NGƯỜI PHU XE

Người Phu Xe
Phan Hạnh




 Thời niên thiếu ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960, tôi được xem nhiều phim Pháp, Mỹ Nhật. Một trong các phim còn lưu lại ấn tượng mạnh trong tôi là phim bi hài Muho Matsugoro no Issho của Nhật phát hành ở Nhật năm 1958. Thời bấy giờ các phim Mỹ Nhật chiếu ở Việt Nam phải qua sự phân phối của công ty trung gian Pháp. Do đó, phim Muho Matsugoro no Issho của Nhật được đặt tựa chữ Pháp là L’Homme au pousse-pousse và tựa chữ Việt là Người Phu Xe. Xem phim với tâm hồn non nớt lúc bấy giờ, tôi chỉ theo dõi câu chuyện hấp dẫn, tình tiết cảm động, khuôn mặt khả ái của các vai chính. Điều tôi nhớ nhất chính là tình yêu thuần khiết cao đẹp của người phu xe Matsugoro, một con người bình dân có tinh thần hiệp sĩ.
Trong chuyến du lịch Nhật Bản Tháng Tư vừa qua, khi viếng thành phố cổ Takayama và đảo Miyajima, tôi thấy vài chiếc xe kéo kiểu xưa và tôi nghĩ đến phim Người Phu Xe. Những người phu xe bây giờ là những sinh viên đại học giàu kiến thức; họ vừa kéo xe vừa dẫn giải các dữ kiện lịch sử cho du khách. Người Nhật quan niệm chiếc xe kéo không phải là một dấu tích của thời kỳ phong kiến còn sót lại đáng phải lãng quên. Nó vẫn là nét đặc thù văn hóa và vẫn được trân trọng bảo tồn. Người phu xe kéo cũng là con người có nhân cách và phẩm chất. Phim Người Phu Xe đã chứng minh điều đó.
Gần đây tôi tìm xem được vài đoạn video tóm lược sơ phim Người Phu Xe dưới tựa Anh ngữ The Rickshaw Man, nhưng chẳng có phụ đề gì cả mà chỉ có âm thanh và tiếng trống. Vâng, tiếng trống “taiko” (thái cổ) dồn dập hùng hồn nghe lôi cuốn lắm. Tài tử điện ảnh Toshiro Mifune thủ diễn tuyệt vời vai chính người phu xe kéo tên Matsugoro. Người phu xe kéo nghèo, dốt chữ, man sơ, hoang dại, tinh nghịch, nhưng mặt khác cũng cương trực và ấp ủ một tình yêu cao thượng.
Xem phim Người Phu Xe, tôi hiểu thêm một vài giá trị truyền thống trong thời kỳ chuyển hóa quan trọng của xã hội nước Nhật. Phim có kết cuộc buồn chạnh lòng với cảnh Matsugoro gục ngã giữa trời tuyết phủ vì muốn quên đi mối tình tuyệt vọng. Nó lưu lại trong lòng tôi một mối thương cảm bồi hồi cho số phận hẩm hiu của người phu xe kéo tuy nghèo nhưng cao thượng. Tôi cũng cảm phục sự trung trinh một dạ thờ chồng nuôi con của quả phụ Yoshiko. Tài diễn xuất chuyên nghiệp của Toshiro Mifune và phong cách đạo diễn mới mẻ tuyệt vời của Inagaki quá hiển nhiên không ai chối cãi. Sự thành công của cuốn phim vừa là niềm hãnh diện cho giới điện ảnh người Nhật vừa tạo được sự thán phục yêu thích của khán giả ngoại quốc. Cuốn phim thắng giải Sư Tử Vàng về đạo diễn xuất sắc tại Liên Hoan Phim Venice cùng năm 1958.
Tôi muốn trình bày bài viết này như một câu truyện hình với nhiều hình ảnh lấy ra từ cuốn phim. Nhưng rất tiếc vì lý do kỹ thuật, số hình ảnh kèm theo bài viết chỉ có giới hạn.

