NGUYỆT SAN 86 & THƠ - SÁCH LÁ ĐỒNG

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/6/2013
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Trong buổi họp sáng nay, có 3 vị khách mới tới tham dự: người đầu tiên là nhà văn Đàm Lan, là đồng tác giả với Dịch giả Vũ Anh Tuấn của tập truyện ngắn nhan đề là “Nụ Hôn Muộn” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 2012; nhà văn Đàm Lan đã từ Ban Mê Thuột xuống tham dự buổi họp và giao lưu với các thành viên CLB. Vị khách thứ nhì là nhà ngôn ngữ học, kiêm nhà thơ Như Hảo, do anh Dương giới thiệu, và vị khách thứ ba cũng là một nhà thơ thuộc nhóm Đêm Hoa Lửa. Điều đặc biệt là trong buổi họp này có mặt cả hai tác giả tập thơ Đêm Hoa Lửa là hai nhà thơ nữ Đàm Lan và Minh Hưng.
Sau khi ba vị tân khách có vài lời tự giới thiệu, như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu hai cuốn sách tương đối cổ bằng Pháp và Anh văn mà ông mới có. Cuốn thứ nhất là một cuốn sách thuộc loại sách tập đọc bằng Pháp và Hán văn, xuất bản năm 1908 (105 năm trước). Cuốn sách chứa đựng những bài viết ngắn về đủ mọi lãnh vực linh tinh như: lòng hiếu thảo, thí dụ về một tâm hồn cao thượng, thí dụ về lòng độ lượng, rồi chuyện về một nỗi buồn da diết, rồi cả chuyện thuê người làm vv… Phần 2 của cuốn sách là một số bài diễn tả bằng Hán văn một số bài thơ ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (La Fontaine) ví dụ như các bài Con Ve sầu và con Kiến, Con Cáo và con Cò, Con Cáo và Chùm Nho vv…
Kể ra cuốn sách nhỏ này cũng là lạ khi 105 năm trước nó được in ở Thượng Hải bên Tàu, cứ một trang tiếng Pháp ở mé trái lại một trang bằng Hán tự ở mé phải… và điều lạ nhất là nó mang một tựa đề bằng Pháp văn là “Prélections”, một từ tiếng Pháp rất cổ đã được các Linh Mục dòng Tên (Jésuites) dùng trước kia, nhưng nay không còn hiện diện trên các từ điển Pháp hiện đại, mặc dầu người viết, vì tò mò, đã tra 4 cuốn tự điển lớn và đứng đắn nhất của Pháp mà… vẫn phải chịu thua không tìm ra! Cuốn thứ hai là một cuốn cổ thư mang tựa đề là “Chó Rab và bạn bè” của một tác giả người Anh rất nổi tiếng là Bs. John Brown, được xuất bản năm 1878 (135 năm trước) và thuộc loại sách đẹp, bìa cứng thật dầy, khổ 20x28 cm, gáy mạ vàng, và chứa đựng 8 phụ bản bằng bút sắt nguyên trang cực đẹp. Cuốn sách được coi như một dạng sách đẹp và tương đối cổ và hấp dẫn với những người yêu sách như người viết…
Sau phần giới thiệu sách của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs. Nguyễn Lân-Đính có lên giới thiệu vài lời về cuốn sách viết bằng Anh ngữ nói về điệp viên Phạm Xuân Ẩn của một anh Mỹ viết.
Tiếp lời Bs. Đính, nhà thơ kiêm nhà ngôn ngữ học Xuân Hảo có lên ngâm một bài thơ của Ts Vũ Đình Huy (trong bản tin của CLB Sách Xưa & Nay) mà cô khen là hay và có nói chuyện qua về các loại chữ viết cổ của Việt Nam, sau đó cô ngâm tặng các thành viên bài thơ “Nhớ Tây Ninh” của cô được đăng ngay trong Bản Tin.
Cô Xuân Hảo nói xong, anh Lê Minh Chử lên hát thơ tặng các thành viên bài thơ “Quý nhất trên đời”, một bài thơ đầy tính “Chính Em” (Cô Em thơm phức) rất hợp với tính cách và tôn chỉ của anh Chủ nhiệm.
Sau anh Lê Minh Chử, anh Trần Văn Hữu có nói qua về “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” và ngâm tặng anh em thành viên một bài thơ.
Tiếp lời anh Hữu, Dịch giả Vũ Anh Tuấn lên tiếng than phiền là truyện ngắn Việt-Anh Hảo Mộng của ông được một tờ Nguyệt San rất đẹp, rất hoành tráng đăng, nhưng than ôi! khi đọc mới thấy mỗi lúc sang trang thì, hoặc là bị in trùng hai lần 7, 8 chữ, hoặc là in thiếu có lúc tới gần 20 chữ, khiến truyện trở thành què quặt, vô nghĩa, vớ vỉn…
