VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/6/2014
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mở đầu phiên họp bằng cách giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách ông mới có. Lần này hai cuốn sách ông giới thiệu là một cuốn mới và một cuốn hơi cũ vì được xuất bản 52 năm trước. Cuốn sách mới mang tựa đề là “Marian Tkachev người bạn tài hoa và chí tình” và của hai tác giả Thúy Toàn và Phạm Vĩnh Cư, khổ 16x24 cm, dày 630 trang, do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2012. Đây là một cuốn sách nói về một Nhà văn - Dịch giả người Nga rất gắn bó với văn học Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Ông là người có hàng mấy chục bản dịch các tác phẩm cổ điển cũng như hiện đại của Việt Nam đã được in thành sách bằng tiếng Nga. Đồng thời, ông cũng là bạn và đã đi lại, thư từ với rất nhiều các nhà văn Việt Nam như quý ông Nguyễn Tuân, Trần Thanh Mại, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài v.v. Cuốn sách là một dạng tiểu sử văn học với rất nhiều chi tiết lý thú, thư từ, hình ảnh về người bạn tài hoa người Nga nay. Cuốn sách được in ấn rất đẹp và được đồng tác giả Thúy Toàn gửi từ Hà Nội vào với lời đề tặng Dịch giả Vũ Anh Tuấn, và ông Tuấn muốn giới thiệu cuốn sách vì một trong hai tác giả, Nhà văn Dịch giả Thúy Toàn cũng là người từ trên một năm nay tháng nào cũng có bài trên Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay. Cuốn sách thứ nhì, hơi cũ, vì được xuất bản 52 năm trước, là một cuốn sách bằng Pháp văn mang tựa đề là “BALZAC” vì là cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của Đại văn hào Honoré de Balzac của Pháp. Cuốn sách khổ 16x24cm, dày 296 trang, với thật nhiều hình ảnh minh họa cực đẹp, được in năm 1962. Dịch giả Vũ Anh Tuấn muốn giới thiệu cuốn sách này với các thành viên vì hai lý do. Lý do thứ nhất là đây là một điển hình về loại sách đẹp của Pháp, vì cuốn sách được in bằng giấy dày và cực đẹp, bìa thì được làm bằng da heo, với hàng trăm minh họa, hình ảnh, và nhiều phụ bản bằng màu. Ngoài ra cuốn sách còn được để trong một cái hộp bằng bìa thật dầy và cứng, che phủ toàn cuốn sách chỉ để hở gáy, bảo vệ cuốn sách một cách tối đa. Các thành viên rất nên được thấy cuốn sách để biết về một loại sách đẹp mà không biết bao giờ chúng ta mới có thể làm được như vậy. Lý do thứ hai là Đại văn hào Honoré de Balzac (1799-1850) là một nhà văn mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn mê thích từ bé và đã đọc rất nhiều tác phẩm trong bộ Tấn Tuồng Đời (La Comédie humaine) vĩ đại của ông. Có thể nói mỗi con người trong chúng ta, chỉ cần có cơ hội đọc bộ sách này, là có thể trở thành một người rất sành sỏi, hiểu biết khá sâu rộng về cuộc đời. Balzac sống một cuộc sống ngắn ngủi (có 51 năm) trên đời, nhưng không hiểu sao ông lại viết được nhiều, và để lại cho hậu thế một văn nghiệp vĩ đại đến như thế. Ngay lúc này nếu ta hỏi về Balzac thì trong 100 người Pháp, có tới 7, 8 chục người biết, trong lúc hỏi về Apollinaire (1880-1918), thì số người biết chỉ trên dưới 2 chục người. Sau khi giới thiệu, hai cuốn sách đã được một vài thành viên mượn xem một cách thích thú.
Sau khi giới thiệu hai cuốn sách của mình, Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng giới thiệu qua một cuốn sách cổ của Pháp về Nghệ Thuật ở Đông Dương được xuất bản hồi thế kỷ thứ 19 của thành viên Hoàng Minh mang lại.
CUỐN ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI
1914-1918
Trưa nay vì mải xem lại tập cuối cuốn phim Phi Luật Tân “Viết tiếp Yêu Thương” mà mình rất thích, người viết mãi tới 2 giờ trưa mới ngồi vào bàn ăn. Vừa húp được một thìa súp, thì có tiếng điện thoại reo. Thì ra là anh C., một người chuyên cung cấp sách cũ cho mình gọi, anh ta cho hay vừa mang về nhà một lô mấy chục cuốn sách Pháp, có cuốn trên có chữ ký và triện son của nhạc sĩ H.L., một nhạc sĩ nổi tiếng thời chế độ cũ, và anh nói dành ưu tiên cho mình xem nhưng cần phải đến ngay, vì anh có hẹn người khác tới xem lúc 4 giờ. Trung thành với nguyên tắc có Nàng Sách gọi là… dạ ngay, mình bỏ cả ăn trưa và mặc quần áo đi ngay. Buổi trưa, trời nóng như địa ngục, người viết đành phải bấm bụng đi taxi tới gần Củ Chi, nơi nhà anh bạn để xem sách. Tới nơi, quả đúng là sách ngày trước là của vị nhạc sĩ tài danh đó, ông hơn mình khoảng một giáp, thuộc lớp người biết tiếng Pháp và đã qua đời hồi năm tám mươi mấy, nhưng lô sách của ông không có gì đặc biệt, chỉ có vài cuốn về âm nhạc (không phải đề tài ưa thích của mình), vài cuốn về lịch sử, phần còn lại chỉ là những tiểu thuyết mà mình đều đã có. Tóm lại, trong gần 40 cuốn sách mình chỉ lựa được duy nhất có một cuốn là cuốn nói về Thế Chiến thứ Nhất (1914-1918) mà lúc trước thiên hạ gọi là Đại Thế Chiến (La Grande Guerre), mãi sau này mới gọi là Đệ Nhất Thế Chiến để phân biệt với Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).