Câu chuyện diễn ra tại thị trấn Kokura tỉnh Kyushu trong bối cảnh xã hội Nhật vào thập niên 1900 của thế kỷ 20 dưới thời Minh Trị. Anh phu xe kéo Matsugoro nghèo khó sở hữu chỉ hai đôi dép sờn cũ. Lúc tuổi thơ Matsugoro nuôi mộng ước trở thành một hiệp sĩ nhưng lớn lên trong thời buổi mạt vận của hàng ngũ samurai, Matsugoro lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, phải kiếm sống bằng sức lao động của mình và chiếc xe kéo. Những người Việt miền Nam sa cơ thất thế sau ngày đổi đời 30-4-1975 xem phim này chắc sẽ cảm thấy thấm thía hơn. Người phu xe kéo Matsugoro không từ nan kéo những chuyến xe chở hàng rất nặng. Người Việt Nam đôi khi dùng chữ “ngựa người” với ngụ ý thảm thương cay đắng.
Sau một cuốc xe, Matsugoro đã tranh cãi với một ông khách hàng về giá cả. Thấy ông khách ỷ thế có mang kiếm nhưng khinh người, Matsugoro không hề sợ, tung quả đấm vào mặt ông khách để rồi bị ông ta rút kiếm chém cho một phát trúng đầu.

 Matsugoro nhăn mặt đau đớn ôm đầu bị thương vì bị một người hành khách vung gươm chém. Bà chủ nhà tốt bụng chăm sóc che chở cho Matsugoro như một người mẹ lo cho con.
Một nhân viên cảnh sát đến nhà trọ tìm Matsugoro để điều tra. Vốn hiểu rõ tánh tình bộc trực nhưng ngang tàng của Matsugoro hay dính líu tới các vụ gây gỗ liên can đến pháp luật, bà chủ nhà bênh vực và che đậy cho Matsugoro. Viên cảnh sát ở địa phương tiết lộ rằng người khách mà Matsugoro dám đánh đó là một tay kiếm hạng cừ. Chính viên cảnh sát cũng phải bật cười về cái tính ngang tàng liều lĩnh theo kiểu “thằng này chưa ngán thằng nào” của Matsugoro. Ngồi nghĩ lại vụ này, ngay cả Matsugoro cũng thấy mình liều và khôi hài thật. Ông ta quả là một con người có hai cá tính, vừa man sơ hoang dại vừa hóm hĩnh biết cười chế giễu về những nỗi bất hạnh của cuộc đời mình.
Một thời gian sau, Matsugoro đã bình phục và đi xem hát tại một nhà hát truyền thống trong thị trấn. Nhân viên soát vé từ chối không cho Matsugoro vào. Điều đó đương nhiên thôi vì Matsugoro không có vé. Thế là Matsugoro bỏ đi để rồi sau đó trở lại với một người bạn. Họ trình ra cho người soát vé xem hai vé hạng nhất hẳn hòi. Mặc dù chẳng biết ở đâu mà họ có hai vé đó, người gác cửa cũng phải để cho họ vào thôi.
 Rạp hát có sàn sân khấu nhô cao (giống kiểu sân khấu trình diễn thời trang) ở giữa với khán giả ngồi xung quanh. Matsugoro và người bạn mua vé hạng nhất, được ngồi ô riêng trải đệm tatami gần sân khấu. Vấn đề là hai chàng nghịch tử này đi xem hát mà lại mang theo lò than nhỏ để tự nấu thức ăn. Mùi khói, mùi hành tỏi nướng xông lên nồng nực khiến cho khán giả ai cũng bịt mũi; ngay cả hai chàng còn không chịu nổi phải nhăn mặt.

Các nhân viên nhà hát đã ào ra ngoài và cố gắng ngăn chận hai khán giả phá rối, nhưng Matsugoro không dễ gì chịu nhịn. Bản năng con người man sơ nổi dậy, Matsugoro sẵn sàng tung nắm đấm với bất cứ ai, dù họ là nhân viên nhà hát hay khán giả. Nói tóm lại là anh ta đã tạo ra một tình trạng hỗn độn với một số thiệt hại vật chất khi một quan chức nổi tiếng có tài hòa giải đến nơi.

 Trong lúc nóng giận, Matsugoro thách thức luôn cả vị quan chức tới chỉ với mục đích hòa giải. Bằng thái độ hòa nhã và giọng điệu từ tốn, ông phân tích các quy luật pháp lý rồi phán quyết: theo tục lệ đáng lẽ nhà hát phải để cho người phu xe vào cửa miễn phí; vì vậy Matsugoro bực mình là đúng. Phía khán giả cũng không có lỗi khi họ phản đối mùi khói khó chịu dẫn đến ấu đả.
Sự phân trần phải trái một cách rộng lượng của vị quan chức khiến cho Matsugoro tỉnh ngộ và cảm thấy xấu hổ. Bản tính con người có lương tâm biết lẽ phải trở về, Matsugoro nhìn nhận mọi phần lỗi đã gây náo loạn ở rạp hát và cúi đầu chân thành tạ lỗi. Đó là khi chúng ta nhìn thấy mặt khác của Matsugoro.

Một vài ngày sau đó, trong lúc kéo xe đi qua một con đường trong thị trấn, tình cờ Matsugoro thấy một đám trẻ nô đùa. Một đứa có vẻ nhút nhát bị đám bạn cưỡng ép phải leo lên cây. Matsugoro ngập ngừng chậm xe lại nhưng rồi tiếp tục đi công việc.
 Một lát sau khi Matsugoro quay trở lại khúc đường đó thì thấy cậu bé đang nằm khóc vì bị té trặc chân. Thấy vậy, ngay lập tức Matsugoro dừng xe lại, chạy tới hỏi han cớ sự rồi bế cậu bé lên xe. Matsugoro hỏi, cậu bé đáp cậu tên là Toshio và cho Matsugoro biết địa chỉ. Matsugoro vội vã kéo xe đưa Toshio về nhà. Thấy Toshio khóc, Matsugoro an ủi và tâm sự rằng chính mình cũng từng bao lần khóc trong đời.
Matsugoro bồng Toshio vào nhà. Mẹ của Toshio là Yoshiko Yoshioka (minh tinh màn bạc Hideko Takamine đóng vai) xin Matsugoro hãy chở Toshio đến văn phòng bác sĩ, trong khi bà lúp xúp chạy theo.

Sau khi bác sĩ khám chân Toshio, băng bó vết thương, cho thuốc xong, Matsugoro chở cậu về. Yoshiko bày tỏ lòng biết ơn của mình đến Matsugoro bằng cách trao cho Matsugoro một số tiền. Mặc dù bà đã cố gắng nài nỉ nhiều lần, Matsugoro vẫn nhất định không nhận, nói rằng ông giúp đỡ Toshio đơn giản chỉ là do tình người chứ không phải vì tiền. Nhưng ông nhận lời mỗi ngày đưa đón Toshio đến trường.

 Cha của Toshio (nam tài tử Hiroshi Akutagawa đóng vai) là Kotaro Yoshioka, một sĩ quan cấp bậc đại úy trong quân đội. Khi ông trở về nhà vào buổi tối, ông nghe kể lại tất cả diễn biến sôi động trong ngày và về người phu xe ân nhân của gia đình. Ông cười reo lên: "Thì ra ông phu xe kéo Matsugoro ngang tàng đó à?" Sống lâu năm ở thị trấn này, ông cũng biết danh tiếng Matsugoro. Ông nói: “Tuy Matsugoro có tính khí ngang tàng nhưng ông ta là một con người cang cường. Nếu lúc còn thanh niên ông ta gia nhập quân đội thì bây giờ ông là đại tá cũng không chừng.” Sau đó,  Đại úy Yoshioka bàn với vợ là hôm nào hãy mời Matsugoro đến dùng cơm. Bà đồng ý.
Matsugoro nhận lời đến dùng cơm tối với gia đình Yoshioka. Bữa ăn diễn ra trong bầu không khí yên tĩnh thoải mái. Xong bữa, Matsugoro cao hứng xin cất giọng trầm hùng hát vài bài ca để giúp vui. Đại úy Yoshioka còn ngồi lắng nghe một cách thích thú. Nhưng chỉ một lúc sau, khi vợ ông mang thêm trà, Đại úy Yoshioka nói với vợ ông và Matsugoro rằng mình cảm thấy mệt và muốn nằm xuống tại chỗ trên tấm nệm tatami. Ông yêu cầu Matsugoro cứ tiếp tục hát. Yoshiko vào trong để lấy cho chồng một cái gối. Khi nâng đầu chồng để chèn cái gối, bà nhận ra chồng đang nóng như lên cơn sốt.
 Đại úy Yoshioka trở mệt thình lình sau bữa ăn đang nằm thiêm thiếp trước sự lo âu của vợ ông.
Ngay lập tức Matsugoro tình nguyện đi mời bác sĩ tới. Tuy nhiên, trước khi mọi người hoàn toàn có thể hiểu lý do tại sao, đại úy Yoshioka đã tắt thở.
Matsugoro đang chia buồn cùng góa phụ Yoshioka nơi nghĩa trang. Toshio vừa mồ côi cha đang khóc khiến cho Matsugoro cũng cảm thấy buồn và hết lòng an ủi.
Yoshiko tâm sự với Matsugoro là không biết phải làm sao với Toshio bây giờ? Mất cha khi tuổi còn thơ, Toshio cần một người đàn ông mẫu mực gần gũi dạy dỗ thành người. Bà ngập ngừng hỏi liệu Matsugoro có thể giúp được không. Matsugoro ngần ngừ suy nghĩ rồi nhận lời. Ông đáp rằng đây là một trách nhiệm lớn nên ông chưa biết mình có chu toàn được không. Nhưng rồi có lẽ do từ ý thức tiềm ẩn mà thậm chí Matsugoro cũng không nhận ra, lần hồi tinh thần trách nhiệm đó tự nhiên biểu lộ.

 Toshio thân mật tự nhiên với Matsugoro khiến cho Yoshiko rất hài lòng. Trông họ như một gia đình hạnh phúc.
Thời gian trôi qua, Matsugoro nghiêm túc thi hành nhiệm vụ của một người cha đối với Toshio. Mặc dù không thể dạy Toshio học qua sách vở vì bản thân Matsugoro mù chữ, nhưng ông có thể và đã dạy Toshio bơi lội, dạy Toshio làm thế nào để rèn luyện ý chí, khắc phục tính nhút nhát để tự đứng ra bảo vệ cho chính mình, làm thế nào để không còn là một kẻ yếu đuối như mẹ cậu lo sợ khi gia đình vắng mặt người cha.
Do cơ duyên, mối liên hệ giữa Matsugoro và Toshio ngày càng trở nên gắn bó thân thiết. Sự tương tác của đứa trẻ vừa mất cha với người phu xe nghèo rất tốt đẹp. Toshio gần gũi thoải mái bên Matsugoro còn hơn là với cha ruột trước đây nữa. Đáp lại, Matsugoro cũng xem Toshio như con mình, bỏ ra nhiều thì giờ để dạy dỗ và chăm sóc cho Toshio.

Tuy nhiên, bên cạnh họ còn có sự hiện diện thường trực của Yoshiko. Nơi nào có đứa con, noi đó có người mẹ, một góa phụ còn trẻ đẹp nề nếp đoan trang đức hạnh. Chính vì vậy Matsugoro tuy trong lòng thương yêu bà nhưng bao giờ cũng cư xử với bà bằng niềm kính trọng và lễ độ. Ông đau đớn nhận thức giữa ông và người góa phụ ấy luôn luôn có một rào cản và một khoảng cách vô hình. Ông phải cố gắng dằn nén để quên đi nỗi bất hạnh của riêng mình và dành tâm huyết chăm sóc cho hai đối tượng ông yêu thương là mẹ con bà.

Với sự hướng dẫn và khuyến khích của Matsugoro, Toshio đang đứng trên bàn nơi phòng khách tập dợt hát để chuẩn bị trình diễn trong một buổi sinh hoạt ở trường học.
Trong buổi trình diễn ở trường, Matsugoro theo dõi Toshio hát, lộ vẻ vui sướng và hãnh diện reo hò tự nhiên; Yoshiko thì điềm đạm và ít khi nào biểu lộ cảm xúc.
Matsugoro đưa mẹ con cậu bé Toshio đi dự nhiều sự kiện công cộng như lễ hội, diễn hành, bắn pháo hoa, hòa nhạc… Một lần nọ có một cuộc chạy đua đường trường 1.500 mét mở ra cho công chúng, Toshio muốn Matsugoro tham dự. Chiều ý cậu bé, Matsugoro bằng lòng. Nhìn dáng dấp và bộ tịch xuề xòa của Matsugoro, các lực sĩ tranh tài có vẻ xem thường. Khi phát súng lệnh báo cuộc chạy thi bắt đầu, các vận động viên kia vọt nhanh phóng lên. Matsugoro chạy đều ở tốc độ ổn định để giữ sức và lần lần bắt kịp các đối thủ. Gần đến lằn mức cuối, trong khi các người kia đã thấm mệt thì Matsugoro vượt lên về nhất thắng cuộc.
Toshio biết là Matsugoro đã nắm vững kỹ thuật chạy nước rút và chạy đường trường nên càng khâm phục và hãnh diện.

Sau đó, trong một lễ hội rước kiệu mùa thu có một xe kiệu chở theo một cái trống lớn. Matsugoro nhảy lên xe kiệu, lịch sự hỏi các nhạc công để cho ông chơi trống một suất; và ông đã làm cho mọi người trầm trồ thích thú với tài biểu diễn một điệu trống xưa hấp dẫn. 


Matsugoro say mê biểu diễn tài nghệ đánh trống trước sự thích thú của quần chúng khán giả. Ngay cả những người trong ban chơi trống cũng lấy làm ngạc nhiên khâm phục.
Một lần Yoshiko thình lình ghé thăm nơi ở trọ của Matsugoro khiến cho Matsugoro lúng túng vội vàng cuộn tấm tranh in hình một cô kiểu mẫu treo trên tường phòng để đem cất giấu. Matsugoro vừa không muốn để bà cảm thấy bị xúc phạm vừa không muốn bà nghĩ mình là người kém đứng đắn. Cử chỉ bối rối của Matsugoro khiến cho bà Yoshioka tế nhị mỉm cười.
Từ bấy lâu, Matsugoro đem lòng quí mến Yoshiko. Nhưng nghĩ thân phận mình hèn mọn không xứng với Yoshiko, Matsugoro không thể nào có đủ can đảm để nói thành lời. Bà là một mệnh phụ đoan trang gương mẫu thủ tiết cùng chồng đúng theo truyền thống lễ giáo. Matsugoro hiểu rằng bà là một đối tượng khó thể đạt được. Matsugoro yêu thì vẫn cho phép mình yêu nhưng chỉ dám bộc lộ và thể hiện một cách kín đáo để tránh gây thương tổn đến thanh danh của bà.
Thời gian trôi theo vòng quay của bánh xe kéo. Thấm thoát mà Toshio đã 18 tuổi, xong bậc trung học ở quê nhà và phải lên tỉnh để vào Trường Đại học Kumamoto. Toshio đã trở thành một thanh niên tự tin chững chạc, có tính tự lập và có trách nhiệm khiến cho Yoshiko rất hài lòng.
Ngày đưa Toshio ra ga xe lửa để lên tỉnh học, Matsugoro vui vì đã làm tròn trách nhiệm dạy dỗ một đứa trẻ nên người nhưng cũng buồn vì những ngày sống vui đầy ý nghĩa bên Toshio đã hết. Vắng Toshio rồi, Matsugoro không còn lý do chính đáng để tới lui thường xuyên nhà Yoshiko nữa. Matsugoro không khỏi cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi.

