DU LỊCH NHẬT BẢN

KÝ SỰ ĐI NHẬT - Tác giả Chiêu Ấn
(Bài 1 - 2​ - 3​​ - 4​​ - 5​.... còn tiếp)


Hoa anh đào dưới mưa tại lâu đài Okayama


Bài viết: Chiêu Ấn.
Hình ảnh: nhóm The Viewfinders.

Trong chuyến đi Nhật 19 ngày tháng Tư vừa qua, tôi được đi thăm viếng và chụp ảnh Lâu đài “Hạc Trắng” Hakuro-jō với kiến trúc mang nét đẹp nữ tính nổi tiếng nhất Nhật Bản ở thành phố Himeji và Lâu đài “Quạ Đen” Ujo với kiến trúc mang nét đẹp nam tính ở thành phố Okayama.
Lâu đài Hạc Trắng Himeji được công nhận là di sản thế giới vì là lâu đài nguyên thủy trong khi lâu đài Quạ Đen Okayama là lâu đài bản sao đã được xây cất lại dựa theo bản gốc. Thú vị cho tôi khi biết Okayama là nơi xuất phát câu chuyện cổ tích dân gian Momotaro rất phổ biến của Nhật. Trên đường xe chạy tới lâu đài, tôi nhận ra ngay bức tượng đồng Momotaro quen thuộc dựng trước nhà ga xe lửa cách lâu đài khoảng 2 km mà tôi đã từng thấy hình trong truyện Momotaro. Đầu năm Bính Thân vừa qua, tôi đã dựa theo truyện Momotaro để phóng tác thành truyện “Đào Tử” (đứa con của quả đào) cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Theo lịch trình định trước, sáng ngày 7 tháng Tư chúng tôi lái xe rời Hiroshima để đi Okayama. Chỉ trông cậy vào hệ thống định vị toàn cầu GPS gắn trong xe, chúng tôi mất một khoảng thời gian chạy lòng vòng trong thành phố mới tìm ra lâu đài. Vị trí lâu đài được chọn rất khéo về phương diện phòng thủ chiến lược với một mặt hình vòng cung giáp sông Asahi phía bên ngoài và hào rộng phía mặt trong. Từ bãi đậu xe, du khách chúng tôi phải đi bộ qua một con đường đê (rộng bề ngang cho xe chạy được) bắc qua hào để vào khuôn viên lâu đài có tường đá cao bao bọc.
Hình 1: Sân lâu đài Okayama đầy lá rụng vào một ngày mưa gió với một ít du khách đứng nơi cổng chờ mua vé vào xem bên trong.
Theo tài liệu, lâu đài Okayama được lãnh chúa Ukita Naoie bắt đầu xây năm 1573 và hoàn thành bởi con trai ông là Hideie năm 1597. Hideie đứng về phe gia tộc Toyotomi kém may mắn hơn trong trận chiến Sekigahara khốc liệt nhất xảy ra ở Nhật năm 1600. Hideie đã bị mạc phủ Tokugawa bắt làm tù binh và bị đày ra đảo nhà tù Hachijo. Lâu đài Okayama và lãnh địa xung quanh bị dùng làm chiến lợi phẩm thưởng trao cho Kobayakawa Hideaki. Chỉ hai năm sau đó, Kobayakawa đột ngột qua đời, không để lại di chúc và tên người thừa kế. Lâu đài và thái ấp được trao cho gia tộc Ikeda, là người sau này đã xây thêm khu vườn Kōraku-en cho lâu đài.
Năm 1869, lâu đài trở thành tài sản của Bộ Chiến Tranh (Hyōbu-shō) của chính phủ. Hoàng đế Minh Trị nhận thấy những lâu đài của thời kỳ “samurai” đã lỗi thời và không cần thiết nữa. Hào sâu và tường thành bên ngoài nhiều lâu đài trên khắp nước Nhật dần dần bị lấp và bị phá bỏ. Vào ngày 29 tháng 6 năm 1945, oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã ném bom đốt cháy rụi lâu đài Okayama trở thành bình địa.
Công việc tái thiết lâu đài Okayama bắt đầu vào năm 1964 và được hoàn thành vào năm 1966.
Lâu đài được xây lại bằng bê tông, có gắn hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy và nhiều màn hình ghi lại lịch sử của lâu đài với sự tập trung chính vào thời đại Ikeda. Tầng hầm trưng bày tranh cuộn về các cuộc chiến thời Sengoku, tái hiện bằng trình chiếu hình ảnh và lời dẫn giải để du khách cảm nhận được diễn biến của các trận đánh. Tầng một có trà thất, quầy bán đồ lưu niệm. Tầng hai trưng bày tư liệu về thời gia tộc Ikeda-ke làm chủ thành, có góc chụp ảnh lưu niệm, góc trải nghiệm mặc thử trang phục cổ. Tầng ba giới thiệu những câu chuyện về lâu đài nói chung và về thành Okayama trong thời gia tộc Ukita-ke và gia tộc Kohayagawa-ke làm chủ thông qua tranh ảnh và những tấm bích chương. Tầng bốn trưng bày tài liệu về công cuộc tái xây dựng lâu đài. Tầng năm giới thiệu về cuộc đời của chủ thành là lãnh chúa Ukita Naoie. Tầng sáu là lầu quan sát.
Hình 2: Đường đê qua hào rộng dẫn vào lâu đài. Hướng dẫn viên du lịch “thua guide” Yến Linh trùm áo mưa nhanh chân đi trước.
Vừa nhìn thấy hàng cây anh đào trồng dài theo tường đá, chúng tôi mừng rỡ nên cứ đội mưa mà đi như những chiến sĩ xông pha săn… ảnh.
Hình 3: Cổng Rokomon.
Cổng Rokomon từ mặt đất là điểm khởi đầu của một lối hành lang
dài dẫn lên phòng họp chính quyền (Omoto-Shoin) của lãnh chúa ở tầng giữa. Cổng được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép tại ngay vị trí
cũ năm 1966. Khuôn viên lâu đài là một vườn rộng có trồng 200 cây anh đào già có những cành dài sà thấp xuống mặt đất khiến các tay nhiếp ảnh bọn tôi mê thích.
Hình 4: NAG Anh Vũ đứng nơi vườn đá trong khuôn viên lâu đài Okayama.
Hầu như ngoài bốn đứa chúng tôi ra chẳng có ai khác “điên khùng” lang thang trong khu vườn ngoài trời mưa gió lạnh. Họ đều che dù đi vào bên trong lâu đài cả. Như vậy càng tốt vì chúng tôi được tự do một mình một cõi. Với đôi chân yếu, tôi rất sợ đi vào đám đông vì chỉ một chút đụng chạm, tôi rất dễ mất thăng bằng và té ngã. Tôi không dùng máy ảnh DSLR vốn thường nặng nề chính vì lý do đó.
Hình 5: NAG Khánh Lượng đang lom khom chụp ảnh.“Nền cũ lâu
đài bóng tịch dương… Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt…” (hai câu
4 và 5 của bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ = Bà Huyện Thanh Quan).
Khi vọng lầu gốc (tháp canh chính) được xây dựng lại vào năm
1966 bằng bê tông cốt thép, những tảng đá nền tảng đã được mang
ra sắp xếp một cách tỉ mỉ trong khu vườn đúng theo vị trí nguyên
thủy và trở thành một tác phẩm điêu khắc mỹ thuật. Chúng tôi đều
chụp nhiều ảnh nơi khu vườn này.
Hình 6: Chiêu Ấn đang chụp ảnh xác hoa anh đào rụng đầy trên mặt đất sau cơn mưa.
Bọn tôi có cơ hội chụp ảnh “mưa hoa” khi những cánh hoa anh đào thi nhau rời cành bay bay trong cơn gió như đàn bướm một cách tự
nhiên trông lãng mạn làm sao. Tôi có đọc một tin khá đáng tiếc xảy ra vào mùa hoa anh đào nở trong tháng Ba năm 2016 ở Trung Quốc.
Tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, nhiều người
chỉ vì muốn có ảnh đẹp đã dàn cảnh “mưa hoa” bằng cách leo lên
cây rung cành cho hoa rụng. Một cô mang giày cao gót màu đỏ cũng leo lên cây và bị mắc kẹt ở đó. Hành vi đáng tiếc đó đã gây nhiều thiệt
hại. Mùa hoa anh đào tại Toronto năm trước đây cũng đã xảy ra tình trạng tương tự bởi một số du khách di dân thiếu ý thức.
Hình 7: Một chùm hoa anh đào còn đọng những giọt nước mưa long lanh. Dưới tầm nhìn của lữ khách phương xa, mỗi hình ảnh đều
mang nét đẹp ấm lòng. Một hai hôm nữa thôi, khi lữ khách đã rời
nước Nhật, cành hoa anh đào này chắc cũng đã trơ trụi và thản
nhiên với vòng chu kỳ thời gian…
Tuy lâu đài Okayama được xây trên đất bằng nhưng đắp trên nền
cao. Từ bãi đậu xe đi bộ một quãng rồi qua cầu, đôi chân yếu của
tôi còn phải hai lần leo lên mấy chục bậc thang toàn bằng đá xanh
ướt nước mưa trơn trợt; hai bên lại không có tay vịn. Bận lên tôi
không ngại lắm nhưng bận xuống tôi lê từng bước mà vẫn cứ sợ té.
Có lúc tôi phải vịn vai hoặc nắm tay bạn đồng hành để đi.
Hình 8: Xác hoa anh đào màu hồng phủ đầy dưới gốc cây; dấu tích của thời gian trên thân cây là những đốm rêu xanh mốc.
Chuyến viếng thăm Lâu Đài Okayama đã để lại một ấn tượng sâu
sắc trong tôi. Tuy nhằm một ngày mưa ảm đạm vắng người, tôi vẫn
cố gắng vận dụng đôi chân yếu leo lên những bậc thang, bậc thềm
đá xanh trơn trợt. Khu vườn đá trông như những bia mộ không tên tượng trưng cho bao nhiêu đời người đã qua. Những cội anh đào già với thân cây sần sùi rêu mốc vẫn tỏa sức sống vươn cành. Những hạt
mưa trong veo đọng lại trên những đóa hoa. Những cánh hoa anh
đào rơi rụng với màu hồng tươi vẫn còn. Với tôi, tất cả đều đẹp.
Một con chim bồ câu lẻ loi có mang vòng khoen ở chân ung dung
lững thững bước trên thảm cánh hoa anh đào rụng để kiếm ăn. Nó
dửng dưng bước gần tôi, xem như không có sự hiện diện của tôi.
Dường như đó cũng là một đặc tính Nhật.
H.9: Mưa xuân dội mái tường thành/ Hoa rơi tơi tả trơ cành buồn thay…
Với hơn bốn trăm năm, lâu đài Okayama cũng như với hàng ngàn
lâu đài khác trên nước Nhật đã trải qua bao lần hưng phế theo dòng lịch sử nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay để trở thành chứng tích của một
đất nước giàu tinh thần dũng cảm, lòng kiên trì phấn đấu và niềm tự
hào dân tộc. Trên nóc lâu đài, tại mỗi góc chót của mái ngói đều có tượng trang trí hình cá mạ vàng nổi bật trên màu sơn đen. Đó là
biểu tượng của các vị thần giám hộ phù trợ cho lâu đài tránh hoả
hoạn tai ương.
H.10: Một chùm hoa anh đào chỉ còn trơ cuống sau cơn mưa gió.
Bức ảnh chùm hoa anh đào đã bị gió mưa làm rụng hết cánh hoa
cả rồi trong khu vườn lâu đài Okayama ngày 7 tháng Tư này chứng minh một điều rằng nó vẫn có một cái nét đẹp nào đó trong mắt tôi.
Ở Nhật trong chín ngày vừa qua của đầu tháng Tư, hôm nay là lần
thứ nhì chúng tôi giăng mưa chụp hình vì đam mê nhiếp ảnh mà tôi thường gọi đùa với ba người bạn ảnh là “dục vọng điên cuồng”.
Mưa xuân nào có lạ gì; mưa xuống cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc tốt
tươi. Chỉ có điều mưa nhiều khiến cho hoa anh đào mau rụng; thời
gian hoa nở bình thường chỉ kéo dài một tuần lễ sẽ ngắn bớt đi.
Mưa lớn và gió mạnh dễ làm cho những cánh hoa đào vốn mong
manh sẽ rụng mau một khi hoa đã hoàn toàn mãn khai. Một khi con người chưa thể kiểm soát được điều kiện thời tiết, vạn vật tốt tươi
hay không đều do may rủi.
Nhưng thật ra tôi nghĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào, người có tâm
hồn nhạy cảm vẫn có thể tìm thấy một góc cạnh đẹp nào đó của sự
việc. Những cánh hoa anh đào hồng nhạt nằm tơi tả trên đám cỏ
xanh, bám trên phiến đá hay dính chặt trên mái ngói tường lâu đài,
tất cả những hình ảnh đó vẫn đáng được ghi lại qua ống kính của
người say mê nhiếp ảnh.
Trời mưa thì kệ trời mưa
Chưa chụp ảnh đẹp thì chưa chịu về.
Chiêu Ấn.
Tôi đi tìm núi Phú Sĩ