Giá tiền mình phải trả chỉ có 150 đô Mít, thực đúng là rẻ mạt, nhưng thực ra chính vì sách viết bằng tiếng Pha lang sa nên lúc này ít ai… thèm đọc! Và cho dù mua được với giá rẻ mạt, nhưng cộng thêm mấy trăm đô Mít tiền taxi, thì cuốn sách bỗng hết rẻ, nếu không muốn nói là hơi măng mắc.
Sau khi đã kể về xuất xứ, giờ đây người viết xin được giới thiệu cuốn sách.
Mặc dù bị vất vả đi ngay giữa trưa nắng như thiêu và bị “hư tổn” nhiều tiền taxi, nhưng người viết rất thích, vì tác giả cuốn sách lại là Jean Galtier-Boissière (1891-1966) một tác giả danh tiếng mà người viết rất thích, nhất là vì ông là người đã để lại cho đời sau tờ báo (dầy như dạng nguyệt san bây giờ) Le Crapouillot, một thứ báo của chiến hào chiến lũy mà chủ trương là chỉ trích, châm biếm cực hay, và người viết hiện vẫn đang có trong tay một số đặc biệt của tờ báo này. Từ “Crapouillot” có nghĩa là một loại súng cối được dùng trong Đệ Nhất Thế Chiến, và tờ báo đó tự coi mình là một loại súng cối nã những lời chỉ trích, châm biếm riễu cợt vào các đối tượng của mình. Sau ngày ông qua đời, tờ báo vẫn tiếp tục ra cho tới số cuối cùng là số 126 của năm 1996. Tóm lại tờ báo tuyệt vời này đã sống được tổng cộng 81 năm, vì nó ra đời từ năm 1915, và đã tiếp tục sống thêm 30 năm sau cái chết của người đã sáng lập ra nó. Người viết rất thích tờ báo châm biếm này và cũng rất thích một bộ sách (3 tập) của tác giả nói trên là bộ “Hồi Ức của một người dân thành phố Ba Lê” (Mémoires d’un Parisien).
Cuốn sách người viết mua được hôm nay khổ 18x20 phân, gần như vuông, dày 594 trang với khoảng trên dưới 100 hình ảnh minh họa và bản đồ. Ngay trên bìa là hình vẽ chân dung bằng mầu của các tướng Joffre, Galliéni, Foch, và Thống Chế Pétain. Người mình, ngay cả thế hệ cha ông của người viết, chắc cũng chỉ biết nhiều về nhân vật Pétain, chứ chắc cũng chả biết gì nhiều về mấy nhân vật kia, ngoại trừ việc tên tướng Galliéni hồi trước được đặt làm tên đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Cuốn sách trông rất thích mắt và vuông vắn trông đẹp như một cái bánh chưng ngày Tết.
Vì xuất thân từ trường Thầy Dòng và được học chương trình Pháp từ bé, người viết cũng biết qua loa về Đệ Nhất Thế Chiến đại khái như: cách đây vừa đúng một thế kỷ, vào ngày 28-6-1914 Thái tử Áo-Hung, Đại Công Tước Fran ç ois Ferdinand bị Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia, bắn chết tại Sarajevo là nguyên nhân làm bùng nổ Đại Thế Chiến, và các nước tham chiến một phe gồm Anh, Pháp, Nga, Ý, rồi sau là Hoa Kỳ và Brasin, và phe kia gồm Đức, Thổ, Ottoman, Áo-Hung và Bulgaria. Và, trong cuộc chiến diễn ra từ tháng 8 năm 1914 tới tháng 4 năm 1918, nước chịu nhiều trận đánh và bị thiệt hại nhiều nhất là Pháp. Trận đánh đẫm máu nhất là trận tại sông La Somme năm 1916, trận đánh lớn nhất là trận đánh bất phân thắng bại giữa hai phe ở thành cổ Verdun, và tổng số thương vong là khoảng 20 triệu người vv…
Nay với cuốn sách này người viết chắn chắn sẽ được thưởng thức thật nhiều chi tiết hấp dẫn khác liên quan tới lịch sử, vâng chỉ tới lịch sử thôi, vì người viết chỉ thích khía cạnh lịch sử và vì, trong suốt 80 năm sống ở trên đời, từ bé, hắn đã chẳng thèm bao giờ ngó ngàng gì tới “cô Chị”, mà chỉ khoái có “chính Em”, và theo cách suy nghĩ hoàn toàn và rất cá nhân của héng, thì “Cô Em thơm phức” trong khi “Cô Chị hơi bị… ít thơm” Hi! Hi!...
Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn
|
Nhận xét
Đăng nhận xét