Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách một cũ và một mới. Cuốn
sách cũ bằng Pháp văn mang tựa đề là “Ở Viễn Đông” (En Extrême-Orient) được xuất bản năm 1913 (101 năm trước), của một tu sĩ tên là Nain. Ông này viết về những cảm tưởng và những kỷ niệm của ông qua một chuyến đi thoạt đầu từ Marseille tới Singapore quaPort Said, Djibouti và Colombo; rồi từ Singapore ông tới bán đảo Malacca (Mã Lai) và sau đó là tới Nam Kỳ (Cochinchine) mà ông dành cho 61 trang trong tổng số 238 trang của sách. Một điều đặc biệt là cuốn sách có bài giới thiệu ở đầu sách được viết bởi Đức Giám Mục Saigon Lucien Mossard. Người viết có được cuốn sách này là do anh bạn Trung Thương Gia mang từ Pháp về. Lúc đầu anh đòi người viết tới 250 đô mẽo, nhưng sau khi nghe người viết điều trần cặn kẽ là sách bằng tiếng Pha lang sa lúc này cực kỳ khó tiêu thụ, anh đã chấp nhận để lại cho người viết với giá chỉ còn vỏn vẹn 100 đô mẽo, và người viết đã mua vì nghĩ rằng không phải lúc nào cũng có sẵn những cuốn sách đã cả trăm tuổi. Tác giả đã có những cảm tưởng rất tốt và thân thiện với Nam Kỳ và trong 61 trang sách ông có kèm theo 14 phụ bản vẽ bằng bút sắt rất đẹp. Riêng người viết đánh giá rất cao bài viết giới thiệu của Đức Giám Mục Mossard, vì nó chứng tỏ Ngài đã đọc rất kỹ tác phẩm và phân tích rất ư là văn học.
Cuốn thứ hai bẳng Việt văn mang tựa đề là “Những Con Ngựa Thồ” của tác giả Hoàng Thúy Toàn, trước là Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, và là một cuốn sách về chuyên đề dịch thuật ở nước ta. Sách do tác giả gửi từ Hà Nội vào tặng cho Dịch giả Vũ Anh Tuấn và bên trong có nhắc tới tới một vài tác phẩm mà ông đã dịch như Thời Gian và Biển Khơi (Time and the Sea), Ngọa Vân Yên Tử (Poetic Clouds of Yên Tử), Trinh Thiêng (Virginal and Sacred) vân… vân… Trong khi giới thiệu cuốn sách cổ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mời các thành viên xem những minh họa 100 tuổi bằng bút sắt thật đẹp.
Sau phần giới thiệu sách của Dich giả Vũ Anh Tuấn, anh Lê Hùng Dương đã cho các thành viên xem một bản photocopy một cuốn sách rất hiếm mà một người bạn của anh ở Pháp gửi về cho anh, đó là một cuốn sách phóng tác của Lâm Nhân mang tựa đề là Trận Giặc Trẻ Con mà tác giả cho biết là phóng tác theo tác phẩm “La Guerre des Gosses”, nhưng trên thực tế thì chưa ai nghe thấy nói về tác phẩm có tên như thế này mà mọi người chỉ biết là có tác phẩm “La Guerre des Boutons” rất nổi tiếng của một thầy giáo làng (instituteur) tên là Louis Pergaud (1882-1915) mà thôi.
Tiếp lời anh Dương, anh Phạm Vũ có lên đưa ra một vài nhận xét về từ Cochinchine, và sau đó có nói chuyện về Viện Trần Nhân Tông vừa được thành lập tại Đại HọcHarvard ở Mỹ.
Sau khi anh Phạm Vũ nói xong, anh Hữu có lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Em Về rất đễ thương.
Tiếp theo đó anh Lê Nguyên có lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ anh đã viết 15 năm trước và vừa hát vừa đàn tặng các thành viên bài hát “Lẵng Hoa Em Trao” bẳng giọng ca rất mùi mẫn của anh.
Anh Lê Nguyên ca xong, anh Lê Minh Chử lên nói về công đức của cụ Nguyễn Du và hát thơ tặng các thành viên mấy chục câu “Đố Kiều” rất hấp dẫn và mới lạ.
Tiếp lời anh Chử, bà Thùy Dương có lên nói mấy chuyện vui về việc các dịch giả ngoại quốc bày đặt dịch Việt ra Anh và dịch sai, ví dụ hai chữ “thiếu thời” được dịch thành “lack time”, hoặc “khôn ngăn được giọt lệ” được dịch thành “wisdom blocks emotion”…
Buổi họp khá hào hứng kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.
Vũ Thư Hữu
CUỐN “THỔ PHỈ VÀ PHIẾN LOẠN Ở BẮC KỲ”
(PIRATESET REBELLES AU TONKIN)
Binh sĩ của chúng ta ở Yên-Thế
(Nos soldats au Yên-Thế)
Cuốn này tôi có được cũng là do ông bạn trung thương gia mang từ Pháp về, thoạt đầu ông ta cũng đòi giá trên trời dưới biển, nên tôi đã để ông chào khắp nơi, và đúng như tôi dự đoán, sau khi không thấy ai dám ôm, ông trở lại và để cho tôi có 100 đô mẽo. Tôi tuy không thích lắm vì sách chỉ có vài minh họa và vài tấm bản đồ tổng cộng có 11 thứ, nhưng tôi vẫn mua vì dù sao thì cũng là một “cụ sách” 122 tuổi (1892), và hai triệu đô mít thì lúc này cũng chẳng ghê gớm gì, ai cũng có thể có, nhưng một cuốn sách 122 năm tuổi thì không phải lúc nào cũng có được.
Có cuốn sách trong tay, tôi dành ngay cho nó 3 giờ đồng hồ để du hành qua sách và thấy nó cũng không dở và là cả một kho tài liệu cho những nhà nghiên cứu lịch sử nghiên cứu cuộc khởi nghĩa của Đề Thám. Tác giả là một Đại Tá Pháp tên là Frey(*). Vì là một quân nhân và sĩ quan cao cấp, ông ta viết một cách rất là nhà binh và mô tả rất chi tiết địa hình, địa thế vùng Yên Thế và nghĩa quân của Đề Thám, và vì lý do này, sách rất tốt cho những ai nghiên cứu về cuộc nổi dậy của Đề Thám. Vài chục năm trước tôi cũng đã có lần đọc mấy cuốn sách về cuộc đời ly kỳ hấp dẫn của Đề Thám – Hoàng Hoa Thám (1862-1913) và còn nhớ mãi mấy câu thơ trường phái Thiên Cữu dưới đây:
Ở đây là đất ông Đề,
Tây lên thì có, Tây về thì không.
Thăm ông chỉ có câu này:
Thề cùng giặc Pháp có mày không tao.
Cuốn sách này khổ 12x18 và dày 351 trang, chủ yếu là nói về cuộc chiến giữa Galliéni và Đề Thám và gồm 1 phần Dẫn nhập và 4 chương như dưới đây:
Chương 1.- Nói về Yên Thế từ trang 1 tới trang 38
Chương 2.- Nói về Thổ Phỉ ở Bắc Kỳ từ trang 39 tới trang 106
Chương 3.- Nói về các chiến dịch ở Yên Thế trong những
năm 1890 và 1891 từ trang 107 tới trang 290
Chương 4.- Kết luận từ trang 291 tới trang 304
Ngoài ra còn có 3 phần Phụ trương:
Phần 1.- Nói về chi tiết cuộc hành quân ngày 6 tháng 1, 1890 chống lại các toán quân của Cao Thương và Lược Hà từ trang 305 tới trang 315
Phần 2.- Nói về các chi tiết về ba đạo quân và những chỉ thị đặc biệt của Đại Tá chỉ huy trưởng từ trang 316 tới trang 320
Phần 3.- Nói về diễn tiến các cuộc hành quân từ trang 321 tới trang 350.
