Nhận xét