NGUYỆT SAN_97


VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 10/5/2014
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 tân thư mà ông vừa có: một cuốn bằng tiếng Việt và một cuốn bằng tiếng Pháp. Cuốn tiếng Việt là một tập truyện ngắn của nhà văn nữ Nguyễn Thị Mây ở Trà Vinh, mới trao đổi sách tặng với ông. Đây là một tập truyện ngắn gồm 15 truyện, được viết một cách rất bình thường, nhưng không thiếu điều li kì, lý thú, sâu sắc, mà lại được viếtbằng một văn phong dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Tuyệt đối không thấy bóng dáng một ẩn dụ, hiện dụ, hậu hiện đại, hậu ma dại nào khiến Dịch giả Vũ Anh Tuấn thích lắm. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 2012, và thật là một điều kỳ diệu, sách được in bằng một kích cỡ xinh đẹp, nhẹ nhàng, và bằng thứ giấy sẽ tồn tại với thời gian, thay vì bằng một kích cỡ to đùng, khi đọc phải để lên bàn, trừ phi người đọc muốn tập thể dục tay, và đương nhiên là nếu to đùng như vậy thì giá tiền cũng phải bự theo, và chỉ có thể được mua bởi các phú gia mang về… trưng chứ ít khi đọc! Ngoài ra nếu được in bằng loại giấy láng thì sách, chỉ cần hơi bị ẩm là đã đoàn kết lại thành một cục để… về Hư Vô Chữ Nghĩa, Em Đi cái một! Tóm lại tập truyện ngắn rất đẹp (in đẹp) rất dễ thương (do vóc dáng và giá tiền hợp với đại chúng). Cuốn sách thứ hai là một cuốn sách bằng Pháp văn mang tựa đề là “Truyện về Tâm Lý và Tình Dục của các Ông Lớn Thời Hiện Đại” (Psychologie et Sexualité des Grands Contemporains). Các nhân vật lớn, mà các truyện về Tâm Lý và Tình Dục của họ được nói tới trong sách gồm những nhân vật từ Nã Phá Luân (Napoléon) tới Mao Trạch Đông, Kennedy vv… Cuốn sách khổ 18x24 phân, dày 384 trang, có rất nhiều hình ảnh minh họa, cho người đọc cơ hội được biết mặt tất cả các nhân vật lớn đó và “nửa kia”(*) của họ. Đồng thời sách cũng cho người đọc biết rất nhiều chuyện li kì, rối rắm liên quan tới hai lãnh vực kể trên về họ mà, bình thường ta thường gọi là những chuyện “thâm cung bí sử” không phải ai cũng được biết.
Xin đơn cử một trích đoạn siêu ngắn nhưng khá hấp dẩn:
“Nhà độc tài người Ý Mussolini bảo người phụ tá của mình: Tuy tôi vẫn còn là lãnh tụ một nước Cộng Hòa có 36 triệu dân, mà tôi không làm cách nào ngăn được hai Mẫu Hậu (vợ là Rachelle và người tình là Clara Petacci) của tôi xung đột với nhau! Làm ơn ở đây để khi thấy họ to tiếng và làm dữ thì tìm cách ngăn họ lại!”
Với khoảng 30 hình ảnh minh họa và hàng ngàn chi tiết lý thú, cuốn sách quả là một tác phẩm rất hấp dẫn, mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn chỉ phải chi ra có 100 đô mít, thực rất may vì nó được viết bằng tiếng Tây nên ít còn ai … thèm đọc! Sau khi được giới thiệu hai cuốn sách được một vài thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.
Sau khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn nói xong, Bs Nguyễn Lân-Đính đã lên nói chuyện về việc ông tham dự một cuộc Họp và Nói Chuyện về Ẩm Thực do Ts Nguyễn Nhã mời.
