NGUYỆT SAN 88 - VỀ DƯỚI MÁI NHÀ

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 10/8/2013 
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên một vài cuốn sách mà ông mới tìm được hoặc mới có. Cuốn đầu tiên ông không giới thiệu mà chỉ cho mọi người xem là tập thơ song ngữ Việt – Anh mang tựa đề là “Tàu Xanh Lướt Giữa Biển Trời” gồm 140 bài thơ và một số bài tựa và phê bình của nhà thơ Vũ Đình Huy, hôm nay cũng hiện diện trong phiên họp. Tập thơ khổ 15x21cm, dày 288 trang và đóng bìa cứng, đã được Dịch giả Vũ Anh Tuấn dịch ra Anh Ngữ và được nhà xuất bản Văn Học in năm 2012.
Sau khi giới thiệu tập thơ cho các thành viên xem, Dịch giả Vũ Anh Tuấn tiếp tục giới thiệu một tập truyện ngắn mới ra lò của nhà văn nữ Đàm Lan, một cây bút thường xuyên có mặt trong Bản Tin hàng tháng của CLB Sách Xưa và Nay. Tập truyện mang tựa đề là “Niềm Thương Nhớ” dày 235 trang, gồm 15 truyện ngắn rất hấp dẫn do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in vào tháng 7 – 2013, tức là độ khoảng 1 tháng trước. Cuối cùng Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu một cuốn sách tương đối cổ bằng Pháp văn được in năm 1927 (86 năm trước) mang tựa đề là “Phố Pigalle” của nhà văn Pháp danh tiếng Françis Carco (1886-1958). Tác giả này vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, vừa là nhà soạn nhạc. Đồng thời ông cũng là Viện sĩ Viện Hàn Lâm Goncourt. Cuốn sách này là một dạng tiểu thuyết xã hội, rất tiếc là tuy có trong tay, nhưng Dịch giả Vũ Anh Tuấn chưa có thì giờ đọc, nhưng ông rất thích cuốn sách trên phương diện chơi sách, vì sách có một số phụ bản nguyên trang được in thạch bản màu (lithographiesen couleurs) của một họa sĩ minh họa nổi tiếng của Pháp tên là Vertès, ngoài ra cuốn sách còn được đánh số 159 trong số 200 bản được in trên giấy Archestóm lại cuốn sách hội đủ mọi điều kiện là một kỳ thư đối với những người chơi sách. Các cuốn sách trên đã được một số thành viên chuyền tay nhau xem rất thích thú.
Sau phần giới thiệu sách của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Lm. Triết cũng giới thiệu một cuốn cổ thư (loại độc bản) nặng 20 kí lô và được làm bằng chì, mà Lm. Triết đã cho phép các phóng viên đài Truyền hình VTC10, có mặt tại buổi họp, quay phimghi lại hình ảnh cuốn cổ thư độc đáo, cũng như hình ảnh buổi họp.
Tiếp theo phần giới thiệu cuốn sách bằng chì, anh VươngLiêm đã có một cuộc nói chuyện mini về “Nếp Sống của Người Lào”, nghĩa là về những ghi nhận của anh trong cuộc du ngoạn nước Lào mà anh vừa đi về.
Tiếp theo đó, anh Phạm Vũ đã có một cuộc nói chuyện ngắn về mối tình của nhà thơ Lưu Trọng Lư và nữ sinh Phùng Thị Cúc (tức là Điềm Phùng Thị sau này).
Tiếp lời anh Phạm Vũ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã đề nghị các thành viên chung sức tìm ra một tựa đề cho tập thơ của các thành viên CLB sắp được in ra.
Kế đó anh Lê Minh Chử đã lên hát tặng các thành viên một bài hát thơ theo phong cách độc đáo của anh.
Tiếp sau đó, anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên một bài ca bằng giọng ca rất ư là hùng dũng của anh.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 20 cùng ngày.
VŨ THƯ HỮU





VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN CỔ THƯ NHAN ĐỀ LÀ
“ CÁC LÁ THƯ ĐƯỢC CHỌN LỌC
CỦA BÀ DE SÉVIGNÉ
ĐƯỢC IN DƯỚI SỰ CHỈ ĐẠO
CỦA ÔNG M.A. RÉGNIER ”
Tựa bằng pháp văn của cuốn sách này là: “Madame DE SÉVIGNÉ - LETTRES CHOISIS publiées par M.A. RÉGNIER”.