Kế đó các thành viên đã tiếp tục thảo luận về việc in tuyển tập thơ của chính các thành viên và đã đi đến thỏa thuận là các bài thơ sẽ được lựa chọn bởi một tiểu ban 5 người và việc chọn hay bỏ sẽ được quyết định bởi “bỏ thăm”, như vậy là sẽ rất công bằng và sẽ không còn ai phải than phiền gì nữa.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu
VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN
“CUỘC ĐỜI CỦA HẢI QUÂN ĐÔ ĐỐC COURBET”
(VIE ILLUSTRÉ DE L’AMIRAL COURBET)
Cuốn sách này khổ 20x28 phân, dày 239 trang, và có 15 minh họa bằng bút sắt rất đẹp. Sách không để năm in, nhưng các nhà chơi sách và bán cổ thư ở Pháp đều đồng ý cho là sách được in trước năm 1923, như vậy là tuổi đời của sách là khoảng từ 90 tới 100 tuổi. Tác giả là một Bá tước tên là de LIONVAL và họa sĩ minh họa là CH. JOUVENOT. Người viết biết là người Pháp này đã có lúc là Tổng tư lệnh Hải, Lục quân Pháp ở Bắc kỳ nên, vì thấy ông ta cũng đóng một vai trò quan trọng trong lúc Pháp xâm lấn nước ta, nên cũng cảm thấy hứng thú giới thiệu một vài chi tiết của cuốn sách.
Cuốn sách dày 239 trang được chia ra làm ba Phần:
Phần I gồm 6 chương
Phần II gồm 4 chương
Phần III gồm 10 chương.
Tuy nhiên trong cả ba Phần chỉ có Phần III là có liên quan tới người mình, hai Phần trước, Phần I nói về tuổi trẻ của Courbet và binh nghiệp của ông. Phần II nói về những năm Courbet là một sĩ quan Hải quân cao cấp hoạt động ở các địa diểm như Quần đảo Antilles – Boyardville – Nouvelle Calédonie... Chỉ có Phần III là liên quan tới người mình và nói về các chiến dịch ở Trung Kỳ, ở Bắc Kỳ, về trận chiến với Trung Hoa, và về cái chết của Courbet và tang lễ của ông ta.
Phần III được chia làm mười Chương:
Chương 1: Nói về cái chết của Tư Lệnh Rivière – Courbet thành Hạm trưởng và được cử sang Bắc Kỳ.
Chương 2: Gồm phần mô tả và tóm lược lịch sử xứ Bắc Kỳ – Hiệp ước đầu tiên ký với Pháp dưới thời Lộ Y XVI – Các Dòng Thừa Sai ở Viễn Đông.
Chương 3: Nói về J. Dupuis, nhà thám hiểm người Pháp – Về Hiệp ước ký với triều đình Huế – Về việc nhượng thành Hà Nội – Về việc Trung úy Garnier chinh phục miền đồng bằng Bắc Kỳ – Về cái chết của Garnier – Về những đòi hỏi của người Nam đối với các ngoại nhân – Về việc tàn sát tư lệnh Rivière.
Chương 4: Nói về các cuộc hành quân ở duyên hải Trung Kỳ – Bắn phá và đánh chiếm Thuận An – Annam đầu hàng – Hiệp định ký bởi Harmand, quan cai trị dân chính ở Huế.
Chương 5: Cuộc hành quân của tướng Bouet ở Bắc Kỳ – Đô Đốc Courbet được phong làm Tư Lệnh Hải và Lục quân ở Bắc Kỳ – Bắn phá Phu Sa và đánh chiếm Sơn Tây – Courbet bị thay thế bởi tướng Billot – Courbet được Đệ Nhất đẳng Bắc Đẩu Bội tinh – Courbet được thăng Phó Đề Đốc.
Chương 6: Tướng Millot ở Bắc Kỳ – Hiệp ước Thiên Tân – Bị mai phục và rút lui khỏi Bắc Lệ – Song Mía.
Chương 7: Bắn phá Fou-Tchéou.
Chương 8: Nói về Formose – Đánh chiếm Kelung – Tấn công Tamsui – Truy lùng hạm đội Trung hoa – Tấn công Shei-Pou bằng chiến thuyền – Những chiến thuyền đó bị tiêu hủy.
Chương 9: Chiếm cứ quần đảo Pescadores – Bệnh tật của Đô Đốc Courbet – Hòa ước ký với Trung Hoa – Cái chết của Đô Đốc Courbet – Niềm xúc cảm và nỗi đau ở bên Pháp khi nghe thấy hung tín.
Chương 10: Chiến thuyền chở thi hài Courbet Bayard hồi hương – Các dấu hiệu biểu dương lòng ái quốc và ái mộ trên suốt lộ trình – Nghi thức lễ tang ở quần đảo Hyères – Quốc táng ở Điện Invalides – Nghi thức và tang lễ ở Abbéville – Điếu văn của Đức Cha Freppel – Kết luận.
Cuốn sách cũng có thể coi như một nguồn tài liệu sử học cho những ai làm công việc nghiên cứu về thời kỳ chúng ta bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ.