Tiếp lời BS Đính, bà Tâm Nguyện, từ Phan Thiết về dự họp đã lên cải chính một vài điểm sai trong bài viết kỳ trước trong Bản Tin và đọc tặng các thành viên bài thơ “Tượng Đài” rất hay, vì đề cập tới chuyện giới trẻ không muốn các ông bà già (cha mẹ mình đi thêm bước nữa, vì tài sản có thể bị phân chia thêm).
Sau bà Tâm Nguyện, anh Hữu lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Hương Mắm Đồng Quê” và thổ lộ mối tình của anh với nhà thơ Xuân Vân, một thành viên của CLB vừa qua đời ba ngày trước.
Anh Hữu nói xong, anh Chử lên hát thơ tặng các thành viên bài “Trường Sa thân yêu”.
Tiếp lời anh Chử, anh Nhựt Thanh, một khách mời mới đến với CLB Sách Xưa & Nay lần thứ nhì đã lên trình bày một bài “Nghiên Cứu và So Sánh giữa Ba Tôn Giáo lớn ở Việt Nam là Nho, Lão và Khổng giáo”.
Sau khi anh Nhựt Thanh nói xong, anh Dương Leh đã lên kể về việc những tấm bảng bằng tiếng Anh được viết bằng thứ tiếng Anh Diệt Mỹ, ví dụ như mấy từ “Võ Thuật” được viết là “Material Arts” thay vì “Martial Arts”. Anh Dương thấy viết quá sai sợ Mẽo nó cười thì cũng rất có lý, tuy nhiên chuyện này ngay lúc này đã thành “chuyện thường ngày ở Huyện”, nên cũng đừng thèm quan trọng hóa nó!
Cuối cùng Dịch giả Vũ Anh Tuấn có nói qua về tập thơ Mây Bạc của các thành viên, và Lm. Triết đã thông báo với các thành viên là tập Thơ đã được cấp giấy phép xuất bản và sẽ ra đời trong cùng lắm là 1, 2 tháng tới.
Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. 
VŨ THƯ HỮU
(*) Khi đọc cuốn sách này và được chiêm ngưỡng chân dung các “nửa kia” của các nhân vật trong sách, người viết bỗng cảm thấy khoái lâng lâng vì, sau khi biết mặt tất cả các người đẹp của các nhân vật to đùng đó, hắn bỗng “ngộ” ra rằng các mẫu hậu của cá nhân hắn hơi bị… đẹp hơn họ rất nhiều!

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN
“KÝ ỨC CỦA MỘT NGƯỜI BUÔN TRANH”
(SOUVENIRS D’UN MARCHAND DE TABLEAUX)
của AMBROISE VOLLARD
Đây là một cuốn sách mới được xuất bản năm 1957, tức là mới được 57 tuổi đời, nhưng đích thực là một quý thư, vì tác giả Ambroise Vollard, dù chỉ là một người buôn tranh, nhưng đã thực sự làm được nhiều việc quan trọng, đáng nể trọng trong lãnh vực Nghệ Thuật. Và, như là một tưởng thưởng thật xứng đáng của người đời sau, tên ông đã được đưa vào tự điển Larousse (và có thể vào vài tự điển Hội Họa khác, nhưng người viết không biết rõ), và sẽ ở lại mãi trong tự điển Larousse, chứ không như ở ta, hồi năm 1960, ta cũng có một nữ nghệ sĩ được đưa vào tự điển Larousse, nhưng rồi vài năm sau lại bị mời ra, thực đáng nản!
Cuốn sách quý này dày 292 trang, được in dưới dạng hình chữ nhật, chiều cao là 20 phân và chiều dài là 24 phân, và được in 7000 bản có đánh số từ 1 tới 7000. Bản người viết có mang số 2019. Quý thư này có khoảng 120 tranh minh họa các loại, rất đẹp, và nó đã đến với người viết nhờ một cơ duyên như sau: một buổi sáng đẹp trời 44 năm trước, một Mẫu Hậu ngoại của người viết, làm thư ký ở Sứ Quán Pháp (lúc đó là Sứ Quán chứ không phải là Tổng Lãnh Sự như bây giờ), tình cờ lại chơi và bắt gặp ở thư phòng của người viết một tập 20 cuốn sách Hồng của Pháp được đóng chung, Nàng thích quá và đòi mua lại. Người viết từ chối không bán và đề nghị tặng không cho người đẹp. Thế là Nàng hớn hở cầm về, và chỉ 5 giờ sau, vào lúc 6 giờ chiều Nàng trở lại với cuốn Souvenirs d’un marchand de tableaux này, và nói “Đổi chứ không xin”, và đương nhiên là người viết hoan hỉ nhận lời, và nhận sách xong cả hai đi ăn (đương nhiên là hắn mời) và ăn xong là cùng đi ciné ở rạp Eden.
Cuốn sách gồm – Một lời nói đầu – 17 chương – và một Lời Kết. Người viết xin lược thuật vắn tắt nội dung các chương như sau:
Chương I.- Tác giả kể về gia thế của mình, thoạt tiên ông muốn làm Y sĩ trong Hải Quân, nhưng số mệnh đã khiến ông theo học ngành Luật. Ông đặt tên chương I này là “Từ đảo La Réunion tới trường Đại Học Luật ở Montpellier.
Chương II.- Nói về việc tác giả tới Pháp và những cảm tưởng sơ khởi và việc ông học Luật ở Montpellier.
Chương III.- Tác giả nói về đời sống ở Paris, về việc ông đi tới các Phòng Bán Đấu Giá, gặp gỡ các họa sĩ, các người buôn tranh, các nhà sưu tầm…
Chương IV.- Tác giả nói về những ngày chập chũng bước vào nghề buôn tranh, nói về “Hiệp Hội Nghệ Sĩ”, người khách hàng đầu tiên của ông, và về việc ông có được một người “đặt hàng” để phục vụ.
Chương V.- Tác giả mô tả Khu Montmartre vào năm 1890, một Khu Montmartre vui và đầy tính nghệ sĩ. Quán Con Mèo Đen, ca sĩ Aristide Bruant, họa sĩ Lautrec, quán Cà Phê Thành Athènes Mới (Nouvelle Athènes), các danh họa Renoir và Degas...
Chương VI.- Tác giả nói về Phố Lafitte, về việc ông tới viếng nhà phu nhân họa sĩ Manet, về việc ông triển lãm tranh của Cézanne và Van Gogh lúc đó chưa nổi tiếng gì lắm, và về quan hệ của ông với các đồng nghiệp…
Chương VII.- Tác giả nói về những bữa ăn ở quán La Cave danh tiếng, về nhà thơ Apollinaire và tác giả Jarry, về những Huy Chương về ngành Giáo Dục mà ông nhận được…
Chương VIII.- Tác giả dành chương này để nói về các người chơi tranh tài tử và các nhà sưu tầm tranh như quý ông Isaac de Camondo, ông Vua thành Milan, ông Denys Cochin vv…
Chương IX.- Tác giả nói về những cảm xúc của ông khi chiêm ngưỡng bức tranh khỏa thân nhan đề là Olympia của Manet (*) ở Điện Louvre, và kể về cuộc gặp gỡ giữa họa sĩ Toché với Manet ở Venise; ông cũng mô tả Manet làm việc như thế nào, và quan hệ của Manet với Hội Họa Ý...
Chương X.- Tác giả nói về De Meissonier và họa phái Lập Thể, về những chuyến thăm viếng các họa sĩ Gervex, Henry de Groux, Claude Monet, Pissaro, Sisley, Guillaumin, Signac, Luce, và Gauguin, toàn các họa sĩ sau này thành muôn thuở! Tác giả cũng nói về nhiều chuyện khác như: về cảm nghĩ đầu tiên của ông khi lần đầu tiên ông trông thấy một bức tranh của Degas và Mary Cassatt, về chuyến viếng thăm Cézanne ở Aix, về làm sao mà ông quen với Renoir ở Esssoyes và cả chục họa sĩ khác, về họa phái “Nabis” về các nhà điêu khắc Maillol, Rodin, và Georges Rouault, về họa sĩ “Nhà Đoan” (Douanier) Rousseau, về Picasso và họa phái Lập Thể, và về những chân dung của ông do các họa sĩ nói trên vẽ.
Chương XI.- Tác giả dành chương này để nói về một số nhân vật văn học, chính trị mà ông có quan hệ như: Mallarmé, Émile Zola, Teodor de Wyzewa, Marcel Sambat, Le Sâr Péladan, Mirbeau, Bộ trưởng Denys Cachin, Arthur Meyer vv…
Chương XII.- Tác giả dành chương này để nói về công việc in ấn và viết lách của ông với các ấn phẩm in trên giấy, trên sứ, trên đồng… và về những tác phẩm ông đã viết.
Chương XIII.- Tác giả nói về Chiến tranh và thời Hậu Chiến. Việc phòng thủ Thủ Đô Paris, và về Hội Họa được vinh danh.
Chương XIV.- Tác giả dành nguyên chương này để kể về những chuyến đi của mình tới các nơi như: Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Alsace, Hòa Lan, Luân Đôn, La Mã, Nữu Ước, Lisbonne.
Chương XV.- Tác giả nói về Giải Thưởng cho các Họa sĩ, các họa sĩ quan niệm làm sao về Văn Chương, Văn Học…
Chương XVI.- Tác giả kể về việc ông thành địa chủ ở miền quê, về Fontainebleau và Le Tremblay-sur-Mauldre.
Chương XVII.- Tác giả dành chương này để nói về một nhân vật tên là Eugène Lautier mà ông đánh giá là một dị nhân
Và cuối cùng là Phần Kết Luận.
Khi có cuốn sách trong tay, người viết thoạt nghĩ “sao chỉ là một người buôn tranh mà lại được đưa vào tự điển Larousse nổi tiếng của Pháp, nhưng sau khi đọc kỹ lại cuốn sách và thưởng thức tất cả những điểm tuyệt vời của cuốn quý thư này, người viết mới thấy là nhà Larousse không hề sai khi đưa Ambroise Vollard vào tự điển vì ông quá giỏi, và có quá nhiều tác phẩm để đời.
Ambroise Vollard sinh tại Saint-Denis ở Đảo La Réunion năm 1868 và qua đời ở Paris năm 1939, và quý bạn thử nghĩ xem trong có 71 năm ở trên đời, một cuộc đời không thọ gì cho lắm, mà ông làm được quá nhiều điều tốt. Quý bạn thử nghĩ xem trong các năm 1895, 1896, 1897, 1898, 1899, năm năm liền và năm 1913, mỗi năm ông cho ra đời một an bom thủ ấn họa của các họa sĩ lúc này được coi là những danh họa. Những an bom này bây giờ nếu tìm được giá phải cả trăm triệu đô mít, nếu là cuốn năm 1913 của Picasso thì dám là bạc tỷ lắm! Ngoài ra ông còn in ra trong 23 năm từ 1900 tới năm ông qua đời là 1939 hai mươi ba tác phẩm văn học và hội họa nữa và cuốn nào cũng đẹp đễ sợ. Ôi, một người như vậy được vào tự điển, được muôn thuở là quá đúng rồi!
Agnès thân yêu ơi, hôm nay cầm cuốn sách ra để viết bài này, anh muốn cảm ơn Em thêm một lần nữa, cũng như anh đã từng cảm ơn Em vào một buổi chiều thật đẹp 44 năm trước…
Trích Hồi ký 60 Năm Chơi Sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn
(*) Viết tới đây, tôi giật mình đến thót một cái khi nghĩ tới “Đường lên đỉnh Olympia (ảo) của người mình” 





Đọc Thơ tại buổi ra mắt Sách_Đêm Hoa Lửa_Ảnh Hà Mạnh Đoàn

Minh-Hưng và Đàm Lan trong vườn nhà Đàm Lan
- Cây mít tố nữ sai trái Tháng 4/2013.

Nhận xét