Cuốn sách này chỉ có duy nhất một yếu điểm là không có nhiều minh họa như phần lớn các sách về Đông Dương khác, tuy nhiên nó vẫn cung cấp rất nhiều tài liệu cho những ai quan tâm nghiên cứu về cuộc đời cực kỳ ly kỳ và ba chìm bẩy nổi, nhưng cũng cực kỳ hùng tráng và ái quốc của Hùm Thiêng Yên Thế cho tới năm 1913 khi ông bị ba tên ba tàu ám sát chết…
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn
(*) FREY (Henri-Nicolas) sinh năm 1847, có sang Bắc Kỳ và có tham gia những trận đánh ở Yên Thế hồi năm 1890, năm 1893 được thăng Thiếu Tướng và năm 1900 được thăng Trung Tướng. Đã viết tất cả 7 cuốn sách về Việt Nam.
KỶ NIỆM 119 NĂM NGÀY SINH
Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
(1895-1983)
Sáng ngày 22/2/2014 tại Á Nam Lưu niệm đường, số 58/4 đường số 27, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 119 năm ngày sinh và 31 năm ngày mất của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải do con gái của Cụ Á Nam, nhà thơ Lan Hinh, tổ chức.
Ngay từ 8g30 giờ sáng đã đông đủ mọi người tới dự, họ là những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, là giáo viên, học sinh… và đủ mọi lứa tuổi. Ngồi phía trước là nhà văn Vũ Hạnh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà văn Trần Mạnh Hảo còn kia là nhà nghiên cứu văn học Ths. Lê Hồng Sơn, Ths. Phan Mạnh Hùng còn đây nhà báo Thu Dịu, nhà sưu tầm, dịch giả Vũ Anh Tuấn và thầy cô giáo cùng học sinh trường Ngô Chí Quốc… tất cả hơn 100 người mến mộ Chí sĩ Á Nam đã đến để chia sẻ tình cảm đối với ông, một nhà thơ có tấm lòng yêu nước nhiệt thành và có nhiều bài thơ đi vào di sản của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Đến 9g các vị khách theo sự hướng dẫn của nhà thơ Lan Hinh lần lượt dâng hương tại bàn thờ Cụ Á Nam trong nhà lưu niệm. Sau đó mọi người tập trung nơi láng lá dừa giữa khu lưu niệm để tiến hành buổi tọa đàm và giao lưu.
Nhà thơ Lan Hinh, con gái Á Nam khai mạc buổi lễ
Sau phần giới thiệu thân thế sự nghiệp của Á Nam, các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa đã chia sẻ những tình cảm, những cảm nhận, những suy nghĩ của mình về sự nghiệp thơ ca của Á Nam bằng những tình cảm trân trọng nhưng đầm ấm. Mọi người đều nhận định thơ của ông luôn nói về tình yêu quê hương đất nước, thổn thức trước cảnh nước mất gia đình lìa tan. Bên cạnh đó thơ ông cũng ca ngợi tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm, lòng thủy chung, tình nhân ái... đó là nếp sống, là truyền thống đạo đức của dân tộc. Đặc biệt nhiều người nói thơ của Á Nam đã đi vào kho tàng văn vần dân gian trở thành phong dao đặc sắc, như:
Rủ nhau xuống bể tìm cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi, chua ngọt đã từng!
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
hay:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!
Chương trình ngâm thơ và hát các bài thơ của ông như “Gánh nước đêm, Tiễn chân anh Khóa, Mong anh Khóa, Tráng sĩ hành…” được xen kẽ trong chương trình làm không khí thêm vui vẻ và chân tình.
Gần cuối chương trình là phần trao giải thưởng Á nam Trần Tuấn Khải cho học sinh trường THCS Ngô Chí Quốc. Sau đó chương trình ca hát ngâm thơ các thi phẩm của Á nam còn tiếp tục đến hơn 12g.
Mọi người luyến tiếc ra về và hẹn nhau gặp lại vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.
Nhận lời mời của nhà thơ Lan Hinh, ông Phạm Thế Cường và ông Phạm Vũ thay mặt CLB đến dự và cuối buổi lễ đã xin phép gia đình vào năm 2015 CLB Nguyễn Huy Tưởng sẽ tổ chức tọa đàm và giới thiệu sự nghiệp văn học và cuộc đời hoạt động xã hội không mệt mỏi của Chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải và đã được sự ủng hộ của bà Lan Hinh, con gái của Cụ Á Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét