VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 12/4/2014
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mời ba vị khách mới lên nói vài lời vắn tắt tự giới thiệu mình với các thành viên, sau đó ông đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách bằng Pháp văn, một cuốn 102 tuổi (1912) và một cuốn 63 tuổi (1951). Cuốn 102 tuổi mang tựa đề là Những Con Châu Chấu (Les Sauterelles) của tác giả Émile Fabre. Đây là một vở kịch lịch sử 5 hồi mà nhiều năm trước, khi mua được, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã nhầm tưởng là mình mua được một vở kịch lịch sử nói về Giặc Châu Chấu là chuyện một cuộc nổi dậy hồi thế kỷ thứ 19 mà Lê Duy Cự làm Minh Chủ và Cao Bá Quát (1808-1855) làm Quốc Sư. Ai ngờ ông đã nhầm vì tác giả chỉ nhắc tới cuộc nổi dậy đó có một chút khi viết vở kịch 5 hồi này để chỉ trích bọn Tây thực dân, và vào năm 1911, vở kịch này được đăng trong tờ báo nổi tiếng của Pháp là tờ Báo Ảnh (L’Illustration), và được trình diễn có một lần duy nhất vào ngày 13 tháng 12 năm 1911 tại nhà hát Vaudeville ở Pháp. Và năm 1912 thì được in thành sách, nhưng hình như ngay sau đó liền bị cấm lưu hành. Tuy bị nhầm nhưng Dịch giả Vũ Anh Tuấn rất lấy làm thích thú khi ông khám phá ra 2 cái triện (lúc này đã mờ gần hoàn toàn) và chữ ký (vẫn còn rất rõ) của người chủ sách cũ là Cụ Trần Trọng Kim, vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam, sinh năm 1883 ở Hà Tĩnh và mất năm 1953 ở Đà Lạt, và ông kính trọng Cụ Kim không phải với tư cách Thủ Tướng mà là với tư cách một học giả danh tiếng, tác giả bộ Việt Nam Sử Lược, bộ Nho Giáo, và một cuốn Hồi Ký là cuốn Một Cơn Gió Bụi, và ông tin chắc như bắp là vài chục năm sau, sẽ chẳng còn ai nhắc tới chức vụ Cựu Thủ Tướng của Cụ, nhưng chắc chắn sẽ không ai quên Cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim tác giả Việt Nam Sử Lược và bộ Nho Giáo! Cuốn sách thứ hai Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu là một cuốn sách thuộc loại sách đẹp dành cho người chơi sách mang tựa đề là Tình Yêu: Thủ Phủ Paris (Amour: Chef-Lieu Paris), và là một tập thơ, không phải là của một nhà thơ, mà là của tác giả R. A. Guesdon là một Luật Sư Tòa Thượng Thẩm viết để ca tụng các danh lam thắng cảnh của Thủ Đô Pháp. Sách thuộc loại sách đẹp, được in trên giấy thật đẹp, và đặc biệt là được minh họa bởi một họa sĩ minh họa nổi tiếng tên là Touchagues và được Viện Sĩ Edouard Herriot của Hàn Lâm Viện Pháp giới thiệu. Sách có 12 phụ bản (planches) nguyên trang được in màu cực đẹp. Sau khi giới thiệu một vài thành viên đã mượn xem một cách thích thú. Sau khi giới thiệu hai cuốn cổ thư, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu tiếp cuốn sách thứ ba sắp được cho ra lò là tập thơ của các thành viên, với sự góp mặt của hai nhà thơ bạn của CLB là nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Lê Nguyên. Tập thơ dự tính sẽ được xuất bản trong vòng tối đa là 3 tháng nữa.
Sau phần giới thiệu sách, anh Phạm Vũ đã có một bài nóichuyện về tác giả Pháp danh tiếng Jules Verne và có giới thiệu vắn tắt tác phẩm thời danh Hai Mươi Ngàn Dậm Dưới Đáy Biển (Vingt mille lieues sous les mers).
Tiếp lời anh Phạm Vũ, anh Thanh Châu lên hát tặng các thành viên bằng giọng ca rất ư là hùng dũng của anh bài ca Lối Về Xóm Nhỏ.