Một hôm trong lúc Matsugoro làm việc ngoài vườn, vợ chồng người anh của Yoshiko ghé thăm. Thương cảm cảnh đơn chiếc của Yoshiko, họ đề nghị hay là Yoshiko nên tái giá và họ sẽ giới thiệu làm mai một nơi xứng đáng. Yoshiko một mực từ chối; gương mặt bà biểu lộ nét buồn diệu vợi xa xôi. Bà ngước nhìn hình chồng treo trên vách, tấm hình đại úy Yoshioka trong lễ phục trang nghiêm nhưng tia nhìn mang nét hiền từ. Tình cờ, Matsugoro nghe hết, thấy hết và hiểu hết, hiểu rõ rằng bà vẫn yêu chồng.
Matsugoro an ủi Yoshiko. Tuy ngồi gần nhau, cả hai người không ai dám bộc lộ cảm nghĩ tự đáy lòng.
Matsugoro đau xót nghĩ thế là lòng thầm yêu của ông từ bấy lâu không được đền đáp. Thì ra bà không hề cảm nhận tình yêu của ông. Vô vọng. Khi ra về, ông ngước nhìn hình chân dung của đại úy Yoshioka và như bắt gặp ánh mắt hiền từ nhìn lại. Matsugoro cảm thấy xấu hổ cho thân phận hèn mọn của mình.
Vào một ngày bão tuyết mùa đông năm ấy, người phu xe thất tình Matsugoro mượn rượu giải sầu. Quá chén, ông băng mình ra đi giữa trời băng giá và gục chết mang theo mối tình tuyệt vọng. Sau đó, người ta khám phá ra là Matsugoro đã nhờ viết di chúc hiến tặng tất cả số tiền dành dụm cho Toshio.
Cuốn phim kết thúc bằng nhạc đệm và hồi trống taiko giục giã. Bánh xe lăn chậm lại rồi ngừng hẳn.
Hình ảnh bánh xe lăn được dùng làm dấu hiệu chuyển cảnh, xuất hiện nhiều lần trong phim. Nó còn là dấu hiệu của thời gian trôi khiến cho tôi nghĩ đến bản nhạc Xe Đạp Ơi của đôi vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo & Ngọc Lễ. “Quay đều quay đều quay đều… Mối tình ngày xưa yêu dấu… Quay đều quay đều quay đều… Nhớ hoài những vòng xe… Quay đều quay đều quay đều… Mối tình nghèo đơn sơ quá... Quay đều quay đều quay đều… Thương hoài những vòng xe…..” Những vòng xe quay đều của bản nhạc Xe Đạp Ơi là dấu ấn của tình yêu ban đầu và hạnh phúc. Trái lại, cảnh bánh xe quay đều trong phim Người Phu Xe đưa thời gian đến một kết cục buồn của một mối tình câm vô vọng.
Phim Người Phu Xe được thực hiện dựa theo quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Shunsaku Iwashita kể về một truyền thuyết dân gian rất phổ biến có tựa là Cuộc Đời của Xa Phu Matsugoro Hoang Dại. Đạo diễn Hiroshi Inagaki cùng với Mansaku Itami viết kịch bản và phân cảnh. 
Phim không có cảnh nào đậm nét kịch tính của hai kẻ yêu nhau. Điều này có thể do từ hai yếu tố chính. Thứ nhất, vào thời bấy giờ, nước Nhật vẫn còn phong kiến, giá trị và khuôn phép đạo lý còn được đề cao, xã hội còn phân biệt giai cấp. Tình yêu dù chân thật giữa một người phu xe kéo nghèo mù chữ và một góa phụ danh giá khó có thể được chấp nhận. Thứ hai, Yoshiko vẫn là bà đại úy Yoshioka. Chồng bà dù đã qua đời nhưng bà vẫn mang họ của chồng và có lẽ sẽ chọn ở vậy thờ chồng cho trọn kiếp.
Sự kiềm chế bản thân của hai người qua bao năm dài thật cao quý biết bao. Chúng ta ngạc nhiên và cảm phục họ vì nó vượt lên trên lẽ thường tình nhan nhản trong phim ảnh phương Tây. Một câu “Anh yêu em” tưởng đâu là dễ nhưng rất khó đối với Matsugoro. Tôi tội nghiệp cho Matsugoro phải dằn nén tình yêu trong đau khổ. Tôi thương cảm cho Yoshiko xinh đẹp, hiền hậu, dịu dàng, thanh lịch chôn chặt cuộc đời còn lại trong cô đơn. Tôi nghĩ dù Matsugoro không nói, nhưng với linh cảm bén nhạy của phụ nữ, bà có hiểu rằng Matsugoro thầm yêu bà không. Bà có cần phải trọn đời thủ tiết cùng chồng không.
Xem xong cuốn phim, tôi không khỏi hỏi tại sao kết cục lại phải đau thương như vậy để rồi day dứt mãi trong lòng mỗi khi nhớ lại.
Phan Hạnh 7/2016.
PH-HCA

Nhận xét