Trích hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn

ĐÔI ĐIỀU VỀ 
THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ TRONG THI PHẨM
CỦA NHÀ THƠ NỮ NGỌC TUYẾT
Thiếu Khanh
Thưa Quý vị và các bạn,
Theo chỗ tôi biết, có lẽ đây là đêm thơ đầu tiên của nhà thơ nữ Ngọc Tuyết. Chị đã có các tập thơ Giọt Đầy Giọt Vơi, Lá Trở, và Sang Mùa được tuần tự xuất bản vào các năm 2005, 2006, 2007 [1] . Tôi được đọc các tập thơ thứ hai và thứ ba trong số đó. Điều khiến tôi chú ý trước tiên trong các tập thơ ấy là những bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú của chị.
Có lẽ Ngọc Tuyết là một trong số rất hiếm hoi các nhà thơ ở thành phố mà trong ba năm liên tục đến nay mỗi năm đều có tác phẩm mới ra đời. Nếu coi đó là một đặc điểm, thì đặc điểm thứ hai của chị, theo tôi, là những bài thơ Đường luật trong các tập thơ mà tôi vừa nói. Hiện nay rất ít nhà thơ còn làm thơ Đường luật; số nhà thơ nữ làm thơ thất ngôn bát cú lại còn ít hơn nữa.
Thơ thất ngôn bát cú từng bị chê bai bài bác trong phong trào Thơ Mới vào những năm 30 của thế kỷ 20, nếu nó còn lây lất đến nay cũng chỉ là “sống ráng” ở trên mức “sống chui”. Và thơ Đường hầu như vắng mặt trong các thi phẩm của các nhà thơ của chúng ta xuất bản hàng năm. Tuy tại Tp HCM có một câu lạc bộ thơ Đường của tổ chức văn hóa UNESCO mà vừa rồi có ấn hành hai tập thơ thất ngôn bát cú rất dày gồm thơ của các hội viên, mỗi tập có lẽ khoảng năm – bảy trăm trang, nhưng đó là sinh hoạt mang tính phong trào, không có sự tham dự của các nhà thơ chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi thấy sự có mặt của thơ thất ngôn Đường luật trong các thi phẩm của nhà thơ Ngọc Tuyết là một điều đặc biệt đáng chú ý.
Thơ thất ngôn bát cú là một thể thơ cổ của Tàu, với các đặc tính hạn vần, hạn chữ, và yêu cầu niêm luật rất khắt khe, nên không còn được nhiều người, nhất là người trẻ bây giờ, ưa thích. Nếu khoảng nửa đầu thế kỷ trước các tên tuổi như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Bùi Khánh Đản… còn quen thuộc trên thi đàn thì bây giờ dường như độc giả ở tuổi 40 trở lại không mấy người nhắc đến thơ Đường luật. Từ sau tác phẩm “Mùa Cổ Điển” của thi sĩ Quách Tấn vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 20, mãi đến gần đây mới chỉ có một nhà thơ lão thành Đinh Vũ Ngọc ở Quảng Nam ra mắt tập thơ “Nắng Vườn Xưa” với toàn thể thơ thất ngôn bát cú, mà người đọc ông hầu hết là người lớn tuổi. Còn về các nhà thơ nữ thì từ sau khi nữ sĩ Mộng Tuyết xứ Hà Tiên im tiếng trên thi đàn từ hơn nửa thế kỷ trước (Bà mới qua đời gần đây), cho đến nay dường như chưa có hay không có mấy nhà thơ nữ in thơ Đường luật trong thi phẩm của mình – nếu họ có làm thơ Đường luật.
Như chúng ta đã biết, nền thi ca Việt Nam đã và đang trải qua nhiều bước cải cách. Nhiều người còn đang bàn cãi những bước cải cách ấy là tiến hay lùi, đưa thơ đi sâu vào lòng người hay ngày càng rời xa người đọc. Trong quá trình tự lột xác liên tục của thơ, Thơ Mới của phong trào Thơ Mới thập niên 30 thế kỷ trước đã bị coi là cũ; từ khoảng cuối thập niên 50 thế kỷ 20, một số nhà thơ ở miền Bắc, trong đó có nhà thơ Trần Dần, đã bắt đầu các thể nghiệm cách tân thơ, rồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong Nam cùng với một số thi sĩ trong nhóm Sáng Tạo đề xướng Thơ Tự Do không vần điệu, từ đó ra đời loại thơ phá thể, rồi thơ giống văn xuôi – gọi là thơ xuôi – vân vân… và bây giờ người ta đang nói và làm thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại, thơ internet… Vậy mà nhà thơ nữ của chúng ta vẫn “hồn nhiên” làm thơ thất ngôn Đường luật và “hồn nhiên” in thơ Đường luật của mình trong các thi phẩm chính thức! Như thế là đặc biệt lắm chớ sao!
Nhà thơ Ngọc Tuyết có những câu thơ lục bát sâu lắng như thế này:
Nhủ lòng thôi chớ hoài mong
Càng chia càng thiếu càng đong càng đầy
Địa đàng ôm cả vào tay
Dẫu mai tim ứa giọt cay cũng đành…
(Dẫu Mai)
Và chị đã đưa tình cảm dịu dàng đằm thắm của mình vào thể thơ thất ngôn bát cú rất hồn nhiên, khiến người ta không nhận ra hai thể thơ ấy và các thể thơ khác nữa đang nằm bên nhau trong cùng thi tập:
Lá tím hôm nào giấu ở đâu
Mùa thu đục ẩm mắt thu sầu…
(Lá Tím)
Hoặc:
Tóc rối lưng chiều mắt chấm vai
Hồn hoa nghiêng ngả gọi đêm dài
Gió đưa mằn mặn mầm thương lạ
Cỏ ngậm nồng nồng sợi nhớ sai…
(Nghiêng Chiều)
Thơ thất ngôn bát cú thường được coi như một bức tranh dù trữ tình hay tả cảnh, mà nếu mỗi câu thơ được coi như một nét vẽ, thì trừ câu phá đề và câu thúc – tức câu đầu và câu cuối - bức tranh chỉ bao gồm không hơn sáu nét vẽ. Vì vậy mỗi nét vẽ phải hết sức cô đọng và hàm súc – không thể thừa và không được thiếu. Người ta chê thơ thất ngôn bát cú chính vì sự “chật chội” đó. Nhưng sự chật chội trong khuôn khổ bài thơ vẫn không gò bó được tình cảm của chị gởi vào thơ. Chẳng hạn bài thơ có tựa là Có dưới đây của nhà thơ Ngọc Tuyết:
Có con đường nhỏ có vòng tay
Có một chiều mưa ướt đẫm ngày
Có phút hồn nhiên môi mắt lịm
Có giây kỳ diệu gối chăn đầy
Có đời căng mạch nghe tình dậy
Có đất vươn mình đợi nắng vây
Có biển cùng ta đi ngủ muộn
Có ai nhớ chuyện đã yêu này.
Thất ngôn bát cú trước hết là lối thơ ưa thích của các nhà trí thức thời xưa, tức các nhà nho. Các cụ là người có học vấn cao và uyên bác; tâm hồn các cụ thấm nhuần phong cách đĩnh đạc trịnh trọng của các vị thánh hiền, thơ của các cụ không phô diễn các cảm xúc cực đoan gay gắt hay sống sượng thô thiển, cho nên đây là một thể thơ sang trọng và tao nhã, và dường như nó có vẻ đặc biệt thích hợp với phong cách trầm tĩnh điềm đạm và tình cảm đằm thắm nhưng chừng mực của Ngọc Tuyết, một nhà thơ vốn từng tốt nghiệp đại học khoa ngữ văn, và có lẽ vì vậy đã có cơ hội cảm nhận tính chất của thể thơ cổ đó gần gũi và phù hợp với tâm tình dịu dàng kín đáo của mình.
Tuy không so sánh được với sự sang trọng và đĩnh đạc trong thơ thất ngôn bát cú của vị nữ lưu tiền bối là Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Nhưng nhà thơ Ngọc Tuyết vẫn luôn giữ được sự chừng mục trong tình cảm của mình thể hiện trong thơ Đường luật của chị. Dường như nhà thơ có điều gì đó không trọn vẹn trong tình cảm đời thường, nhưng trong các tập thơ của chị mà tôi đã đọc, lời thơ không tỏ chút gì dằn vặt khắc khoải và nỗi đam mê khao khát tình yêu được thể hiện rất nhẹ nhàng bóng bẩy:
Vòng tay nồng thắm trói hồn em,
Có thế mà thôi nhớ đến mềm
Cát trắng phơi mình chờ biển dạo
Biển bờ đợi gió đếm chiều lên…
(Sóng Gọi)
Hoặc có táo bạo lắm cũng chỉ đến chừng này:
Ước gì trời đất ngừng xoay chuyển
Vũ điệu ái tình quấn quít trao.
(Vũ Điệu)
Thơ bát cú Đường luật đòi hỏi phải có đối ở hai cặp “thực” và “luận” là các câu 3 – 4 và 5 – 6. Chính cái việc đối này thường là một thách thức như con dao hai lưỡi: nó là chỗ rất dễ để lộ sự non tay của tác giả khi các câu đối có vẻ cũ và sáo mòn; hoặc nó chứng tỏ bản lãnh vững vàng của tác giả với những vế đối mới mẻ, “xuất sáo” và sáng tạo, như hai câu 3 và 4 trong bài Ngược Gió:
Muốn hỏi rằng ai có khỏe không
Nhưng sao lại thấy đắng nơi lòng
Bởi mây vắng gió mây buồn trắng
Vì nắng đan mưa nắng khó hồng…
Hoặc hai câu 5 và 6 trong bài Lá Tím:
Bắt nắng cuộc đời va bãi cạn
Tung bờm mùa lũ vượt dòng đau
Ở trên tôi có nói thơ bát cú Đường luật đòi hỏi phải tuân theo niêm luật rất khắc khe. Ngoài luật bằng trắc, vần và đối, nhà thơ phải để ý đến qui định:
Nhất tam ngũ bất luận
Nhì tứ lục phân minh
Nghĩa là âm của các chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm trong câu thơ thì không nhất thiết phải theo luật bằng trắc, nhưng các chữ thứ hai, thứ tư và thứ sáu của mỗi câu phải tuân thủ âm bằng trắc rõ ràng. Như thế gọi là đúng niêm. Câu thơ sai âm bằng trắc ở các chữ đó thì gọi là câu thơ thất niêm.