Tưòng trình: Chiêu Ấn.
Hình ảnh: The Viewfinders.
Nhận xe (đã đặt thuê trước khi đến Nhật) xong, từ Tokyo sáng ngày
3/4, tài xế chánh là Anh Vũ háo hức và hồi hộp lần đầu tiên lái xe với tay lái bên mặt và đường lưu thông bên trái. Ba hành khách cũng háo hức và hồi hộp không kém.
“Bây giờ mình đi đâu?”, một người hỏi.
“Đi xem núi Phú Sĩ”, một người đáp.
“Hai!”, chúng tôi bắt chước nói tiếng Nhật, không quên kèm theo
một cái gật đầu cho đủ bộ theo kiểu nói của người Nhật.
Cả bọn cùng reo cười.
Đoạn đường từ Tokyo đi Fujiyoshida chỉ hơn 100 km nhưng phải
mất hai giờ mới tới. Chúng tôi phải lòng vòng đi tìm địa chỉ khách
sạn mất gần cả tiếng nữa vì nhà ở Nhật không có số. Nhận phòng
thuê tại một “ryokan” (lữ quán) theo truyền thống tiêu biểu Nhật Bản
do tư nhân làm chủ xong, chúng tôi bắt đầu đi khám phá, “thăm dân
cho biết sự tình”, nghĩa là xem phố phường chợ búa hàng quán ra sao
để còn lo cho vấn đề dạ dày. Dĩ nhiên ở nước Nhật hiện đại, khách tiêu thụ khỏi cần “xếp hàng cả ngày” mà mua gì cũng có, chỉ sợ giá mắc
quá không dám mua thôi.


H.1: Nhóm bạn ảnh “The Viewfinders” (gồm Khánh Lượng, Yến Linh, Anh Vũ, Chiêu Ấn) đứng ở bờ hồ Yamanakako trong buổi chạng vạng ngày 3 tháng Tư đầy gió lạnh; hậu cảnh có khoảng cách hơn 10 km là núi Phú Sĩ đang bị mây mù che khuất. Xin chào từ giã núi Phú Sĩ sau hai ngày săn tìm mà vẫn chưa một lần nhìn rõ mặt.
Hoa anh đào và núi Phú Sĩ là mục đích chính của chuyến đi này mà. Hoa anh đào thì chúng tôi đã thấy, đã rờ, đã hôn ngửi và đã chụp hình khá nhiều trong 3 ngày qua ở Tokyo. Còn núi Phú Sĩ, chúng tôi chờ sắp được ngắm tận mắt đây sau khi cả đời chỉ biết qua sách vở và... Gú Gồ. Nào là nó đẹp như tranh vẽ với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ; nó sừng sững huy hoàng nguy nga ở độ cao 3.776 mét, nó nằm ở giữa một quần thể thiên nhiên kỳ vĩ với 5 hồ nước trong xanh như những viên ngọc bích và với những khu rừng già rậm rạp có nhiều động vật hoang dã tạo nên một cảnh trí thiên nhiên sơn thủy hữu tình huyền thoại...