Sau anh Thanh Châu, anh Hữu lên kể chuyện đi công tác ở Hàn Quốc và ngâm tặng các thành viên bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Tiếp lời anh Hữu, anh Chử lên hát thơ tặng các thành viên bài Hạnh Phúc Trăm Năm.
Sau anh Chử, anh Nhựt Thanh, một vị khách mời, lên nói chuyện về thể thơ Haiku của Nhật Bản, và đọc tặng các thành viên một số bài thơ Haiku biến thể theo các thể thơ lục bát, song thất lục bát, và thậm chí thể thơ tự do của chính anh sáng tác.
Sau khi anh Nhựt Thanh nói xong, anh Thanh Châu lại lên ca tặng các thành viên thêm bài Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao vẫn với giọng ca hùng dũng mặc định của anh.
Cuối cùng nhà thơ nữ Minh Hưng ngâm tặng các thành viên bài thơ Hương Đời, và cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.
Vũ Thư Hữu
KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT
CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Quý độc giả thân mến,
8 năm là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không phải là ngắn đối với Câu lạc bộ Sách Xưa Và Nay, vì để duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng kéo dài 8 năm trời có nghĩa là 96 lần họp, cung cấp 96 bản tin (lưu hành nội bộ), không phải nhóm nào, CLB nào cũng dễ dàng thực hiện được. Sau 8 năm bươn chải, bản tin số 96 này ra mắt bạn đọc như một kỷ niệm, một cột mốc thời gian để có dịp nhìn lại quãng đường đã qua và lấy đà cho hành trình sắp tới. Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay xin thành thật thưa với quý độc giả về những cái được và những cái chưa được:
1. Những cái được: Trong thư ngỏ gửi Bạn Yêu Sách (Bản tin số 1, trang 1) có đoạn: "Đã từ lâu những người yêu sách sưu tầm sách chúng ta đều mong muốn có một nơi để chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi mọi thông tin về sách, đặc biệt là sách cổ, sách quý hiếm. Việc ra đời CLB Sách Xưa & Nay chính là để đáp ứng nguyện vọng thiết tha đó. Bên cạnh sự ra đời của CLB, việc cho lưu hành một bản tin chuyên đề về sách và sưu tầm sách cũng hết sức là cần thiết. Đây là nơi mọi người có thể đóng góp những kiến thức của mình về sách và cũng là nguồn cung cấp thông tin bổ ích cho mọi người…".
Nơi gặp gỡ thì đã có địa chỉ 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM – một địa chỉ rất quen thuộc với các thành viên, một không gian mở thoáng đãng và thân thiện.
Bản tin thì đã có mặt liên tục từ số 1 tới số 96. Không một lần "lỡ hẹn" mặc dù phải khắc phục muôn vàn khó khăn về bài viết, đề tài, về nhân sự thực hiện dàn trang, in ấn, phát hành và kể cả ngân quỹ nữa. Đại đa số thành viên đều thuộc lớp "cổ lai hy", một số anh chị em "U-60, U-50" thì lại tất bật lo toan cuộc sống, không thể dành nhiều thời gian cho Câu lạc bộ được. Vậy mà bản tin có thể nói là "linh hồn CLB" vẫn "đúng hẹn là lên" với nội dung được nhiều bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước ưa thích.
Cái được thứ hai là hai phòng đọc sách dành cho đại chúng đã được mở ra mà chủ nhân là những thành viên của CLB Sách Xưa Và Nay :
- Phòng đọc sách tại tư gia ông Phạm Thế Cường (quận Gò Vấp) với trên 20.000 đầu sách.
- Phòng đọc sách tại Nhà thờ Tân Sa Châu (quận Tân Bình) với 4.000 đầu sách.
Cái được thứ ba là các thành viên nói chung đã sưu tầm được những cuốn sách cổ, xưa, cũ và hiếm. Bằng chứng là trong những kỳ thi "Những Cuốn Sách Vàng", nhiều giải thưởng đã "bay" về với các hội viên CLB.
Cái được thứ tư là một số thành viên CLB đã tích cực tham gia những cuộc trưng bày sách báo xưa và những tác phẩm dịch thuật cả ngoài Bắc lẫn trong Nam.