Và câu thơ cuối cùng này trong bài thơ Ta Với Ta của chị là một câu thơ thất niêm:
Đời mãi rẽ ngày hoài trống vắng
Cuối vườn yêu thương nhớ chưa qua.
Chữ thương là chứ thứ tư, âm bằng, trong khi theo câu thơ nó phải là âm trắc.
Tuy nhiên chính sự thất niêm cố ý này đã tạo hiệu ứng cho câu thơ, khiến câu thơ bảy chữ gồm năm âm bằng trở nên một lời than tiếc không nguôi, chớ không phải lời phát biểu một sự kiện đơn giản và khô khan.
Giả dụ tác giả thay từ thương bằng một từ nào đó có âm trắc, từ “nỗi”, chẳng hạn, câu thơ sẽ là
Cuối vườn yêu nỗi nhớ chưa qua
Thì câu thơ đúng niêm luật, nhưng đó là một câu thơ thật bình thường như kể một sự kiện mà thôi, không có hiệu ứng khiến người nghe cảm nhận được sự than tiếc của tác giả. Chính thủ thuật này cho thấy nhà thơ đã rất chắc tay trong xử lý niêm luật thơ Đường.
Khi mới tập đi xe đạp, chúng ta thường bấu chặt hai bàn tay vào “ghi đông” xe, mà xe vẫn cứ ngã. Sau khi đã đi thạo, chúng ta không còn nhớ đến việc phải giữ chặt “ghi đông” xe nữa, đôi khi chúng ta có thể chỉ cầm lái một tay, hoặc thậm chí có thể buông cả hai tay mà xe vẫn chạy băng băng. Làm thơ Đường luật dường như cũng phần nào tương tự như vậy. Khi luật thơ đã hòa nhập vào hồn thơ rồi, nhà thơ không còn bấu chặt tay vào niêm luật nữa.
Trước đây nhà thơ Xuân Diệu đã từng tấm tắc tâm đắc với một từ thất niêm trong câu thơ Nguyễn Trãi:
Tuổi già tóc bạc cái râu bạc
Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh
“Cái râu bạc” toát lên một cái gì đó có vẻ ngang tàng khí khái, hơn là “Chòm râu bạc” rất hiền hậu, yên thân.
Câu đầu và câu thứ ba trong bài thơ tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đều thất niêm. Câu thứ ba thì trong bảy chữ đã sáu chữ mang âm trắc:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Câu thơ toàn âm trắc khúc khắc gập ghềnh như thể tác giả tuyệt vọng vì hạc vàng đã bay mất từ xưa không bao giờ trở lại nữa.
Nói dài dòng như thế, tôi không hề có ý thổi phồng phỉnh nịnh nhà thơ Ngọc Tuyết làm thơ Đường luật có tài năng ngang hàng với Nguyễn Trãi, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, và thi hào Thôi Hiệu đời Đường của nước Tàu cổ. Dĩ nhiên nếu khắt khe một chút người ta có thể tìm thấy đây đó trong những bài thơ Đường luật của chị những chỗ có lẽ còn chưa vừa ý với chính tác giả của chúng. Chẳng hạn, cùng với nhiều nét mới và sáng tạo, trong thơ Đường luật của chị thỉnh thoảng có một đôi chỗ chưa tránh được những từ quá cũ hay những ý khuôn sáo. Ví dụ:
Ai làm con tạo ngược vần xoay…
(Nợ)
Hoặc:
Từ độ trăng về qua lối mộng
Bao lần bão nổi cuộn hồn hoa…
(Ta Với Ta)
Nhưng mà ở đời có ai toàn bích đâu? Vả lại sự nghiệp thơ của chị còn rất dài, nếu mỗi năm chị vẫn đều đều có tác phẩm mới ra mắt người yêu thơ thì chắc gì người ta còn dịp gặp lại những nét chưa tinh lọc đó nữa. Trong bài thơ Ngược Gió của chị có câu:
Vì nắng đan mưa nắng khó hồng
Ba từ nắng đan mưa vẽ một cách rất mới cảnh trời vừa mưa vừa nắng, và cảnh lòng với niềm vui buồn đan xen nhau, thật đắt.
Và câu cuối trong bài thơ Lá Tím, tác giả viết:
Mặn chát tình ta bóng bạc màu,
Với phát hiện bóng bạc màu chị đã thật sự đóng góp thêm một nét sáng tạo rất mới trong thơ.
Trong các tập thơ của Ngọc Tuyết mà tôi được đọc, chị sáng tác với nhiều thể loại thơ rất phong phú, từ thơ ba câu, bốn câu, tám câu; thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát, thất ngôn Đường luật, và cả thơ văn xuôi, trong đó những bài thơ thất ngôn Đường luật của chị đã “chung sống hài hòa” với các thể thơ khác, và cùng thể hiện một tâm hồn thơ nữ đằm thắm, dịu dàng, phản ánh phong cách điềm đạm và chừng mực của chị trong cuộc sống đời thường.
Xin chúc chị ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong nghệ thuật.
Cám ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe.
Thiếu Khanh.