H.2: Núi Phú Sĩ nhìn từ bờ hồ Yamanakako
Đây là một thành phố nhỏ nằm giữa hai hồ Kawaguchi và Yamanaka gần chân núi Phú Sĩ và được thành lập vào ngày 20 Tháng Ba 1951. Tính đến tháng 2 năm 2016, thành phố có dân số ước tính 50.426 người, mật độ dân số 414 người trên một km2. Tổng diện tích là 121,74 km vuông.
Fujiyoshida có độ cao đến 853 mét so với mực nước biển vì nó nằm ở chân núi Phú Sĩ và được xây dựng trên dòng dung nham cũ. Tại đây có đền thờ Thần đạo Kitaguchi Hongū Fuji Sengen Jinja dành riêng cho
các thần (kami) của núi Phú Sĩ, là điểm khởi đầu lịch sử cho khách hành hương leo núi, thực sự là cửa ngõ để lên núi Phú Sĩ. Ngôi đền có một bảo tàng lịch sử trưng bày cổ vật của dân địa phương như quần áo và các mẫu dệt may nổi tiếng của thành phố. Ở Nhật, Phật Giáo và
Thần Đạo gần như song hành; nơi đâu có đền Thần Đạo (shrine) thì cũng có chùa Phật Giáo (temple). Chùa Chureito ở Fujiyoshida được xây dựng trên một đỉnh đồi hướng về Núi Phú Sĩ.
Thành phố Fujiyoshida và các khu vực xung quanh Phú Sĩ Ngũ Hồ tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và một lịch sử liên quan đến núi Phú Sĩ hùng vĩ. Lái xe qua ngũ hồ, chúng tôi bắt gặp nhiều xe buýt chở du khách Trung Hoa cũng “đi hành hương” giáp vòng 5 hồ.

H.3: Anh Vũ, Yến Linh, Chiêu Ấn bên hồ Saiko.
Hồ Saiko chu vi 10,5 km cách hồ Kawaguchiko chỉ một cây số, ít phát triển, có thể do tầm nhìn núi Phú Sĩ bị các dãy núi khác che khuất,
ngoại trừ ở mũi phía tây của hồ. Hồ Saiko cũng là một nơi tốt cho các hoạt động ngoài trời như câu cá và chèo thuyền, có một số các địa
điểm trại nằm dọc theo bờ.
Phú Sĩ Ngũ Hồ (Fujigoko) là tên gọi chung của năm hồ nước ngọt lớn
ở chân núi Phú Sĩ, thuộc địa phận tỉnh Yamanashi. Năm hồ nước này xếp theo vị trí từ Tây sang Đông lần lượt là Motosu, Shōji, Sai, Kawaguchi, và Yamanaka. Cả năm hồ đều được hình thành do núi lửa Phú Sĩ hoạt động mà tạo ra. Phú Sĩ Ngũ Hồ là một phần của Công viên Quốc gia Fuji-Hakone-Izu.
Ba hồ Sai-ko, Motosu-ko, Shōji-ko nhiều khi được coi là một hồ do nước của chúng thông thương với nhau qua các mạch ngầm nên độ cao tuyệt đối của mặt hồ ở cả ba hồ bằng nhau và thường xuyên ở mức 901m.
Khi có mưa lớn, phía Đông của Shōji-ko sẽ xuất hiện một hồ nước nhỏ nữa tên là hồ Akaike với đường kính khoảng 50m. Lần xuất hiện gần đây nhất của Akaike là vào các năm 1998 và 2004. Vì thế có khi chúng còn được gọi là "Phú Sĩ Lục Hồ" để chỉ tất cả các hồ nói trên, hoặc gọi Akaike là hồ thứ sáu của Phú Sĩ Ngũ Hồ để chỉ riêng.
Năm hồ này được hình thành hàng trăm năm trước bởi những dòng dung nham xây đập ngăn sông qua nhiều vụ phun trào của núi Phú Sĩ. Điều thú vị là, ba của các hồ, Saiko, Shojiko và Motosuko vẫn đang kết nối với nhau bằng đường thủy ngầm và do đó duy trì mức độ bề mặt cùng 900 mét trên mực nước biển.

H.4: Chiêu Ấn bên bờ hồ Kawaguchiko là hồ cách xa núi Phú Sĩ nhất.
Vì đất vùng này vốn là dung nham núi lửa không thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp nên dân cư buộc phải dựa trên các hình thức khác của ngành công nghiệp. Nhờ đó mà khu vực Gunnai bao gồm Fujiyoshida đã phát triển thành một thánh địa dệt may sản xuất nổi
tiếng mà cho đến ngày nay vẫn còn được xem là hàng dệt may thuộc hạng có phẩm chất tốt nhất trên thế giới.
Fujiyoshida còn là nơi có nhiều điểm tham quan khác như công viên
vui chơi Arakurayama Sengen Park, Kaneyama Onsen, một khu du lịch
suối nước nóng hạng sang và nhiều lối mòn đi bộ đường dài. Fujiyoshida và các thành phố xung quanh Phú Sĩ Ngũ Hồ luôn có một cái gì đó để
cung cấp cho mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi sở thích.
Hồ Kawaguchiko có chu vi 10 km là hồ dễ dàng tiếp cận nhất và phát triển nhất của năm hồ với nhiều khách sạn lớn hiện đại và khách sạn
nhỏ (lữ quán) kiểu truyền thống Nhật (ryokan). Điểm tốt nhất nhìn lên núi Phú Sĩ là từ bờ phía Bắc, nhưng nói chung thì mọi điểm xung
quanh hồ đều nhìn thấy núi Phú Sĩ.

H.5: Ảnh chụp khi trời vừa tối ngày 2 tháng Tư cầu Ohashi bắt ngang eo nối hai bờ nam và bắc hồ Kawaguchi-ko. Đây là hồ duy nhất trong
5 hồ có cầu bắt qua.
Đầu phía Bắc của cầu Ohashi là bán đảo Ubugasaki. Theo truyền
thuyết thần thoại Nhật Bản, đây chính là nơi mà vị nữ thần của hoa anh đào là công chúa Konohana-Sakuya Hime đã sinh con. Chữ “sakura” (hoa anh đào) là do từ tên Sakuya của vị nữ thần này.
Ngày nay, nơi này được xem là nơi lý tưởng nhất để chụp một tấm
ảnh vừa có hồ nước, vừa có hoa anh đào và vừa có luôn núi Phú Sĩ
soi bóng nước. Người khiến cho nơi đây trở nên địa điểm lý tưởng
nhất để chụp hình núi Phú Sĩ chính là nhiếp ảnh gia Koyo Okada vì
ông là người đầu tiên đã chụp được bức hình như vậy hồi tháng Tư
năm 2014. Và tấm hình ông chụp đã được in lên tờ giấy bạc 1.000
yen của Nhật.
Muốn chụp được một tấm hình lý tưởng tuyệt vời như thế này chắc chúng tôi phải cắm dùi ở đó suốt thời gian có hoa anh đào nở và có
khi phải trở lại trong năm sau nữa.

H.6: Một con đò chiều.
Hồ Yamanakako với chu vi 13 km là hồ lớn nhất và nằm phía cực
đông của năm hồ. Hồ có tầm nhìn đẹp ra núi Phú Sĩ, đặc biệt là từ bờ phía bắc. Đây là hồ phát triển hàng thứ nhì sau hồ Kawaguchiko với
các thị trấn nhỏ ở mỗi đầu hồ và phổ biến với các hoạt động ngoài
trời như lướt gió và quần vợt.

H.7: Hoa mộc lan gợi nhớ hoa sứ nhà ai... Đối với những kẻ thích
chụp ảnh như chúng tôi, sương mù và mây xám không phải là một
vấn đề và trở ngại, miễn là có vừa đủ ánh sáng. Trái lại, chúng tôi
còn thích thú vì sương mù tạo cảm giác mơ hồ huyền ảo giúp cho
cảnh vật trong bức ảnh đượm chút chất thơ và lãng mạn.
Hồ Shojiko chu vi 2,5 km nhỏ nhất trong năm hồ, cách hồ Saiko năm cây số về phía tây, phát triển thưa thớt chỉ với một vài khách sạn dọc theo bờ phía bắc. Từ đây nhìn lên núi Phú Sĩ cũng tốt.
Hồ Motosuko chu vi 13 km cuối phía tây của năm hồ và du khách
đứng từ đó sẽ có tầm nhìn lý tưởng nhất lên núi Phú Sĩ như hình ở
mặt sau của tờ tiền mệnh giá một ngàn yen (¥1.000). Bờ hồ hầu như chưa phát triển ngoại trừ một vài khu cấm trại cho các hoạt động
thể thao ngoài trời và dưới nước phổ biến quanh hồ như lướt buồm
gió, chèo thuyền và câu cá. Có thể đó là chủ trương và chính sách
bảo tồn thiên nhiên của nhà nước. (Vần “ko” ở cuối mỗi tên của hồ
có nghĩa là… hồ).

H.8: Trong lúc vẫn còn trên đường săn tìm địa điểm lý tưởng để
ngắm núi Phú sĩ mà vẫn chưa thấy đâu, chúng tôi tình cờ tạt vào một công viên nhỏ cạnh viện bảo tàng Kawaguchi nằm trên bờ hồ cùng
tên. Công viên nhỏ chẳng có tên nhưng có một ao nước trong veo có
cả đàn cá koi bơi lội và nhất là có hoa anh đào và rặng núi bên kia
bờ hồ. Như vậy là đã hợp với sự mong đợi của chúng tôi. Thế là cả
bọn hăm hở mang đồ nghề ra mặc sức tha hồ chụp ảnh.

H.9: Một đôi tình nhân sinh viên đến bờ hồ bằng xe đạp. Họ đang
nắm tay nhau ngắm cảnh trời chiều bên cạnh một cây anh đào đầy
hoa đang mãn khai chưa rụng cánh nào. Cảnh thơ mộng lãng mạn
đó đã tạo nên niềm hứng khởi cho bốn tay chụp ảnh. Anh Vũ vốn là
tay chụp ảnh cưới chuyên nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm đã ngỏ ý chụp hình cho họ bằng máy ảnh của họ, sắp xếp dàn cảnh để bảo
đảm họ có được những bức ảnh kỷ niệm đẹp ưng ý.

H.10: Chiếc xe đa dụng Toyota ISIS, “con chiến mã” của nhóm săn
ảnh “The Viewdinders” đơn độc bên bờ hồ trong buổi chiều tà. Một chiếc xuồng vô chủ cũng đơn độc nằm trên bãi cát dung nham đen
đủi bên bờ lau sậy này. Cảnh trí đìu hiu hoang vắng khiến lòng người lữ khách không khỏi... nao nao vì chộp được góc cạnh đẹp ưng ý.
Tôi đứng đây ngắm cảnh mù sương
Núi chập chùng mây xám giăng buông
Một lần rồi thôi không trở lại
Cho lòng giữ mãi mối sầu vương...
Chiêu Ấn.

Đi Nhật Ngắm Hoa Anh Đào 
Tường thuật: Chiêu Ấn. Hình ảnh: The Viewfinders. nguyenthhoang@yahoo.ca 



Mục đích chính của chuyến đi này của chúng tôi chẳng gì khác hơn là được chứng kiến tận mắt mùa xuân Nhật, được trải nghiệm sống trong không khí “hanami”, lễ hội truyền thống ngắm hoa anh đào nở của nguời Nhật.

Suốt khoảng thời gian hơn hai tuần lễ ở Nhật từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4, chúng tôi may mắn nhìn thấy hoa anh đào ở khắp mọi nơi. Chúng tôi thuê và lái xe đi từ Tokyo đến Hiroshima, ghé các thành phố Nagoya, Kyoto, Nara, Osaka, Kobe, Himeji, Okayama, Fukuyama, thăm viếng hàng chục di tích văn hóa lịch sử được UNESCO công nhận gồm các lâu đài, chùa Phật Giáo, đền Thần Đạo và làng di sản truyền thống. 

Chúng tôi rời Nhật với thẻ nhớ máy ảnh chứa hàng ngàn hình ảnh và tâm trí chúng tôi đầy ắp những ấn tượng tốt đẹp về xứ hoa anh đào. Với tôi, có thể nói đây là một ước nguyện trong đời đã thành hiện thực.


H.1: Một cây hoa anh đào mọc dại rất thường thấy trên nước Nhật.

Nhà thơ, nhà tư tưởng Nhật Motoori Norinaga (1730-1801) từng nói "Nếu ai bảo tôi giải thích tinh thần Nhật Bản, tôi sẽ nói đó là hoa anh đào dại lóng lánh trong nắng mai!" (Nguyên bản bằng chữ Nhật của câu nói ấy đương nhiên tôi không hiểu. Tôi chỉ biết qua câu dịch Anh ngữ “If I were asked to explain the Japanese spirit, I would say it is wild cherry blossoms glowing in the morning sun!”) 

Hoa anh đào đối với người Nhật không chỉ là một loài hoa đẹp mà là một sự mê hoặc. Cả nước như lên cơn sốt, thường trực theo dõi sự thông báo của chuyên viên khí tượng tiên đoán hàng ngày xem khi nào hoa anh đào bắt đầu nở. 


H.2: Nhánh hoa anh đào nặng trĩu bởi những giọt mưa trong khuôn viên lâu đài Okayama.

Tôi nhận ra cảnh hoa anh đào rụng tan tác cũng mang một nét đẹp riêng. Những cánh hoa anh đào từ những cành cây thật cao rơi tơi tả và bay bay theo làn gió trông như một đàn bướm chấp cánh chập chờn lúc chúng tôi viếng thăm lâu đài Nijo ở Kyoto. Tôi cũng không quên cảnh những cánh hoa anh đào rụng điểm lốm đốm trên mặt những tảng đá và dán chặt trên mái ngói bờ tường lâu đài Okayama ở Hiroshima trong một ngày mưa. Và chúng tôi say sưa chụp ảnh. Hoa anh đào không héo úa trên cành cũng không rụng nguyên cả bông mà rụng từng cánh. Cánh hoa rụng như điểm trang cho nơi nó đáp lên, bất kể đó là đám cỏ, phiến đá, mái ngói hay một bức tượng đồng.

Một trong những nơi tốt nhất để xem hoa anh đào ở Tokyo chắc chắn là Shinjuku Gyoen, nơi có hơn một ngàn cây anh đào của cả hai giống nở sớm và nở  muộn, có nghĩa là mùa sakura ở đây kéo dài hơn ở những nơi khác trong thành phố. Chúng tôi đến đây chụp ảnh  ngày 31/3, là ngày thứ nhì chúng tôi có mặt ở Tokyo. Những nơi lý tưởng khác trong thành phố Tokyo để ngắm hoa anh đào gồm có Palace Gardens Imperial, Hamarikyu Gardens và Công viên Ueno là nơi chúng tôi chọn cho ngày thăm viếng đầu tiên theo lịch trình.


H.3: Một người mẫu mặc kimono đang bước theo người thợ chụp ảnh trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Nhật Bản có hơn 600 loại hoa anh đào khác nhau, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người. Một trong số loại hoa anh đào phổ biến được trồng nhiều nhất và được biết đến nhiều nhất là loại Someiyoshino vì loại này có hoa nở trước rồi lá mới mọc sau. Cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái hơn. Hơn nữa loại hoa này sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác. Từ thời kỳ Minh Trị (Meiji), loại này đã được trồng phổ biến trên khắp nước Nhật.
Một số loại hoa anh đào phổ biến khác là Bạch Sơn Yamasakura, loại hoa anh đào Hồng Sơn Oyamasakura, loại sakura mochi Oshimazakura, loại Edohigan, loại hoa anh đào Mao Sơn Kasumizakura,loại Someiyoshino, v.v.


H.4: 3 thiếu nữ mặc kimono dự lễ hội ngắm hoa anh đào (hanami) nơi lâu đài Himeji.

Đối với người Nhật, và cả nhiều người nước khác trên thế giới nữa, tham dự lễ hội ngắm hoa anh đào vào mùa xuân đã trở thành như một nghi thức nhằm duy trì truyền thống từ xưa. Họ cùng người thân bạn bè trải một tấm chăn dưới cội hoa, cùng vui đùa trò chuyện, vẽ tranh, cùng chia sẻ thức ăn và nhìn ngắm những cánh hoa mong manh thẹn thùng ửng hồng đong đưa trong gió thoảng và không thể thiếu màn chụp ảnh lưu niệm. Nhiều phụ nữ đi dự lễ hội “hanami” theo phong cách xưa, xúng xính trong những bộ lễ phục kimono lộng lẫy và bước đi với dáng dấp lúp xúp đầy nữ tính điệu đà. Lễ hội diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm dưới những đèn lồng treo lơ lửng và lung linh tỏa sáng.


H.5: Một nhánh hoa anh đào nghiêng mình soi bóng nước ở lâu đài Himeji.

Có truyền thuyết cho rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần Konohana-Sakuya-hime, một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử "Cổ sự ký" (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng tên Sakura bắt nguồn từ đó.
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự. Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tùy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Ở miền Nam Nhật ấm áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng Giêng, trong khi vùng Hokkaido phía Bắc Nhật Bản, hoa có thể nở vào tháng Năm. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hàng vài tháng trời. 

H.6: Chùm hoa anh đào trong Công Viên Quốc Gia gần Hoàng Cung Kyoto.

Mặc dù Sakura không được công nhận chính thức là quốc hoa nhưng được người dân Nhật yêu thích, nên thực tế nó tồn tại như biểu tượng là quốc hoa của nước Nhật. Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa có đời sống ngắn ngủi nên được các samurai rất yêu thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào). Cánh hoa anh đào rụng vẫn còn tươi nguyên, người võ sĩ đạo giữ vẹn tiết tháo và xem thường cái chết, có thể bỉnh thản hy sinh mạng sống cho lý tưởng, nhẹ nhàng ra đi như một cánh hoa anh đào rời cành về với đất.


H.7: NAG Yến Linh (hay khôi hài đính chánh tự gọi mình là "thua" guide thay vì tour guide) đang tạo dáng bên cành hoa anh đào trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Tọa lạc ngay gần ga Shinjuku, Shinjuku Gyoen là một trong số những công viên lớn và nổi tiếng nhất ở Tokyo. Những bãi cỏ rộng rãi uốn quanh con đường đi bộ và khung cảnh thanh bình đem đến cho du khách cảm giác thư thái, thoải mái.Shinjuku Gyoen có 3 khu vườn chính là vườn Anh, vườn Pháp và vườn truyền thống Nhật gồm có cả nhà thưởng trà và đặc biệt là có khu vườn được đặt tên Khu vườn Mẹ và Con. Mùa đẹp nhất ở đây là vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là mùa hoa anh đào nở rộ. Vào dịp này không chỉ người Nhật mà đông đảo du khách từ các nơi đến ngắm hoa anh đào cùng với picnic ăn uống trên thảm cỏ.


H.8: NAG Khánh Lượng bên một cây hoa anh đào thuộc hàng cổ thụ trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Càng ngày cây hoa anh đào càng được trồng tại nhiều quốc gia trên thế giới hơn nhưng không ở đâu hoa anh đào có thể đẹp như ở khung cảnh đất nước Nhật Bản. 

H.9: NAG Anh Vũ đứng trước Chùa 5 Tầng trên đảo Miyajima gần Hiroshima.

Theo thống kê của Tổ Chức Du Lịch Quốc Gia Nhật Bản, năm 2015 có 19.73 triệu du khách ngoại quốc đến thăm nước Nhật và đã mang lại một số ngoại tệ tương đương với hơn 32 tỷ Mỹ kim, nhiều nhất là từ Trung Hoa, Đài Loan, Hương Cảng. Trong lúc viếng Kim Các Tự ở Kyoto, tôi thấy có vài tốp du khách từ Việt Nam. Số lượng du khách tới Nhật đông nhất là vào mùa lễ hội thưởng ngoạn hoa anh đào (hanami).

Lễ hội này bắt nguồn từ xa xưa. Đối với người Nhật thời xưa, hoa anh đào có tầm quan trọng rất lớn bởi vì nó báo hiệu mùa trồng lúa. Người Nhật thực hành Thần Đạo tin tưởng mọi vật trong trời đất đều có một vị thần linh và có linh hồn. Với họ, có mối liên hệ mật thiết giữa hoa anh đào và gạo. Đó là ý nghĩa mà người Nhật thường uống rượu gạo “sake” trong lúc thưởng ngoạn “sakura”. Điều này phát triển thành truyền thống của lễ hội thưởng ngoạn hoa anh đào (hanami), một dịp của yến tiệc, ăn bánh gạo và uống rượu gạo.

Vào dịp lễ hội Hanami, người Nhật thường tụ tập dưới những tán cây hoa anh đào nở rộ, tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau ca hát cả ngày lẫn đêm. Hình ảnh những thiếu nữ Nhật Bản trong chiếc áo kimono truyền thống dưới những tán hoa anh đào là một dấu ấn đậm nét cho lễ hội ngắm hoa Hanami đặc biệt của xứ sở hoa anh đào.

Nhóm chúng tôi cũng có một bữa ăn trưa trong công viên bằng thức ăn làm sẵn mua ở tiệm, nhưng không có rượu gạo sake mà cũng không có bánh gạo mochi. Vì vậy cho nên chắc không thể nói chúng tôi đã thực hiện một “hanami” đúng cách.


H.10: Chiêu Ấn bên hàng cây hoa anh đào đỏ tình cờ nhìn thấy trong lúc dong ruỗi dọc đường gió bụi.

Bài dân ca "Sakura Sakura" của Nhật miêu tả mùa hoa anh đào nở có nguồn gốc từ thời kỳ Edo và được dùng làm nhạc hiệu mở đầu cho "Tuyển tập các bản nhạc đàn Koto Nhật Bản" của sinh viên học viện âm nhạc Tokyo do Bộ Giáo Dục phát hành năm 1888. Bài hát này được phổ biến vào thời kỳ Minh Trị và thường đại diện cho Nhật Bản trong những dịp trình diễn giao lưu âm nhạc quốc tế. Riêng tôi chỉ quen với bài Mùa Hoa Anh Đào của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Thời gian ở Nhật, có những buổi sáng tôi thức dậy sớm. Nơi phòng khách sạn từ tầng thứ tám, trong lúc chờ đợi các bạn tôi ở các phòng bên thức dậy, tôi dõi mắt nhìn ra cửa sổ ngắm hàng cây hoa anh đào trồng dọc theo bờ sông. Hay từ cửa sổ khách sạn ở một thành phố khác, tôi nhìn cảnh mặt trời lên sau rặng núi xa xa để mà thả hồn mơ mộng. 
Đến Nhật ngắm hoa anh đào
Tôi đã thấy hoa anh đào bừng nở
Khắp nơi nơi trên xứ sở anh đào 
Chốn Phật đài hoa phủ dáng thanh tao
Nơi thiền viện tựa thiên thai dẫn lối.
Khi chiều xuống hoa tươi trên triền núi
Bên bờ hồ hoa thắm buổi ban mai
Đẫm mưa sương tựa tường vách lâu đài
Tuyệt vời quá hoa anh đào nước Nhật.
Chiêu Ấn.
PH-HCA
Hoa anh đào hay hoa mơ?
Bài viết: Chiêu Ấn. Hình ảnh: The Viewfinders 


Trong chuyến đi Nhật 19 ngày vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư năm 2016 vừa qua, chúng tôi nhìn thấy ở vài nơi trong công viên hoặc vùng quê cây mơ ta tức mơ Nhật Bản (đôi khi còn được gọi là mận, từ Hán Việt là mai) trồng bên cạnh những cây anh đào. Vốn dốt môn vạn vật, tôi vẫn hay nhầm lẫn giữa hai loại hoa này, không chắc “cô” nào là anh đào và “cô” nào là mơ ta hay mận. Tôi chỉ nghe nói hoa mơ ta kết thành trái mơ ta (plum) có hình dáng giống như trái mơ tây (apricot); còn hoa anh đào ở Nhật không phải loại nào cũng kết trái anh đào (cherry) cho người ta hái ăn.


Hầu hết các loại anh đào Nhật là anh đào kiểng chỉ ra trái nhỏ xíu được các loài chim chiếu cố ăn hết. Chỉ có một số nông trại ở vùng Yamagata cách Tokyo hơn hai trăm cây số về  hướng đông bắc trồng cây anh đào thương mại để hái trái cung cấp khoảng 70% cho thị trường tiêu thụ quả anh đào ở Nhật. Trái cây ở Nhật nói chung rất đắt vì nước Nhật thiếu đất canh tác cho nông nghiệp. 
Theo một trang nhà quảng cáo của Nhật, các vườn “cherry” ở vùng Yamagata cũng cung cấp cho khách hàng cái thú vào vườn “tự hái tự ăn” (pick-your-own) với giá tương đương khoảng 25 Mỹ kim một người trong giới hạn nửa giờ. Hay là mình gọi đó là “cherry buffet” được không? Đó là chưa kể quả anh đào (mà dường như ngày nay ngay cả người Việt mình trong nước ai ai cũng gọi đó là “cherry”) ở Nhật là loại màu đỏ nhạt với vị ngọt vừa phải,  không thể so bằng loại “bing cherry” của Mỹ to trái hơn và giòn ngọt hơn mà lại rẻ hơn.


Người Nhật gọi mơ là “ume”. Mơ Nhật nguyên thuỷ du nhập từ Trung Hoa từ thuở xa xưa, đã từng đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Nhưng sự phổ biến của hoa mơ cuối cùng đã bị hoa anh đào vượt qua. Dù sao người Nhật vẫn khoái ăn món mơ muối đề cập ở phần sau của bài viết. 
Hoa mơ có màu sắc, cấu trúc hình dáng năm cánh giống như hoa anh đào đến mức độ khó phân biệt nên dễ gây nhầm lẫn ngay cả đối với một số người Nhật (và cả bọn tôi nữa cũng đã từng lầm). 
Trước đây tôi cũng thờ ơ không để ý sự khác biệt giữa hoa mận và hoa anh đào cho lắm. Tất nhiên “sakura” (hoa anh đào) và “ume” (hoa mơ, hay chính xác hơn, mơ Nhật Bản) mãn khai vào những thời điểm khác nhau. Hoa mận thường nở sớm hơn hoa anh đào mấy tuần lễ nhưng dĩ nhiên đôi khi cũng có sự trùng hợp khi hoa mận nở trễ và hoa anh đào nở sớm. Trong thời gian ở Nhật, tôi vẫn thấy một số hoa mận vẫn còn trên cây và đã có những cây anh đào có hoa háo hức nở sớm. Vì vậy không phải dễ gì để tôi khỏi nhận diện nhầm mơ với anh đào. Với tôi, hoa mơ, hoa anh đào hay hoa táo gì cũng được miễn là đẹp thì tôi cứ chụp hình. 



Dù sao, tôi cũng tò mò lướt Net để lục lạo xem làm thế nào phân biệt hai loài hoa đẹp như chị em sinh đôi đó. Sau đây là 8 sự khác biệt được ghi nhận.
- Hương thơm. Hoa anh đào có một tí xíu mùi thơm mờ nhạt thanh thoát thoang thoảng. Hoa mận có mùi thảo mộc nồng hơn. Nếu bạn phân vân chưa biết đây là mận hay đào thì bạn hãy dùng mũi để xác định là chắc ăn. 
- Nụ hoa. Nụ hoa mận tròn, mỗi nụ một hoa. Nụ hoa anh đào thon dài, mỗi nụ mang một chùm hoa.
- Cánh hoa. Cánh hoa mận tròn, liền nhau; cánh hoa anh đào hình bầu dục, đầu mỗi cánh có một khuyết lõm.
- Cuống hoa. Hoa anh đào có cuống dài; hoa mận cuống ngắn gần như sát vào cành.
- Vỏ thân cây. Thân cây anh đào có vỏ màu xám với những vệt vằn (lenticels) theo chiều ngang trên thân cây. Cây mận có vỏ màu đen, thân cây không có vằn.
- Lá cây. Lá cây mận có màu xanh hoặc tím, cuộn lại khi khô. Lá cây anh đào có màu xanh hoặc màu đồng, gấp lại khi khô.
- Hình dáng của cây. Nhìn từ xa, cây mận có hình tròn hoặc hình bầu dục, trong khi cây anh đào có hình dáng giống cây dù hơn.
- Màu sắc. Có hơn 54 loại hoa anh đào. Hoa có thể có màu hồng từ trắng nhạt đến hồng đậm, vàng và đỏ. Hoa mận chỉ trắng hoặc hồng.



Không phân biệt được sự khác nhau giữa hoa anh đào và hoa mơ như tôi kể ra cũng là chuyện bình thường. Chỉ nội tên gọi thôi cũng đã lộn xộn. Mơ tây "apricot", mơ ta/mận "plum", đào lông hay đào nhung "peach" (có lớp lông mịn như nhung), đào trơn hay đào láng "nectarine" (tên văn vẻ là xuân đào), hạnh nhân "almond", anh đào "cherry", táo thường "apple", táo dại "crabapple", lê "pear" đều là những cây cùng họ hàng với nhau cả nên có hoa tương tựa nhau. Chính vì vậy mà những nhà thực vật học, những chuyên gia trồng cây ăn trái không ngừng tìm cách ghép cây (một hình thức cưỡng ép hôn nhân thảo mộc đó) để tạo ra giống cây mới. Ngày nay đã có những loại hoa quả “hybrid” (tiếng Việt gọi là “lai tạo” hoặc “nhân giống tạp giao”, nghe khó hiểu còn hơn tiếng ngoại quốc).
Từ lâu, các nhà vườn ở Mỹ đã ghép thành công mơ ta/mận (plum) với mơ tây (apricot) để có các loại quả mới có tên là Plumcots, Apriplums, Pluots và Apriums tùy theo mức độ và tỷ lệ thành phần pha trộn. Xin bạn đừng hỏi tôi tên Việt của mấy loại trái cây lai này vì thật tình tôi  chưa nghe nói bao giờ. Lá la là...



Gần đây ở Modesto California, người ta cũng đã ghép thành công mơ ta/mận (plum) và anh đào (cherry) với mục đích tạo ra một loại quả anh đào vừa ngon ngọt vừa to như quả mơ. Năm 2012, loại quả “lai tạo” này với tên gọi “Verry Cherry Plums” được mang ra giới thiệu chào hàng với công chúng và được hưởng ứng nồng nhiệt.  Một nhà vườn khác ở Fresno California tiếp đó cũng ra mắt loại quả nhân giống giữa mơ ta/mận và anh đào với tên là “Pixie Sweet”. Tên “Pixie” được đặt theo lối chơi chữ “P x C” viết tắt của “Plum x Cherry”.
Rồi đây nếu có dịp nào nhìn hoa của loại cây “hybrid” này, tôi không còn phải thắc mắc sợ mình xác định sai nữa vì quả thực trong trường hợp này, mơ hay anh đào thì cũng là một thôi.


Theo Bách Khoa từ điển mở Wikipedia, tại Trung Hoa lục địa có trên 300 giống cây trồng được công nhận cho loài mơ này. Chúng có thể được phân chia theo màu sắc thành các kiểu trắng, hồng, đỏ, tía, lục nhạt. Một vài thứ khá nổi tiếng vì các giá trị làm cây cảnh của chúng, ví dụ như Đại hồng mai, Chiếu thủy mai, Lục ngạc mai, Long du mai. Do mơ (mai) có thể sinh tồn trong một thời gian dài nên có rất nhiều cây mai cổ thụ ở khắp Trung Quốc. Người Trung Hoa phân loại mơ theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau: dã mai và gia mai, thực dụng mai và thưởng dụng mai, chân mai (mai thật sự) và hạnh mai (các dạng lai ghép với cây hạnh, tức mơ châu Âu), trực chi mai (mơ cành thẳng), thùy chi mai (mơ cành rủ) và long du mai (mơ rồng lượn). 
Tại Nhật Bản, các giống mơ cảnh được phân loại thành các kiểu “yabai” (dã mai, nghĩa là mơ dại), “hibai” (hồng mai "mơ đỏ") và “bungo” (tên tỉnh Bungo). Kiểu “bungo” cũng được trồng để lấy quả và có lẽ là loại cây lai ghép giữa mơ ta và mơ châu Âu. Kiểu “hibai” có gỗ lõi màu đỏ và phần lớn có hoa màu đỏ. Kiểu “yabai” còn được sử dụng cho mục đích làm gốc ghép trong trồng trọt.



Trong 19 ngày ở Nhật, nhiều lần dùng bữa ăn trưa và ăn tối, chúng tôi được biết tới món “umeboshi” hay mơ ngâm muối, một đặc sản của người Nhật. Được tạo hương vị bằng muối với lá shiso (tía tô), nó có vị khá chua và mặn, và vì thế chỉ nên ăn một cách vừa đủ. Umeboshi nói chung được ăn với cơm như là một phần của “bento” (cơm hộp). 
Người Nhật được làm umeboshi bằng cách đem quả mơ chín phơi héo rồi ngâm lâu ngày với thật nhiều muối. Đây là một món ăn có rất nhiều chất chống oxi hóa, rất tốt cho sức khỏe. Chính vì điều này mà mơ muối đã trở thành một món được ưa chuộng trong thực đơn của người Nhật vì họ luôn chú trọng tới sức khỏe. Chất chua mặn của quả dưa được tin là giúp cho khả năng tiêu hóa của thức ăn trong khi ăn uống. Theo y học cổ truyền Nhật Bản, món mơ muối có tác dụng ngăn ngừa các căn bệnh mùa lạnh như ho, sổ mũi, thải độc tố và giã rượu. 


Các nhà khoa học tìm được nhiều điều thú vị về mơ muối. Những lợi ích của nó không còn nghi ngờ gì và được chứng minh ngay cả bằng phương pháp khoa học. Nhiều khoa sinh hoá đã khám phá ra các tác dụng được tính của nó, nhưng còn nhiều hữu dụng của mơ muối mà cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được. Người Nhật xưa tuy không hề hiểu biết về tính sinh hoá và thành phần hoá học của mơ nhưng họ đã thành công trong việc chuyển biến một loại trái cây thành một món ăn bổ dưỡng.
Nơi nổi tiếng về làm umeboshi ở Nhật Bản là miền trung tỉnh Wakayama, một địa phương gọi là Minabe. Món umeboshi theo truyền thống phải được làm từ những quả mận chín. Vào từ khoảng đầu tháng sáu đến giữa tháng bảy, khi mùa xuân nhường chỗ cho hè tới, hầu khắp đất nước Nhật Bản đều bước vào một giai đoạn thời tiết ẩm ướt mưa nhiều gọi là tsuyu hoặc baiyu (từ chữ Hán “mai vũ” vì người Trung Hoa gọi mơ là mai và có nghĩa là hoa mơ rụng như mưa). Đó là lúc những cây mơ trĩu trái chín, người Nhật hái chúng và làm mơ muối. 
Người Nhật thường nói rằng họ còn có thể tồn tại chừng nào còn một trái mơ muối và một bát cơm. Trái mơ muối đỏ đặt giữa bát cơm trắng gợi hình ảnh lá quốc kỳ Nhật.



Trong ẩm thực Trung Hoa, mơ ngâm giấm và muối gọi là toan mai tử, và nó có vị chua và mặn tương tự như umeboshi. Thoại mai là tên gọi để chỉ chung một số loại thực phẩm của người Trung Quốc trong đó có mơ ngâm với đường, muối và một số loại thảo dược khác như cam thảo. Nói chung có hai dạng thoại mai: dạng muối khô và dạng ngâm giấm. Tuy nhiên, hương vị và cách chế biến thì có sự khác biệt lớn giữa các khu vực.



Trong ẩm thực Việt Nam, dạng mơ khô tương tự như vậy gọi là ô mai hay xí muội, một món mà thanh thiếu niên rất thích, đặc biệt là nữ giới (sách vở viết vậy tôi ghi ra vậy chớ tôi không có ý bảo các bà các cô hay ăn quà vặt). Có lẽ ô mai gắn liền với thiếu nữ nên có nhà văn Duyên Anh viết truyện dài Lứa Tuổi Thích Ô Mai phát hành năm 1970 ở Sài Gòn thu hút nhiều đọc giả con gái tuổi dậy thì. Còn hai chữ "xí muội" dường như bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Quảng Đông của từ "toan mai" (mơ chua).
Chờ xem, có khi sau này các cô tuổi “xì-tin” tương lai ở Á Đông sẽ có thêm một món quà vặt mới là “ô mai se-ri”, nghe cứ tưởng là một câu tiếng Anh tiếng Mỹ!

Ủa mà các bạn xem xong mười tấm hình trong bài này, các bạn có phân biệt được "cô" nào là mơ/mai, "cô" nào là anh đào không vậy? :)

Chiêu Ấn.

Du lịch nước Nhật bằng xe
Tường trình: Chiêu Ấn. Hình ảnh: The Viewfinders
Chuyến đi Nhật bằng xe thuê của chúng tôi tuy tốn kém nhưng thoải mái và thú vị. Thoải mái vì chúng tôi có sự tự do và riêng tư, vừa lái xe vừa trò chuyện hoặc hát hò cười đùa thỏa thích. Tốn kém vì tiền thuê xe trong 14 ngày khá đắt cộng với tiền xăng và tiền toll khi dùng xa lộ. Vì đã định trước là sẽ đi thăm viếng nhiều thành phố và ghé nhiều nơi ở vùng xa xôi trong khi hành lý mang theo thì lỉnh kỉnh cho đủ dùng trong 19 ngày, chúng tôi đồng ý thuê xe. Trước khi đi, chúng tôi đã đến văn phòng Hội Xe Cộ Canada (CAA) lấy bằng lái xe quốc tế để dùng ở Nhật. Nếu không có bằng này thì chúng tôi không thể thuê xe.
Sau khi ở Tokyo 3 ngày đi thăm viếng các nơi bằng các phương tiện xe điện ngầm, xe buýt và xe taxi, chúng tôi tới điểm hẹn nhận xe đã đặt thuê trước để tự túc lái đi các thành phố khác. Chiếc xe chúng tôi thuê là chiếc Toyota ISIS đời năm 2015. Toyota ISIS là loại xe đa dụng (MPV) 7 chỗ ngồi chỉ được sản xuất và lưu hành ở Nhật và Tân Gia Ba.
 H.1: Nhóm bạn ảnh “The Viewfindwers” với chiếc Toyota ISIS.

 
H.2: Chiếc xe Toyota ISIS

Lần đầu tiên nhìn thấy tên loại xe này, tôi không khỏi nghĩ ngay đến ISIS, viết tắt của Iraq Syria Islamic State, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria. Tôi lấy làm thắc mắc về lý do nào mà Toyota lại chọn cái tên “nhạy cảm” này. Sau khi tìm hiểu qua bác Gú Gồ, tôi mới biết Toyota ISIS chẳng dính dáng gì tới tổ chức khủng bố ISIS. Toyota ISIS chào đời từ năm 2004 trước khi nhóm khủng bố ISIS được thành lập. Hiệu xe ISIS của Toyota không phải là một chữ viết tắt mà là tên của một vị nữ thần Ai Cập cổ đại biểu tượng của sức khỏe, khả năng sinh sản và sự khôn ngoan. Hơn nữa, tổ chức Hồi Giáo khủng bố ISIS có tha mạng cho con tin người Nhật đâu. Đầu năm ngoái 2015, chúng vẫn chặt đầu hai phóng viên Nhật Haruna Yukawa và Kenji Goto như thường, mặc dù chúng rất thích dùng xe hiệu Toyota.
 
H.3: Tài xế phụ Chiêu Ấn
Ngoài chiếc Toyota ISIS mới thấy lần đầu, ở Nhật chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều kiểu xe lạ khác không thấy có ở Bắc Mỹ. Những xe này có kiểu dáng nhỏ gọn và hẹp bề ngang rất thích hợp với đường phố nhỏ hẹp nên được ưa chuộng trong nội địa nước Nhật. Đặc biệt bên cạnh các hiệu xe Toyota, Honda, Nissan, Mazda quen thuộc, chúng tôi thấy xe hiệu Daihatsu và Isuzu rất thông dụng ở Nhật nhưng không thấy ở Bắc Mỹ.
Nhật quả là một nước giàu vì hầu hết xe cộ chạy ngoài đường đều thuộc đời mới trông rất tươm tất sạch bóng, kể cả những chiếc xe hàng cồng kềnh trông cũng sáng choang. Tôi tự hỏi tất cả những chiếc xe cũ biến đi đâu hết cả rồi vì chúng vắng mặt ngay cả ở những vùng quê.
À... thì ra tại vì Nhật tống khứ xe cũ ra các nước khác. Mặc dù chi phí vận chuyển xuất cảng xe không rẻ nhưng dịch vụ bán xe cũ cho các nước khác vẫn có lời. Hơn nữa, thị trường nước ngoài vẫn chuộng mua xe cũ của Nhật. Với họ, xe cũ 6 năm của Nhật thì vẫn còn trong tình trạng tốt và mới chán vì người Nhật vốn rất coi trọng phẩm chất.   
Hạn đổi xe mới trung bình ở Nhật là 6 năm. Luật kiểm tra an toàn xe cộ, quy định bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn kiểm tra khí thải ở Nhật rất nghiêm ngặt. Chi phí bảo trì xe, kiểm tra xe định kỳ bắt buộc lại rất đắt đỏ. 
Dữ kiện được ghi nhận là có 1,4 triệu xe cũ của Nhật xuất cảng trong năm 2006.
 
H.4: Dừng lại bên đường ng ắm cảnh đẹp.

Nhờ đi bằng xe riêng, chúng tôi tự do tha hồ, dọc đường cứ thấy cảnh trí đẹp mắt thì chúng tôi dừng lại chụp hình. Cảnh đẹp và hoa anh đào ở Nhật hầu như khắp nơi, nhất là vùng núi.
 
H.5: Một phần của dãy núi Alps Nhật Bản

Lái xe đi suốt nhiều nơi giữa Tokyo và Hiroshima ở Nhật, chúng tôi thấy núi trùng trùng điệp điệp. Trước chuyến đi này, tôi không biết là Nhật cũng có vùng núi được so sánh với dãy núi Alps ở châu Âu và được gọi là “Nihon Arupusu” (Japanese Alps). 
Đây là tên gọi chung cho ba dãy núi ở vùng Chubu trên đảo Honshu của Nhật Bản. Ba dãy núi đó là Hida (Alps Bắc), Kiso (Alps Giữa) và Akaishi (Alps Nam).
Sau khi thám hiểm các dãy núi này do chính phủ Nhật mời làm việc trong suốt 16 năm, kỹ sư khai mỏ người Anh William Gowland (1842-1922) thấy vùng này có khí hậu giống như ở dãy núi Alps nên ông gọi chúng là Japanese Alps (Alps Nhật Bản). Ông được người Nhật xem là cha đẻ ngành khảo cổ Nhật Bản. 
Nhà Nhật Bản học Basil Hall Chamberlain (1850-1935) đã có công chính thức hóa tên gọi này khi đưa nó vào tác phẩm của mình. 
Nhà truyền giáo Walter Weston (1861-1940) đã làm cho tên gọi này phổ biến khắp thế giới. 
Kojima Katsumizu là người đã phân Alps Nhật Bản thành Alps Bắc, Alps Trung tâm và Alps Nam.
Trên Alps Nhật Bản có một số đỉnh núi cao trên 3000m như đỉnh Hotaka (3190m), đỉnh Kita (3193m), và đỉnh Ontake (3067m)- một núi lửa còn hoạt động. Cao nguyên Kamikochi nằm cạnh núi Hotaka trên dãy Kita là một khu du lịch có khí hậu alps nổi tiếng. Sườn phía Nam của Alps Nhật Bản dù có ít sông suối, nhưng vì độ cao thấp hơn, nên có nhiều rừng, hệ thực vật núi cao rất phong phú.
 
H.6: Đường hầm lại nối đường hầm

Vì chạy xe trên xa lộ xuyên qua vùng núi non, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy vừa ra khỏi đường hầm này thì lại chui vào một đường hầm khác, không biết bao nhiêu lần. Những đường hầm dài hằng nhiều cây số sáng choang ánh đèn. (Người Nhật gọi đường hầm là “tonneru”, phiên âm của chữ Anh ngữ “tunnel”).

 
H.7: Mây phủ đầy trời cũng đẹp đáng để chụp hình

Nhờ đi bằng xe riêng, chúng tôi tự do tha hồ, dọc đường cứ thấy cảnh trí đẹp mắt thì chúng tôi dừng lại chụp hình. Cảnh đẹp và hoa anh đào ở Nhật hầu như khắp nơi, nhất là vùng núi.
Nhiều lần chúng tôi cứ quên là tay lái xe Nhật bên mặt và chiều lưu thông bên trái nên hay mở cửa xe lộn bên và quẹo lộn chiều lưu thông khiến cho bạn đồng hành ngồi trên xe la oai oái.
Giới hạn tốc độ ở Nhật cũng tương tự như ở Canada. Trên xa lộ quốc gia, giới hạn này là 90km/giờ; trên đường nhỏ hơn là 60km/giờ. Tôi nhận thấy điều khác biệt là ở Canada phần nhiều người lái xe ai cũng chạy nhanh hơn tốc độ tối đa từ 10 đến 20km cũng chẳng sao. Còn ở Nhật, mặc dù tôi chẳng thấy bóng dáng một ông bà cảnh sát nào nhưng tài xế xe nào cũng chạy đúng tốc độ ấn định.
Một điều đáng ngạc nhiên và thán phục là suốt 14 ngày lái xe tổng cộng khoảng đường hơn 2.800 km, chúng tôi chẳng thấy một tai nạn giao thông nào.
 
H.8: Nghĩa trang lạnh lùng

Chúng tôi từng đi lạc đến những xóm xa xôi hẻo lánh chỉ có mươi căn nhà nhỏ cheo leo trên sườn núi, vậy mà cũng chẳng thấy bóng dáng một chiếc xe phế thải nào như vùng quê ở Bắc Mỹ. Nghĩa địa xe đâu không thấy, chúng tôi chỉ thấy nghĩa địa của người thường hiện hữu ở trên vùng núi hoang vu vắng vẻ. Nếu không tình cờ đi lạc thì chúng tôi sẽ chẳng biết nghĩa địa của người Nhật nó như thế nào.
Quả thật người Nhật làm chuyện gì cũng chu đáo, kể cả mồ mả giữa núi rừng trông cũng đẹp mắt, ít nhất là đối với những kẻ thích săn ảnh như bọn tôi. Tuy quanh đây chẳng thấy một bóng người nhưng các ngôi mộ bằng đá cẩm thạch hoặc đá hoa cương có bia tượng chạm khắc tinh xảo đều được chăm sóc sạch sẽ tươm tất, có hoa vải và cả hoa tươi. Người Nhật có đời sống tâm linh phong phú, tin tưởng mọi vật mọi nơi đâu đâu cũng có linh hồn hiện diện.
 
Hình 9: Hoa dại bên đường dốc lên núi.

Đường vùng núi rất quanh co với những cua quẹo gắt mà hai chiều lưu thông không thể trông thấy nhau. Những nơi đó đều có gắn gương tròn để người lái xe có thể nhìn thấy chiều ngược lại. 
Người Nhật có nhiều sáng kiến và phát minh đáng kinh ngạc và thán phục. Để bảo đảm sự an toàn lưu thông tối đa, tại những khúc xa lộ đang được sửa chữa luôn luôn có nhiều nhân viên hướng dẫn và nhiều bảng, chóp trụ (traffic cones), hình nộm biết cử động cảnh báo bằng đèn. Điều đáng nói ở đây là những bảng trụ cảnh báo này mang nhiều hình dạng bắt mắt rất thích thú với đèn quang phổ nhiều màu chói sáng nhấp nháy, xoay tròn, nhảy múa lăng xăng. Chúng vừa gợi sự chú ý của người lái xe vừa tạo được sự giải trí thoải mái.
 
H.10: Hoa anh đào hoang

Suốt 14 ngày dùng chiếc xe thuê Toyota ISIS, chúng tôi bị nó “khủng bố” duy nhất một lần. Sáng sớm hôm ấy chúng tôi gởi xe ở bãi đậu xe ở bến phà xong rồi đáp phà đi ra đảo Miyajima cách thành phố Hiroshima 20 km. Chúng tôi mải mê nán lại trên đảo để chụp hình cảnh màn đêm buông xuống trên cổng đền Itsukushima khi thủy triều dâng. Sau khi đã mãn nguyện “cái dục vọng chụp hình điên cuồng”, chúng tôi vội vã lê đôi chân yếu đã mỏi mệt để bắt kịp chuyến phà cuối thưa người. Bãi đậu xe ở bến phà chỉ còn lại lèo tèo có mấy chiếc xe. Bốn đứa leo lên xe, tài xế bấm nút (xe tự động không cần chìa khóa công tắc), xe không nổ máy!
Thôi rồi! Biết làm sao đây? Lúc bấy giờ trời lại đổ mưa lạnh lẽo, chúng tôi thì mệt mỏi và đói bụng. Hai thành viên trẻ trong nhóm là Yến Linh và Anh Vũ đội mưa chạy đi kêu cứu, phát tay vẫy chận một chiếc xe đang sắp rời bãi đậu xe. Đó là một cặp tình nhân trẻ biết nói tiếng Anh chút ít nhưng rất vui vẻ sốt sắng. Yến Linh đưa khế ước thuê xe cho họ xem và họ liền dùng điện thoại cầm tay gọi liên lạc ngay. Anh Vũ thì chạy đi gọi nhân viên bến phà để nhờ họ câu dây sạc bình điện. Mọi mưu toan cầu cứu không thành, cuối cùng cặp ân nhân người Nhật giúp chúng tôi gọi JAF (Japan Automobile Federation), tương tựa như AAA ở Mỹ hoặc CAA ở Canada.
Mươi phút sau, xe của JAF tới. Anh nhân viên mặc đồng phục màu cam nhanh nhẹn xem xét bắt mạch chiếc xe và tìm ra ngay chứng bịnh ở đèn trần xe. Thêm mươi phút chữa trị nữa, chiếc xe Toyota ISIS hoạt động bình thường trở lại. Phí tổn là 11,280 yen, khoảng hơn 100 Mỹ kim.
Chúng tôi định bày tỏ lòng biết ơn đối với đôi tình nhân Nhật thì họ đã lặng lẽ rời đi sau khi thấy xe JAF đã đến giúp. Ôi hoa anh đào, chúng tôi yêu thích nó như yêu thích những tính chất đáng quý của người Nhật vậy.
PH-HCA

Nhận xét