Cái được thứ năm là gần đây đa số thành viên đã đóng góp những bài thơ "nghề tay trái" của mình như một món quà lưu niệm. Tập thơ có nhan đề "Mây Bạc" đang chờ giấy phép xuất bản.
Cái được cuối cùng là trong vòng 8 năm nay các thành viên CLB Sách Xưa và Nay đã tới thăm viếng được mộ phần và nhà lưu niệm các danh nhân văn hóa như các cụ Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh, Lưu Trọng Lư, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Bính… và sẽ còn tiếp tục viếng thăm các nơi khác khi có điều kiện.
2. Những cái chưa được:
Điều 5 của bản Điều lệ CLB có ghi:
- Xây dựng 1 website riêng của CLB, nhưng cho tới nay do thiếu nhân sự và một vài điều kiện khách quan khác nên chưa thực hiện được, chỉ nhờ website riêng "Sách và Tranh" của ông Vũ Anh Tuấn – Chủ nhiệm CLB.
- Các dịch vụ CLB mời gọi mọi người đặt hàng như: sửa morat, toát yếu tác phẩm, đấu giá, tư vấn thư viện, cung cấp bản sao… cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được "đơn đặt hàng" nào.
***
Trên đây là mấy điểm "được" và "chưa được" của CLB Sách Xưa & Nay, chúng tôi ước mong có nhiều sáng kiến đóng góp để "cái được" càng tăng và cái "chưa được" càng giảm.
Tân Sa Châu, ngày 02 tháng 05 năm 2014
Lm. Jos. Nguyễn Hữu Triết
Cố Vấn CLB Sách Xưa và Nay
Các thành viên CLB tại Hội thi sách Tp. HCM lần thứ V - 2008
CUỐN CỔ THƯ
156 NĂM TUỔI VÀ TÔI
Cuốn cổ thư này được xuất bản năm 1858 và mang tựa đề là Hội Truyền Giáo ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ (Mission de la Cochinchine et du Tonkin), và tôi đã có được nó là vì một anh bạn đã mang nó từ Pháp về, và nhường lại cho tôi. Cuốn này khổ 14x22cm và dày 412 trang. Cầm cuốn cổ thư trong tay, tôi mơ màng nghĩ đến cơ duyên đã khiến nó đến với tôi, vì thật vậy, nếu không phải là do một cơ duyên, thì làm sao tôi lại có thể gặp được nó khi nó ra đời 156 năm trước, khi tôi chưa tới với cuộc đời này và còn mang tên là Hư văn Vô (Nothingness)… Nó được in năm 1858 và đương nhiên là đã phải được đem tặng hoặc đem bày bán 156 năm trước, và trong khoảng thời gian đó nó chắc đã phải qua tay một, hoặc nhiều người đã mua nó, đã cầm nó trên tay, đã giữ nó, và những người chủ trước của nó là những ai thì chỉ có Trời biết Đất biết. Điều duy nhất tôi biết chắc là ngay giờ phút này tôi đang đích thực là chủ nhân của nó, và nó đã may mắn lọt vào tay một người chủ tốt, biết chăm sóc, yêu thương nó, và nhất là biết sử dụng nó để cho nó một cuộc sống có ý nghĩa. Với tôi, sử dụng nó có nghĩa là tìm hiểu về nó và giới thiệu nó với những nhà nghiên cứu là đồng bào của tôi. Quả thật tôi phải tìm hiểu vì ngoài tựa đề ra, cuốn này chẳng đề tên tác giả là ai cả. Qua tìm hiểu tôi được biết là các tác giả đều là các Linh Mục Dòng Tên (Compagnie de Jésus) và trong năm người thì người mình chỉ biết một người là Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), còn mấy người khác như F. de Montézon, Ed. Estève, Joseph Tissanier, Metello Saccano… thì hầu như người mình chưa ai biết về họ. Trong 5 tác giả này chỉ có tác giả F. de Montézon là thuộc thế kỷ thứ 19 còn bốn người còn lại đều sống ở thế kỷ thứ 17. Cuốn sách này khi mới được in ra trên 150 mươi năm trước đã được bày bán tại 25 tiệm sách tại 25 tỉnh rải rác trên đất Pháp. Tôi đọc lướt qua và thấy nó quá hay và là cả một kho tài liệu về sử học nên, mặc dù mấy bữa nay trời nóng bức quá tôi cũng cố mà ngồi viết bài giới thiệu sơ lược này.
Cuốn sách dày 412 trang này được chia thành 4 phần và phần thứ 5 là phần Kết luận.
Phần I – Từ trang 1-64 là phần kể về các hoạt động của Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ của linh mục Đắc Lộ và được chia thành 9 chương:
Chương 1 – Kể việc linh mục Đắc Lộ bị đưa đi lưu đầy vào năm 1630 – việc các linh mục thừa sai khác tới Bắc Kỳ – và hoàn cảnh Hội Truyền Giáo vào lúc đó.
Chương 2 – Kể việc một tín đồ bị tử vì đạo – Kể về khá nhiều tân tín đồ theo đạo.
Chương 3 – Kể về cách ứng xử tiền hậu bất nhất của nhà vua với các linh mục thừa sai – và những thí dụ minh chứng đức tin nơi một số tân tín đồ.
Chương 4 – Kể về một chuyện cấm đạo do những người ngoại đạo chủ xướng lại trở thành có lợi cho các tân tin đồ.
Chương 5 – Nói về tình trạng truyền giáo ở Bắc Kỳ vào năm 1640 và về cái chết của các linh mục thừa sai Joseph Maur. Antoine Barbosa và của một vài tân tín đồ.
Chương 6 – Nói về các thầy giảng giáo lý ở Bắc Kỳ.
Chương 7 – Nói về những cuộc cấm đạo mới.
Chương 8 – Nói về việc Bề Trên che chở các tân tín đồ và về lòng trung trinh và hăng say của các linh mục thừa sai đối mặt với mọi gian khổ.
Chương 9 – Hoàn cảnh của Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Kỳ vào năm 1647.
Phần II – Từ trang 65-204 là phần tường thuật của linh mục Dòng Tên Joseph Tissanier nói về chuyến đi từ Pháp của ông sang Bắc Kỳ và những ngày ông ở Bắc Kỳ trong những năm 1654-1658. Linh mục Dòng Tên này mô tả xứ Bắc Kỳ và những sự kiện truyền giáo nổi bật trong những năm 1658, 1659 và 1660. Trong phần này linh mục Tissanier nói về tất cả những gì ông gặp, ông thấy trong thời gian ông ở Bắc Kỳ, và ông kể về những chuyện như các quan chức ở Bắc Kỳ, các ông sư ở Bắc Kỳ, một số phong tục của dân Bắc Kỳ, và về việc các linh mục Dòng Tên bị đuổi ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Linh mục này cũng mô tả khá cặn kẽ các chuyện cấm đạo ở Bắc Kỳ trong những năm 1663-1665.
Phần III – Từ trang 205 tới trang 244 được chia làm 5 chương:
Chương 1 – Nói về những biến cố chính yếu từ cái chết của Lm. Busomi năm 1639 cho tới vụ cấm đạo rất lớn ở Nam Kỳ vào năm 1663.
Chương 2 – Nói về việc cấm đạo bắt nguồn từ triều đình của nhà vua.
Chương 3 – Nói về việc cấm đạo ở vùng Cham.
Chương 4 – Nói về việc cấm đạo ở Fai Fo năm 1665 và việc sáu tín đồ tử vì đạo.
Chương 5 – Nói về hoàn cảnh các linh mục thừa sai trong thời gian cấm đạo.
Phần IV – Từ trang 245 tới trang 336 nói về các Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ và nói về những linh mục Dòng Tên cuối cùng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ trong những năm 1750 tới 1787.
Phần Kết luận – Từ trang 337 tới trang chót mô tả các hoạt động truyền giáo từ các năm 1774 tới 1857.
Nhìn chung cuốn sách 156 năm tuổi này cũng là một nguồn tài liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu sử học của chúng ta…
Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn
Báo An ninh Thế Giới Xuân Đinh Hợi 2007, bìa 3: Sách bé nhất – Đó là cuốn sách mô phỏng tập kinh Koran được coi là bé nhất bởi chiều dài của nó chỉ có 26mm và chiều rộng là 16mm.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét