CÂU ĐỐI BÁO XUÂN

CÂU ĐỐI BÁO XUÂN
Kính chào quý Thầy, Thầy Thuận Petro Nguyen, bạn Minh Hà, anh Tâm, Lệ Chi, BBT, quý Thầy Cô cùng các bạn, Hổm rày nhận được nhiều emails của Thầy, quý Thầy Cô, cùng nhiều bạn hữu gởi câu đối, cũng như góp ý, bàn luận sôi nổi về câu đối của bạn Minh Hà. Rất là vui, quý Thầy Cô, bạn hữu từ khắp nơi kết nối lại tình Thầy trò, bạn hữu trong những ngày cuối năm. Cũng xin cám ơn Thầy đã có lời khen ngợi TLQuan. Như Thầy nhắc, có lẽ TLQuan cũng đã được hầu chuyện cùng Thầy nhân kỳ Hội Ngộ Paris năm 2012. Lâu quá không có liên lạc, nên TLQuan cũng không nhớ rõ lắm. Xin cáo lỗi và xin Thầy thông cảm. Cũng xin cáo lỗi cùng Thầy và Lệ Chi về sự chậm trễ trong việc trả lời email về đề tài câu đối này. Cũng như Thầy đã email bàn về câu đối và Lê Chi cũng hỏi, muốn biết thêm về làm câu đối, phép đối thế nào, TLQuan cũng xin được mạo muội viết ít lời, biết được bao nhiêu thì chép lại bấy nhiêu, có điều chi sai sót kính xin quý Thầy Cô cùng các bạn chỉ giáo cho. Thật ra muốn viết về Câu Đối cho đầy đủ thì phải cả một bài viết riêng, có khi cả một quyển sách! Câu Đối là một nét Văn Hóa đặc sắc (và cả nghệ thuật nữa) của người Việt Nam và của những dân tộc Á Đông như Trung Hoa, và có lẽ Nhật Bản, Triều Tiên (Đại Hàn) nữa? Như chúng ta đã biết và đã từng thấy Câu Đối ở khắp nơi trên đất nước, trên những cột ở hầu hết các đền thờ, đình miếu, chùa chiền, ... và ngay cả ở tư gia, ở những căn nhà xưa cổ kính (và ngây cả bây giờ, ở những nhà "đại gia" mới nữa). Đâ số những câu đối này đều bằng chữ Nho (Hán tự), có khi bằng chữ Nôm nữa! Cổng Trường Petrus Trương Vĩnh Ký trước 1975 cũng có hai câu đối hai bên, bằng chữ Nho. Năm 1951, Thầy Ưng Thiều, Giáo Sư Hán văn, đặt hai câu đối để chỉ rõ đạo đức học tập và trí dục cho học sinh, được Ông Hiệu Trưởng Phạm Văn Còn chọn khắc trước cổng trường như sau: 孔孟綱常湏刻骨 Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt 西歐科學要銘心 Tây Âu khoa học yếu minh tâm Sau 1975, đổi tên Trường là Lê Hồng Phong, họ đã đục bỏ hai câu đối trước cổng Trường thật là uổng hết sức! Họ không biết Tôn Sư Trọng Đạo, họ không tôn trọng Đạo Đức, Học Vấn, Văn Hóa, và bảo tồn Văn Hóa và bảo tồn gì cả! (Xin kèm hình bìa Đặc San Petrus Ký số 8 có hình cổng Trường trước 1975 có hai câu đối này). Khi xưa người ta thuờng làm câu đối trong những dịp quan hôn tang tế: tặng câu đối để mừng sinh nhật, mừng thọ 40 tuổi, 50, 60, 70, 80 tuổi, v.v... mừng đựơc thăng quan tiến chức, đám cưới đám hỏi, v.v... hoặc đi phúng diếu tang lễ, ... hoặc để “thử tài” văn chương chữ nghĩa, ứng đáp nhanh, v.v... Trong phép làm thơ việt Nam, cũng dùng câu đối nữa: 1/ Trong một bài Hát Nói (hay còn gọi là Hát Ả Đào hay Ca Trù), Câu 5 và câu 6 bắt buộc phải là hai câu đối. Có thể tự làm hoặc thuờng lấy từ những bài thơ khác. Thường hai câu đối này bằng chữ Nho (viết Hán tự Chinese Characters và âm tiếng Hán Việt). Hai câu đối này thuờng là đề tài chính (Topic sentences) của bài Ca trù, từ đó mới khai triển ý … 2/ Trong một bài thơ Đường Luật, Bát cú (8 câu), có thể thất ngôn (7 chữ) hay ngũ ngôn (5 chữ), hai câu Thực (câu 3 và 4) và hai câu Luận (câu 5 và câu 6) phải là hai cặp câu đối. 3/ Câu đối cũng được dùng nhiều trong nhiều thể văn khác như Văn Tế và Phú ... Trong các thể văn này, nhất là Phú, không những có những cặp hai câu đối nhau, mà nhiều khi, hai đoạn trong cùng một câu cũng đối nhau. Như tiếng Anh gọi Câu đối là “Paralleles”, một câu đối gồm 2 vế là hai câu song với nhau: vế 1 (vế ra hoặc vế thách đối) và vế 2, gọi là vế đối (nếu chỉ có 1 vế mà gọi là “câu đối” thì không chính xác). Như trong Câu đối Tết: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh “Câu đối đỏ” ý nói câu đối có đủ hai vế. Trong câu đối, hai vế đối song đôi với nhau thế nào để được cân xứng nhau về từ ngữ, thanh âm, cấu trúc câu, ngữ pháp và ý nghĩa. 1/ Đối ý: hai ý tưởng cân xứng nhau 2/ Đối từ ngữ, loại từ: - danh từ đối với danh từ - động từ đối với động từ - tính từ đối với tính từ - trạng từ đối với trạng từ - v.v... - Lại nữa, về loại từ, trong tiếng Việt phải xét đến các từ ngữ Hán Việt và các từ ngữ tiếng Nôm. Vế đối ra dùng tiếng Hán Việt thì vế đối cũng phải dùng tiếng Hán Việt, vế ra dùng tiếng Nôm thì vế đối cũng phải dùng tiếng Nôm. - Lại còn tiếng lóng nữa (slang, argot), vế ra dùng tiếng lóng, vế đối cũng phải dùng tiếng lóng. 3/ Đối về cấu trúc câu, ngữ pháp (Grammar, Grammaire) - Chủ ngữ đối với chủ ngữ (subject of a verb, sujet du verbe) - Bổ ngữ đối với bổ ngữ (object of a verb, complément d'objet) - Thể Chủ động đối với thể Chủ động (active voice, voix active) - Thể Bị động đối với thể Bị động (passive voice, voix passive) - v.v... 4/ Đối Thanh Trong tiếng Việt, thanh âm rất quan trọng. Các câu nói, câu thơ, câu hát đưa em, hát ru, dân ca, đồng dao, v.v... có nghe hay hoặc không hay là nhờ vào thanh âm phong phú lên bổng xuống trầm của tiếng Việt. Về thanh âm, tiếng Việt có 6 thanh âm chính gồm 2 thanh bằng, 4 thanh trắc và 2 thanh âm phụ gọi là thanh nhập, cùng 3 bậc âm thanh chính gồm bậc bổng, bậc trung (ngang) và bậc trầm, gồm trầm thượng và trầm hạ. Trong phạm vi bài này chỉ xin nói sơ về 2 Thanh Bằng Trắc. Thanh Bằng: những chữ không dấu và những chữ có dấu huyền Thanh Trắc: những chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã và dấu nặng Trong phép đối, Hễ vế trên ra những chữ Thanh Trắc thì vế đối, đối lại phải dùng những chữ Thanh Bằng ; và ngược lại, vế trên ra Thanh Bằng, vế đối phải dùng những chữ Thanh Trắc. Nhất là chữ cuối của hai vế và những chữ ở những chỗ ngắt câu. Để hiểu rõ về các phép đối như trên, xin phân tích hai câu Luận (câu 5 và câu 6) đối nhau rất chỉnh trong bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan. Nhớ nước đau lòng con quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia 1/ Về ý, tình cảnh và tâm trạng như nhau trong hai câu: “Nhớ nước”, “Thương nhà”. 