Phù Du
 Bóng Thời Gian

Thời gian mờ xóa dấu yêu xưa
Vẫn còn ngày nắng đợi ngày mưa,
Nơi cũ là đây, con phố ấy 
Nhớ bước ai, chiều thu lá bay

Thời gian hờ hững có chờ ai
Chẳng chút xót thương, chẳng đoái hoài,
Đi mãi, lững lờ không trở lại
Đời người như một giấc mơ dài...

Biết làm sao giữ, thời gian ơi!
Sắc hương tàn úa, tháng ngày vơi,
Giàu - Nghèo tất tả con đường sống
Tinh hoa - Hèn hạ cũng buông xuôi...

Sẽ một ngày vàng nát - Lệ tuôn rơi!
Hờ hững - Thời gian vùi chôn - Tả tơi,
Cõi tạm - Quán trọ đời - Phù du một cõi,
Bâng khuâng sao! Và tâm hồn bối rối,
Ngập ngừng khi gần đến... Cuối con đường!

Phạm Thị Minh-Hưng

*

Sau Buổi Ly Hôn

Lời cuối cùng Thẩm phán đưa ra
Như lưỡi dao xẻ con thành hai nửa
Gia đình ta chẳng còn như trước nữa
Con chỉ được chọn một thôi: Mẹ hay Ba?
Sống với người này là thiếu vắng người kia
Chú-cậu-cô-dì đang thuận hòa bỗng nhìn nhau lạ lẫm.

Chẳng hẹn, mẹ và ba cùng thở phào nhẹ nhõm
Như cất đi gánh nặng mỏi mòn
Cất đi đâu?
Hay vừa chuyển hết sang con?
Ba không cần biết! Mẹ không muốn biết!
Chỉ có con không cần vẫn biết:
Biết thế nào là mất mát, cô đơn
Là bất hạnh, là nhớ thương
Là khắc khoải mong ba, đợi mẹ…

Ra khỏi tòa, bước chân ba thật nhẹ
Không vấn vương, không chần chừ
Bởi bên đường có hạnh phúc mới đang chờ
Mẹ tươi cười nắm lấy một bàn tay đón đợi…

Cả mẹ
Cả ba
Như vô tình chẳng nhớ ra:
Con một mình nhỏ nhoi trước sân tòa ngập nắng
Con một mình ngẩn ngơ, ngơ ngẩn
Muốn gọi to mà chẳng thành lời
Mẹ ơi!
Ba ơi!
Ba mẹ đâu rồi?

GIÁNG NGỌC (GĐ)

Tình Khúc Cho Anh
(Viết trong ngày Hôn phối 6.5…)
I
Em ước ao làm loài hoa Hướng Dương
Hoa hướng về mặt trời, còn em hướng về anh tuyệt đối
Xin cho em đừng một lần gian dối
Để cuộc đời không trắng nghĩa yêu thương
Xin cho em vòng tay mê đắm đến dị thường
Với ánh mắt dịu dàng như suối nước
Với bờ môi thoảng mùi khói thuốc
Với lời ngọt ngào ru em ngủ bình an…
Đừng hỏi: -“Từ bao giờ em biết yêu anh?”
Em lắc đầu, cười thôi mà chẳng nói
Chuyện thương yêu ví như mây như khói
Chuyện thương yêu ví như núi như sông
Chuyện thương yêu mãi nối tiếp trùng trùng
Thì bao giờ có ai mà kể hết?
Em có thể yêu anh từ tiền kiếp
Từ thuở hồng hoang… Ngày xửa ngày xưa…
Có thể khi còn là một hạt bụi lửng lơ
Như lời ca dao đậm đà tình ý:
“Sao Tua chín cái nằm kề
Thương anh từ thuở mẹ về với cha ”…
II
Em ước ao làm loài hoa Mắc Cỡ
Để khép nép e dè
Để ngượng ngùng bỡ ngỡ
Khi mắt anh nhìn
Khi môi anh hôn
Khi lời anh nhẹ như tiếng thở:
-“Anh đi rồi, em có nhớ hay không?”
Em ngước nhìn anh và trả lời thầm:
-“Vừa cách biệt đã nghe thương nhiều lắm!”
Thành phố ngập sắc màu tím-đỏ-vàng-xanh
của áo dài váy ngắn
Cả một biển người đi ngược về xuôi
Cả một rừng người nói nói cười cười
Chỉ riêng em đơn côi, lạc bước…
III
Em ước ao làm loài chim Ô Thước
Bắc nhịp cầu cho các cặp vợ chồng đang sống chia xa
Cũng như chúng ta,
Không bao giờ còn phải xa nhau nữa
Anh sẽ có em để kể lể vơi đầy niềm thương nỗi nhớ
Em có anh để yêu dấu giận hờn
Chúng mình xây dựng tương lai bằng thủy chung
Bằng chân thành,
Bằng tin yêu suốt đời không dời đổi
Vì “Chim lạc bầy thương cây nhớ cội
Người xa người, tội lắm …”
Phải không?
GIÁNG NGỌC (GĐ)

Tiếng thơ

Tiếng thơ êm ả mênh mông
Lời thơ trang trải nỗi lòng đầy vơi
Thơ bay cao vút lưng trời
Thơ nghe ngào ngạt hương đời ngất ngây
Thơ về quyện gió cùng mây
Thơ thêm hương vị tháng ngày trong ta
Thơ mang tình nghĩa đậm đà
Thơ gieo bao nỗi thiết tha với đời
Thơ làm vui cả đất trời
Thơ xoa dịu mọi đầy vơi nỗi lòng
Thơ hòa gió mát trăng trong
Thơ nguồn an ủi hoài mong cuộc đời
Thơ như tiếng sáo ngàn khơi
Thơ là câu hát đẹp trời yêu thương
Thơ liền tình bạn bốn phương
Thơ ơi ta mãi vấn vương bên lòng
Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
Hãy xin gởi chút hương nồng cùng thơ
XUÂN VÂN 

THU

Lá vàng rơi rất khẽ
Trong gió nhẹ như ru
Mây trôi chừng lặng lẽ
Ôi! Mùa thu!
Mùa thu!

Một mùa thu trông ngóng
Một mùa thu nhớ nhung
Một mùa thu ước vọng
Một mùa thu ấm lòng!!!
XUÂN VÂN


Chiều tà

Hoàng hôn thoi thóp ánh dương tà
Đơn độc, âm thầm ta với ta!
Nắng nhạt chập chờn đu khóm lá
Gió hiu phe phẩy vẫy cành hoa
Áng mây lờ lững – chào thu đến
Dòng nước mơ màng – tiễn hạ qua
Canh cánh niềm riêng chiều quạnh quẽ
Mộng lòng theo nắng tắt non xa
XUÂN VÂN
NGỠ NGÀNG

Xuân chiều nhớ một niềm thương
Bao nhiêu tình cảm trên đường đời qua
Đồng cam cộng khổ thiết tha
Vô thường dâu biển, thuyền xa bến đàn
Phù du kiếp sống hợp tan
Người đi kẻ ở, cách ngang chuyến đò
Dư âm tâm sự tơ vò
Lòng trần giao động buồn lo ngỡ ngàng!
THANH CHÂU

Thuyền không bến

Lơ lửng thuyền ai lái hững hờ
Lênh đênh phiêu bạt giữa dòng mơ
Gió trăng thỏa thích đời cô lữ
Sông nước vui lòng kiếp lỡ cơ
Duyên nợ chia phôi tình chiếc bóng
Cung đàn lỗi nhịp nghĩa đôi thơ
Nơi đâu thân ái làm bờ bến
Mà khách giang hồ mãi ngẩn ngơ
THANH CHÂU
Long Hòa 11.11.2005
10.10 Năm Ất Dậu
TUỔI
TRỐN ĐÂU RỒI
Thôi chẳng cần chúc nhau trẻ mãi
Bởi trái tim đâu có tuổi đời
Bởi nụ cười em còn đọng mãi trên môi
Còn thốt gọi ơi người yêu dấu
Thôi chẳng cần đâu phải giấu
Ta trao cho nhau ánh lửa tình người
Trao cho nhau lấp lánh niềm vui
Bởi còn mưa nhiều hơn nắng
Bởi còn những chiều xa vắng
Còn những bài ca chưa viết nên lời
Vũ điệu nào em gọi mời tôi
Ở bên nhau ta không có tuổi
Tay trong tay tuổi trốn đâu rồi!
LÊ NGUYÊN
ĐƠN PHƯƠNG