Cuốn sách khổ 18x27cm, dày 516 trang, bìa cứng gáy da, và 3 cạnh đều mạ vàng, và vàng được mạ thật dầy nên, mặc dù sách được xuất bản năm 1881 (132 năm trước) bởi nhà xuất bản thời danh HACHETTE, các cạnh mạ vàng vẫn còn vàng chóe! Cuốn sách có 20 phụ bản nguyên trang gồm 8 bức chân dung các nhân vật được nhắc tới trong sách, 8 bức hình các đền đài, l bức hình các huy hiệu cổ, và 3 bức hình các bản thảo chữ viết tay.
Bà Hầu tước (Marquise) DE SÉVIGNÉ (1626-1696) tên thật là MARIE DE RABUTIN CHANTAL được coi là một nhân vật ham viết thơ và viết ra những lá thơ thật hay của Pháp (Épistolière française). Cuốn sách chứa đựng 241 bức thư trong đó một số nhỏ được gửi cho Bá tước Bussy Rabutin (1618-1693) là anh em họ và là người bà thường trao đổi thư từ, phần lớn còn lại là viết cho con gái của bà là Françoise-Marguerite de Sévigné, nữ Bá tước de Grignan.
Hồi thế kỷ thứ XVII việc viết thơ ở Pháp không phải hoàn toàn tự do như bây giờ, ai muốn viết gì thì viết, hồi đó viết thơ phải theo một số mẫu mực về độ dài, về cách nói, về lời kết vv… nhất là khi viết cho những nhân vật cao cấp thì lại phải cẩn trọng hơn nữa. Những bức thư (241 bức) trong cuốn sách này nói về đủ mọi đề tài, đủ mọi thứ chuyện mà bà trao đổi nhiều nhất với con gái mình. Có nguồn tài liệu cho biết trong 25 năm liền bà De Sévigné đã liên tục viết thơ trao đổi với con gái mình, mỗi tuần lễ hai hoặc ba lá thơ.
Người viết có đọc lướt qua một số thơ thì thấy là những lá thơ được viết một cách rất văn vẻ, đôi lúc lại có những vần thơ ở trong thơ, và thấy rằng nếu có thời giờ đọc thật kỹ thì sẽ rất có lợi cho việc làm tăng trưởng khả năng sử dụng tiếng Pháp của mình.
Cuộc đời của Nữ Hầu tước De Sévigné cũng khá li kì. Mới lên 1 tuổi bà đã mất cha vào năm 1627. Sáu năm sau, vào năm 1633 mẹ bà cũng qua đời luôn. Mồ côi, bà vẫn được sống một cuộc sống rất tốt đẹp với người ông, và sau khi người ông qua đời, bà sống với ông bác tên là Philippe de Coulanges.
Ngoài ra bà còn một ông bác khác là Tu viện trưởng Christophe de Coulanges, là người đã lo việc giáo dục rất kỹ càng cho bà, khiến bà rất giỏi tiếng Ý và khá giỏi tiếng La Tinh. Năm 1644, bà thành hôn với Hầu tước Henri de Sévigné (1623-1651) và thành góa phụ năm 25 tuổi (1651) khi người chồng qua đời sau một cuộc song đấu bằng kiếm. Là một góa phụ trẻ lại giỏi tiếng Ý, tiếng La Tinh, lại chỉ có 2 con, rồi lại có người để viết lách trao đổi, trò chuyện, đương nhiên là bà phải có nhiều điều để kể, để nói qua thư từ. Người viết tự nhủ sẽ dành thì giờ đọc kỹ những bức thư rất văn hoa của bà trong tương lai gần.
Cách đây 1 tuần, một buổi sáng chủ nhật, người viết bỗng nổi hứng làm một cuộc tuần tra mấy tiệm sách quen, mà cả năm nay, vì lười đi, người viết đã không ghé. Tại một tiệm sách cũ rất hoành tráng trong Cư Xá Bắc Hải, người viết đã có duyên may gặp được cuốn cổ thư quý giá này với giá chỉ gần 1 triệu đô Mít, vì lý do là lúc này sách bằng tiếng Phan Sa rất ư là… ít người đọc!
Dù sao, cũng phải có duyên với “Nàng” cổ thư này thì mới gặp được “Nàng” rồi còn có may là, cần cổ vẫn nguyên vẹn, không bị cứa tí nào…



Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn
GIẢI THƯỞNG
TÀI NĂNG LƯƠNG VĂN CAN 2013
THÙY DƯƠNG

Phát động từ tháng 3-2011, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, sau 2 năm hoạt động, lúc đầu chỉ giới hạn cho sinh viên của 21 trường Đại học trong Tp.HCM và một vài tỉnh lân cận, nay đã tiến triển tốt đẹp, và trở thành một sân chơi trí tuệ không chỉ cho sinh viên toàn quốc mà còn cho tất cả sinh viên trong và ngoài nước, không phân biệt ngành nghề.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo Doanh nhân Sài Gòn, đồng thời là Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn và Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, mục đích của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can là mong muốn đề cao đạo đức trong kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội đối với doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ, doanh nhân tương lai thì không ai khác, chính là những sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, về mặt cơ bản là tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội nắm bắt, trau giồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng kinh doanh và hướng tới những sáng kiến độc đáo để làm giàu cho đất nước.
Cụ Cử Lương Văn Can là một trong những người sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và Cụ đươc bầu làm Thục trưởng. Ngôi trường lúc đầu còn bé nhỏ cũng dược đặt ngay tại nhà riêng của Cụ, số 4 Hàng Đào, Hà-nội mà bên ngoài là cửa hàng buôn bán tơ lụa của Cụ Bà tức Bà Cử Can, một người đàn bà buôn bán giỏi giang từng cống hiến tài sản cho công cuộc cách mạng. Bên cạnh việc bí mật phát động phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, Cụ Lương còn là người đầu tiên phổ biến tư tưởng kinh doanh ở Việt Nam trong khi các nhà Nho thời ấy thường xem thường nghề buôn bán. Theo Cụ, nghề thương doanh chân chính, nếu có đường lối đúng đắn về lâu về dài có thể là một phương tiện để phát triển đất nước, tự lực tự cường dể một ngày nào đó có thể đánh đuổi quân xâm lược, giành lại tự do độc lập cho đất nước. Nhưng rồi chưa được bao lâu, thì một biến cố chính trị xảy ra ở Hà thành có liên quan đến toàn cảnh khiến cho Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, đồng thời một loạt các lãnh tụ cách mạng trong nước bị bắt giam cầm, tù đày biệt xứ… Riêng Cụ Lương Văn Can bi lãnh án 10 năm đi đày biệt xứ tại Nam Vang (Phnompênh). Và chính tại nơi này, những năm xế chiều tưởng chừng như vô vọng ấy, Cụ đã viết nên 2 cuốn sách quý “Kim Cổ Cách Ngôn” và “Thương Học Phương Châm” để dạy làm Kinh Doanh với những kiến thức sâu sắc đầy kinh nghiệm thực tế, vừa mang tính khoa học lại vừa mang nặng truyền thống đạo đức. Mà lạ thay, đã hơn ¾ thế kỷ trôi qua, ở thời đại văn minh, kinh tế phát triển này mà các nhà Kinh tế học, các Doanh nhân còn tìm thấy ở những cuốn sách dạy làm Kinh Doanh của một nhà Nho ở thời phong kiến xưa những kiến thức mà họ đang cần đem ra nghiên cứu học hỏi!
Một tin vui do CLB Doanh Nhân Sàigòn cho biết là mới đây họ đã cho xuất bản cuốn sách “Kim Cổ Cách Ngôn” của Lương Văn Can. Đây cũng là lần đầu tiên cuốn sách hay được ra mắt người Việt Nam ta sau gần một thế kỷ nằm dưới dạng bản thảo trong Thư Viện Trung Ương. Còn cuốn thứ hai “Thương Học Phương Châm” cũng sắp được in ra nay mai. Một tin vui cho các thí sinh Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can cũng như những người yêu thích Kinh Doanh.
Trở lại với cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013:
Với Hội đồng cố vấn, Hội đồng giám khảo là những tên tuổi nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, tài chính, ngoại giao,… vòng thi thứ 2 của Giải thưởng đã tuyển chọn được 431/3.733 sinh viên dự thi tại các trường đại học trên toàn quốc.
Sinh viên đoạt giải sẽ được nhận cúp, giấy chứng nhận và học bổng trị giá 10 triệu đồng, được tham gia Câu lạc bộ Tài năng Lương Văn Can để tiếp tục nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Hội đồng giám khảo cũng như có cơ hội thực tế tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, 4 trong tổng số 10 đề án có tính khả thi cao bảo vệ thành công lần 2 trước Hội đồng giám khảo sẽ được trao thưởng 50 triệu đồng cho giải đặc biệt; 30 triệu đồng cho giải nhất; 25 triệu đồng cho giải nhì và 20 triệu đồng/giải ba.
Được biết, nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, năm nay Ban tổ chức dự kiến trao Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can vào ngày 9/10.
Xin mời các bạn sinh viên cùng quý vị phụ huynh theo dõi và đón xem.
Và để các sinh viên và quý phụ huynh hiểu rõ hơn về con người Lương Văn Can: vì sao một nhà nho cách mạng thất bại trong đấu tranh sau ba phần tư thế kỷ ngủ yên, nay lại được thế hệ chắt chít đánh thức dậy để tôn vinh là bậc Thầy lớn của giới kinh doanh, xin mời quý vị xem lại bài viết “Khi Nhà Nho Cách Mạng viết sách dạy làm kinh doanh” đã đăng tại Bản tin CLB sách Xưa & Nay số 13 từ trang 28-37.
Các bài viết về cụ Lương Văn Can và gia đình có thể truy cập trên website: newvietart.com, tác giả Thùy Dương.
Thùy Dương


ĐÊM NHẠC VỀ DƯỚI MÁI NHÀ
DO HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TP.HCM TỔ CHỨC
DANH TƯỚNG PHẠM TU (476 – 545)
KHỞI ĐẦU TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC

“Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” – đó là lời nhận định về Danh tướng Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (NXB Văn Hóa, 1993). Ở đây là nói đến triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế -nhà Tiền Lý, cách nay đã trên 15 thế kỷ!
Bộ chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì có hai lần xuất hiện tên ông:
- Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 Sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép, trong văn cảnh như sau “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua Lý Nam Đế sai tướng Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”
- Lần thứ hai vào năm Giáp Tý (544 SCN) nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng dầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc – cha của Triệu Quang Phục và Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân. Từ điển Văn hóa Việt Nam và sách Thành hoàng Việt Nam (NXB VH-TT, 1997) đều khẳng định rằng: “Phạm Tu quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.
Lại như về niên điểm hy sinh của ông thì có lẽ xuất phát từ hai câu sau đây trong tập diễn cathế kỷ 18 Thiên Nam Ngữ lục: Vua cùng tướng quân Phạm Tu vào Khuất Liêu động thác hư lên trời. Những thông tin về sự ra đời (ngày 10-3 Bính Thìn, 476 SCN), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách, đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có Tòa Thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: cửa sông Tô Lịch, vào ngày 20-7 năm Ất Sửu (545 SCN). Phạm Tu là Thành hoàng xã Thanh Liệt, với tên gọi đầy đủ là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích”. Xã Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội từ xa xưa, là một xã văn hiến, địa linh nhân kiệt, có cả văn võ và thiền học.
Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, lịch sử của dòng họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, tưởng nhớ đến Đô Hồ Đại Vương PHẠM TU – vị anh hùng đã được Hội đồng Họ PHẠM VN chính thức và long trọng suy tôn là Thượng Thủy Tổ của Họ PHẠM VIỆT NAM.
ĐÊM NHẠC HỌ PHẠM “VỀ DƯỚI MÁI NHÀ” năm 2013 nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Họ Phạm tại Tp.HCM.
Đây là Đêm Nhạc lần thứ ba được tổ chức vào ngày 25-8-2013 (nhằm ngày 19-7 âm lịch) tại sân khấu Hoàn Vũ – Công viên Lê Thị Riêng, Quận 10. Đêm nhạc sẽ mang chủ đề "Về dưới mái nhà" đây là tên của bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Tiên (tức Phạm Xuân Tiên)
Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, là một nhạc sĩ lão làng có nhiều đóng góp to lớn cho nền tân nhạc Việt Nam 1954-1975.