2/ Về loại từ và văn phạm, cấu trúc câu: - “Thương nhà” đối với “nhớ nước” - “mỏi miệng” đối với “đau long” (tả tâm trạng, cảm giác) - “cái gia” tức con chim đa, danh từ đối với “con quốc” là chim quốc, danh từ, loài chim đối với loài chim - hai chữ “quốc” lặp lại, cũng phải đối bằng hai chữ lặp lại “gia” - Về tiếng Hán Việt và tiếng Nôm, “gia” 家 là tiếng Hán việt tương ứng với tiếng Nôm “nhà” - “gia” 家nghĩa là “nhà” đối chỉnh với “quốc” 國(国) là tiếng Hán Việt tương ứng với tiếng Nôm “nước” – “quốc” 國(国) nghĩa là “nước” (đất nước, không phải là nước uống - water). Để nói rõ hơn về phép đối, TLQuan xin chép lại một đoạn phân tích một câu đối trong đó có đối các chữ nói lái (những chữ tô đậm): Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ Bến Đồng Tranh sáu khắc đành trông Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ. t t t b b t t Bến Đồng Tranh sáu khắc đành trông. t b b t t b b Câu đối này hay, vì: 1- Âm thanh đối nhau: Chợ (hạ thanh), đối với Bến (thượng thanh) Thủ Đức (trắc), đối với Đồng Tranh (bằng) Năm canh (bằng), đối với sáu khắc (trắc) Thức đủ (trắc), đối với đành trông (bằng) Tiếng trên thuộc hạ thanh thì tiếng dưới thuộc thượng thanh. Tiếng trên trắc thì tiếng dưới phải bằng và ngược lại. 2- Loại từ phải đối nhau: Danh từ đối danh từ: trên chợ thì dưới bến Địa danh đối địa danh: Thủ Đức // Đồng Tranh Số từ đối số từ: năm canh // sáu khắc Động từ đối động từ: thức // trông (//: đối, đối với) 3- Tiếng lái đối tiếng lái: Thủ Đức // thức đủ Đồng Tranh // đành trông (//: đối, đối với) Xin xem thêm những phân tích vế các câu đối ghi lại sau đây (câu của Thầy Thuận Petro Nguyen và các vế đối lại câu của bạn Minh Hà). Lại một rắc rối nữa: - Người ra câu thách đối dùng các chữ trong một “bộ đề tài” (TLQuan không biết dùng chữ gì cho đúng?) thì khi đối lại để đối lại cũng phải dùng các chữ trong một “bộ đề tài” khác để đặt vế đối. Thí dụ như câu thách đối của bạn Minh Hà, dùng những chữ trong 12 Địa Chi (12 con Giáp) Tý tỵ mùi hợi, tý tỵ mùi ngọ, thân “xỉu” dần. Cũng như trong bài email của Thầy Petro Nguyen, Thầy có nhắc đến câu thách đối thân phụ của Thầy kể lại: “Ra cửa Đông Nam, Tây Bắc lại” Người ra câu đối dùng những chữ trong "bộ đề tài" phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Để đối lại, phải dùng những chữ trong một "bộ đề tài" khác. Thí dụ TLQuan xin dùng đề tài "Cầm Kỳ Thi Tửu" để thử đối: Ra cửa Đông Nam, Tây Bắc lại Vào bàn Thi Tửu, Kỳ Cầm theo * Phân tích 2 Vế đối này: Như Thầy đã phân tích, 1/ Đối từ ngữ, loại từ: 1.1. - Vế ra dùng Đông Tây Nam Bắc chỉ phương hướng, đều là danh từ - Vế đối phải dùng những chữ cùng một đề tài khác, cùng đều là danh từ Cầm Kỳ Thi Tửu (đề tài những thú vui chơi: Đàn, Đánh cờ, Làm thơ, thưởng thức rượu ngon - Có khi người ta dùng Họa, Hội Họa, thay vì Tửu, nhậu xỉn xỉn!) - Lại nữa, về loại từ, trong tiếng Việt phải xét đến các từ ngữ Hán Việt và các từ ngữ tiếng Nôm. Vế đối ra dùng tiếng Hán Việt thì vế đối cũng phải dùng tiếng Hán Việt, vế ra dùng tiếng Nôm thì vế đối cũng phải dùng tiếng Nôm. Vế ra, những chữ về phương hướng đều là tiếng Hán Việt Vế đối, những chữ Cầm Kỳ Thi Tửu cũng đều là tiếng Hán Việt 1.2. “Ra cửa” đối với “Vào bàn” - “ra” là động từ đối với “vào” cũng là động từ, “ra”, “vào” đều là tiếng Nôm - “cửa” đối với “bàn”, đều là danh từ và đều là tiếng Nôm. 2/ Đối Thanh: “Ra cửa” – (X) Trắc đối với “Vào bàn” – (X) Bằng “Đông Nam” – Bằng đối với “Thi Tửu” – Trắc Trắc “Tây Bắc lại” – (X) Trắc Trắc đối với “Kỳ Cầm theo” – (X) Bằng Bằng (X): những chữ này không cần phải đối Thanh 3/ Đối ý: Ra cửa Đông Nam, Tây Bắc lại Khi đi ra cửa Đông Nam, thì bị lính Tây bắt lại Vào bàn Thi Tửu, Kỳ Cầm theo Khi vào bàn “nhậu”, uống rươu ngâm thơ, thì cũng cầm theo bàn cờ tướng (Kỳ). (Nhưng nếu bắt bẻ về ý thì hoàn cảnh tả trong hai vế không có liên quan gì với nhau hết!) 4/ Nếu xét 3 tiêu chuẩn trên thì vế đối này khá chỉnh. Nhưng nếu xét về chính tả và văn phạm thì vế đối này chua được chỉnh, vì những điểm sau: 1. Cách dùng từ ngữ “Tây” đối với “Kỳ” Dùng từ đồng âm khác nghĩa: - chữ “Tây” chỉ phương hướng, dùng để chỉ người Pháp, lính Pháp - vế đối không dùng từ đồng âm khác nghĩa, chữ “Kỳ” nghĩa là bàn cờ tướng. 2. Dùng chữ đồng âm nhưng sai chính tả: - chữ “Bắc” chỉ phương hướng, dùng là động từ “bắt”, phải đổi cách viết “bắt” - vế đối, dùng chữ “cầm” là động từ, đúng chính tả, không cần đổi cách viết 3. Về cấu trúc câu (văn phạm): - Vế ra “Tây bắt lại” “Tây” là chủ ngữ (subject, sujet) của động từ “bắt” - “Tây bắt người đi ra cửa Đông Nam - Vế đối “Kỳ cầm theo” “Kỳ” là bổ ngữ trực tiếp của động từ “cầm” (subject, complément d'objet direct) - Người đi vào bàn nhậu cầm theo bàn cờ tướng (Kỳ) Trở lại câu đối của bạn Minh Hà Chào bạn Minh Hà, Cám ơn bạn gởi câu thách đối cho Đặc San Khoa học Xuan Canh Tý 2020 và mời quý Thầy Cô và các bạn đối chơi cho vui.​ ​Tý tỵ mùi hợi, tý tỵ mùi ngọ, thân “xỉu” dần dần. Trước hết Quan xin ghi lại nghĩa câu thách đối theo sư suy diễn và hiểu biết của mình. - Câu này dùng toàn tên các Địa Chi để ra vế đối (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) - Dùng các tiếng đồng âm và biến âm để câu có nghĩa: ​ - Đồng âm:​ Tý Tỵ - đồng âm “tí tị” có nghĩa một ít, một chút xíu, tí xíu, ​ Mùi - đồng âm “mùi”: mùi vị, mùi huơng, mũi ngửi được​ ​ Thân - đồng âm “Thân”, Thân thể​ ​ Dần - đồng âm “dần” có nghĩa từ, lần lần, ​ ​ - Biến âm:​ ​ Sửu - biến âm “xỉu” có nghĩa mệt quá xỉu, bất tỉnh​ ​ - Giữ nguyên từ, nhưng hiểu theo nghĩa khác:​ ​ Hợi, Ngọ là tên hai Địa Chi, nhưng có thể hiểu là con heo và con ngựa (Heo biểu trưng cho chi Hợi, tiếng Hán Việt là “trư”, cũng như Ngựa biểu trưng cho chi Ngọ, tiếng Hán Việt là “mã”).​ ​ - Có thể hiểu vế thách đối này có nghĩa như sau: Một chút xíu (tí tị) mùi của heo (Hợi) và một chút xíu (tí tị) mùi của ngựa (Ngọ), làm cho ta (thân) từ từ / lần lần (dần dần) bị "xỉu" (Sửu). Vế thách đối, Minh Hà dùng các từ ngữ trong "bộ đề tài" Địa Chi, thì để đối, Thầy Chí dùng đề tài các nốt nhạc, TLQuan dùng Thiên Can và Bát Quái. Thầy Soạn dùng tên riêng. Nhưng để đối cho thật chỉnh thì ... Khó lắm! TLQuan cũng bắt chước dùng tên riêng, nhưng khó mà đối chỉnh lắm: Ban đầu định viết “Tiền quan soạn chơi”, vì có ông bác bạn của Ba tên thật là Chơi, hay chơi chữ, người ta hỏi “Anh chơi đi đâu đó?” - Trả lời “Anh Chơi đi chơi ...”. Nhưng hình như không có tên “Chơi” trong Nhóm Khoa Học, nên tạm dùng tên “Mơ”. ​Tý tỵ mùi hợi, tý tỵ mùi ngọ, thân “xỉu” dần. - Tiền quan soạn chi? - Tiền quan soạn chơi! Cần xin tiếc tiếc ... - Soạn mấy đồng tiền quan để làm chi vậy? - Soạn mấy đồng tiền quan đó để chơi vậy thôi! Mà hễ có ai cần, xin (Sinh) mấy đồng tiền quan đó, nếu cho thì cũng tiếc (Tiết), không muốn cho. Hoặc Cần Sinh Lý có xin mấy đồng tiền quan đó, nếu cho Cần Sinh Lý thì cũng thấy tiếc! * Về hình thức thì vế đối này cũng tạm chỉnh, xét về đối Thanh thì cũng khá chỉnh: - “Tiền quan” (Bằng) đối với “Tý Tỵ” (Trắc) - “soạn” (Trắc) đối với “mùi” (Bằng) - “chi”, “chơi” (Bằng) đối với “Hợi”, “Ngọ” (Thanh Trắc) Nhưng nếu phân tích kỹ thì chỉ để ... chơi vậy thôi! * Về đối ý thì ý vế đối không "dính dáng" gì với ý của vế ra. * Về loại từ: - “Tiền quan” là danh từ, không đối với “Tý Tỵ” là trạng từ được - “soạn” là động từ không đối được với danh từ “mùi” - cũng như “chi” và “chơi” không đối được với “Hợi” và “Ngọ”. Chỉ có 3 chữ cuối tạm đối chỉnh: - “Cần” (nếu là tên riêng) danh từ riêng tạm đối chỉnh với “Thân” là danh từ chung - “xin” (biến âm chính tả của “Sinh”), động từ, Thanh Bằng, đối khá chỉnh với “xỉu” (Biến âm chính tả của “Sửu”), động từ, Thanh Trắc - “tiếc tiếc” đối chỉnh về Thanh: Thanh Trắc đối với “dần dần”, Thanh Bằng Nhưng lại không đối chỉnh về từ ngữ, phải viết lại chính tả tên riêng “Tiết”, trong khi chữ “Dần” ở trên không cần viết lại về chính tả. * Về câu tiếng Pháp của anh Tâm. Câu này ngộ nghĩnh vì là tiếng Pháp, có những từ ngữ đồng âm hay phát âm tương tự như tiếng Việt. Bơ Tết, xê-ri, bơ Tết, mơ xưa (cũ), me, lê, bông, bông. Peut être ... chérie, peut être ... monsieur. Mais les bonbons... Nhưng để đối với câu của Bạn Minh Hà thì “chịu”! Tuy cấu trúc câu cũng tương tự. Xin chỉ phân tích 4 chữ cuối, vế này không theo đúng phép đối. 1/ Đối Thanh: Vế ra của Minh Hà Thanh Bằng (dần dần), vế đối lại cũng Thanh Bằng (bonbon - Bông Bông) 2/ Loại từ: - Vế ra: Thân: danh từ, “xỉu”: động từ, dần dần: trạng từ - Vế đối: mais: trợ từ (conjunction), le: giới từ (article), bonbon: danh từ Nếu áp dụng đúng phép đối, hai chữ cuối “dần dần” là trạng từ có nghĩa là từ từ, lần lần, thuộc Thanh Bằng thì phải đối lại là “lẹ lẹ”, trạng từ thuộc Thanh Trắc. Anh Tâm có câu đối tiếng Pháp, vậy TLQuan xin tạm dùng câu tiếng Anh: Tý tỵ mùi hợi, tý tỵ mùi ngọ, thân “xỉu” dần. Pick one cream cheese, pick one cream milk! Check out quick quick! Đọc tiếng Việt nghe như có một số tên riêng: Bích Oanh Khiêm Chi, Bích Oanh Khiêm Miêu. Chách ao quít. Câu này TLQuan mới nghĩ ra viết chơi cho vui chớ nếu đối với Câu của Minh Hà thì không chỉnh về Ý và từ loại. Chỉ có 2 chữ cuối là đối chỉnh thôi! “dần” đối với “quick” là nhanh nhanh, lẹ lẹ - trang từ Thanh Trắc, đối với trạng từ Thanh Bằng, đối ý: chậm chậm đối lại nhanh nhanh. Tóm lại, như Thầy Thuận Petro Nguyen đã nhận xét, câu thách đối của bạn Minh Hà quả là “siêu đẳng” khó mà đối cho thật chỉnh được. Nhưng tham gia đóng góp câu đối cũng hay và vui, chủ yếu là Vui thôi! Vui cùng Thầy Cô, các bạn trong những ngày cuối năm xa xứ. Xin chúc quý Thầy Cô, các bạn cố gắng nghĩ ra những câu để đối lại cho chỉnh hơn. Cám ơn quý Thầy Cô và các bạn. TLQuan

Nhận xét