Máu chảy ngược về tim
Lòng em chừng ngây ngất
Mưa mùa thu lất phất
Khung trời tím phôi pha

Như một kẻ không nhà
Em lang thang hiu quạnh
Thời gian đầy bất hạnh
Nên lỡ nhịp tơ duyên

Soi tiền kiếp tịch nhiên
Chợt thấy đời trong suốt
Trái tim sầu giá buốt
Không nắm giữ được anh

Không giữ được màu xanh
Nên biển tình hờ hững…
NGÀN PHƯƠNG

GIÓ THU GÂY THƯƠNG NHỚ

Niềm vui mất
Cánh hoa tàn
Ngày xanh hờ hững
Nắng vàng nhạt phai
Tiếng lòng vương đọng bóng mây
Cúi đầu đếm bước tìm ngày mơ xa

Chiều lắng xuống
Thời gian qua
Vẳng trong bóng tối
Giọng ca u hoài
Bướm xưa từ giã trang đài
Người xưa biền biệt chân trời hoang liêu

Sương đêm lạnh
Nhớ nhung nhiều
Sao rơi lạc lõng
Quạnh hiu ngập hồn
Sương mờ vương vấn dòng sông
Nghe tim thổn thức nghe lòng chơi vơi

Mùa thu đến
Hương thu gợi nhớ
Dáng người mình thương
Bờ mi ướt đẫm lệ buồn
Tìm vào kỷ niệm vùi chôn nỗi sầu

Trang thư cũ
Giấc mộng đầu
Như làn gió thoảng
Đêm sâu lắng chìm
Suốt đời lịm kín nỗi niềm
Ưu tư tàn phá mối duyên bẽ bàng

Bao ngăn cách
Nhuốm ly tan
Lầu mơ sụp đổ
Dở dang ân tình
Sầu lên khóe mắt ươm trinh
Ý thơ lịm chết lung linh êm đềm

Gió lay nhẹ
Rặng liễu mềm
Ánh sao vụt tắt
Cánh chim lạc đàn
Thu gây hương nhớ bâng khuâng
Vượt trùng dương lướt dặm ngàn tìm nhau
NGÀN PHƯƠNG

CHIỀU ĐÔNG
Chiều lạnh sương buông trắng lớp dày
Mặt trời chín đỏ rụng chân mây
Đầu thôn mấy tiếng chuông chùa đổ
Một cánh cò xa uể oải bay…
Vĩnh Phú, 12.12.1965
VŨ ĐÌNH HUY
WINTER EVENING
In the cool evening dew fell in thick white layers
The reddish sun dropped at the horizon
A few pagoda bells resounded at the village’s gate
Far away, a stork flew slackly…
Vĩnh Phú, 12.12.1965
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN


CHIẾC QUẠT BÌNH MINH
Nắng sớm xòe nan quạt sáng ngời
Quạt tan sương giá, vẫy chim trời
Em như chiếc - quạt – bình - minh ấy
Quạt cháy niềm vui vạn nẻo đời.
10.02.1966
VŨ ĐÌNH HUY
THE DAWN FAN
The morning sunlight spread the bright fan blades
Fanning away the cool dew and waggling the sky birds
You’re like that very dawn fan
Fanning the happiness’ flame over all sides of life.
10.02.1966
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN

GẶP GỠ THOÁNG QUA

Ôi, có những người tôi gặp gỡ
Chỉ một lần thôi cũng khó quên.
Lắm lúc lặng đi vì chợt nhớ,
Lại sưởi lòng tôi ấm áp thêm.
Dù chẳng bao giờ tôi gặp lại
Em – người tôi đã gửi yêu thương
Thì như gieo hạt không chờ hái
Vẫn được mùa sai bát ngát hương…
29.01.1966
VŨ ĐÌNH HUY
MEETING IN A FLASH
Oh, there were people I’ve met
Only one time, but I couldn’t forget
At times, I turn stunned when suddenly thinking of them
While feeling warmer in my heart
Although I’ve never met thee again
You – to whom I’ve offered my love
It’s like sowing seeds, with no plan to harvest
But I always have a so scented bumper crop…
29.01.1966
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN

Quyển sách Kinh Phật chữ Pali
12cm - 16cm
Gồm 16 trang sách là 16 lá đồng ghép lại
 in chữ & hình ảnh nổi - trang trí rất đẹp
của L.M. Guise Nguyễn Hữu Triết


Nhận xét