Ông sinh ngày 28-1-1921 tại Hà Nội . Là em của nhạc sĩ Xuân Lôi .
- Năm 6 tuổi bắt đầu học nhạc với cha. Từng theo cha chu du sang Campuchia để sau này viết bài Hận Đồ Bàn nổi tiếng.
- Năm 1952 cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến 30/4/1975.
- Năm 1986 được bảo lãnh sang Úc và sống ở Sydney từ đó cho đến nay.
- Năm 2006, trung tâm Thúy Nga có mời ông và 2 nhạc sĩ Thanh Sơn Nguyễn Ánh 9 làm chương trình đại nhạc hội Paris By Night 83: Những Khúc Hát Ân Tình vinh danh những đóng góp có giá trị của 3 nhạc sĩ này vào nền tân nhạc Việt Nam.
Thành tựu âm nhạc :
· Sử dụng được nhiều loại nhạc l ý và nhạc cụ cổ truyền phương đông và phương tây. Đặc biệt chơi được tất cả nhạc cụ cổ truyền Việt Nam Thái Lan Lào Campuchia .
· Cùng anh là Xuân Lôi cải tiến sáo tre thành hai loại: 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Hiện loại sáo này đang được cất giữ tại bảo tàng Paris, Pháp .
· Chế tạo cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai, cách chơi tương tự đàn tranh.
· Cải tiến đàn bầu, trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Nhiều lần được đem đi tri ể n lãm ở Úc, thường được gọi là "đàn bầu Xuân Tiên".
· Được mời điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam (1944-1975) :
o 1944-1946: Hà Nội
o 1951-1952: Nam Định
o 1952-1 9 75: Sài Gòn (các đài phát thanh Pháp Á, Sài Gòn, Quê Hương, Mẹ Việt Nam)
· Sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như: Khúc hát ân tìnhVề dưới mái nhàHận Đồ BànChờ một kiếp mai...
Nhạc sĩ Xuân Tiên không sáng tác nhiều về tình ca đôi lứa, nhưng lại chủ ý viết cho nhiều đôi lứa, cho nhiều con người. Những con người trong nhạc của ông thường là những con người trẻ mà ‘tình yêu nước nung nấu’, đi bên nhau, thương yêu nhau, ngồ i cạnh nhau trong ánh lửa hồng bếp cũ: ‘ Đi lớp lớp đi lớp lớp người đi, theo tiếng gió đưa tiếng hát gần xa. Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay. .’
Những nhạc phẩm như thế thật rất qu ý hóa vì không có nhiều trong nhạc Việt Nam. Người ta có thể cùng nhau hát những ca khúc như vậy trong những buổi họp mặt chung với tâm hồn thật thoải mái. Những bản tình ca đôi lứa thì chúng ta không thiếu, nhiều vô cùng, nhưng lại không có chỗ đứng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng!
Thành công đặc biệt với những ca khúc đi tới hết sức tươi sáng như vậy, nhạc sĩ Xuân Tiên quả đã có vị trí của riêng ông trong nền âm nhạc miền Nam thời kỳ 54-75.
Nói như thế không có nghĩa là ông chỉ ‘chuyên trị’ về nhạc vui. Ông không đơn giản như vậy đâu. Những bài hát mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời, hay một quá khứ vàng son không trở lại như Xa Quê Hương, Chờ Một Kiếp Mai, Hận Đồ Bàn… đã được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng và cất cánh với những âm điệu, tiết tấu rất cân phương và hoàn chỉnh.
Ca khúc: Về dưới mái nhà
Người ơi, mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay
Cười lên chan chứa tươi làn môi, nhớ phút vui đêm nay
Về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi,
Tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đâỵ
Nhà ai trong... chiều nay, nửa đêm đốt hồng vai kề vai
Và nghe câu hát yêu đời ai, hát mãi sao không nguôi
Vì thương yêu đời nhau, Vì thương những chiều mưa về đâu,
Vì thương những người không tình yêu, Nên nhớ đi tìm nhau
Ơi, bếp hồng sưởi ấm bếp hồng tươi,
tiếng ca xa vời, hát mừng mừng lửa hồng tươi
Ơi, nỗi lòng chan chứa,
Hỡi người ơi biết sao cho vừa tình thương của bếp hồng soi.
Chiều nay mưa còn rơi, chiều nay bếp hồng đang còn say
Chiều nay vui sống trong tình yêu, nhớ phút vui không nguôi
Nào ai xa ngàn nơi, kìa bao mái nhà đang chờ ai
Kìa bao bếp hồng đang còn tươi, thương nhớ lên đầy vơi...
KẾT LUẬN:
Thế là đã trải qua 1468 mùa xuân kể từ ngày danh tướng PHẠM TU, người anh hùng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 6 của Nhà nước Vạn Xuân đã anh dũng ngã xuống bên cửa sông Tô lịch - Hà Nội, từ đó đến nay ngày 20 tháng 7 Âm lịch đã trở thành ngày thiêng liêng của những người Họ PHẠM trên mọi miền đất nước, bằng nhiều hình thức khác nhau, Lễ giỗ của Ngài được trân trọng tổ chức ở nhiều nơi để con cháu Họ PHẠM dâng lên Ngài những nén hương thơm và lòng thành kính tri ân Ngài Thượng Thủy Tổ.
Đêm nhạc “Về dưới Mái nhà” là một trong những hoạt động được Hội đồng Họ PHẠM Tp.HCM tổ chức trong dịp Lễ Hội Giỗ Ngài PHẠM TU năm nay.
Tất cả đều hướng đến một điểm chung là một lòng thành kính với Tổ Tiên trong quá khứ, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và tưởng nhớ đến những nhạc sĩ Họ PHẠM đã quá cố.
Khi nhắc đến âm nhạc Việt Nam chúng ta không thể không nhắc đến những nhạc sĩ tài hoa Họ PHẠM như: Nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhạc sĩ Xuân Tiên (Phạm Xuân Tiên), nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Khánh Băng (Phạm Văn Minh), nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn,… có người còn sống, có người đã ra đi mãi mãi, nhưng những nhạc sĩ Họ PHẠM đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam hàng ngàn ca khúc với các giai điệu lúc trầm hùng đầy hào khí để ca ngợi Non sông Tổ Quốc, ca ngợi những người Anh hùng của Dân tộc, lúc ngọt ngào, khi sâu lắng, in hằn trong đó là những trải nghiệm về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận con người.
Âm nhạc của những nhạc sĩ Họ PHẠM còn đưa ta về với những vùng quê yên ả thanh bình, gặp gỡ những bà mẹ quê qua những khúc dân ca ngọt ngào đậm đà tình quê hương dân tộc, và cả những giai điệu đầy nét thơ ngây dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Nhiều nhạc sĩ đã được những giải thưởng cao quý của Nhà nước và Quốc tế… Nhạc của các nhạc sĩ Họ PHẠM cũng là một phần kho báu của âm nhạc Việt Nam.
- Năm 2011, Đêm Nhạc Họ PHẠM với chủ đề “Mọi trái tim - Một Tấm lòng”
- Năm 2012 với chủ đề “Thương quá Việt Nam” (tên của ca khúc Thương quá Việt Nam của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ)
- Và năm nay 2013, Đêm Nhạc với chủ đề là “Về dưới mái nhà”, Hội Đồng Họ PHẠM Tp.HCM muốn tất cả mọi Đồng tộc Họ PHẠM sẽ đoàn kết, thương yêu nhau. Nghe bài hát “Về dưới mái nhà” ca ngợi tình yêu gia đình, quê hương, hướng người nghe – các Đồng tộc Họ PHẠM và Thân hữu, sẽ vươn tới những tình cảm trong sáng, tích cực , nhằm phấn đấu có một cuộc sống tươi vui, đầm ấm hơn, từ đó sẽ biết ơn Thượng Thủy Tổ PHẠM TU, nguyện phấn đấu noi gương Tiền nhân, làm rạng danh Dòng Họ PHẠM VIỆT NAM chúng ta. 
PHẠM VŨ
Hội đồng Họ Phạm – Quận Gò Vấp – Tp.HCM
(Tham khảo: Sách báo về Phạm Tu, Âm nhạc của Xuân Tiên trên Internet) 

Nhận xét